Sự kiện - chuyên đề:

Đồng Nai: Nhân rộng điểm bán hàng Việt

Việc nhân rộng các điểm bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã góp phần đưa sản phẩm, hàng hóa Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa.

Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai (Sở Công Thương Đồng Nai), năm 2016, Bộ Công Thương đã hỗ trợ tỉnh Đồng Nai triển khai thí điểm 2 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam. Kể từ năm 2018 đến nay, Sở Công Thương tỉnh tiếp tục triển khai thêm 21 điểm theo mô hình này từ nguồn kinh phí của tỉnh với tổng số tiền được hỗ trợ gần 1,8 tỷ đồng.

Các cửa hàng được chọn làm điểm bán hàng Việt sẽ được hỗ trợ chi phí mua kệ, tủ, giá trưng bày, biển hiệu Tự hào hàng Việt Nam; chi phí cải tạo tu sửa điểm bán hàng… theo quy chuẩn của Bộ Công Thương. Chủng loại hàng hóa bày bán tại cửa hàng chủ yếu là hàng Việt Nam thuộc các nhóm hàng tiêu dùng, thực phẩm… với chất lượng tốt và giá hợp lý. Kinh phí hỗ trợ để triển khai các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam khoảng 85 triệu đồng/cửa hàng. Ngoài ra, các điểm bán hàng này thường được triển khai, hỗ trợ ở những xã chưa có chợ, siêu thị mini, cửa hàng tiện lợi hoặc cửa hàng kinh doanh tổng hợp; góp phần giúp địa phương hoàn thiện tiêu chí về chợ trong xây dựng nông thôn mới.

Ông Nguyễn Văn Lĩnh – Phó giám đốc Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai – cho biết, các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam do Sở Công Thương phối hợp với các địa phương triển khai gắn liền với Cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn, góp phần đưa hàng Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa trong tỉnh. Mặt khác, các cửa hàng này sẽ là những điểm triển khai mặt hàng bình ổn giá của tỉnh trong các dịp cao điểm, Tết Nguyên đán…, nhất là đối với mặt hàng thiết yếu. Thông qua báo cáo của các điểm bán hàng này, sau khi triển khai, doanh thu của mỗi cửa hàng tăng từ 20 – 30%.

Theo chủ các điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam ở huyện Cẩm Mỹ (Đồng Nai), sau khi được hỗ trợ, cửa hàng được sắp xếp khoa học hơn, hàng hóa cũng đa dạng hơn trước, trở thành kênh giúp cho người dân địa phương có cơ hội mua các loại hàng hóa chất lượng, giá phải chăng. Nhờ đó, nhu cầu tiêu thụ hàng Việt tại cửa hàng tăng trưởng đều qua các năm.

Đặc biệt, để các điểm bán hàng hoạt động đúng tiêu chuẩn, Trung tâm Xúc tiến thương mại tỉnh Đồng Nai và các địa phương có điểm bán hàng thường xuyên kiểm tra, giám sát điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam thực hiện nghiêm tiêu chí, quy chuẩn của chương trình tránh để xảy ra trường hợp đưa hàng hóa kém chất lượng vào bán trục lợi, gây mất niềm tin của người dân.

Theo ông Lê Văn Lộc – Phó giám đốc Sở Công Thương Đồng Nai, thời gian tới, Sở Công Thương tỉnh phối hợp với các đơn vị, địa phương liên quan tăng cường thực hiện tuyên truyền, cập nhật hình ảnh sản phẩm hàng Việt, hàng hóa địa phương. Theo đó, sẽ xây dựng, nâng cấp các trung tâm, điểm bán hàng Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP); triển khai thêm điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam, nhất là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa để kết nối hàng Việt với người tiêu dùng, góp phần nâng cao sức cạnh tranh cho hàng Việt nói chung và những sản phẩm thế mạnh của địa phương nói riêng.

Tháng 8/2020, tỉnh Đồng Nai đã khai trương thêm 5 điểm bán hàng Việt với tên gọi Tự hào hàng Việt Nam tại 4 huyện: Tân Phú, Cẩm Mỹ, Long Thành, Trảng Bom. Như vậy, trên địa bàn tỉnh hiện có 23 điểm bán hàng Tự hào hàng Việt Nam.

Theo CT

10:50:03 04-09-2020

Việc nhân rộng các điểm bán hàng Việt trên địa bàn tỉnh Đồng Nai đã góp phần đưa sản phẩm, hàng hóa Việt Nam đến gần hơn với người tiêu dùng, nhất là ở các địa phương vùng sâu, vùng xa. Theo Trung tâm Xúc tiến thương mại Đồng Nai (Sở Công Thương Đồng Nai), […]

Đối tác của chúng tôi