Sự kiện - chuyên đề:

Chuyện giữ rừng ở công ty lâm nghiệp EA KAR

VHDN: Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Kar (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ gần 14.000 ha rừng và đất rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm gần 7.000 ha. Những năm qua, thực hiện việc sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty lâm nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, cán bộ công nhân viên chức của Công ty đã đoàn kết, nỗ lực phấn đấu duy trì có hiệu quả hoạt động sản xuất kinh doanh, đồng thời thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, làm giảm đáng kể tình trạng chặt phá rừng và lấn chiếm đất rừng trên địa bàn.

Đến nay Công ty đã trồng được 400 ha cao su, trong đó có 100 ha đã cho khai thác

Đến nay Công ty đã trồng được 400 ha cao su, trong đó có 100 ha đã cho khai thác

Thực hiện việc sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty lâm nghiệp theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Ea Kar (Công ty LN Ea Kar) là 1 trong 6 công ty TNHH MTV lâm nghiệp của tỉnh Đắk Lắk, gồm: Krông Bông, M’Đrắk, Ea Kar, Buôn Wing, Chư Phả, Ea Wy thuộc diện được duy trì, củng cố, phát triển dưới hình thức công ty lâm nghiệp Nhà nước, nắm giữ 100% vốn điều lệ, thực hiện nhiệm vụ sản xuất và cung ứng sản phẩm, cùng với dịch vụ công ích. Tuy nhiên, sau khi sắp xếp lại, Công ty LN Ea Kar cũng như các công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk đã phải đối mặt với nhiều khó khăn, đó là hoạt động sản xuất thì ì ạch, kém hiệu quả; đời sống của người lao động bấp bênh, tình trạng nợ lương vẫn còn diễn ra … Ông Nguyễn Hồng Mạnh, Giám đốc Công ty cho biết: “Sau sắp xếp, cơ chế mới đã giúp cho Công ty tự chủ hơn. Tuy nhiên, Công ty cũng chỉ có mỗi thế mạnh về quỹ đất, nhưng rất khó phát huy được thế mạnh ấy, mặc dù Công ty có hơn 4.000 ha đất rừng… Trước thực trạng đó, cấp ủy và Ban Giám đốc Công ty đã đề ra nhiều ra nhiều giải pháp tháo gỡ. Công ty đã tổ chức lại sản xuất, kinh doanh theo phương thức đa dạng hoá cây trồng, đồng thời thực hiện việc liên kết với các hộ dân sinh sống gần rừng để chăn nuôi bò, nhằm tạo thêm nguồn thu nhập”.

Theo ông Mạnh, công việc quan trọng đầu tiên mà Công ty phải làm đó là sắp xếp lại nguồn nhân lực phù hợp với tình hình thực tế để tổ chức các hoạt động của đơn vị đạt hiệu quả. Vì vậy, cùng với việc sắp sếp bộ máy hành chính, Công ty đã thành lập 5 phân trường, 1 phòng phát triển cây cao su, 1 đội cơ động để quản lý, bảo vệ và phát triển vốn rừng. Tùy theo đặc điểm cụ thể của từng địa bàn, Công ty đã tổ chức chia ranh giới cho từng phân trường đóng trên địa bàn từng xã để thực thi nhiệm vụ.

