Sự kiện - chuyên đề:

Có cách nào “chặt đứt” đường dây “móc ngoặc” giữa doanh nghiệp và quan chức?

VHDN: Trong hơn hai thập kỉ qua, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” ngày càng gia tăng, hậu quả rất lớn. Hàng loạt vụ án tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, đấu giá, y tế, thuế, hải quan, chứng khoán, trái phiếu, ngân hàng, bảo hiểm xã hội, xây dựng cơ bản,v.v… xảy ra nghiêm trọng không chỉ trong khu vực Nhà nước, mà cả ở lĩnh vực kinh tế tư nhân. Hiện tượng quan chức thoái hoá “bắt tay”, “móc ngoặc” với doanh nghiệp “đen” nhằm trục lợi đã và đang trở thành tệ nạn tồi tệ làm nghèo đất nước…

 

Có thể bắt nguồn từ thể chế, sự không đồng bộ của hệ thống pháp luật tạo kẽ hở về chính sách, cũng có thể do yếu kém trong bộ máy quản trị quốc gia, quản lí kinh tế và đặc biệt là sự tha hoá về nhân cách, đạo đức, lối sống nảy sinh lòng tham của nhiều cán bộ có chức, có quyền.

Những năm đầu thập kỉ thứ nhất của thế kỉ XXI, một số vụ án kinh tế, tham nhũng xảy ra gây chấn động đất nước như các vụ Lã Thị Kim Oanh, PMU-18, Vinashin,v.v…Sau các vụ án “dậy sóng” đó, có người lạc quan cho đấy là bài học sâu sắc, có sức răn đe, để rồi các vụ án kinh tế khác khó có thể xảy ra. Tuy nhiên, chặng đường hai thập kỉ qua, tội phạm tham nhũng như “con ngựa bất kham”…

Vụ án Lã Thị Kim Oanh (Giám đốc Công ty Tiếp thị Đầu tư NN & PTNT), xét xử năm 2003 gây thất thoát cho ngân sách Nhà nước hơn 71 tỉ đồng và 113.000 USD. TAND Hà Nội tuyên phạt mức án tử hình (năm 2006 Chủ tịch nước quyết định ân xá xuống còn chung thân). Đây là vụ án chấn động cả nước bởi không chỉ mức án cao nhất dành cho nữ bị cáo này mà còn liên luỵ đến nhiều quan chức, trong đó có những cán bộ cấp chiến lược như Bộ trưởng Lê Huy Ngọ bị kỉ luật hình thức cảnh cáo vì trách nhiệm. Thứ trưởng Thường trực Nguyễn Quang Hà và Thứ trưởng Nguyễn Thiện Luân đều bị mức án 3 năm tù do kí một số văn bản bảo lãnh cho Lã Thị Kim Oanh vay vốn ngân hàng.

Nhiều năm qua, hàng nghìn vụ án tham nhũng, nhiều quan chức nhận hối lộ cả chục, cả trăm tỉ đồng, hàng triệu USD, gây thiệt hại hàng nghìn tỉ đồng nhưng không có bị cáo nào chịu án tử hình như Lã Thị Kim Oanh. Trong các vụ án kinh tế, tham nhũng và chức vụ đều có chung đặc điểm là các quan chức lập ra doanh nghiệp tư nhân do vợ, con, người thân đảm nhiệm, trở thành “sân sau” để rửa tiền hoặc “bắt tay”, “móc ngoặc” với doanh nghiệp tạo ra “nhóm lợi ích” để đục khoét ngân sách Nhà nước, tước đoạt tài sản của Nhân dân.

Chỉ tính từ năm 2013 khi Đảng thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và người đứng đầu Đảng nhóm lửa “đốt lò” với phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”, thì “củi khô, củi tươi ” cho vào lò đều “cháy”. Hàng trăm quan chức cao cấp (thuộc các nhiệm kì 2011-2016, 2016-2021 và 2021-2026) vi phạm, trong đó rất nhiều cán bộ cấp chiến lược, được quy hoạch, được cho là “có tài, có đức, biết nhìn xa trông rộng, có năng lực hoạch định, thực thi chính sách và quản trị quốc gia” đã trở thành “củi” gộc.

