Sự kiện - chuyên đề:

Sau thời gian “sốt nóng”, đất quê lại rơi cảnh đìu hiu, chờ tăng giá

Thị trường đất vùng nông thôn sau quãng thời gian “sốt nóng” vẫn chưa ấm trở lại, nhiều nhà đầu tư chấp nhận giảm giá để tìm khách… nhưng vẫn ế.

Không nằm ngoài bức tranh ảm đạm chung của thị trường, khu vực nông thôn giờ đây đã không còn cảnh hàng loạt xe ô tô đỗ dài xem đất, những môi giới địa phương tưởng chừng đổi đời nhờ đi làm bất động sản thì giờ đây cũng đã phải quay về với công việc tay chân ở làng quê.

Quãng thời gian sốt nóng đi qua, để lại những sự tiếc nuối cho người dân địa phương. Người thì tiếc vì vốn dĩ có thể bán đất để trả nợ kinh doanh thế nhưng do vẫn chờ đợi giá cao hơn nên đến giờ không những không bán được mà dù có giảm giá cũng chẳng có ai mua.

Hiện nay đất nông thôn đã trở về trạng thái trầm lắng, thanh khoản "đóng băng". Ảnh: Cao Nguyên.
Hiện nay đất nông thôn đã trở về trạng thái trầm lắng, thanh khoản “đóng băng”. Ảnh: Cao Nguyên.

Ở một góc khác, với những người bán được đất ở thời điểm bắt đầu “sốt nóng”, giờ đây không ít hộ chia sẻ sự tiếc nuối, vì bán đất đi rồi, giờ tiền cũng đã tiêu hết, tài sản chẳng còn nữa muốn mua lại cũng chẳng mua được…

Đầu tư vào đất nền nông thôn, một số nhà đầu tư đã thu lãi lớn nhưng cũng không ít người ôm “quả đắng” vì bị chôn vốn, thậm chí thua lỗ nặng. Sau hơn 1 tháng rao bán, anh Vũ Quang Tùng đã 2 lần xuống giá lô đất ở xã Giao Phong, huyện Giao Thủy (Nam Định) nhưng chưa có khách mua. Thời điểm anh mua lô đất này cũng đã phải qua tay một nhà đầu tư khác.

“Tháng 2.2022, tôi mua lô đất hơn 400 m2 với giá 1,8 tỉ đồng. Đến giữa năm khi thị trường sôi động, nhiều môi giới hứa hẹn bán lô đất này với giá 2,1 tỉ đồng nhưng tôi muốn chờ thêm. Tuy nhiên, cơn sốt đi qua khiến giá đất ở một số nơi chùng xuống, do áp lực tài chính nên tôi rao bán mấy tháng nay nhưng giờ vẫn chưa ra được hàng”, anh Tùng chia sẻ.

Theo chủ đất trên, thông tin rao bán rất ít lượt tương tác, một số người gọi đến hỏi nhưng nói tới giá xong không phản hồi thêm.

“Tôi đã phải 2 lần xuống giá từ khi rao bán, từ 2,1 tỉ đồng xuống 2 tỉ đồng và giờ là 1,9 tỉ đồng. Nếu phải về mức 1,8 tỉ đồng như thời điểm mua thì mất tiền chi phí liên quan và lãi ngân hàng hơn 6 tháng qua”, anh Tùng nói.

Tương tự, nhóm đầu tư của anh Nguyễn Văn Mạnh (ở Hà Nội) cũng đang bị đọng vốn ở Thanh Hóa sau khi mua đất nền ở huyện Thọ Xuân. Mục đích ban đầu của cả nhóm là mua ô đất hơn 3.000 m2 để phân lô tách thửa, nhưng do thời gian làm thủ tục lâu dẫn tới việc bán ra thị trường ngoài dự tính.

“Thời điểm sau Tết Nguyên đán (khoảng tháng 3) thị trường khu vực các huyện của Thanh Hóa sôi động. Tuy nhiên, đất của chúng tôi lại chưa thể bán do các thủ tục liên quan chưa hoàn thiện, dẫn tới bỏ phí cơ hội”, anh Mạnh chia sẻ.

Dù nghĩ hướng chia ô đất thành các lô nhỏ để phù hợp với vốn đầu tư của nhiều người, nhưng anh Mạnh thừa nhận, thời điểm hiện tại thị trường không còn sôi động như trước. Việc bán các lô đất giá chỉ từ 350 triệu đồng đến 400 triệu đồng cũng chật vật.

Trước áp lực lãi ngân hàng phải trả hàng tháng, nhóm đầu tư của anh Mạnh đang tính dần phương án giảm giá để thoát hàng.

Chia sẻ với PV, chuyên gia bất động sản Nguyễn Thế Điệp – Phó Chủ tịch Câu lạc bộ Bất động sản Hà Nội – cho rằng, đợi đất quê “ấm” trở lại có lẽ rất khó. Bởi ở nhiều vùng quê, hạ tầng không thay đổi. Dân cư thưa thớt. Nhu cầu mua đất để ở thấp. Trong khi đó, nhiều năm qua, đất quê đã tăng quá mức so với giá trị hiện có.

“Ở Thanh Hóa, Hưng Yên, Nam Định, Thái Bình, đất trong xóm, làng tăng quá mạnh, thậm chí, có lô đất quê bán với giá tiền tỉ, tương đương giá căn hộ ở Hà Nội trước đây. Chính vì vậy, khi thị trường thực sự khởi sắc thì đất nông thôn vẫn rất khó tăng mạnh trở lại”, ông Điệp nói thêm.

Nguồn: Báo Kinh tế & Đô thị

09:25:30 06-09-2023

Thị trường đất vùng nông thôn sau quãng thời gian “sốt nóng” vẫn chưa ấm trở lại, nhiều nhà đầu tư chấp nhận giảm giá để tìm khách… nhưng vẫn ế. Không nằm ngoài bức tranh ảm đạm chung của thị trường, khu vực nông thôn giờ đây đã không còn cảnh hàng loạt xe […]

Đối tác của chúng tôi