Sự kiện - chuyên đề:

Bình Giang (Hải Dương): Khát vọng của người dân làng chài Đồng Xá về một cây cầu bắc qua sông

VHDN: Mặc dù đã lên bờ nhiều năm nay nhưng người dân làng chài Đồng Xá, nay là khu 5, thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang- Hải Dương) vẫn bám thuyền, bám sông để kiếm kế sinh nhai. Hàng ngày, con em của họ lênh đênh sông nước, tự chèo thuyền đến trường. Họ luôn ước ao có một cây cầu bắc qua sông để cuộc sống không còn chòng chành theo con nước.

 

“Vượt sông” đến trường

Gần trung tâm thị trấn Kẻ Sặt, làng chài Đồng Xá nay đã mang dáng dấp của phố thị nhưng đường sá đi lại vẫn vô cùng khó khăn, có những đoạn lởm chởm gạch, đá, “ổ voi”, “ổ gà”… Mỗi khi mưa xuống nhầy nhụa bùn đất, ngày nắng thì bụi bay mù mịt… Trẻ em muốn đến trường phải chèo thuyền để sang sông. Trong làng luôn vắng bóng người, hầu hết người dân đều đi đánh bắt cá hoặc buôn bán ở chợ Sặt. Trong tâm thức của mỗi giáo dân vạn chài, sông Sặt đã níu giữ họ lại để hình thành làng chài.

Học sinh làng chài Đồng Xá (khu 5), TT Kẻ Sặt, huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương chèo thuyền trên sông để đến trường.

Có mặt tại bến sông gần nhà thờ Công giáo, làng Đồng Xá chúng tôi không khỏi ngạc nhiên khi chứng kiến học sinh tự chèo thuyền đến trường. Hỏi ra mới biết, thực trạng này đã tồn tại hàng chục năm nay, để có được “con chữ”, con em làng chài phải “đánh cược tính mạng” của bản thân, lênh đênh trên sông nước. Khẽ khua mái chèo, bà Vũ Thị Nga ở khu 5, thị trấn Kẻ Sặt cho biết: “Mỗi lần chèo thuyền chở học sinh qua sông, tôi vẫn thấy sợ nhưng nếu không đi thì không còn con đường nào khác vì làng chỉ có một bến sông duy nhất để đưa các em đến trường. Trước đây, người dân góp tiền để trả cho lái đò trong thôn, tuy nhiên sau vụ đắm đò cuối năm 2013, người lái đó ấy không dám nhận chở học sinh nữa. Từ đó trở đi, các gia đình có con em đi học đều phải sắm một chiếc thuyền bằng gỗ hoặc đúc bằng xi măng để đưa con em mình đến trường. Tuy nhiên, những chiếc thuyền thô sơ như vậy thường nhanh hỏng, lúc mới mua còn chở được, về sau do nhiều mảnh ván đã bung ra, nước ngấm vào nên mỗi lần chở phải tát cạn nước ở trong khoang thuyền ra thì mới dám chở các cháu qua sông…”.

Cũng theo lời kể của các hộ dân sinh sống ở khu vực gần bờ sông thì cách đây nhiều năm về trước, có gia đình ở làng chài đi đánh bắt cá ở sông Lục Nam (Bắc Giang), khoảng 2-3 tháng mới về nhà một lần. Con cái họ ở nhà với ông bà nhưng vì ông bà đã có tuổi nên không thể đưa cháu đi học được. Vì thế, hàng ngày các cháu học sinh (chủ yếu là học sinh lớp 5) phải tự bơi thuyền đến trường. Có em bị rơi cả người và xe xuống sông, may mắn được bác đánh cá gần đó cứu giúp.

Được biết, những hôm trời mưa như trút, bèo tây trên sông vây kín nhưng các em vẫn chèo thuyền qua sông với hy vọng tìm được “con chữ”. Nhìn những con thuyền trôi vô định, chúng tôi tự hỏi không biết tương lai của các em rồi sẽ đi về đâu khi hàng ngày chúng phải oằn mình, vật lộn với sự chòng chành, hiểm nguy của sự học, cuộc sống ?!

Mong mỏi một cây cầu

Bà Vũ Thị Nga ở khu 5, thị trấn Kẻ Sặt phân trần: “Học sinh trong khu dân cư đi học gặp khó khăn do xa sông, cách đò… Từ những bất tiện và nguy hiểm đó, tôi mong muốn Nhà nước sớm xây dựng cây cầu vượt qua sông nối sang trung tâm thị trấn Kẻ Sặt. Đó là ước vọng và niềm mong mỏi lớn nhất của người dân khu 5 chúng tôi…”.

