Sự kiện - chuyên đề:

Đồng bằng sông Cửu Long:Hạn hán,ngập mặn,thiếu nước ngọt trầm trọng

VHDN:Mấy tháng qua, cả nước gồng mình lên thực hiện mục tiêu kép: Chống chọi khốc liệt với bệnh dịch Covid-19 và lo ổn định, tăng trưởng kinh tế. Cũng vào thời điểm này, tình hình hạn hán, xâm ngập mặn, cạn kiệt nguồn nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra trên diện rộng, ảnh hưởng 10/13 tỉnh miền Tây Nam Bộ, gây hậu quả nặng nề, đặc biệt ở 5 tỉnh (Long An, Tiền Giang, Bến Tre, Kiên Giang và Cà Mau) đang khủng hoảng về nước, báo động trong tình trạng khẩn cấp. Hiện tượng này mang tính lịch sử vì diễn biến phức tạp, khó lường, chưa từng thấy trong mấy thập kỉ qua.

Nguyên nhân cơ bản do dòng chảy kiệt từ thượng nguồn sông Mê Kông và biến đổi khí hậu làm cho khả năng trữ nước của vùng ĐBSCL thu hẹp trong khi mùa nước mặn đến sớm bất thường. Hiện tượng xâm nhập mặn phá vỡ kỉ lục so với năm 2016.’

Về thượng nguồn, do tác động của El-Ninô, lượng mưa khu vực các nước tiểu vùng sông Mê Kông và ĐBSCL giảm 25-30% khiến cho lượng nước ở địa phận hạ lưu giảm trên 50%. Mặt khác, trên thượng nguồn thuộc địa phận Trung Quốc, quốc gia này xây dựng 6 đập lớn trữ nước để làm thủy điện. Đó là các đập Miêu Vỹ, Công Quả Kiều, Tiểu Loan, Man Loan, Đại Triệu Sơn, Nọa Trát Độ và Cảnh Hồng. Nhà máy thủy điện Tiểu Loan có đập nước vào loại lớn nhất thế giới. Các hồ chứa ở đây có dung tích 43-45 tỉ m3, dự kiến đến năm 2030 sẽ tăng lên 100 tỉ m3 nước. Khi đó thì ĐBSCL sẽ không bao giờ còn xảy ra lũ, ngập lụt. Ở vùng trung lưu sông Mê Kông chảy qua Lào, Thái Lan, Cam-pu-chia các nước này cũng đã và đang xây dựng hàng loạt đập, hồ chứa nước, ngăn sông và nhiều nhánh sông xây dựng thủy điện. Thái Lan đào nhiều hồ chứa nước rất lớn. Tại Cam-pu-chia, Biển Hồ có mực nước xuống thấp nhất từ trước đến nay,v.v…

ĐBSCL thuộc hạ lưu sông Mê Kông có lợi thế về địa lí nhưng đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức bởi tác động vô cùng nghiêm trọng từ vùng thượng lưu lại chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng tràn vào sâu từ 70 đến 90 km trên các sông Vàm Cỏ (Long An), sông Tiền (Tiền Giang), sông Cái Lớn (Kiên Giang). Tình trạng này ngày càng diễn biến phức tạp, trầm trọng do biến động dòng chảy thượng lưu ngày càng lớn, mực nước biển dâng ngày càng cao, nhu cầu sử dụng nước cho phát triển sản xuất nông nghiệp, nước sinh hoạt của người dân ngày càng gia tăng, trong khi nước ở sông Mê Kông đổ xuống lại giảm mạnh và không ổn định.

