Sự kiện - chuyên đề:

Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An

Không ngừng đổi mới, giữ vững chữ “tín”

VHDN: Bước vào cánh cổng bệnh viện với mỗi người không may mắc bệnh đã là một “cuộc chiến”. Với những ai vào phục hồi chức năng (PHCN) lại là một cuộc chiến dai dẳng mà ở đó mọi liệu trình chữa trị PHCN: đi, đứng, cử động, phục hồi trí nhớ… để trở lại làm một người bình thường là cả một quá trình gian nan, không thể tính ngày một, ngày hai. Không ồn ào, khẩn trương Bệnh viện PHCN Nghệ An lặng lẽ đón tiếp, điều trị bệnh nhân, phục hổi tổn thương sức khỏe rất đặc biệt, giúp họ cải thiện sức khỏe bản thân. Nhưng đằng sau sự lặng lẽ đó, là những câu chuyện dài.

Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An thuộc Sở Y tế Nghệ An là địa chỉ tin cậy cho bệnh nhân

Những ngày hè oi bức và nắng nóng, nhưng tập thể y, bác sĩ, kỹ thuật viên Bệnh viện PHCN Nghệ An vẫn luôn miệt mài chăm sóc bệnh nhân. Nhìn các kỹ thuật viên đang phục hồi chức năng cho bệnh nhân, thấy thêm sự lao động vất vả của đội ngũ thầy thuốc bệnh viện. Không chỉ là cơ sở khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng và tổ chức an dưỡng cho người bệnh và các đối tượng khác có nhu cầu, Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An còn là ngôi nhà chung gắn kết người bệnh bằng sự tận tâm, nhiệt huyết cùng sự sẻ chia. Mục đích bệnh viện này hướng tới cũng rất đặc biệt, đó là người bệnh được khám, chữa bệnh, phục hồi chức năng an toàn, chuyên nghiệp và được trải nghiệm ăn, ở, phục vụ như một “du khách”. Những ngày điều trị tại bệnh viện phải là những ngày nghỉ dưỡng, phục hồi chức năng thực sự.

Bà Lê Thị Thi (Khối 10, thị trấn Quỳ Hợp) kể trong nước mắt: Con trai bà bị tai nạn, sọ não bị chấn thương nghiêm trọng. Chồng thì bị liệt hai chân, nằm chỗ chuyển từ Bệnh viện Ba Lan (HNĐK Nghệ An) về Bệnh viện PHCN được hai ngày. Hoàn cảnh éo le hơn, khi bà đang bị thoái vị đĩa đệm, được chỉ định phải mổ gấp, nhưng vì phải chăm sóc con cùng chồng, nên bà đã từ chối. Còn với Nguyễn Trọng Quang (Nghi Hòa, Thị xã Cửa Lò) chia sẻ, bị tai biến mạch máu não, liệt nửa người, đã điều trị tại 4 bệnh viện, nhưng bệnh viện PHCN vẫn là nơi bác cảm thấy an tâm và thoải mãi nhất. Bác đang điều trị, phục hồi chức năng đợt 3, kéo dài 52 ngày. Ở đây không khí thoải mãi, chế độ đãi ngộ tốt.

Bệnh viện PHCN Nghệ An chuyên điều trị và Phục hồi chức năng các bệnh về xương, khớp, thần kinh, vận động, tai biến mạch não, liệt do các di chứng não, trẻ bại não, tự kỷ. Đặc biệt là phục hồi chức năng sau các tai nạn, chấn thương sọ não, tủy sống, gãy xương… Bệnh viện tiếp nhận và điều trị phục hồi chức năng cho bệnh nhân từ các tuyến huyện, tỉnh, trung ương chuyển về

Hiện nay, Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An có 9 khoa khám chữa bệnh, 7 phòng chuyên môn, mỗi năm phục vụ, điều trị cho hơn 6.000 lượt bệnh nhân trong và ngoài tỉnh. Để người bệnh tin tưởng, đến khám và điều trị, bệnh viện đã triển khai bằng nhiều hình thức, trong đó quan trọng nhất là luôn quan tâm đến chất lượng khám chữa bệnh- phục hồi chức năng và tinh thần thái độ phục vụ của nhân viên y tế. Công tác tiếp đón, hướng dẫn, hỗ trợ người bệnh của bộ phận chăm sóc khách hàng được thực hiện thường xuyên 24/24h. Người bệnh điều trị nội trú có phòng khép kín đầy đủ phương tiện tivi cáp, điều hòa, nóng lạnh; tổ chức chiếu phim vào ngày cuối tuần cho bệnh nhân; bệnh viện hỗ trợ các sinh hoạt hàng ngày mà người bệnh không phải đóng thêm chi phí nào khác.

 

Suất cơm cho bệnh nhân điều trị tại bệnh viện đảm bảo khẩu phần, dinh dưỡng và ATVSTP

Đội ngũ y bác sỹ và nhân viên y tế đang chăm sóc cho bệnh nhân

Ths. Bs Thái Thị Xuân – Giám đốc Bệnh viện phục hồi chức năng Nghệ An cho biết: “Với mong muốn mang đến cho người bệnh một loại hình dịch vụ y tế mới “hiện đại – tiện nghi – chất lượng” cao với mức chi phí thấp nhất, Bệnh viện Phục hồi chức năng Nghệ An luôn nỗ lực vì sự hài lòng của người bệnh. Chúng tôi sẽ tiếp tục đẩy mạnh đầu tư thêm các trang thiết bị y tế hiện đại, xây dựng cải tạo cơ sở hạ tầng, đặc biệt là xây dựng và đào tạo đội ngũ cán bộ y tế vừa có trình độ chuyên môn giỏi, vừa có tấm lòng nhân ái, tận tâm, hết lòng phục vụ bệnh nhân. Không có phần thưởng nào cao quý, ý nghĩa hơn lời khen của chính người bệnh và thân nhân người bệnh dành cho người thầy thuốc”- Giám đốc Thái Thị Xuân bộc bạch.

Với những y bác sỹ tận tâm và thương yêu bệnh nhân như người thân của mình thì sau những giây phút vất vả, đều cảm thấy hạnh phúc với những gì mình đã làm. Có tận mắt chứng kiến sự vất vả, nhiệt tình và yêu thương bệnh nhân như người thân của những người thầy thuốc mới thấy hết tấm lòng trách nhiệm và hiểu thêm ý nghĩa chữ “Lương y như từ mẫu”.

Thanh Tình

10:48:25 10-06-2019

VHDN: Bước vào cánh cổng bệnh viện với mỗi người không may mắc bệnh đã là một “cuộc chiến”. Với những ai vào phục hồi chức năng (PHCN) lại là một cuộc chiến dai dẳng mà ở đó mọi liệu trình chữa trị PHCN: đi, đứng, cử động, phục hồi trí nhớ… để trở lại […]

Đối tác của chúng tôi