Sự kiện - chuyên đề:

Cây dâu là ứng viên sáng giá cho Quốc dược Việt Nam

VHDN: Từ lâu cây dâu được gọi là “tiên dược”, bởi hiếm có cây dược liệu nào lại giúp chữa được nhiều bệnh như cây dâu. Nhiều lương y cho rằng, có cây dâu trong vườn là như có tủ thuốc không sợ “quá đát” trong nhà.

Thày Nam dược Nguyễn Anh Tuấn chỉ dẫn về cây dâu cho học viên lớp “Trồng cây thuốc Nam đền Bia”.

Cây dâu (Morus alba) thuộc họ dâu tầm (Moraceae) hay còn được gọi là cây tầm tang. Dâu thường sống từ 15 – 50 năm. Dâu có các đặc điểm được ít người biết đến như sau:

  1. Dâu là cây truyền thống ở nước ta

Phần lớn dân gian chỉ biết “trồng dâu nuôi tằm” để “kéo tơ dệt lụa”. Thế kỉ thứ 11, nước ta có bà chúa Ỷ Lan là phi tần của hoàng đế Lý Thánh Tông, mẹ ruột của hoàng đế Lý Nhân Tông. Khi vua bận ở chiến trường, bà đã hai lần đăng đàn nhiếp chính khiến cho đất nước dưới triều Lý vẫn luôn luôn được hưng thịnh.

Ngoài đóng góp vào việc trị nước, bà còn dạy dân “trồng dâu nuôi tằm”, tạo ra một nghề được dân gian đón nhận như một “phép lạ” làm thay đổi đời sống ở nước ta, tạo ra các sản phẩm từ vải đũi đến tơ lụa, cung ứng các mặt hàng may mặc từ dân dã đến thượng lưu, quí phái… Nhân dân đã nhớ ơn bà và lập đền thờ bà ở nhiều nơi.

Trong văn học dân gian có nhiều câu nhắc đến cây dâu và tằm:

Dâu non ngon miệng tằm/ Hoặc: Dâu năng hái như gái năng tô.

Hay: Một năm chăn tằm bằng ba năm làm ruộng.   (Ca dao)

Hoặc trong các tác phẩm văn học, cây dâu cũng xuất hiện nhiều vì từ xưa dâu đã phát triển như rừng:

Ngàn dâu xanh ngắt một màu/ Lòng chàng ý thiếp ai sầu hơn ai ? (CPN)

Dặm hồng bụi cuốn chinh an/ Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh (TK)

  1. Cây dâu chữa được rất nhiều bệnh

Cây dâu được Đông y gọi là “tiên dược” bởi khả năng chữa được nhiều bệnh hiệu quả.

Cụ thể dâu chữa được các bệnh chính như sau:

Bổ huyết, dưỡng huyết: “Phù tang chí bảo” là một bài thuốc từ lá dâu và vừng đen đã được đề cập trong các “y thư cổ” như “Nam dược thần hiệu” và “Hải Thượng y tông tâm lĩnh”…; chữa bệnh về mắt: đau mắt, thong manh; chữa bệnh đau nhức xương khớp; chữa hen suyễn và đường hô hấp nói chung; chữa huyết áp cao: từ lá dâu nấu canh với cá diếc hoặc thịt trai, nấm hương; chữa bệnh giun sán: dùng vỏ trắng cành dâu sắc lấy nước uống; chữa bệnh tiểu buốt, nước tiểu đục: từ tổ bọ ngựa cây dâu; chữa bệnh viêm họng: từ mộc nhĩ cây dâu; chữa bệnh tóc rụng, tóc bạc: nước quả dâu ngâm đường có thế giúp tóc đen và mọc nhiều; chữa bệnh viêm tuyến vú….

Sở dĩ gọi cây dâu là “tiên dược” vì như được trời ban, do hiếm cây dược liệu nào chữa được nhiều bệnh đa dạng đến thế. Có cây dâu trong vườn là như có tủ thuốc không sợ “quá đát” trong nhà.

  1. Dâu là loại “kim dược thảo”

Tức cây dâu được gọi là dược liệu “vàng” vì sản phẩm từ tất cả các bộ phận của cây dâu đều dùng chữa được nhiều bệnh, không bỏ đi bất cứ bộ phận nào. Chúng hợp thành “đội quân trị bách bệnh”, từ bệnh thông thường đến bệnh nan y, cho cả trẻ em và người lớn.

Đặc biệt, các bộ phận tưởng vô dụng như: tầm gửi trên cây dâu (tang kí sinh) cũng có thể trị các chứng phong thấp, tê bại, đau lưng, mỏi gối, động thai, đau bụng. Tổ bọ ngựa trên cây dâu (tang phiêu tiêu) chữa hư lao, đổ mồ hôi trộm, di tinh, bạch đới, đái đục, đi tiểu không chủ động được, cần chú ý “tang ký sinh” và “tang phiêu tiêu” là hai vị thuốc rất quý và hiếm, cần thận trọng khi thu mua vì dễ nhầm với sản phẩm không phải ở trên cây dâu.

