Sự kiện - chuyên đề:

Việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược sớm và công khai chính là dựa vào dân để xây dựng Đảng

“Lần đầu tiên trong lịch sử, công tác nhân sự cấp chiến lược cho khóa sau được làm rất sớm và công khai, minh bạch để lựa chọn được đội ngũ lãnh đạo đủ tâm, đủ tầm đưa đất nước bước vào trang sử mới”, PGS.TS. Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương chia sẻ.

 

Sau nửa nhiệm kỳ Đại hội Đảng Khóa XIII, hệ thống chính trị đã hoàn thành việc giới thiệu nhân sự quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIV, nhiệm kỳ 2026-2031. Về vấn đề trên, PGS.TS. Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng Lý luận Trung ương đã có những trao đổi cởi mở với báo giới.

Còn khoảng 02 năm nữa sẽ diễn ra Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIV, nhiệm kỳ 2026-2031, nhưng công tác quy hoạch nhân sự cấp chiến lược đã được thực hiện. Đây là điều chưa có tiền lệ, thưa PGS.TS?

PGS.TS Nguyễn Viết Thông.
PGS.TS Nguyễn Viết Thông.

Việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược sớm và công khai chính là dựa vào dân để xây dựng Đảng, xây dựng cả hệ thống chính trị. Lần đầu tiên Đảng ta thực hiện việc này, nhưng không phải là bột phát mà đã có sự chuẩn bị rất kỹ từ trước.

Công tác cán bộ đã được Đảng ta xác định là “then chốt của then chốt”, có ý nghĩa quyết định mọi thành công của cách mạng nước ta cả trước mắt và lâu dài.

Triển khai quan điểm “dựa vào dân để xây dựng Đảng”, Bộ Chính trị đã ban hành Kế hoạch số 17-KH/TW (ngày 07/07/2023) về xây dựng quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Khóa XIV. Các bộ, ngành Trung ương và địa phương đã hoàn thành tổ chức hội nghị công khai nhằm giới thiệu quy hoạch nhân sự cho khóa sau bảo đảm dân chủ, chặt chẽ, công tâm, khách quan, minh bạch, đúng quy định.

So với tiêu chuẩn quy hoạch nhân sự trước đây, tiêu chuẩn nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIV có điểm nhấn nào, thưa PGS.TS?

Ngoài đáp ứng một số yêu cầu mới, về phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống; có năng lực lãnh đạo, quản lý, quyết liệt, hiệu quả trong việc thực hiện các nhiệm vụ được giao, cán bộ quy hoạch còn phải có kết quả, sản phẩm công tác nổi trội và triển vọng phát triển; hiểu biết tình hình trong nước, khu vực và thế giới; có tư duy đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm; có khả năng tham gia và đóng góp ý kiến, phát hiện, đề xuất hướng giải quyết các vấn đề đặt ra trong thực tiễn.

Đây thực sự là những đòi hỏi rất cao, bởi những tiêu chí mới về kết quả công việc hoàn toàn có thể cân đo, đong, đếm được, từ đó lựa chọn được đội ngũ lãnh đạo ngoài đủ tâm (đức) phải đủ tầm (tài).

Lãnh đạo cao cấp có tâm đúng là ai cũng quý, nhưng mà thiếu tầm thì không thể góp phần đưa ngành, lĩnh vực, địa phương mình phụ trách phát triển nhanh, bền vững được.

Quang cảnh Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII. (Ảnh: Phạm Cường)
Quang cảnh Hội nghị Trung ương 8, khóa XIII. Ảnh Phạm Cường.

Thưa PGS.TS, chúng ta có thể yên tâm vì quy trình lựa chọn, quy hoạch cán bộ của ta giờ đã chặt chẽ, bài bản hơn?

Ngày xưa, Bác Hồ bổ nhiệm, đề bạt cán bộ không theo quy trình nào, nhưng Bác chọn không sai cán bộ nào. Ai được Bác bổ nhiệm cũng đều đúng thực lực, thực tài, đúng vị trí để họ tận tâm, tận lực cống hiến cho cách mạng.

Sau này, chúng ta có quy trình lựa chọn cán bộ theo 03 bước (Quy định 67-QĐ/TW và Quy định 68-QĐ/TW năm 2007) về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử với quy trình 03 bước. Tiếp đó, năm 2017, Bộ Chính trị Khóa XII đã ban hành Quy định 105-QĐ/TW để thay thế Quy định 68-QĐ/TW, với quy trình 05 bước.

Về lý luận, lựa chọn cán bộ theo quy trình 03 bước chặt chẽ hơn không có quy trình; và theo quy trình 05 bước chặt chẽ hơn 03 bước.