Hiện nay, một bộ phận lớn dân cư các vùng nông thôn ở ĐBSCL chưa có nước sạch. Người dân vẫn sử dụng nước ao, hồ, sông, kênh rạch cho sinh hoạt, ăn uống không tránh khỏi nguồn nước ô nhiễm, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Ở 5 tỉnh trong tình trạng khẩn cấp nêu trên, một triệu người đang thiếu gay gắt nước sạch, trong khi các địa phương này chưa có đủ nguồn lực bảo đảm. Để chung tay hỗ trợ cho người dân các nơi đó, một số địa phương được sự chi viện của các lực lượng quân đội, doanh nghiệp, kể cả quyên góp của báo Tuổi trẻ, tổ chức vận chuyển nước ngọt từ Vũng Tàu, thành phố Hồ Chí Minh cung cấp cho bà con nông dân vùng ngập mặn ở Bến Tre, Long An, Cà Mau, Kiên Giang, Tiền Giang. Bộ Tài nguyên & Môi trường trích Quỹ bảo vệ môi trường hỗ trợ mỗi tỉnh 500 triệu đồng để mua thiết bị lọc nước,v.v…thì cũng chỉ là “muối bỏ bể”. Một số tỉnh phát động chương trình xã hội hóa, vận động các doanh nghiệp đầu tư theo phương thức công-tư (như ở Tiền Giang) xây dựng các trạm cung cấp nước tập trung. Đó chỉ là những việc cấp bách trước mắt có ý nghĩa xã hội, tức thời chứ chưa phải giải pháp căn cơ, toàn diện, lâu dài mang tầm chiến lược.

Bảo đảm cung cấp nước ngọt cho sản xuất phát triển nông nghiệp trong thế trận chuyển đổi canh tác, cơ cấu lại sản phẩm cần một khối lượng nước ngọt trên 30 tỉ m3 và 23 tỉ m3 nước lợ mỗi năm. Riêng nước sạch cho đời sống người dân cũng cần hàng tỉ m3. Đáp ứng cho nhu cầu to lớn đó phải có một chiến lược phát triển nguồn nước trong hoạch định phát triển kinh tế-xã hội ĐBSCL ở tầm vĩ mô. Một giải pháp mang tính chiến lược là xây dựng một số hồ nhân tạo lớn chứa nước tại các vùng khan hiếm nước ngọt mà không để nước bị nhiễm phèn, nhiễm mặn đan xen. Tại ĐBSCL hệ thống kênh rạch chằng chịt là một lợi thế nếu được nạo vét (kênh cấp 3 trở lên) đắp bờ, đê, kiên cố hóa thủy lợi nội đồng để chứa nước. Từng hộ gia đình cũng nên xây hầm, bể, dùng lu để tiếp và chứa nước mưa,v.v…

Biến đổi khí hậu, nước biển dâng, xâm nhập mặn, khan cạn nước ngọt là một siêu thách thức đối với ĐBSCL, nó chi phối nghiêm trọng đối với kinh tế-xã hội. Trên thế giới ¼ dân số đang khủng hoảng về nước. Ở nước ta, mọi vùng miền, trước hết là ĐBSCL đặt ra nhiệm vụ chính trị là phải trữ nước, tiết kiệm nước. Đó cũng là sứ mệnh cao cả của mỗi người, mỗi gia đình, mỗi đơn vị, mỗi doanh nghiệp, mỗi địa phương và cả nước. Tuy nhiên, việc thực hiện các giải pháp cấp thiết nhưng phải vận hành một cách khoa học, đặt trên các đặc thù về nguồn nước, không gian và thời gian.

Năm 2020, Liên Hiệp Quốc xác định “Ngày khí tượng thủy văn thế giới” và “Ngày nước thế giới” mang chủ đề “Khí hậu và Nước”. Chúng ta hãy chung tay vì một ĐBSCL có đủ nguồn nước, bảo đảm phát triển kinh tế-xã hội ổn định trong chiến lược bền vững, lâu dài.

Kim Quốc Hoa

 

16:01:32 12-05-2020

VHDN:Mấy tháng qua, cả nước gồng mình lên thực hiện mục tiêu kép: Chống chọi khốc liệt với bệnh dịch Covid-19 và lo ổn định, tăng trưởng kinh tế. Cũng vào thời điểm này, tình hình hạn hán, xâm ngập mặn, cạn kiệt nguồn nước ngọt ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra […]

Đối tác của chúng tôi