Từ nhiều năm nay, tại lớp học “Trồng cây thuốc Nam ở đền Bia” tỉnh Hải Dương, nơi thờ Đại danh y thiền sư Tuệ Tĩnh, thày Nguyễn Anh Tuấn đã tổ chức cho học trò trồng nhiều cây thuốc Nam. Cụ thể có khu đồi trồng xạ đen và cà gai leo ở Lương sơn, tỉnh Hòa Bình (do học viên Đoàn Danh Bằng chủ trì với diện tích 108ha) và trang trại trồng các cây thuốc Nam đầu vị ở Lục Ngạn, Bắc Giang (do học viên Vũ Văn Nhuận – Nguyễn Duy Phúc – Nguyễn Thị Lý chủ trì) với diện tích 10ha. Đặc biệt ở Yên Bái có tới 500 ha trồng dâu (do học viên Vũ Thị Hạnh chủ trì) là một trong những khu vực trồng dâu lớn nhất ở nước ta. Sở dĩ dâu được đầu tư như thế vì vị trí độc đáo của cây dâu trong thuốc Nam như đã thấy ở trên. Chắc chắn với nguồn dược liệu dồi dào này, nếu được đầu tư tiếp, sẽ cung cấp cho thị trường nhiều loại sản phẩm thuốc Nam qúy giá.

Dù y học cổ truyền coi “sâm nhung quế phụ” như là 4 loại thần dược. Nhưng ở nước ta, xét toàn diện cũng có những mặt hạn chế, không thể vượt trội so vói cây dâu.

Về sâm: Nước ta có sâm Ngọc Linh được coi là loại sâm tốt nhất thế giới, có tác dụng chống stress và trầm cảm, kích thích hệ miễn dịch, chống oxy hóa, lão hóa, phòng chống ung thư, bảo vệ tế bào gan, nhưng loài sâm này chỉ mọc ở nơi có độ cao từ 1.200 mét trở lên và chỉ gặp ở núi Ngọc Linh (tỉnh Kon Tum) nên không phổ biến và hiệu quả khai thác không đáng kể.

Về nhung: là phần non của gạc hươu, nai có tác dụng bồi bổ cơ thể trong các trường hợp sắc mặt đen, tiểu tiện vặt, liệt dương, tinh huyết khô kiệt, lưng đau tiểu đục, quý nhất là huyết nhung. Đây là dược liệu quý, hiếm, đắt tiền. Nó chỉ đáp ứng một phần cho người dân tầng lớp trung lưu – chưa thể thành vị thuốc phổ cập được.

Về quế: Quế mọc hoang trong rừng, hoặc trồng bằng hạt, hay chiết cành, sau 5 năm có thể thu hoạch, nhưng để có vỏ quế tốt phải sau 20-30 năm. Quế chỉ phân bố ở một số tỉnh ở miền núi nước ta nên không được coi là cây dược liệu phổ biến và có sản lượng cao.

Về phụ: tức phụ tử là rễ củ của cây ô đầu. Theo y học cổ truyền, phụ tử có tác dụng theo y văn là “hồi dương cứu nghịch, bổ hỏa trợ dương, ôn kinh, tán hàn, trừ thấp chỉ thống, thông kinh lạc…”. Nhưng phụ tử có tính độc, thường được phối hợp với nhiều vị thuốc khác mới chữa bệnh hiệu quả.

Trong khi đó, cây dâu dễ trồng, ở đâu cũng gặp, lại chữa được rất nhiều bệnh mà thậm chí cho đến nay nhiều người còn chưa biết hết. Dâu còn là cây truyền thống gắn vơi nghề cổ truyền và cả lịch sử nước ta. Có một thời cây dâu còn góp phần tạo nên “con đường tơ lụa” làm thay đổi cả thế giới. Với các phẩm chất tuyệt vời như thế, cây dâu không chỉ là “thần dược” hay “tiên dược” như trên đã xét. Dâu đủ tiêu chuẩn để thành ứng cử viên sáng giá là cây “Quốc dược” của nước ta.

Nguyễn Văn Khang

09:49:30 13-11-2017

VHDN: Từ lâu cây dâu được gọi là “tiên dược”, bởi hiếm có cây dược liệu nào lại giúp chữa được nhiều bệnh như cây dâu. Nhiều lương y cho rằng, có cây dâu trong vườn là như có tủ thuốc không sợ “quá đát” trong nhà. Thày Nam dược Nguyễn Anh Tuấn chỉ dẫn […]

Đối tác của chúng tôi