Nhưng trên thực tế, nhiều cán bộ cấp Trung ương quản lý, thậm chí là Ủy viên Trung ương bị “đứt gánh giữa đường”, phải đứng trước vành móng ngựa. Vụ đại án Việt Á có tới 03 cựu Ủy viên Trung ương Đảng, trong đó có 02 bộ trưởng, một bí thư tỉnh ủy phải hầu tòa là bài học đau xót dù quy trình vẫn làm đủ 05 bước.

PGS.TS lý giải như thế nào về việc, đã làm đúng “quy trình” mà vẫn để lọt thành phần cơ hội vào cơ quan Đảng, Nhà nước, tổ chức, đơn vị?

Mỗi khi có sự việc liên quan đến xử lý, kỷ luật cán bộ, dân gian có câu cửa miệng “bổ nhiệm đúng quy trình” có hàm ý rằng, quy trình sai. Tôi cho rằng, quy trình bổ nhiệm, đề bạt, ứng cử, đề cử cán bộ không sai, nhưng do chúng ta không công bố công khai danh tính người được quy hoạch, nên người dân không biết được, từ đó không giám sát được, dẫn đến lựa chọn sai.

Lần này, quy hoạch nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIV làm rất sớm và công khai để người dân giám sát được.

Ảnh internet.
Việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược sớm và công khai chính là dựa vào dân để xây dựng Đảng. Ảnh internet.

Tôi ví dụ, ông A, bà B làm việc ở cơ quan rất tốt, được đồng nghiệp, cấp dưới quý mến và đề nghị đưa vào quy hoạch. Nhưng về nhà, họ không hề biết đến hàng xóm, láng giềng, “biệt phủ” lúc nào cũng kín cổng cao tường; doanh nghiệp, cấp dưới, các cơ quan, tổ chức muốn nhờ cậy ra vào nườm nượp; con cái, anh em, vợ chồng “mượn hơi”, “dựa bóng” để kinh doanh không minh bạch, thành lập doanh nghiệp sân sau để rửa tiền.

Tất cả những việc này ở cơ quan, cấp trên, những người đề nghị quy hoạch khó có thể biết được, nhưng không thể qua mắt được người dân, đặc biệt là các đảng viên, cán bộ lão thành đang sống, sinh hoạt ở khu vực ông A, bà B cư trú. Khi người dân biết được ông A, bà B vào quy hoạch, họ sẽ phản ánh thực tế với cấp có thẩm quyền. Làm công tác cán bộ dựa vào dân là như thế.

Nhưng vì nhiều lý do, cũng có những trường hợp đơn thư, dư luận về cán bộ chưa chắc đã chính xác, thưa PGS.TS?

Đúng là có nhiều trường hợp khi chuẩn bị được đề cử, ứng cử, đề bạt là có đơn thư gửi cấp có thẩm quyền khiến việc lựa chọn cán bộ rất phức tạp. Nhưng một người trước khi bổ nhiệm, đề cử, ứng cử, đề bạt mà có nhiều đơn thư thì cũng phải xem xét “có vấn đề” hay không. Tất nhiên, giám sát của người dân (qua dư luận, đơn thư) là kênh rất quan trọng, có giá trị tham khảo, nhưng cũng chỉ là một kênh.

Để chuẩn bị cho nhân sự Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIV, Quốc hội Khóa XV, lãnh đạo tỉnh ủy, ủy ban, HĐND các địa phương nhiệm kỳ 2026-2031, ngày 18/08/2022, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 80-QĐ/TW (thay thế Quy định 105/QĐ/TW) về phân cấp quản lý cán bộ và bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử, quy định chặt chẽ trách nhiệm của tất cả các cơ quan, đoàn thể, cấp ủy, các tổ chức chính trị – xã hội trong công tác quản lý, giám sát đối với cán bộ cả đương chức lẫn nghỉ hưu, đã thôi chức vụ.

Việc thực hiện Quy định 80-QĐ/TW và công khai quy hoạch không nên chỉ giới hạn ở cấp trung ương mà phải thực hiện ở cả tỉnh ủy, huyện ủy, đại diện cơ quan dân cử, cơ quan hành chính cấp tỉnh, cấp huyện vì chỉ có công khai thì người dân sống ở khu vực người được giới thiệu vào quy hoạch cư trú mới biết, mới tham gia vào quá trình xây dựng bộ máy quản lý cả hệ thống chính trị. Còn ở cấp xã phường thì không cần thiết vì cán bộ đều cư trú ở địa phương nên người dân biết rõ “gia thế” những người trong quy hoạch.

Thưa PGS.TS, ngay cả khi đã lựa chọn đúng cán bộ, thì bộ máy công quyền còn một nỗi lo nữa là nhiều nơi vẫn có tình trạng “cả họ làm quan”. Công tác cán bộ cần làm gì để khắc phục thực trạng này?

