Sự kiện - chuyên đề:

Con chó ghẻ

Một sáng tôi ra chợ mua sắm vài thứ vật dụng nhu yếu. Trên đường đi, tôi gặp một bà lão tóc bạc, lưng còng đang xua đuổi một con chó ghẻ, gầy còm “cỡ vài ký”. Bà chống gậy cố bước nhanh chân một chút như thể chạy trốn. Con chó lại ráng sức chạy theo. Bà quay lại xua, con chó dừng rồi quay đầu chạy trở lại vài bước. Bà chống gậy xoay lưng lật đật thêm mấy bước, con chó lại ngoe nguẩy đuôi chạy theo. Bà đứng lại, chó lại dừng. Thấy sự việc là lạ, tôi dừng chân quan sát mãi. Bà lão và con chó cứ quẩn quanh hoài.

Tôi mua sắm xong thì chợ cũng vãn người, tôi tất tưởi ra về. Bà lão sao còn ngồi đây? Bà khư khư ôm con chó trong tay.

Bà ơi! Muộn chợ rồi bà về cùng con cho vui – tôi mời.

  • Cô cứ về trước đi, bà … bà còn vướng con chó – bà nói.
  • Con chó của bà nó làm sao hở bà – tôi hỏi.

– Không phải con chó của bà, chắc nó lạc hay nó ghẻ lở nên người ta vứt bỏ – tội nghiệp – bà phân trần.

  • Vậy bà định thế nào? – tôi hỏi, bà tiếp.

– Ai đi qua bà cũng kêu cho họ mang nó về mà nuôi họ đều lắc đầu. Bà nói tiếp – cô mang nó về nuôi, nó thành thân, nó không quên ơn đâu.

– Con mới về trường làng ta dạy học, sống trong khu tập thể, không nuôi được chó – tôi nói, bà tiếp:

  • Thôi cô đi đi! Ai cũng từ chối nuôi nó.

Đã vài tuần trôi qua, công việc tạm ổn định, tôi tranh thủ hỏi thăm tìm đến nhà bà lão chơi. Vừa bước vào cổng, con chó bữa nọ chạy ra ngoe nguẩy cái đuôi mừng khách. Cu cậu sạch sẽ bảnh bao ra phết, tội cái còn hơi gầy.

– Tôi lên tiếng chào bà, từ trong nhà bà húng hắng ho đáp:

– Ai đấy, mời vào nhà xơi nước.

– Tôi bước qua cửa vào nhà, thấy bà đang ngồi cạo củ khoai ngay dưới đất, cạnh cái chõng tre, trên chõng để cái ấm tích và hai cái bát uống nước.

– Con chào bà ạ!

– Chào cô, cô thông cảm con vện không chê chủ nghèo, nó chỉ thích ăn khoai lang hấp cơm. – Bà nói tiếp:

– Mà  sao cô biết nhà, cô đến xin con vện hả? Bà hỏi dồn làm tôi bối rối, tôi thưa với bà:

– Dạ con về làng ta dạy học, người đầu tiên con quen biết là bà, con đến thăm bà. Cả nhà đi làm chưa ai về hả bà?

– Có ai mà về … Rồi bà kể:

“Ông nhà bà hi sinh trong kháng chiến chống Pháp. Hai mẹ con nuôi nhau, lớn lên nó lại bỏ bà đi chống Mỹ mãi không về…”

– Con xin lỗi bà. Bà ơi, con cũng cùng hoàn cảnh … Nhà con cũng hi sinh ở mặt trận biên giới phía Bắc.

– Con ơi! Gắng mà sống, sống cho xứng đáng với chồng con, bõ công họ đi đánh giặc giành lại hòa bình. Bà gọi hai tiếng “con ơi” làm tôi xúc động nghẹn ngào. Bà là “Mẹ Việt Nam anh hùng” được Nhà nước và nhân dân chăm lo cũng đỡ. Bà đôn hậu, thương người, thương yêu cuộc sống, tuổi cao sức yếu đi đứng, nói năng chậm rãi, bà vẫn cần mẫn tự thân mọi việc. Tôi trộm nghĩ, những mảnh đời đơn lẻ nương tựa vào nhau hẳn ấm áp hơn nhiều? Từ đấy tôi lui tới thăm nom giúp đỡ bà thường xuyên như tình bà cháu, mẹ con.

*     *

*

Bẵng đi một thời gian, tôi được đi tu nghiệp một năm. Nay về, lòng những khấp khởi, tôi xuống xe ngay ở đầu làng. Điều đầu tiên đập vào mắt tôi, một tấm biển làm bằng cái bẹ mo cau, kẹp bằng cái gậy tre cũ của bà cắm ngay bên mép đường – trông như tấm biển nhận ruộng của bà con hợp tác xã. Biển đề: “Bà Suốt có được con chó lạc cỡ 10kg, ai là chủ chó, bà cho xin lại”. Nét chữ nguệch ngoạc run run.

Tôi không về trường ngay, tất tưởi về nhà bà lão. Bà con chào nhau, chưa kịp hàn huyên chuyện gì.

– Con chó bà nuôi từ bấy đến giờ – tôi nôn nóng hỏi bà – nó là của bà, sao bà lại thông báo “ai nhận” bà cho là sao?

