Sự kiện - chuyên đề:

Bạc Liêu: Thay đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu để phát triển bền vững

VHDN: Bạc Liêu có thế mạnh kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và phải chịu nhiều tác động tiêu cực từ quá trình biến đổi khí hậu. Vì vậy, làm gì để đưa Bạc Liêu phát triển nhanh, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thật sự trở thành nỗi trăn trở của toàn Đảng bộ. Song, với sự quan tâm của Trung ương, phát huy truyền thống đại đoàn kết của toàn Đảng bộ, Bạc Liêu đã xác định được mục tiêu đột phá, chủ động ứng phó với thách thức bằng việc thay đổi mô hình tăng trưởng theo chiều sâu, khai thác và phát huy có hiệu quả các tiềm năng, lợi thế vốn có.

Ông Dương Thành Trung (bên trái), Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho phát triển KT-XH của tỉnh.

Ông Dương Thành Trung (bên trái), Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu tặng Bằng khen của UBND tỉnh cho các doanh nghiệp có nhiều đóng góp cho phát triển KT-XH của tỉnh.

Theo kịch bản biến đổi khí hậu của tỉnh Bạc Liêu, dự đoán đến năm 2050, nếu mực nước biển tăng từ 22 – 30cm sẽ có khoảng 180.113ha bị ngập, chiếm 69,4% tổng diện tích tự nhiên của tỉnh. Trong đó diện tích ngập trên 100cm chiếm khoảng 28,6% tổng diện tích tự nhiên. Nếu lấy ngưỡng mặn 4 phần ngàn thì toàn tỉnh sẽ có trên 74% diện tích tự nhiên bị ảnh hưởng xâm nhập mặn.

Với kịch bản trên, thật sự trở thành khó khăn, thách thức lớn khi nền kinh tế của tỉnh có tỷ trọng nông nghiệp chiếm hơn 43% trong tổng GRDP và tập trung trên 70% dân số sinh sống ở khu vực nông thôn. Do vậy, việc chuyển từ mô hình ứng phó sang “sống chung” không chỉ là vấn đề mang tính sống còn, mà còn là điều kiện cần cho một Bạc Liêu phát triển bền vững trong tương lai, vì nhiễm mặn, xâm nhập mặn là khó tránh khỏi.

Để chủ động “sống chung” và chủ động thích ứng, ưu tiên hàng đầu của Bạc Liêu là hạn chế các tác hại của biến đổi khí hậu đối với phát triển nông nghiệp – nông dân – nông thôn. Theo đó, cùng với các giải pháp công trình, phi công trình, Bạc Liêu đã tập trung thực hiện tái cơ cấu, chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng giảm phụ thuộc vào sử dụng nguồn nước ngọt, chuyển dần sang thích ứng với nước lợ và nước mặn, mà phát triển con tôm là lựa chọn hàng đầu. Tỉnh cũng từng bước thay đổi và loại bỏ hẳn những hình thức nuôi trồng cũ mà tập trung đẩy mạnh nuôi tôm ứng dụng công nghệ cao, với quy trình nuôi khép kín hiện đại, kiểm soát được toàn bộ quá trình nuôi. Sản phẩm tạo ra là sản phẩm sạch, chất lượng cạnh tranh, mang lại giá trị gia tăng cao. Và Bạc Liêu đã thực hiện thành công các mô hình nuôi ứng dụng công nghệ cao này từ các tập đoàn, doanh nghiệp và nông dân nuôi tôm của tỉnh. Đặc biệt, thế mạnh này sẽ được phát huy khi Bạc Liêu đã và đang tập trung xây dựng Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm Bạc Liêu gắn với xây dựng thương hiệu cho con tôm của Việt Nam theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Chưa dừng ở đó, với lợi thế là giáp biển, có nắng và gió quanh năm với cường độ tốt, Bạc Liêu đã ưu tiên tập trung cho phát triển năng lượng tái tạo (điện gió và điện mặt trời). Đồng thời, mạnh dạn xin Chính phủ cho Bạc Liêu rút khỏi Dự án nhiệt điện Cái Cùng mà tập trung phát triển  nguồn năng lượng tái tạo vốn rất dồi dào ở Bạc Liêu.