Để tránh tình trạng trong một cơ quan, đơn vị, tổ chức toàn người nhà, người thân, người quen, anh em, họ hàng của cán bộ lãnh đạo, đầu năm 2002, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 11-NQ -TW về việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý, nhưng trong nhiều năm, việc luân chuyển cán bộ lãnh đạo quản lý không được thực hiện tới nơi, tới chốn, dẫn tới tình trạng ở nhiều địa phương, cơ quan, đơn vị toàn “cánh hẩu” của cán bộ lãnh đạo cấp trên làm cán bộ quản lý cấp dưới.

Nghị quyết 26-NQ/TW (ngày 19/05/2018) về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược đã thẳng thắn nhìn nhận, tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, bổ nhiệm người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Có hiện tượng thao túng trong công tác cán bộ; chạy chức, chạy quyền, chạy chỗ, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy tội… Tình trạng sử dụng quyền lực được giao phục vụ lợi ích cá nhân hoặc để người thân, người quen lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi vẫn còn diễn ra ở nhiều nơi.

Ảnh Tạp chí Xây dựng Đảng
Việc quy hoạch cán bộ cấp chiến lược sớm và công khai chính là dựa vào dân để xây dựng Đảng. Ảnh Tạp chí Xây dựng Đảng

Nhưng kể từ nửa cuối nhiệm kỳ Đại hội Đảng XII, tình trạng này đã giảm hẳn, đặc biệt là ngành công an, dứt khoát không bố trí người đứng đầu cơ quan công an cấp tỉnh, cấp huyện là người địa phương. Người đứng đầu cấp ủy cũng không bố trí người địa phương để tránh cả nể, kết bè, kéo cánh.

Theo tôi được biết, rất nhiều ngành cũng đã thực hiện việc luân chuyển người đứng đầu, trong ngành cũng luân chuyển liên tục vị trí của người đứng đầu, không để ai làm việc quá lâu trong một vị trí.

Các quy định liên quan đến vai trò người lãnh đạo, đặc biệt là người đứng đầu không phải bây giờ mới có, và gần đây cũng đã được Đảng ta rất quan tâm thực hiện, thưa PGS.TS?

Thực ra, việc luân chuyển quan lại đã được ông cha ta thực hiện từ thời vua Lê Thánh Tông cho đến thời vua Minh Mạng. Cụ thể, theo quy định của Luật Hồi tỵ thì những người thân như anh em, cha con, thầy trò, bạn bè cùng học, những người cùng quê… không được làm quan cùng một chỗ. Quy định này nhằm ngăn chặn người có quyền lợi dụng chức vụ để nâng đỡ, bao che hoặc câu kết với người thân (quan hệ gia đình, dòng họ, thầy trò, địa phương) thực hiện các hành vi tiêu cực trong quản lý cơ quan công quyền.

Sau này, Đảng ta cũng có nhiều quy định liên quan đến luân chuyển cán bộ nhằm kiểm soát quyền lực.

Ngày 23/09/2019, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 205-QĐ/TW về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền để “nhốt quyền lực vào lồng cơ chế” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khái quát. Quy định 205-QĐ/TW đã phát huy tác dụng tích cực trong việc phòng ngừa, ngăn chặn, phát hiện, xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ.

Năm 2022, Bộ Chính trị ban hành Quy định 65-QĐ/TW (ngày 28/04/2022), quy định cụ thể về việc luân chuyển cán bộ đứng đầu, tạo thêm kỷ luật, kỷ cương cho công tác này.

Để đẩy mạnh kiểm soát quyền lực hơn nữa, đặc biệt là chấm dứt tình trạng dựa vào “hậu duệ – quan hệ – tiền tệ – đồ đệ – trí tuệ” trong công tác cán bộ, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định 114-QĐ/TW (ngày 11/07/2023) thay thế Quy định 205-QĐ/TW. Quy định 114-QĐ/TW quy định rõ trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo phải gương mẫu trong xem xét, bố trí người có quan hệ gia đình, thân quen vào vị trí đứng đầu cơ quan, đơn vị trực thuộc; giữ các chức vụ lãnh đạo, quản lý khác.

Trân trọng cảm ơn PGS.TS!

Nguồn: Tạp chí Thương hiệu & Công luận

15:03:50 15-02-2024

“Lần đầu tiên trong lịch sử, công tác nhân sự cấp chiến lược cho khóa sau được làm rất sớm và công khai, minh bạch để lựa chọn được đội ngũ lãnh đạo đủ tâm, đủ tầm đưa đất nước bước vào trang sử mới”, PGS.TS. Nguyễn Viết Thông, nguyên Tổng Thư ký Hội đồng […]

Đối tác của chúng tôi