Sự kiện - chuyên đề:

Cảnh báo nguy cơ tín dụng đen tấn công hệ thống ngân hàng

VHDN: Chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển tốt trong sự ổn định. Lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức dưới 4%. Hệ thống ngân hàng không bị xáo trộn, khủng hoảng nhưng lãi suất còn cao. Chính phủ mong muốn ngân hàng giảm lãi suất cho vay, nhưng đó là vấn đề khó, liên quan đến nợ xấu.

Chia sẻ về tình trạng tín dụng đen TS. Nguyễn Trí Hiếu cho rằng, vấn nạn tín dụng đen đang dần trở thành điểm nóng trong xã hội Việt Nam hiện nay. Lợi dụng nhu cầu vay vốn của những nhóm đối tượng thu nhập thấp, các bạn trẻ, thiếu hiểu biết về tài chính để cho vay với mức lãi suất cao, Khi họ cho vay, mục đích của họ không phải là thu tiền về qua lãi suất và thông lệ bình thường mà họ đưa ra những lãi suất rất cao, nếu cộng tất cả phí có thể lên tới 500-600% trên số vốn họ đã cho vay. Đặc biệt, nếu người đi vay không trả được nợ, đối tượng thu nợ sẵn sàng sử dụng  các biện pháp mang tính chất xã hội đen như doạ nạt, đe hoạ, hành hung. Nhiều người đã rơi vào hoàn cảnh khốn đốn sau những giao dịch vay mượn từ tín dụng đen.

Trong thời gian qua, đã có thông tin về một nhóm người gửi số tiền lớn vào ngân hàng, rồi họ dùng tiền gửi đó để thế chấp cho một bên thứ 3 để vay tiền. Điều này không bình thường ở chỗ: khi bên thứ 3 vay tiền rồi thì họ lợi dụng những kẽ hở của ngân hàng, lợi dụng những cán bộ nhân viên của ngân hàng, tạo lòng tin với cán bộ ngân hàng, đến cuối cùng là họ tìm cách thoái thác trách nhiệm khoản tiền gửi thế chấp đó cho ngân hàng, khiến nhóm người này đòi lại khoản tiền đó từ ngân hàng, trong khi số tiền đó họ đã thế chấp, bảo đảm cho món vay bên thứ 3. Do vậy, tôi cho rằng, xã hội đen, tín dụng đen không chỉ đánh vào tầng lớp dân nghèo, người thu nhập thấp, thiếu hiểu biết mà hiện tại đang tấn công hệ thống ngân hàng Việt Nam trong đó có một số ngân hàng đang chịu hậu quả đó. Hiện tại các vấn đề đó đang nằm trong vòng điều tra của công an, chúng ta cũng theo dõi và chờ xem kết luận của cơ quan điều tra. “Qua đây, tôi cũng muốn cảnh báo rằng tín dụng đen không chỉ tấn công những người nghèo, mà đang len lỏi vào mọi tầng lớp, tấn công cả hệ thống ngân hàng. Chính tôi cũng phải ngạc nhiên!” ông Hiếu cảnh báo.

Theo ông Hiếu, vốn tín dụng đen có thể là nguồn vốn trong nước, cũng có thể là nguồn vốn từ ngoài vào. Họ dùng những nguồn vốn đó để cho vay, thu về từ 4 đến 7 lần trên vốn đã bỏ ra, và dùng chúng để tấn công hệ thống ngân hàng. Tín dụng đen bây giờ không chỉ là việc vay nóng với lãi suất cao. Cả hệ thống chính trị, kinh tế, ngân hàng cũng cần phải cảnh giác với những dòng vốn đang len lỏi vào nền kinh tế Việt Nam gây ra khủng hoảng này.

Ngoài ra, chia sẻ về vấn đề lãi suất, ông Hiếu cho biết, với mức lạm phát gần 4%, các ngân hàng đang cho vay kỳ hạn 12 tháng với mức lãi suất khoảng 8% và khó có thể giảm được. Nhưng ngoài vấn đề chi phí và lạm phát đang đẩy lãi suất lên, thì nợ xấu cũng là một vấn đề vô cùng đáng lo ngại. Nợ xấu trong hệ thống ngân hàng còn rất lớn, chừng nào nợ xấu còn thì ngân hàng vẫn phải “nuôi nợ xấu”. Ngoài ra, ngân hàng đang phải nuôi những tài sản không sinh lời và tài sản đó có thể gây ra khủng hoảng lớn. “Nếu tôi có 100 đồng nợ và phải trả 8 đồng cho 100 đồng đó mà lại không sinh lợi. Đáng lẽ phải sinh lợi ra 10 đồng để lãi 2 đồng vả trả 8 đồng phí. Nhưng nợ xấu thì không có lãi và thiệt 8 đồng, đó là những tài sản xấu. Sổ sách rất đẹp nhưng dòng tiền thực thì không có”, TS. Nguyễn Trí Hiếu nói.

Ngoài ra, với việc siết lại tín dụng sẽ ảnh hưởng tới tình hình sức khoẻ của doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ rất cần vốn để hoạt động. Nếu tín dụng mà siết lại thì những doanh nghiệp đó thiếu vốn để hoạt động. Theo tôi, năm nay các doanh nghiệp sẽ khó khăn hơn trong vấn đề tiếp cận vốn đặc biệt là thị trường bất động sản sẽ bị tác động bởi chính sách thắt chặt tín dụng. TS. Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng, việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc sẽ làm mất đi một phần thanh khoản cho các ngân hàng, khi đó các ngân hàng phải đẩy

lãi suất lên để thu hút tiền gửi. Đây là điểm góp phần tăng lãi suất, tuy nhiên việc tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc có nghĩa các ngân hàng phải gửi một khoản tiền với Ngân hàng Nhà nước và khi các ngân hàng cần tiền có thể lấy ra. Về sinh lời thì điều này không tốt nhưng để duy trì ổn định cho ngân hàng thì đây là điều tích cực.

Trong năm 2019, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 14%. Trong đó tín dụng vẫn sẽ được tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, đảm bảo kiểm soát rủi ro và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong thời điểm này, NHNN đang quan tâm rất sát sao và đề ra một loạt các biện pháp nhằm giải quyết tình trạng tín dụng đen như việc Thống đốc ngân hàng vừa ký quyết định nâng hạn mức và thời hạn cho vay tối đa với các hộ nghèo nhằm đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất kinh doanh. Đồng thời, ngân hàng Agribank cũng đã xây dựng gói tín dụng 5.000 tỷ triển khai từ đầu năm 2019 để đẩy mạnh cho vay hỗ trợ các hộ dân.

Phan Đức

10:49:51 19-06-2019

VHDN: Chuyên gia tài chính ngân hàng TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, nền kinh tế Việt Nam tiếp tục phát triển tốt trong sự ổn định. Lạm phát vẫn được kiểm soát ở mức dưới 4%. Hệ thống ngân hàng không bị xáo trộn, khủng hoảng nhưng lãi suất còn cao. Chính phủ mong […]

Đối tác của chúng tôi