Sự kiện - chuyên đề:

Bạc Liêu: Nhân rộng và phát triển nông nghiệp hữu cơ

VHDN: Để nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh cho hàng nông, thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 885 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) giai đoạn 2020-2030. Tích cực thực hiện Đề án này, Bạc Liêu bước đầu đã xây dựng được những mô hình sản xuất hiệu quả gắn với bảo vệ môi trường sản xuất và phát triển bền vững.

Ông Trịnh Văn Cường, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX nông nghiệp Vĩnh Cường giới thiệu sản phẩm gạo sạch cung cấp cho thị trường xuất khẩu

XU THẾ TẤT YẾU

Phải khẳng định rằng, phát triển NNHC là xu thế tất yếu của hội nhập và phát triển kinh tế toàn cầu. Đối với tỉnh Bạc Liêu, việc định hướng, thúc đẩy phát triển NNHC được quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo và xem đây là nhiệm vụ trọng tâm.

Tuy nhiên, có một thực tế phải thừa nhận rằng, đến nay Bạc Liêu vẫn chưa có quy trình sản xuất hữu cơ cụ thể để khuyến khích, nhân rộng cho nông dân, mà chủ yếu chỉ là những hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng hữu cơ, hoặc sản xuất sản phẩm an toàn.

Bên cạnh đó, kết cấu hạ tầng về thủy lợi, điện, giao thông chưa được đầu tư đồng bộ, chưa đáp ứng yêu cầu cho sản xuất NNHC. Đặc biệt là đến nay vẫn quy có Quy hoạch tổng thể về phát triển NNHC để làm cơ sở định hướng, cụ thể hóa các vùng chuyên canh và giúp các địa phương xây dựng kế hoạch cho phát triển NNHC.

Do vậy, Ngành Nông nghiệp Bạc Liêu đã tập trung chỉ đạo, hướng dẫn nông dân sản xuất theo hướng an toàn, hữu cơ, nhằm hạn chế nông dân sử dụng các loại kháng sinh, hóa chất, chất kích thích tăng trưởng, các loại phân bón vô cơ, các loại thuốc có nguồn gốc từ thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) độc hại chuyển sang sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường…

Như đối với cây lúa, Ngành nông nghiệp vận động nông dân sử dụng các giống lúa cấp xác nhận có chất lượng gạo tốt, năng suất cao để canh tác. Đồng thời, áp dụng Chương trình “3 giảm, 3 tăng”, 1 phải 5 giảm, Chương trình quản lý dịch hại tổng hợp (IPM) và sử dụng nguồn phân bón hữu cơ, sử dụng các chế phẩm sinh học để phòng trừ sâu bệnh hại…Qua đó, góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm, bảo vệ môi trường. Đồng thời, không ngừng phát huy vai trò tiên phong của các hợp tác xã (HTX) trong việc khuyến khích, nhân rộng các mô hình NNHC và xem đây là khâu đột phá.

Điển hình như HTX nông nghiệp Vĩnh Cường, huyện Hòa Bình đã và đang tập trung phát triển mô hình “lúa thơm, tôm sạch”. Để khuyến khích nông dân phát triển mô hình này và góp phần nâng cao giá trị, thương hiệu cho hạt gạo Bạc Liêu, HTX nông nghiệp Vĩnh Cường nhận hỗ trợ đầu vào cho nông dân bằng hình thức cung cấp vật tư nông nghiệp, lúa giống chất lượng cao với giá thấp hơn thị trường khoảng 20%. Từ đó, giúp nông dân chủ động về sản xuất và tránh được nạn “vay nóng”, hoặc bị triệt buộc bán hàng kém chất lượng do mua thiếu không trả tiền mặt từ các đại lý kinh doanh vật tư nông nghiệp. Cũng như, tránh được những khoản lãi phát sinh từ việc việc mua nợ vật tư.

Không chỉ thế, HTX nông nghiệp Vĩnh Cường còn tổ chức thu mua và bao tiêu lúa gạo cho nông dân theo giá thị trường và cộng thêm 200 đồng/kg lúa, nhằm khuyến khích nông dân sản xuất lúa thơm, gạo sạch đạt tiêu chuẩn chất lượng xuất khẩu sang các thị trường khó tính. Hiện, HTX nông nghiệp Vĩnh Cường đã và đang mở rộng diện tích bao tiêu lúa gạo và tham gia giải quyết việc làm, tạo lại thu nhập cho gần 5.000 hộ thành viên. Với mô hình sản xuất lúa chất lượng cao thông qua liên kết chuỗi giá trị sẽ hứa hẹn sẽ mở ra cô hội mới cho người nông dân làm giàu từ hạt lúa.

TẠO THÊM SỨC BẬT

Có thể thấy, sản xuất nông nghiệp theo hướng hữu cơ tuy mới triển khai chưa lâu, nhưng những kết quả bước đầu mang lại phải được xem là những đột phá và tạo nên những tiền đề quan trọng trong thực hiện thắng lợi Đề án phát triển NNHC.

Điển hình cho đột phá này chính là việc phát triển các mô hình nuôi thủy sản sinh thái, bền vững hướng đến hữu cơ. Đó là mô hình nuôi thủy sản kết hợp với rừng ngập mặn ven biển, mô hình nuôi quảng canh cải tiến kết hợp gần 75.000ha và mô hình nuôi tôm – lúa khoảng 40.000ha. Các mô hình nuôi này, đã khẳng định được tính bền vững, hiệu quả và chất lượng sản phẩm. Trong đó, mô hình tôm – lúa được các nhà khoa học trong và ngoài nước đánh giá cao về tính bền vững, lợi nhuận cao hơn 15 – 30% so với độc canh cây lúa.

Bà Nguyễn Thị Hằng, Tổng giám đốc Tập đoàn thủy sản Bồ Đề chia sẻ niềm vui trúng tôm từ mô hình tôm sạch trên đất lúa
Ảnh: L.D

Đóng góp cho thành công ấy, cùng với sự quyết liệt, quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh và Ngành nông nghiệp, còn sự đồng hành của các doanh nghiệp. Tiêu biểu cho sản xuất mô hình lúa-tôm của tỉnh Bạc Liêu là sự liên kết sản xuất của Tập đoàn thủy sản Bồ Đề (Bode Group) với các HTX sản xuất lúa-tôm của tỉnh. Đó là việc Tập đoàn cung cấp và hướng dẫn nông dân sản xuất sản phẩm sạch gắn với bảo vệ môi trường. Sản phẩm đầu ra được bao tiêu với giá cao hơn thị trường và đáng ghi nhận hơn cả là thông qua quy trình sản xuất sạch đã góp phần nâng cao nhận thức, trách nhiệm của người nông dân với “mẹ môi trường”, không chạy theo lợi nhận trước mắt mà đánh đổi môi trường cho phát triển bền vững…

Song, nhìn trên tổng thể việc phát triển NNHC của tỉnh cũng cần tập trung quyết liệt và đẩy mạnh hơn nữa. Trong đó, cùng với tăng cường đầu tư cho phát triển hạ tầng, cần làm ngay Quy hoạch với chức năng là “kim chỉ nam” và đẩy mạnh tuyên truyền làm thay đổi tập quán sản xuất và cả nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ cho phát triển Đề án NNHC.

LƯ TRUNG

10:13:48 17-01-2023

VHDN: Để nâng cao giá trị và năng lực cạnh tranh cho hàng nông, thủy sản, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 885 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) giai đoạn 2020-2030. Tích cực thực hiện Đề án này, Bạc Liêu bước đầu đã xây dựng […]

Đối tác của chúng tôi