Sự kiện - chuyên đề:

Diễn đàn: Xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp: Nền tảng phát triển bền vững

VHDN:Ngày 8/11, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Nội, Hiệp hội DNNVV TP.Hà Nội, báo Người Hà Nội phối hợp tổ chức diễn đàn “Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp” lần I năm 2018.

GS.TSKH Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Đại học Quốc gia Hà Nội tham luận

Với chủ đề “Doanh nhân, doanh nghiệp tiên phong đổi mới vì sự phát triển bền vững của Thủ đô và đất nước”, diễn đàn là hoạt động thiết thực nhằm đưa cuộc vận động “Xây dựng văn hóa doanh nghiệp Việt Nam” vào cuộc sống và hưởng ứng ngày văn hóa doanh nghiệp Việt Nam (10/11) do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Đến dự có ông Vũ Mão- Nguyên ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội; ông Lê Như Tiến- Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội; ông Bùi Thế Đức- Phó chủ tịch chuyên trách Hội đồng lý luận, phê bình văn học nghệ thuật Trung ương; nhà báo Hồ Quang Lợi – Phó chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam cùng sự hiện diện của các chuyên gia, nhà quản lý và các doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu.

Ông Đào Xuân Hưng, Tổng biên tập Báo Người Hà Nội đọc lời chào mừng

Tại Diễn đàn, các tham luận và ý kiến phát biểu tập trung nêu bật vai trò, vị trí của văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân; sự cần thiết cũng như những giải pháp đặt ra trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp và văn hóa doanh nhân trong bối cảnh hiện nay.

Theo đó, các đại biểu đều nhấn mạnh sự phát triển văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp là yêu cầu cơ bản và cấp thiết để doanh nghiệp phát triển bền vững, nâng cao năng lực hội nhập và khả năng cạnh tranh. Ở nước ta cũng đã có một số doanh nghiệp bước đầu định hình được sự thay đổi từ nhận thức đến hành động trong xây dựng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân; biết gắn lợi ích của doanh nghiệp với lợi ích cộng đồng và từ đó khẳng định được bản sắc cũng như uy tín của mình.
Tuy nhiên, bên cạnh đó, vẫn còn những doanh nghiệp chưa thực sự chú trọng xây dựng văn hóa doanh nghiệp, chưa quan tâm đến nhân tố văn hóa trong kinh doanh, đạo đức trong kinh doanh, chưa phát huy được sức mạnh nội lực tổng hợp của doanh nghiệp.

Phát biểu tại diễn đàn, Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, ông Lê Như Tiến khẳng định: Văn hóa doanh nghiệp có vai trò rất quan trọng trong sự phát triển của mỗi loại hình doanh nghiệp. Nếu thiếu yếu tố văn hóa thì doanh nghiệp khó có thể đứng vững và tồn tại. Thông qua hình ảnh có văn hóa của doanh nghiệp sẽ góp phần quảng bá thương hiệu và tín nhiệm của doanh nghiệp đó với thị trường. Hay nói cách khác, văn hóa doanh nghiệp chính là tài sản vô hình của mỗi doanh nghiệp.

Cốt cách văn hóa doanh nghiệp Việt Nam phải bắt nguồn từ văn hóa dân tộc. Văn hóa doanh nghiệp được kế thừa và phát huy bởi người đứng đầu của mỗi doanh nghiệp, đó là các doanh nhân. Văn hóa doanh nghiệp trước hết là dấu ấn cá nhân của người đứng đầu doanh nghiệp, vì thế xây dựng văn hóa doanh nghiệp thời hội nhập, doanh nhân phải là người tiên phong.

Theo ông Tiến, nội hàm của văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nhân bắt nguồn từ những giá trị cốt lõi sau: Lao động hết mình, tạo những giá trị vật chất và tinh thần cho xã hội, cho doanh nghiệp và mỗi thành viên; Đoàn kết gắn bó vì lợi ích chung, tạo nên chất keo gắn kết giữa doanh nhân và người lao động; Biết tuân thủ pháp luật và các cam kết quốc tế; Cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp, cùng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của đất nước…