Vụ án “Vũ Nhôm” làm khuynh đảo bộ máy quyền lực thành phố Đã Nẵng. Nhiều cán bộ đứng đầu Đảng, chính quyền, cơ quan chức năng dính líu gây thiệt hại cho Nhà nước 22.000 tỉ đồng. Một số cán bộ cấp cao của thành phố Đà Nẵng, của Bộ Công an nhúng chàm đã bị xử lí hình sự. Tương tự, vụ án “Út trọc” (Đinh Ngọc Hệ) nhờ “bắt tay” với quan chức ngành giao thông chiếm hưởng 725 tỉ đồng trong một dự án đường bộ. Hàng loạt cựu Bí thư, Chủ tịch UBND cấp tỉnh cấu kết với doanh nghiệp dễ dàng cấp đất, giao đất, bất chấp các quy định của pháp luật về đất đai, về đấu thầu, đấu giá, về chi ngân sách. Hai cựu Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn cam tâm “móc ngoặc” với Mobifone để mua AVG bằng ngân sách Nhà nước gây thiệt hại hơn 8.000 tỉ đồng. Cựu Bí thư Tỉnh uỷ Bình Dương Trần Văn Nam “bắt tay” với doanh nghiệp nhận hối lộ, cấp đất gây thiệt hại cho Nhà nước 5.700 tỉ đồng. Cựu Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Văn Vịnh và Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai, Doãn Văn Hưởng nhận hối lộ của Licogi để doanh nghiệp này tung hoành khai thác trái phép khoáng sản bán cho nước ngoài hàng chục nghìn tấn. Cựu Bí thư Trần Đình Thành, Cựu Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, Đinh Bắc Thái nhận hối lộ để AIC lũng đoạn đấu thầu công trình gây thất thoát hàng trăm tỉ đồng. Hàng loạt cựu lãnh đạo ở thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng; các cựu Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai; cựu Bí thư tỉnh Lâm Đồng Trần Đức Quận, cựu Bí thư Tỉnh uỷ Vĩnh Phúc Hoàng Thị Thuý Lan và nhiều cựu Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch UBND các tỉnh Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Giang, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hoà, Bắc Ninh,v.v…bị khởi tố, truy tố vì tội “cố ý làm trái các quy định của Nhà nước, gây hậu quả nghiêm trọng” và “nhận hối lộ” từ các doanh nghiệp “bơm” tiền.

Những năm đại dịch COVID-19 bùng phát, xảy ra hai đại án là “vụ Việt Á” và “vụ Giải cứu” tồi tệ nhất trong lịch sử đất nước. Chỉ với công ty tư nhân “bé nhỏ” do Phan Quốc Việt làm Giám đốc mà gây khuynh đảo, hàng trăm quan chức trong ngành y tế và chính quyền 63 tỉnh, thành phố bị “bùa mê thuốc lú” của Việt Á lừa đảo, lũng đoạn một cách ma mãnh. Từ Bí thư Tỉnh uỷ (Phạm Xuân Thăng) ở Hải Dương đến cựu Bộ trưởng Bộ Y tế (Nguyễn Thanh Long), cựu Bộ trưởng Bộ Khoa học – Công nghệ (Chu Ngọc Anh), Giám đốc CDC hầu hết các tỉnh nhận hối lộ gây nên một cuộc khủng hoảng trong ngành Y tế, làm điêu đứng cho hàng triệu dân lành và thất thoát lớn nguồn lực xã hội. “Vụ án giải cứu” cũng thế. Nó vừa gây mất lòng tin của Nhân dân vừa mất đi nhiều cán bộ chuyên môn, cán bộ cấp cao, để lại hậu quả rất nặng nề. Gốc rễ của sự việc và hậu quả vô cùng lớn là bắt nguồn từ sự “móc ngoặc”, “bắt tay”, cùng trục lợi giữa doanh nghiệp với những quan chức tham lam, thất đức.v.v…

