Sự kiện - chuyên đề:

Cơ hội mới, thách thức mới với doanh nghiệp Việt

VHDN: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được 10 nước ASEAN và 5 đối tác,gồm: Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc ký kết. Hiệp định được nhận định sẽ mang lại cơ hội lớn cho xuất khẩu (XK). Tuy nhiên, đi kèm với đó sẽ là không ít thách thức đặt ra đối với doanh nghiệp (DN) Việt.

Tạo cơ hội cho chuỗi cung ứng mới phát triển

Là nền kinh tế có nhiều mặt hàng thế mạnh đáp ứng nhu cầu hầu hết thành viên, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia nhận nhiều lợi ích từ RCEP. Theo Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh, trong khi dịch COVID-19 làm gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, xu hướng bảo hộ đang nổi lên, RCEP được ký kết trở thành dấu mốc quan trọng trong hội nhập kinh tế của các nước tham gia. Một tiến trình hợp tác, liên kết cùng phát triển mới đang mở ra với 15 nền kinh tế tham gia RCEP khi tạo ra thị trường có quy mô 2,2 tỷ người, tương đương 26.200 tỷ USD và một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới. Cũng từ đây tạo cơ hội cho chuỗi cung ứng mới phát triển khi các cam kết mở cửa thị trường hàng hoá, dịch vụ, đầu tư… được thực thi, đi kèm với các chính sách tạo thuận lợi về thương mại. Đáng chú ý là hiệp định này thiết lập thị trường XK ổn định, lâu dài cho các nước ASEAN, trong đó có Việt Nam. Các khuôn khổ pháp lý ràng buộc về chính sách thương mại, đầu tư, sở hữu trí tuệ, thương mại điện tử… trong một “sân chơi” công bằng cũng sẽ được tạo ra trong khu vực nhờ RCEP.

Ngoài ra, Hiệp định RCEP về cơ bản là thỏa thuận mang tính kết nối các cam kết đã có của ASEAN với 5 đối tác với ASEAN trong một Hiệp định FTA. Ví dụ, DN sẽ chỉ phải sử dụng một quy tắc xuất xứ thay vì năm bộ quy tắc xuất xứ riêng ở các FTAtrước đây. Tương tự, các quy tắc về thủ tục hải quan và tạo thuận lợi thương mại cũng được thống nhất và tăng cường. Do đó, về cơ bản sẽ không tạo ra cam kết mở cửa thị trường hay áp lực cạnh tranh mới mà chủ yếu hướng đến tạo thuận lợi cho DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ. Hơn nữa, thực tế quá trình tự do hoá thuế quan với các nước ASEAN đã được thực hiện trong suốt hơn 20 năm qua. Vì vậy, việc thực hiện hiệp định RCEP sau khi được thông qua sẽ không tạo ra cú sốc về giảm thuế quan đối với Việt Nam. Đồng thời, RCEP còn hướng đến tạo thuận lợi cho DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ với nhiều cơ hội tham gia các chuỗi cung ứng mới.

Ở góc độ DN, ông Lưu Hải Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Công nghệ mới Nhật Hải cho biết, DN rất kỳ vọng sẽ tiếp tục mở rộng thị trường XK tới nhiều nước có tính tương đồng cao trong RCEP. Do thuế quan giảm mạnh, các thủ tục hải quan được đơn giản hóa nên luồng hàng cũng sẽ được lưu chuyển nhanh hơn giữa các quốc gia, là cơ hội để DN mở rộng thị trường tới 15 nước tham gia RCEP.

Doanh nghiệp cần tuân thủ “cuộc chơi”

Chủ động nắm bắt thời cơ cũng như các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, RCEP tạo ra những khuôn khổ mới với nhiều thuận lợi song cũng đưa ra các quy chuẩn chung mà mọi nền kinh tế, mọi DN khi nhập cuộc bắt buộc phải tuân thủ. Để tận dụng tối đa các lợi thế mang lại, yêu cầu trước tiên là các cơ quan chức năng cần tiếp tục cải cách thể chế để tạo ra môi trường kinh doanh phù hợp với các quy chuẩn chung đã được thống nhất.

Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO (VCCI) cho rằng, đối với các DN, vấn đề tiên quyết là phải nắm vững các quy định của RCEP để có được tâm thế tốt nhất tham gia “cuộc chơi”. Theo đó, DN cần tập trung vào vấn đề cốt lõi là tăng cường tính cạnh tranh để tận dụng tốt nhất cơ hội của RCEP.

Nhìn nhận về vấn đề này, ông Lương Hoàng Thái, Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên (Bộ Công thương) cũng cho rằng, bên cạnh những thuận lợi thì Hiệp định RCEP có thể mang tới những sức ép cạnh tranh đối với hàng hóa, dịch vụ của Việt Nam. Đến nay, chất lượng, hàm lượng giá trị gia tăng của hầu hết sản phẩm XK nước ta đều ở mức độ khá khiêm tốn. Trong khi đó, các nền kinh tế trong khu vực RCEP có nhiều đối tác có cơ cấu sản phẩm tương tự như nước ta nhưng lại có năng lực cạnh tranh mạnh cao hơn chúng ta. Điều đó dẫn đến khi thực thi hiệp định này thì sức ép cạnh tranh sẽ gia tăng, hàng Việt phải cạnh tranh với các mặt hàng nhập khẩu cùng nhóm từ RCEP. Bên cạnh đó, mặc dù nỗ lực để thoát khỏi sự phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa cho sản phẩm XK, song đến nay, “đầu vào” của nền sản xuất vẫn phải nhập khẩu. Yếu tố này cũng là rào cản để DN Việt có thể chiến thắng trong cuộc cạnh tranh thị phần khốc liệt ngay chính tại “sân nhà”.

Để vượt qua được thách thức này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong cho rằng, nếu chúng ta không có kỹ năng, khả năng vượt qua các hàng rào kỹ thuật của các đối tác tham gia hiệp định thì DN Việt sẽ vừa bị ép ngay tại chính “sân nhà” vừa khó thâm nhập vào thị trường các nước tham gia hiệp định. Do vậy, các DN cần nâng cao sức cạnh tranh, tăng chất lượng, hàm lượng chất xám, tận dụng tính ưu việt, bản sắc riêng có của sản phẩm hàng Việt để mở rộng thị trường.

Các chuyên gia kinh tế cũng cho rằng, trong khi RCEP tiếp tục thực hiện các bước đi pháp lý tiếp theo thì việc thông tin, tuyên truyền tới cộng đồng DN để nắm vững nội dung, cơ hội đầu tư mới, lộ trình thực hiện RCEP là điều cần được đặc biệt quan tâm.

Tú Nguyệt

09:46:50 15-12-2020

VHDN: Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã được 10 nước ASEAN và 5 đối tác,gồm: Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc, Hàn Quốc ký kết. Hiệp định được nhận định sẽ mang lại cơ hội lớn cho xuất khẩu (XK). Tuy nhiên, đi kèm với đó sẽ là […]

Đối tác của chúng tôi