Ông Đào Văn Phương, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu dân cư số 5 bày tỏ: “Lâu nay, người dân làng chài Đồng Xá bị cô lập, người dân trong làng muốn sang bên kia sông phải đi bằng đò, không được tiếp cận nước sạch… Bà con khu 5 rất phấn khởi, mong muốn cây cầu vượt qua sông sớm được triển khai hoàn thiện và đưa vào sử dụng, để nhân dân đi lại được thuận tiện, không gặp hiểm nguy. Có cây cầu qua lại, đời sống người dân chúng tôi sẽ không phải vất vả mỗi khi qua sông, các em học sinh bớt nhọc nhằn hơn trong hành trình đến trường…”.

Ông Đào Văn Phương, Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng khu KDC số 5, TT Kẻ Sặt mong muốn cây cầu vượt bắc qua sông sớm được triển khai hoàn thiện và đưa vào sử dụng.

Đánh giá về ý nghĩa của cầu vượt sông Bắc Hưng Hải tại thị trấn Kẻ Sặt, ông Nhữ Văn Phương, Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt cho biết: “Xác định cầu vượt sông Bắc Hưng Hải tại thị trấn Kẻ Sặt là công trình có ý nghĩa quan trọng về mặt giao thông nói riêng và phát triển kinh tế- xã hội nói chung…Mong muốn của người dân khu dân cư số 5, thị trấn Kẻ Sặt về một cây cầu bắc qua sông sớm được xúc tiến là chính đáng nhằm đáp ứng mong mỏi bấy lâu nay của người dân địa phương”, ông Nhữ Văn Phương, Chủ tịch UBND thị trấn Kẻ Sặt chia sẻ.

Dự án “đầu tư xây dựng cầu vượt sông Bắc Hưng Hải” tại thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Hải Dương và huyện Bình Giang, quy hoạch xây dựng đô thị Bình Giang tỉnh Hải Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045(được duyệt tại Quyết định số 1858/QĐ-UBND ngày 06/07/2020 của UBND tỉnh Hải Dương); phù hợp với phương án phát triển hạ tầng giao thông vận tải của tỉnh Hải Dương tại Quyết định số 3679/QĐ-UBND ngày 28/12/2010…

Có thể thấy, dự án “đầu tư xây dựng cầu vượt sông Bắc Hưng Hải” tại thị trấn Kẻ Sặt, huyện Bình Giang sau khi hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu vận tải, kết nối và tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế xã hội khu vực huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên và huyện Bình Giang, tỉnh Hải Dương. Theo đó, từng bước hoàn chỉnh mạng lưới hạ tầng giao thông theo các quy hoạch và định hướng phát triển giao thông của huyện Bình Giang nói riêng, tỉnh Hải Dương nói chung. Đồng thời, góp phần phát huy vị thế và tiềm năng của thị trấn Kẻ Sặt… Qua đó, nhằm giảm tải các tuyến đường có mật độ giao thông lớn, hạn chế tai nạn giao thông; nâng cao nhu cầu giao lưu, đời sống văn hóa tinh thần, an sinh xã hội của nhân dân trong khu vực, đảm bảo an ninh quốc phòng…

Dự án do Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Bình Giang làm chủ đầu tư; đơn vị thiết kế: Công ty cổ phần tư vấn thiết kế xây dựng công trình Thăng Long; đơn vị tư vấn giám sát: Công ty TNHH Đỉnh Long; đơn vị thi công: Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng 18 (LICOGI 18)… Quy mô dự án bao gồm phần dường dẫn và cầu khoảng 209,430m. Phần đầu tuyến sẽ vuốt nối 2 nhánh vào đường nội bộ trước nhà thời Thánh Phê rô (Đồng Xá), điểm cuối tuyến sẽ vuốt nối hài hòa với đường Quang Trung. Tổng chiều dài tuyến và cầu vượt sông là 193,6m; trong đó chiều dài cầu 89,15m, bề rộng cầu 4m. Các hạng mục khác như: cải tạo đường hai đầu cầu, các nút giao trên tuyến, hệ thống an toàn giao thông, thoát nước, hệ thống chiếu sáng và các công trình phụ trợ, hạ ngầm đường dây điện, bố trí hệ thống an toàn giao thông…đều được triển khai theo đúng kế hoạch, phù hợp, đảm bảo chất lượng, tiến độ theo hợp đồng…nhằm phát huy hiệu quả đầu tư.

 

Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 3/2024
(Ái Liên)

07:34:22 05-03-2024

VHDN: Mặc dù đã lên bờ nhiều năm nay nhưng người dân làng chài Đồng Xá, nay là khu 5, thị trấn Kẻ Sặt (Bình Giang- Hải Dương) vẫn bám thuyền, bám sông để kiếm kế sinh nhai. Hàng ngày, con em của họ lênh đênh sông nước, tự chèo thuyền đến trường. Họ luôn […]

Đối tác của chúng tôi