– Con ơi! Bà thấy trong người yếu nhiều, chẳng biết có nuôi được nó mãi không. Nếu có người tử tế nuôi giùm bà mới yên tâm, bà tiếp:

– Con đi vắng, bà nhờ mấy cháu học sinh cắm giùm … có ai ngờ!?…

– Vậy đã có ai xin chưa hở bà – tôi hỏi, bà nói:

– Có rồi, mà nhiều người nữa là khác. Ai cũng nhận là chó của mình, phiền quá, bà cũng chẳng biết xử thế nào. Bà bảo:

– Ừ nếu đúng là chó của ông, của bác, gọi được nó theo, bắt được nó về – già cho. Nhưng phải nuôi chứ không được giết nó. Nghe bà kể tiếp, tôi càng thấy lòng tham của người ta thật quả thể.

– Nào là – bà nói: Ông văn phòng ủy ban, ông quản trị hợp tác xã, ông kế toán, ông an ninh, ông trưởng thôn trên, ông phó thôn dưới, rồi cả ông giám đốc công ty ngoài bãi v.v và v.v

Tóm lại chẳng có ai gọi được, bắt được. Ai cũng bị con vện cắn cho sất mày, sất mặt rồi bỏ chuồn.

Tôi xin thuật lại trận chiến cuối cùng giữa con vện và đội cờ đỏ “theo lời kể của bà”.

Sau khi một tốp cờ đỏ vào nhà thông báo với bà “có lệnh điều họ đến bắt con chó” vì nó đã cắn mấy người liền, họ phải đi tiêm vacxin chó dại.

  • Bà bảo họ thế nào? – Tôi hỏi bà – Bà nói:

– Nếu có lệnh các anh cứ bắt, không được đánh chết nó trước mặt tôi, của đau con xót.

– Khó thật, nếu bắt sống nó thì đã có bao nhiêu người chịu thua rồi – mấy người cờ đỏ làu bàu.

Năm vị cờ đỏ dàn thế trận theo kiểu gọng kìm, hình chữ V chẹt cổ, con vện có mà chạy trên trời.

Vện ngồi thu lu, hai chân trước hơi khuỳnh ra hai bên một chút, hai bàn chân sau như không đặt hết xuống đất, chỉ tám cái ngón chân tiếp đất như nhấp nhổm. Hai mắt nó đỏ ngầu, cái lưỡi cũng đỏ như một lát tiết lợn đã đông lo le, thi thoảng để lộ ra mấy cái răng nanh trắng ởn, miệng không ngớt hậm hừ. Vành đai cờ đỏ lom khom khép lại, tay gậy luôn quơ đi, quơ lại tựa chiến thuật nghi binh. Vện đảo mắt sang phải rồi đảo mắt sang trái. Một luồng gió mạnh xé không khí. Vện bật hai chân sau bay vù qua đầu vị cờ đỏ đi giữa.

– Ối! Một tiếng kêu rú lên, anh ta ưỡn người về phía trước. Vện nhổ vội mấy cái răng nanh ra khỏi vai gáy anh ta. Anh ta đổ vật người xuống chân tường giãy dụa. Đội cờ đỏ chỉ còn lại bốn người, họ xoay mình đổi hướng. Vện đã ở ngoài vòng vây nhưng nó không chạy. Vện lại xuống tấn như miếng hổ vồ, vù một cái Vện lại bay trở vào. Lại một vị cờ đỏ kêu thét lên – Vện cắn trúng cái mũi anh ta rồi xoay mình kéo vênh cái mặt vị cờ đỏ ra đằng sau. Vện nhả miệng, vị cờ đỏ đo người xuống nền nhà. Ba vị cờ đỏ còn lại ù té chạy cả ra ngoài. Vện đủng đỉnh ngoe ngoảy đuôi đi vào nhà trong miệng không ngớt đe giọng “đâu đâu”.

Mấy vị cờ đỏ lục tục dìu nhau ra ngõ, miệng cứ làu bàu mãi: Phải trị bằng được “Ba mâm không hết”.

*     *

– Cha mẹ lũ tham ăn, có cho bà phải chọn mặt gửi vàng. Rồi bà quay sang bảo tôi:

– Con mang con vện về bên ấy mà nuôi, con vện nó là loài vật nhưng nó có tình có nghĩa và thủy chung với chủ lắm.

– Con mạn phép bà, con muốn xin nhà trường dọn về đây ở với bà cho vui cửa vui nhà, có mẹ có con rồi cùng chăm con vện nữa.

– Ôi con gái! Còn gì bằng, nhưng mẹ già yếu vầy, vất vả con nhiều.

Hai mẹ con ôm chầm lấy nhau, thổn thức trong nỗi niềm hạnh phúc, mặc cho những giọt nước mắt lăn dài xuống má, hòa trộn buồn vui làm ấm lòng mẹ, lòng con.

Con vện quyện quanh một hồi, bất chợt vện tung hai chân trước lên ôm quàng ngang lưng mẹ.

Cả hai mẹ con và con vện đứng lặng im mãi. Một khối vững trãi như một pho tượng sống giữa đời.

Truyện ngắn của Thành Thiện

13:47:56 12-04-2019

Một sáng tôi ra chợ mua sắm vài thứ vật dụng nhu yếu. Trên đường đi, tôi gặp một bà lão tóc bạc, lưng còng đang xua đuổi một con chó ghẻ, gầy còm “cỡ vài ký”. Bà chống gậy cố bước nhanh chân một chút như thể chạy trốn. Con chó lại ráng sức […]

Đối tác của chúng tôi