Sự kiện - chuyên đề:

100 năm – nhớ về một nhân cách

VHDN: Ngày 16/5 vừa qua tại Nhà hát Hòa Bình (TP. HCM) đã diễn ra đêm tưởng niệm 100 năm ngày sinh của Nhà giáo Lê Mộng Đào – Cố Chủ tịch danh dự HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (05/5/1919 – 05/5/2019). Đây là dịp để gia đình, họ hàng và CBCNV tưởng nhớ, bày tỏ lòng trân trọng biết ơn ông, một người đã dành trọn cuộc đời mình cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, hết lòng phụng sự xã hội, người đặt nền móng cho Văn hóa Doanh nghiệp đầy tính nhân văn của Hòa Bình.

Dưới các đời vua Khải Định và Bảo Đại trong triều đình Huế có một hàn lâm viện học sĩ, chức vụ Biên Tu tên là Lê Viết Mưu. Ông có dáng mạo tao nhã, học thức uyên bác. Ông thường được nhà vua mời dự các buổi tiếp khách nước ngoài. Ông cùng người vợ của mình là bà Trần Thị Ngô đã hạ sinh được 7 người con gồm 5 trai và 2 gái.Ông Lê Viết Mưu là đời thứ 6 của dòng họ Lê Viết di cư từ Thanh Hóa vào Nam, nhưng không biết vì sao đến đời các con mình, ông lại đặt tên đệm là Lê Mộng? Phải chăng chữ Mộng nói lên mơ ước, khát khao sâu kín của đời ông, một trí sĩ yêu nước trong cảnh nước mất nhà tan của lịch sử Việt Nam lúc bấy giờ? Mộng ước đó đâu dễ chia sẻ cùng ai trong hoàn cảnh đất nước bị đô hộ.

Bảy người con lần lượt có tên là Tùng, Đào, Huệ, Vân, Hoàng, Nguyên, Quán có lẽ là di chúc ngắn gọn và sâu sắc nhất của ông muốn truyền lại mãi mãi cho con cháu mai sau: Hãy sống như một bậc đại trượng phu tựa cây TÙNG. Hãy trân quý cái đẹp vì nó rất mong manh như hoa ĐÀO. Hãy giữ mình trong sạch, thanh khiết như hoa HUỆ. Và dù có VÂN du phiêu bồng nơi đâu cũng hãy nhớ mình còn có một quê hương. Ông mong muốn tất cả các con của mình dù có đi bốn phương trời đều phải trở về quê cha đất tổ góp phần dựng xây đất nước: HOÀN NGUYÊN QUÁN.

Một góc nhìn khác, còn thấy tầm tư duy và lòng yêu nước của ông Lê Viết Mưu thể hiện rõ qua sự định hướng cho các con mình đi vào những lĩnh vực làm nền tảng cho việc kiến tạo một quốc gia hùng cường và phát triển toàn diện. Ông Lê Mộng Tùng và ông Lê Mộng Đào đi vào lĩnh vực giáo dục thông qua hệ thống trường Bồ Đề của Phật giáo: Hai ông một người là Hiệu trưởng một người là Hiệu phó.Ông bà Lê Viết Mưu đã bán hết ruộng vườn đầu tư cho ba người con Lê Mộng Hoàng, Lê Mộng Nguyên và Lê Mộng Quán sang Pháp du học và cả ba ông đều thành tài. Ông Lê Mộng Hoàng là NSƯT, nhà đạo diễn nhiều bộ phim nổi tiếng như: Bụi Đời, Chiều Tím, Gánh Hàng Hoa. Có phim đạt giải Bông sen Bạc như: “Ngọn lửa thành đồng”. Ông Lê Mộng Nguyên là giáo sư tiến sĩ kinh tế – chính trị, Viện sĩ Viện Hàn lâm Khoa học Hải ngoại Pháp. Ông đã viết nhiều sách về kinh tế – chính trị xuất bản bằng tiếng Pháp và sáng tác nhiều bài hát, trong đó  có ca khúc nổi tiếng “Trăng mờ bên suối”. Ông Lê Mộng Quán tốt nghiệp tiến sĩ y khoa và đã làm Giám đốc một bệnh viện tại Pháp.

Trong số những người con ấy còn có một nhân cách đáng kính, một tấm gương cống hiến, hy sinh cho đời, cho Phật pháp đáng để hậu thế noi theo mà chúng ta cần nhắc đến nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của ông. Người đó chính là Nhà giáo Lê Mộng Đào, Pháp danh Tâm Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường Tư thục Bồ Đề – Huế, Nguyên Chủ tịch Danh dự Hội đồng Quản trị Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình.

Ông sinh ra tại làng Phú Xuân, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Thiếu thời ông học Trường Chaigneau, Trường An Cựu và Trường Quốc học Huế. Ông đỗ Tú tài, thông thạo và là thầy dạy tiếng Pháp. Đến năm 1942, ông kết hôn cùng bà Trần Thị Tuyết và sau đó hạ sinh được 13 người con, còn lại 11 người. Đến nay, ông bà đã có 76 người con, cháu, chắt và dâu rể.

Trước giải phóng, ông là thành viên sáng lập Niệm Phật đường Phú Lâu (Khuôn Tịnh độ Phú Lâu) thuộc Tỉnh hội Việt Nam Phật học Thừa Thiên – Huế. Đến năm 1952, Cư sĩ Lê Mộng Đào được cử làm Hiệu trưởng Trường Trung học Tư thục Bồ Đề – Huế cho đến năm 1967. Ông là cư sĩ duy nhất giữ chức vụ Hiệu trưởng Trường Bồ Đề – một trường thuộc Giáo Hội Phật giáo Việt Nam.

Ông đã sát cánh với Thượng tọa Thích Trí Quang trong suốt thời kỳ tranh đấu của Phật giáo tại Huế. Trong chức vụ hiệu trưởng, ông không chỉ phát triển Trường Bồ Đề Huế từ một dãy nhà tranh thành một ngôi trường đồ sộ hai tầng đúc bê tông cốt thép mà còn phát triển thêm một chi nhánh Trường Bồ Đề Đệ Nhị cấp (nay gọi là Trường Trung học cấp 3) bên Hữu ngạn sông Hương. Ông cũng giúp Giáo hội mở rộng mô hình Trường Tư thục Bồ Đề ở nhiều tỉnh thành khác trong miền Nam. Với tính khiêm nhường, chưa bao giờ ông nói về công trạng của mình nhưng rõ ràng thành công của ông trong việc giúp Giáo hội mở rộng ảnh hưởng của Văn hoá Phật giáo qua việc nhanh chóng phát triển hệ thống trường học là một trong những nguyên nhân khiến chế độ Ngô Đình Diệm đưa ra chính sách kỳ thị tôn giáo.

Năm 1963, trong thời kỳ đấu tranh chống kỳ thị tôn giáo, ông Lê Mộng Đào đã bị bắt giam tù, bà Trần Thị Tuyết đã phải trải qua một thời kỳ gian khó nhất khi một mình gồng gánh nuôi 11 đứa con còn thơ dại. Ông đã được thả vào ngày 01/11/1963.Năm 1964, ông đã được bầu vào Hội đồng Nhân dân thị xã Huế và được cử giữ chức vụ Chủ tịch. Với chức vụ này ông đã làm được nhiều việc cho Huế, trong đó có việc chỉ đạo lập dự án và đích thân vận động Bộ Công chánh cho xây Cầu Phú Xuân.Năm 1967, ông vẫn tiếp tục đứng về phía Giáo hội Phật giáo Việt Nam đấu tranh cho nhân quyền và đã bị chế độ cũ cách chức Hiệu trưởng Trường Bồ Đề Huế. Trong hoàn cảnh đó, mặc dù tình quê hương rất sâu nặng, ông bà đã có một quyết định dũng cảm là đưa cả gia đình vào Nam sinh sống. Nơi đất khách quê người, với một số vốn ít ỏi nhờ sự giúp đỡ hết lòng của Hoà thượng Thích Trí Quang và bà con bạn bè thân hữu, ông bà đã bươn chải, tảo tần sinh sống bằng nghề làm bánh, mứt và sản xuất hộp quà tết để lo cho con ăn học thành tài.

Người con trai thứ hai Lê Viết Hào sau khi đỗ ưu hạng Tú tài 2 đã trở thành một trong ba sinh viên xuất sắc nhất được Chính phủ Nhật cấp học bổng và đã tốt nghiệp thạc sĩ ngành điện tử tại Nhật. Ông Lê Viết Hào là người sáng lập và là Chủ tịch Công ty CIC (Content Interface Corporation) nổi tiếng với phần mềm lưu trữ và truy xuất hình ảnh tốc độ cao theo trực quan. Con trai thứ ba Lê Viết Hải là người sáng lập, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, một tập đoàn xây dựng hàng đầu Việt Nam. Cháu đích tôn Lê Viết Minh (Con ông Lê Viết Hưng) tốt nghiệp tiến sĩ ở Úc và nay là giáo sư tin học tại Đại học Monash Melbourne Australia. Ông Lê Viết Hà, con trai út, cũng có một người con trai xuất sắc tên Lê Nguyễn Thuận An (ANLE Photographer) là một nghệ sĩ nhiếp ảnh danh tiếng tại New York, Hoa kỳ.