Những năm qua, mặc dù kinh phí của Nhà nước cấp để chi cho hoạt động quản lý, bảo vệ rừng vẫn còn hạn chế, suất đầu tư của Nhà nước cho các công trình lâm sinh còn thấp, ảnh hưởng đến tình hình sản xuất kinh doanh của Công ty, bên cạnh đó, diện tích rừng và đất rừng do Công ty quản lý có địa bàn khá phức tạp, đồi núi dốc, khó đi lại; tình trạng người dân phá rừng, lấn chiếm đất để làm nương rẫy ngày càng có chiều hướng gia tăng, trong khi số nhân lực làm công tác quản lý bảo vệ rừng còn mỏng, chưa đáp ứng được với yêu cầu thực tế v.v… Song, Công ty vẫn thường xuyên phối hợp với Hạt Kiểm lâm, chính quyền địa phương và nhân dân các xã, tổ chức tuần tra, kiểm soát 24/24 giờ/ngày, để kịp thời phát hiện và xử lý các vụ phá rừng và lấn chiếm đất rừng trên địa bàn. Riêng năm 2016, Công ty đã phát hiện và ngăn chặn kịp thời 10 vụ phá rừng, lấn chiếm đất rừng làm nương rẫy, với diện tích đã phá hơn 5 ha, giảm 28 vụ so với năm 2015. Năm 2017, mặc dù tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất của Công ty vẫn còn, nhưng số vụ vi phạm cũng đã giảm nhiều so với những năm trước.

Rừng keo trồng liên kết giữa Công ty với người dân xã Cư Yang, huyện Ea Kar.

Rừng keo trồng liên kết giữa Công ty với người dân xã Cư Yang, huyện Ea Kar.

Mỗi năm vườm ươm của Công ty cung cấp khoảng 2.000.000 cây giống phục vụ cho trồng rừng

Mỗi năm vườm ươm của Công ty cung cấp khoảng 2.000.000 cây giống phục vụ cho trồng rừng

Cũng theo ông Nguyễn Hồng Mạnh, Giám đốc Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Ea Kar, từ khi sắp sếp, đổi mới lại hoạt động đến nay, Công ty không còn nguồn thu từ bán gỗ rừng tự nhiên theo chỉ tiêu Nhà nước cho phép khai thác. Vì thế, Công ty phải tự chủ nguồn kinh phí. Tuy nhiên, do nguồn vốn lưu động có hạn, vốn vay lại không được Nhà nước hỗ trợ, nên đầu tư trồng rừng hàng năm chưa đạt được như mong muốn. Đến nay, Công ty đã xây dựng được 1 vườm ươm, trồng được 400 ha cao su và gần 2.000 ha rừng, chủ yếu là cây keo lai. Mỗi năm, vườm ươm đã cung cấp khoảng 2 triệu cây giống, đáp ứng đủ nguồn cây giống phục vụ cho công tác trồng rừng của Công ty và nhu cầu trồng cây phân tán cho người dân trên địa bàn huyện Ea Kar. Bên cạnh đó, tiền thu được từ việc khai thác 250 – 300 ha rừng trồng/năm cũng đã giúp cho Công ty giảm bớt được một phần khó khăn v.v…

Như vậy, cũng như 14 công ty lâm nghiệp trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk, những năm qua, việc giữ rừng và đất lâm nghiệp của Nhà nước giao cho Công ty TNHH Một thành viên lâm nghiệp Ea Kar vẫn còn gặp nhiều khó khăn, trong khi áp lực giữ rừng ngày càng lớn do nạn xâm hại rừng ngày càng gia tăng; những người phá rừng, lấn chiếm đất rừng ngày càng thể hiện hành vi liều lĩnh, bất chấp pháp luật v.v… Công ty rất mong Nhà nước sớm ban hành những cơ chế đặc thù hữu hiệu để giúp cho Công ty cũng như các đơn vị lâm nghiệp trên cả nước có điều kiện thuận lợi hơn để thực hiện tốt công tác quản lý, bảo vệ rừng, góp phần mang lại màu xanh cho đất nước.

Bài và ảnh: Nguyễn Văn Thương 

14:48:28 23-01-2018

VHDN: Công ty TNHH MTV lâm nghiệp Ea Kar (huyện Ea Kar, tỉnh Đắk Lắk) được Nhà nước giao quản lý, bảo vệ gần 14.000 ha rừng và đất rừng, trong đó rừng tự nhiên chiếm gần 7.000 ha. Những năm qua, thực hiện việc sắp xếp, đổi mới hoạt động của các công ty […]

Đối tác của chúng tôi