Đây là lĩnh vực mới, nhưng giàu tiềm năng, giúp cho tỉnh vừa có thể chủ động được năng lượng, vừa phát triển kinh tế (do các dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực này ngày càng nhiều, với lãi suất ngày càng rẻ, chế độ ưu đãi của Chính phủ ngày càng mở rộng), vừa giảm phát khí thải nhà kính, góp phần làm chậm quá trình biến đổi khí hậu…

Bên cạnh đó, các dự án tăng trưởng xanh này, sẽ tác động tích cực đến môi trường sinh thái, phục vụ tốt cho phát triển con tôm sạch, phát triển thêm diện tích trồng rừng, bảo vệ đê phòng hộ ven biển, hạn chế sự xâm thực của sóng to, triều cường và xâm nhập mặn. Qua đó, từng bước hóa giải những khó khăn, thách thức và đưa các “nguy cơ”, biến thành “thời cơ”, mở ra nhiều cơ hội mới cho Bạc Liêu tăng tốc, phát triển bền vững như kết luận chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.

Vì vậy, trong năm 2018 này, Bạc Liêu sẽ tập trung vào 3 “trụ cột”. Thứ nhất là phát triển nông nghiệp mà trọng tâm là Khu Nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao nuôi tôm Bạc Liêu; sản xuất, bao tiêu lúa gạo và nâng cao giá trị nông sản. Thứ hai là phát triển năng lượng tái tạo (điện gió, điện mặt trời) và thứ ba là phát triển có trọng tâm các lĩnh vực thương mại – dịch vụ – du lịch, giáo dục, y tế chất lượng cao…

Thu hoạch tôm nuôi theo quy trình ứng dụng công nghệ cao của Công ty Hải Nguyên, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Thu hoạch tôm nuôi theo quy trình ứng dụng công nghệ cao của Công ty Hải Nguyên, xã Vĩnh Trạch Đông, TP. Bạc Liêu, tỉnh Bạc Liêu.

Với việc đẩy mạnh kêu gọi và thu hút đầu tư, năm 2017 thu hút đầu tư của tỉnh tăng gấp 10 lần so với cùng kỳ. Trong đó, riêng Khu Nông nghiệp công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu, đã có hơn 20 doanh nghiệp đăng ký đầu tư và nhiều viện, trường đăng ký liên kết chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào Khu, tham gia vào hầu hết các phân khúc trong chuỗi giá trị ngành tôm như: sản xuất tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn tôm, nuôi tôm (theo nhiều mô hình nuôi), chế biến tôm, các ngành công nghiệp bổ trợ cho ngành tôm…với tổng mức đầu tư đăng ký khoảng 2.650 tỷ đồng. Đối với lĩnh vực năng lượng tái tạo, Bạc Liêu đã tiếp nhiều nhà đầu tư trong, ngoài nước đến đăng ký đầu tư, với tổng mức đầu tư đăng ký đã được chấp thuận hơn 110.000 tỷ đồng.

Ngoài ra, với tiềm năng thế mạnh và giàu bản sắc văn hóa trong phát triển du lịch, cộng với yếu tố vị trí địa lý tỉnh Bạc Liêu ở giữa các tỉnh Cà Mau, Sóc Trăng, Hậu Giang, dân số tương đối đông, đời sống người dân ngày càng nâng cao nên năm qua tỉnh Bạc Liêu cũng thu hút được khá nhiều dự án trong các lĩnh vực thương mại – du lịch – y tế – giáo dục chất lượng cao như: Tổ hợp Thương mại – dịch vụ – shophouse Trần Huỳnh, Khu du lịch Công tử Bạc Liêu, Trung tâm Can thiệp tim mạch chất lượng cao, Trường học Quốc tế liên thông nhiều cấp học… với tổng mức đăng ký đầu tư hơn 3.800 tỷ đồng…

Các dự án động lực này, sẽ được triển khai ngay sau Chuỗi sự kiện xúc tiến đầu tư của tỉnh vào cuối tháng 1/2018, với tổng vốn đầu tư được thu hút hơn 128.000 tỷ đồng.

Với sự quyết tâm “chung sức, chung lòng” của cả hệ thống chính trị và tất cả vì một Bạc Liêu phát triển, Bạc Liêu mong muốn được hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong, ngoài tỉnh. Bạc Liêu cam kết sẽ “luôn luôn đồng hành, luôn luôn chia khó và luôn dành cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư những gì thuận lợi nhất, tốt đẹp nhất”.

Dương Thành Trung – Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu

09:45:38 24-01-2018

VHDN: Bạc Liêu có thế mạnh kinh tế chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và phải chịu nhiều tác động tiêu cực từ quá trình biến đổi khí hậu. Vì vậy, làm gì để đưa Bạc Liêu phát triển nhanh, bền vững, nâng cao năng lực cạnh tranh, thật sự trở thành nỗi trăn […]

Đối tác của chúng tôi