Ông bà Lê Mộng Đào còn có nhiều người con, cháu thành đạt trong nhiều lĩnh vực khác. Tuy trong bộn bề khó khăn thiếu thốn, nhưng ông bà luôn trải lòng, san sẻ vật chất và tinh thần với bà con, bạn hữu và những mảnh đời bất hạnh, khốn khó quanh mình. Ông bà sống theo giáo lý nhà Phật và thường hằng dạy bảo cháu con: mình là gia đình Phật tử, các con đều phải hiểu sâu sắc và sống theo triết lý Phật giáo, đừng bao giờ được phép quên luật nhân quả. Bất cứ lúc nào có dịp ông bà đều nhắc các con cần nhớ rằng “gieo nhân nào gặt quả ấy” và khắc sâu trong tâm khảm chân lý: luật nhân quả tích luỹ nhiều đời nhiều kiếp. Dạy con cái trong suy nghĩ, trong việc làm luôn hướng đến chân, thiện, mỹ. Biết làm lành tránh ác, biết lánh xa cái xấu, gần cái tốt. Ông luôn nhắc con cháu nhớ câu tục ngữ thật giản đơn mà đầy giá trị “Gần mực thì đen, gần đèn thì sáng”.

Ông có đầy lòng nhân ái, sống trọng nghĩa khinh tài, trọng danh dự hơn tiền bạc. Ông luôn dạy các con: “Giấy rách phải giữ lấy lề”. Biết thương người và luôn sẵn sàng san sẻ bằng những câu ca dao thật êm ái và thâm thuý: “Thương người như thể thương thân” hoặc “Bầu ơi thương lấy bí cùng/Tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn” hay “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ”. Lấy sự cho đi làm niềm hạnh phúc của chính mình. Biết diệt tham, sân, si và hành y theo hạnh bồ tát: Rộng lượng – Bao dung, Từ bi – hỷ xả!

Lòng nhân ái của ông không chỉ trong lời dạy mà cả trong việc làm hàng ngày khi ông và cả gia đình trong khó khăn thiếu thốn vẫn sẵn lòng giúp đỡ bà con, giúp đỡ những mảnh đời bất hạnh. Tuy đã già yếu, ông vẫn luôn tích cực trong các hoạt động công tác xã hội, cộng đồng.

Ông đã có nhiều đóng góp tích cực cho việc chấn hưng Phật giáo bao gồm hỗ trợ trùng tu xây dựng chùa chiền, xây dựng học viện, ấn tống kinh sách, tài trợ học bổng cho tăng ni sinh. Riêng đối với CB-CNV Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình, ông đã làm trọn vẹn vai người cha, người ông gương mẫu cho hậu thế noi theo. Ông đã để lại những lời dạy thật giản dị mà quý giá biết bao:

Thành công không tự mãn, thất bại chớ nản lòng.

Khiêm tốn học hỏi và không ngừng nỗ lực phấn đấu vươn lên.

Luôn giữ vững đạo đức, lương tâm nghề nghiệp.

Đối nhân xử thế bằng lẽ công bằng, lòng bác ái.

Hết lòng vì lợi ích của cộng đồng, cống hiến thật nhiều cho sự phát triển chung của đất nước.Ông đã một đời tâm nguyện vì cộng đồng, đóng góp các quỹ từ thiện và giáo dục con cháu sống chan hòa, nhân ái, vì đồng bào, vì nhân loại, vì sự sống của muôn loài. Tấm gương ngời sáng của cả cuộc đời ông có thể nói là tài sản vô giá của chúng ta. Từ những gì ông để lại, các con cháu đã có một lối sống thuận hòa theo đạo lý nhà Phật, Hòa Bình đã tỏa sáng với một Văn hóa Doanh nghiệp đầy tính nhân văn.

Lê Bùi

08:40:40 10-06-2019

VHDN: Ngày 16/5 vừa qua tại Nhà hát Hòa Bình (TP. HCM) đã diễn ra đêm tưởng niệm 100 năm ngày sinh của Nhà giáo Lê Mộng Đào – Cố Chủ tịch danh dự HĐQT Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (05/5/1919 – 05/5/2019). Đây là dịp để gia đình, họ hàng và CBCNV tưởng […]

Đối tác của chúng tôi