Sự kiện - chuyên đề:

Bạc Liêu: Đẩy mạnh liên kết phát triển sản xuất

VHDN: Có thể nói, với quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng và diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, liên kết trong phát triển sản xuất đã trở thành vấn đề và xu thế phát triển chung của nhiều Quốc gia, nhất là các nước có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp.

Nhu cầu tất yếu

Khẳng định điều này để thấy rằng, với nền kinh tế mũi nhọn là sản xuất nông nghiệp và được xác định là “trụ cột” của nền kinh tế thì liên kết phát triển trong sản xuất nông nghiệp không chỉ là nhu cầu tất yếu, mà còn giải pháp quan trọng cho phát triển bền vững.

Thực tiễn này đã được chứng minh trong sản xuất, đặc biệt là trong đợt dịch COVID-19 năm qua gần như nông dân của tỉnh Bạc Liêu đều bị động và bị thiệt hại nặng nề khi không tham gia vào các mô hình liên kết hợp tác và hợp tác xã. Đó là sự bị động về khâu thu hoạch, không có thương lái bao tiêu, không có doanh nghiệp hỗ trợ cung cấp đầu vào và phải nhờ nhà nước “giải cứu” cho hạt lúa mà vụ lúa Hè Thu năm 2021 là một minh chứng cụ thể nhất.

Phản ánh thực trạng này để thấy rằng, việc doanh nghiệp liên kết sản xuất với nông dân mà tiên phong là các hợp tác xã đầu đàn là quan trọng nhất. Năm 2021, trong điều kiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, nhưng nhờ Tỉnh ủy, UBND tỉnh tập trung lãnh đạo, chỉ đạo công tác phát triển sản xuất nên diện tích gieo trồng lúa của tỉnh Bạc Liêu thực hiện trên 191.000ha, đạt 101,09% kế hoạch, tăng 1,84% so cùng kỳ. Qua đó, cho tổng sản lượng thu hoạch trên 1,2 triệu tấn, đạt 105,83% kế hoạch, tăng 4,37% so cùng kỳ.

“Sát cánh” cùng nông dân

Để tạo nên thành công ấy và góp phần vào sự tăng trưởng kinh tế chung của tỉnh Bạc Liêu phải ghi nhận, tuyên dương các doanh nghiệp, hợp tác xã đã thật sự đồng hành cùng nông dân. Điển hình là Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Cường, huyện Hòa Bình năm qua đã “sát cánh” và chia khó cùng nông dân. Trong điều kiện dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, sản xuất của người nông dân gặp nhiều khó khăn, nhiều nơi nông dân đã không còn vốn đầu tư cho phát triển sản xuất, phải “vay nóng” từ bên ngoài và khâu tiêu thụ lúa bị phụ thuộc hoàn toàn vào thương lái. Trước thực trạng đó, Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Cường đã chủ động vận động, tuyên truyền và liên kết sản xuất với nông dân thông qua mô hình liên kết chuỗi sản xuất. Theo đó, Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Cường nhận hỗ trợ đầu vào bằng hình thức cung cấp vật tư nông nghiệp, lúa giống chất lượng cao cho nông dân với giá thấp hơn thị trường khoảng 20%. Từ đó, giúp nông dân chủ động về sản xuất và tránh được nạn “vay nóng”, hoặc bị triệt buộc bán hàng kém chất lượng do mua thiếu không trả tiền mặt từ các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp. Cũng như, tránh được những khoản lãi phát sinh từ việc việc mua nợ vật tư.

Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Cường giúp nông dân Bạc Liêu thu hoạch và tiêu thụ lúa gạo

Không chỉ thế, Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Cường còn tổ chức bao tiêu lúa gạo cho nông dân theo giá thị trường và cộng thêm 200 đồng/kg lúa, nhằm khuyến khích nông dân sản xuất lúa thơm, gạo sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Hiện, Hợp tác xã này đã mở rộng diện tích bao tiêu lúa gạo trên 7.000ha và tham gia giải quyết việc làm, mang lại thu nhập cho gần 4.000 hộ thành viên. Diện tích bao tiêu gắn với mô hình sản xuất lúa chất lượng cao sẽ tiếp tục được Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Cường mở rộng và hứa hẹn có thêm hàng ngàn lao động được giải quyết việc làm, thu nhập. Chính thành tích này, Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Cường đã được Tỉnh ủy, UBND tỉnh Bạc Liêu nhiều năm tuyên dương là hợp tác xã tiêu biểu, hợp tác xã điển hình và được chọn làm hợp tác xã “đầu đàn” cho phát triển mô hình kinh tế hợp tác -hợp tác xã. Đồng thời, chọn làm mô hình để nhân rộng trong việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của BCH Trung ương Đảng (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể. Cũng như, xây dựng và phát triển, nhân mô hình “lúa thơm, tôm sạch” cho tỉnh Bạc Liêu.

Từ một hợp tác xã điển hình của tỉnh cho thấy, các ngành, địa phương cần quan tâm đến phát triển kinh tế hợp tác và hợp tác xã theo đúng chỉ đạo của Tỉnh ủy và UBND tỉnh. Đồng thời, tiếp tục ban hành nhiều chính sách hỗ trợ hơn nữa, nhất là các sách ưu đãi về tín dụng, mặt bằng sản xuất, xây dựng kho, bãi tập kết hàng hóa… nhằm giúp các doanh nghiệp nói chung và các hợp tác xã nói riêng nâng cao năng lực cạnh tranh, đẩy mạnh hơn nữa liên kết sản xuất với nông dân và khai thác, phát huy tốt các tiềm năng, lợi thế vốn có khi con tôm, cây lúa là hai mặt hàng chủ lực quyết định đến tăng trưởng kinh tế của tỉnh.

Ông Trịnh Văn Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc Hợp tác xã nông nghiệp Vĩnh Cường

“Một trong những bài học kinh nghiệm được rút ra trong liên kết và phát triển kinh tế hợp tác-hợp tác xã chính là phải có cái tâm với người nông dân và đề cao chữ tín. Hợp tác xã phải biết chia sẻ khó khăn với người nông dân, phải xem lợi ích của người nông dân là yếu tố hàng đầu cho phát triển bền vững. Khi mình tin và yêu thương họ thì nông dân sẽ gắn bó và liên kết chặt chẽ với mình. HTX Vĩnh Cường luôn nêu cao khẩu hiệu “3 T”, đó là: có cái tâm, giữ chữ tín và có tầm nhìn chiến lược trong phát triển bền vững”

Lư Dũng

15:16:48 18-01-2022

VHDN: Có thể nói, với quá trình hội nhập kinh tế sâu rộng và diễn ra mạnh mẽ như hiện nay, liên kết trong phát triển sản xuất đã trở thành vấn đề và xu thế phát triển chung của nhiều Quốc gia, nhất là các nước có thế mạnh về sản xuất nông nghiệp. […]

Đối tác của chúng tôi