Đồng quan điểm, GS.TSKH Vũ Minh Giang- Chủ tịch Hội đồng khoa học ĐH Quốc gia Hà Nội nhấn mạnh: “Cần phải thoát những cách nghĩ truyền thống khi bàn về câu chuyện văn hóa doanh nghiệp được thừa kế như thế nào từ mạch nguồn văn hóa dân tộc và phát triển như thế nào trong thời kì văn hóa hội nhập. Cách nghĩ truyền thống là khái niệm doanh nghiệp và văn hóa được cùng định nghĩa. Tức là doanh nghiệp là hoạt động sinh lời, là việc kinh doanh. Và đôi khi ta hiểu văn hóa trong doanh nghiệp thì nó làm cho hoạt động này văn hóa hơn”.
Phân tích nội hàm kinh doanh nằm trong văn hóa, GS.TSKH Vũ Minh Giang lấy ví dụ về những thiết chế văn hóa trong doanh nghiệp của các quốc gia bạn đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản… để so sánh với Việt Nam. Qua đó cho thấy, doanh nghiệp Việt cần phải học hỏi nhiều hơn nữa để tự xây dựng vị trí, vị thế doanh nghiệp, từng bước ghi tên thương hiệu trên thị trường quốc tế. Doanh nhân, doanh nghiệp Việt cần biến tất cả những gì Việt Nam có thành lợi thế cạnh tranh quốc tế.

Nói về tầm quan trọng của việc xây dựng văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, ông Vũ Mão chia sẻ: “Nền kinh tế nước ta muốn hội nhập sâu vào nền kinh tế thị trường hiện đại dựa trên trí tuệ khoa học công nghệ, pháp luật và đạo đức thì hoạt sản xuất kinh doanh và lối sống ứng xử của các doanh nhân giữ vai trò hết sức quan trọng. Các doanh nghiệp xây dựng năng lực cạnh tranh phải tuân thủ mục đích của xã hội, không thể làm giàu bằng mọi giá mà vi phạm đạo đức, làm tổn thương đến xã hội”.

Còn theo Ông Nguyễn Đình Thắng- Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt, văn hóa doanh nhân lấy giá trị cốt lõi là đạo đức kinh doanh, trách nhiệm của người lãnh đạo với các cổ đông, tập thể cán bộ nhân viên, khách hàng, đối tác, gia đình và xã hội. Giá trị cốt lõi của văn hóa doanh nghiệp là mục tiêu phấn đấu, phương châm hoạt động, triết lý kinh doanh, nhận diện thương hiệu và các nguyên tắc về quản trị, điều hành, nguyên tắc và chuẩn mực ứng xử trong nội bộ doanh nghiệp và với bên ngoài. Văn hóa doanh nghiệp là kim chỉ nam mà tất cả các thành viên thuộc doanh nghiệp phải tuân thủ thực hiện và phải được thường xuyên rà soát điều chỉnh hoàn thiện các hướng dẫn cụ thể để phát triển văn hóa nhằm phù hợp với hiện tại, tương lai và đạt được mục tiêu lâu dài của doanh nghiệp.
“Có các doanh nghiệp phải mất vài năm đến hàng chục năm mới xây dựng được văn hóa doanh nghiệp. Cũng có nhiều doanh nghiệp qua nhiều năm phát triển song vẫn chưa xây dựng được văn hóa cho doanh nghiệp mình. Như vậy xây dựng văn hóa doanh nghiệp là một quá trình nghiên cứu, học hỏi, sáng tạo và hoàn thiện của tập thể lãnh đạo, cán bộ nhân viên của chính doanh nghiệp để tạo ra bản sắc riêng của doanh nghiệp”, ông Thắng nhấn mạnh.
Cũng trong khuôn khổ diễn đàn, Ban tổ chức đã ghi nhận, biểu dương đội ngũ lãnh đạo – những doanh nhân tiên phong đổi mới sáng tạo và tôn vinh mô hình văn hóa doanh nghiệp tiêu biểu năm 2018.

Ngọc Anh

Chia sẻ
10:19:31 09-11-2018

VHDN:Ngày 8/11, tại Hà Nội, Đảng ủy Khối Doanh nghiệp Hà Nội, Hiệp hội DNNVV TP.Hà Nội, báo Người Hà Nội phối hợp tổ chức diễn đàn “Xây dựng và phát triển văn hóa doanh nhân, doanh nghiệp” lần I năm 2018. Với chủ đề “Doanh nhân, doanh nghiệp tiên phong đổi mới vì sự […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi