Sự kiện - chuyên đề:

Đền Bạch Mã là một trong tứ trấn-trấn Đông của kinh thành Thăng Long

VHDN: Đền Bạch Mã là một trong tứ trấn – trấn Đông của kinh thành Thăng Long, thờ thần Long Đỗ, còn gọi Tô Lịch giang thần – thành hoàng Hà Nội gốc.

Đền Bạch Mã ở 76 – 78 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Xưa là phường Hà Khẩu, tổng Hữu Túc, huyện Thọ Xương, phủ Hoài Đức, nơi cửa sông Tô Lịch thông với sông Hồng (hai con sông huyết mạch của Hà Nội cổ).

Cuối thế kỷ thứ 3, đầu thế kỷ thứ 4, nơi đây là một vùng đất phù sa màu mỡ, người dân tụ cư về đây dựng làng xóm bên con sông và đặt tên hương Long Đỗ, làng xóm đầu tiên trên đất kinh kỳ. Đa số người dân trong làng mang dòng họ Tô. Người chủ làng họ Tô tên Lịch là quan chức Hiếu Liêm. Gia đình ông sống thanh bạch, anh em hòa thuận, hiếu thảo. Gặp năm mất mùa, ông đem thóc gạo của gia đình phân phát cho người dân trong làng. Khi ông mất, dân làng đặt tên làng Tô Lịch. Con sông chảy qua làng cũng được gọi sông Tô Lịch. Dân thờ ông làm thành hoàng, để tránh kỵ tên húy, tên ông được kính cẩn đặt: Thần Long Đỗ.

Năm 866, Cao Biền sang nước ta, là một viên quan cai trị, cũng là một phù thủy cao tay nhiều pháp thuật với âm mưu diệt trừ các vị thần thiêng của nước Nam. Cao Biền định đắp thành, xây lũy quanh kinh thành, nhưng mấy lần làm đều bị sập đổ. Một hôm Cao Biền lững thững đi bên sông thấy một cụ già râu tóc bạc phơ từ dưới dòng sông đi lên. Cao Biền hỏi “Cụ là ai vậy”, ông cụ đáp: “Ta là Tô Lịch”. Rồi cụ quay lại biến mất. Đêm hôm ấy Cao Biền mộng thấy cụ già hình dáng giống hệt ông cụ lúc Cao Biền gặp bên sông. Cụ nói với Cao Biền: “Ta là Long Đỗ Vương, thấy ông định đắp thành Đại La, ta đến chơi thôi”. Cao Biền kinh hãi tỉnh dậy kể lại với quần thần. Có người bàn với Cao Biền nên làm đền thờ, đắp tượng ông cụ Tô Lịch rồi làm bùa yểm cùng 1000 cân đồng và sắt chôn lấp. Cao Biền làm theo. Ngay đêm bùa yểm, sắt, đồng chôn xong, bão tố nổi lên, sấm sét đùng đùng làm tan tành sắt, đồng cùng bùa yểm. Cao Biền kinh hãi lập đền thờ thần Long Đỗ và sắc phong.

Đỗ phủ thành hoàng thần quân”

Năm 1010, khi Lý Thái Tổ rời đô ra Thăng Long, nhiều lần ông xây thành bị lở. Nhà vua đến đền thờ “Tô Lịch giang thần Long Đỗ” cầu khẩn xin thần giúp đỡ để xây thành vững chãi. Sáng hôm sau bỗng xuất hiện một ngựa trắng từ trong đền “Long Đỗ” đi ra một vòng từ Đông sang Tây, đi đến đâu để lại dấu chân ở đó rồi quay về đền biến mất. Vua Lý Thái Tổ cứ theo dấu chân ngựa trắng xây thành. Thành lũy Thăng Long không còn bị sạt lở mà chắc chắn, vững chãi. Vua Lý Thái Tổ tin rằng thần Long Đỗ Tô Lịch đã hiển linh thành ngựa trắng phù trợ nhà vua xây thành vững chắc. Nhà vua đặt tên mới cho đền Long Đỗ là Bạch Mã linh từ và sắc phong:

Quốc đô Định bang Thành Hoàng Đại Vương”

Các vua Trần 3 lần đánh quân Nguyên Mông đều đến đền Bạch Mã cầu khẩn, cả ba lần đánh bại âm mưu cướp nước của lũ quân xâm lược mạnh nhất thế giới thời đó. Vua Trần sắc phong đền Bạch Mã:

 Bảo quốc trấn linh. Định bang Quốc đô Thành Hoàng Đại Vương

Thái sư thượng tướng Trần Quốc Khải cảm xúc tỏ lòng tri ân:

                     Nhờ cậy dữ uy trừ giặc Bắc

                     Giúp ngay đất nước được thanh bình.

Từ xa xưa, đền Bạch Mã nằm giữa vùng dân cư đông đúc với khu nhà tranh tre, nứa, lá. Đã ba lần bị hỏa hoạn nhưng ngôi đền vẫn nguyên vẹn. Thái sư thượng tướng Trần Quang Khải ca ngợi:

                    Đại Vương xưa nức tiếng oai linh

                     Nay mới hay rằng ma quỷ kinh

                     Lửa cháy 3 khu không chạm đến

                     Gió lay một trận chẳng nghiêng mình.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Bom B52 rải thảm ở miền Bắc, xung quanh đền Bạch Mã nhiều nơi bị tàn phá, riêng ngôi đền vẫn nguyên vẹn.

Đền Bạch Mã được nhiều triều đại trùng tu tôn tạo khiến ngôi đền trở thành một công trình kiến trúc tiêu biểu, lưu giữ nhiều di vật cổ, còn là nguồn tư liệu quý để phục hiện Thăng Long – Hà Nội xa xưa. Ngày 12-12-1986, Bộ Văn hóa thông tin du lịch đã xếp hạng đền Bạch Mã là “Di tích Lịch sử văn hóa kiến trúc cấp Quốc gia”. Nằm trong khu phố cổ, đền Bạch Mã là địa điểm hấp dẫn thu hút các du khách trong và ngoài nước đến viếng thăm, tìm hiểu di tích lịch sử văn hóa của Thăng Long Hà Nội.

Lê Nhật Tăng

14:41:17 11-12-2017

VHDN: Đền Bạch Mã là một trong tứ trấn – trấn Đông của kinh thành Thăng Long, thờ thần Long Đỗ, còn gọi Tô Lịch giang thần – thành hoàng Hà Nội gốc. Đền Bạch Mã ở 76 – 78 phố Hàng Buồm, phường Hàng Buồm, quận Hoàn Kiếm. Xưa là phường Hà Khẩu, tổng […]

Đối tác của chúng tôi