Nhiều năm trước đây, công tác phòng, chống tham nhũng chủ yếu tập trung vào doanh nghiệp Nhà nước. Gần đây, nhận rõ thực trạng của tội phạm này xảy ra trong các doanh nghiệp tư nhân, từ các doanh nghiệp “sân sau” của quan chức để rửa tiền, cạnh tranh và dựa vào các “thế lực ngầm” trong bộ máy quản lí hành chính Nhà nước, phổ biến ở cấp tỉnh, thành phố khi bộ máy này được trao chức năng, quyền hạn từ quy hoạch, phân bổ ngân sách, cấp và giao đất đến đấu thầu đất đai, đấu giá, đầu tư công, lập dự án và xây dựng công trình, nơi hoạt động mạnh của doanh nghiệp liên quan đến các thị trường trong nền kinh tế.

Điển hình về tệ nạn tham nhũng, tiêu cực trong doanh nghiệp ngoài Nhà nước là các Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, FLC, Tân Hoàng Minh, Công ty CP Tiến bộ Quốc tế (AIC Group), Công ty Tập đoàn Phúc Sơn, Công ty Tập đoàn Thuận An,v.v… mà ở đó nhiều quan chức trong bộ máy công quyền “bảo trợ”, hoặc là “sân sau” của họ, hoặc là sự “bắt tay”, “móc ngoặc” với nhau để lũng đoạn về đất đai, tài nguyên khoáng sản, đục khoét ngân sách, thao túng các thị trường tài chính, tiền tệ, chứng khoán, trái phiếu,v.v.,. Nếu trong đại dịch COVID-19, Công ty CP Công nghệ Việt Á lũng đoạn về mua bán, cung cấp kit test xét nghiệm, thiết bị y tế thì AIC Group lũng đoạn về cơ chế đấu thầu. Bằng thủ đoạn “bơm tiền” hối lộ các quan chức, Nguyễn Thị Thanh Nhàn trở thành “người đàn bà quyền lực”, vào cửa nào cũng lọt, luôn thắng trong các gói thầu về y tế, giáo dục, môi trường, công nghệ thông tin,v.v…

Các doanh nghiệp tư nhân này là thủ phạm làm băng hoại đạo đức, tha hoá nhân cách, lối sống của “một bộ phận không nhỏ” quan chức, cam tâm làm “nô lệ” của đồng tiền, làm sói mòn niềm tin của Nhân dân, để lại hậu quả rất xấu về kinh tế, kìm hãm sự phát triển đất nước, khiến tăng trưởng không thể cao hơn, ảnh hưởng đến cân đối vĩ mô…

Để “chặt đứt” đường dây liên hệ “ma quỷ” hình thành “nhóm lợi ích”, “lợi ích nhóm” giữa doanh nghiệp và quan chức, Đảng và Nhà nước cần nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế quản lí, chính sách kinh tế, pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, bảo đảm khả thi, chặt chẽ, không để tồn tại kẽ hở cho các đối tượng lợi dụng, trục lợi. Đẩy mạnh cải cách hành chính, củng cố, kiện toàn các cơ quan chức năng như thuế, hải quan, tài chính, ngân hàng, kế hoạch đầu tư, quản lí doanh nghiệp,v.v… Đồng thời, có chế tài đủ mạnh để ngăn ngừa, xử lí nghiêm khắc các hành vi sai phạm và thu triệt để sung công quỹ tiền tham nhũng, hối lộ. Có biện pháp bịt chặt các lỗ hổng về cơ chế, chính sách, nhất là đối với các ngành, lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực. Cán bộ trực tiếp làm công tác thanh tra, kiểm tra phải là người công tâm, liêm chính, gương mẫu, đề cao trách nhiệm được giao, đẩy mạnh công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng với quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai”…

 

(Kim Quốc Hoa)

Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 5/2024

08:11:30 09-05-2024

VHDN: Trong hơn hai thập kỉ qua, tội phạm về kinh tế, tham nhũng gắn với “lợi ích nhóm” ngày càng gia tăng, hậu quả rất lớn. Hàng loạt vụ án tham nhũng trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, đấu giá, y tế, thuế, hải quan, chứng khoán, trái phiếu, ngân hàng, bảo hiểm […]

Đối tác của chúng tôi