Sự kiện - chuyên đề:

Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu: Phát huy thế mạnh từ con tôm công nghệ cao

VHDN: Phải khẳng định rằng, với điều kiện sinh thái đặc thù cùng 56 km bờ biển và hệ thống kênh rạch trực tiếp thông ra biển đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho Bạc Liêu phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản. Với tổng diện tích hơn 140.140 ha nuôi tôm/144.057 ha đất nuôi trồng thủy sản, Bạc Liêu được xếp thứ 2 của cả nước và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) về sản lượng tôm.

Thực tiễn trong những năm qua cho thấy, con tôm đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu kinh tế của tỉnh, đặc biệt là mô hình nuôi tôm siêu thâm canh ứng dụng công nghệ cao tiếp tục được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn và góp phần cùng với ngành nông nghiệp trở thành là “trụ đỡ” quan trọng của nền kinh tế khi thủy sản chiếm 58% trong cơ cấu sản phẩm nông nghiệp và chiếm 28% trong cơ cấu chung của tỉnh.

Phát huy thế mạnh này, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06 về đẩy mạnh phát triển nông nghiệp công nghệ cao theo hướng bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021 – 2025. Trong đó, xác định phát triển con tôm ứng dụng công nghệ cao là sản phẩm chủ lực và kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Để hoàn thành mục tiêu quan trọng và chiến lược này, Bạc Liêu đã và đang tích cực xây dựng “Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu” gắn với mục tiêu “xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm của cả nước”. Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm Bạc Liêu (gọi tắt Khu nông nghiệp CNC) được thành lập theo Quyết định số 694/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ. Khu nông nghiệp CNC được xây dựng trên diện tích hơn 418 ha, thuộc địa bàn xã Hiệp Thành, TP Bạc Liêu.

Chức năng, nhiệm vụ: Giúp UBND tỉnh cung ứng dịch vụ công, quản lý các hoạt động trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm gồm: Tập trung thực hiện hoạt động ứng dụng thành tựu nghiên cứu và phát triển công nghệ cao vào ngành tôm; gia hóa tôm bố mẹ, sản xuất tôm giống, nghiên cứu quy trình nuôi, nghiên cứu chế biến thức ăn, sản xuất chế phẩm sinh học, bảo quản chế biến, kiểm định – xét nghiệm, các ngành công nghiệp phụ trợ; Đào tạo nhân lực công nghệ cao trong ngành công nghiệp tôm, tiếp nhận, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ ngành tôm của tỉnh, vùng Bán đảo Cà Mau, vùng ĐBSCL và cả nước. Tổ chức sự kiện, hội chợ, triển lãm, trình diễn công nghệ và sản phẩm tôm ứng dụng công nghệ cao; Thu hút nguồn đầu tư, nhân lực công nghệ cao trong và ngoài nước thực hiện ứng dụng công nghệ cao trong Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao. Ngoài ra, trong định hướng 5 trụ cột phát triển KT-XH của tỉnh, Khu nông nghiệp CNC còn là điểm du lịch tham quan hấp dẫn với chủ đề chuyên về ngành tôm.

Không chỉ thế, Khu nông nghiệp CNC còn có các mục tiêu, định hướng lớn đó là: Làm hạt nhân tác động, dẫn dắt và nhân rộng các mô hình nuôi tôm công nghệ cao của tỉnh, vùng bán đảo Cà Mau, vùng ĐBSCL và cả nước. Đồng thời là nòng cốt, động lực để “xây dựng Bạc Liêu trở thành Trung tâm ngành công nghiệp tôm cả nước”. Đây cũng là Trung tâm liên kết với các viện, trường, các doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao trong lĩnh vực tôm, tạo thành một chuỗi phức hợp từ khâu nghiên cứu sản xuất tôm bố mẹ, tôm giống, đến các khâu nuôi tôm siêu thâm canh – sản xuất chế biến, bảo quản tôm – nghiên cứu sản xuất thức ăn cho tôm. Bên cạnh đó, còn thực hiện các dịch vụ kiểm nghiệm, quan trắc, xét nghiệm và chuẩn đoán bệnh…

Đến nay, Khu nông nghiệp CNC đã xây dựng hoàn thành cơ sở hạ tầng giai đoạn 1 (với kinh phí là 175 tỷ, nguồn của Ủy ban nhân dân tỉnh) gồm các hạng mục như: Hệ thống đường; Hệ thống ao lắng, kênh cấp nước, kênh chứa nước thải; Hệ thống điện; Tường rào bao quanh….; Xây dựng cơ sở hạ tầng giai đoạn 2 (với kinh phí là 194 tỷ, nguồn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn). Đã tổ chức đấu thầu và đang khởi công xây dựng gồm các hạng mục như: Khu quản lý, điều hành; Khu kiểm định, xét nghiệm; Khu nghiên cứu tiếp nhận, chuyển giao khoa học kỹ thuật; Khu xử lý nước thải tập trung; Hạ tầng giao thông (bao gồm một số đường bổ sung và cầu bắt qua kênh Trường Sơn) và các công trình hạ tầng kỹ thuật khác sẽ hoàn thành vào năm 2024.

Thu hoạch tôm nuôi ứng dụng công nghệ cao tại Bạc Liêu.

Hiện nay, Khu nông nghiệp CNC, đã có trên 40 công ty, doanh nghiệp đăng ký đầu tư với tổng nguồn vốn hơn 2.650 tỷ; Nhiều viện, trường đăng ký liên kết chuyển giao, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào Khu; các đơn vị đầu tư vào hầu hết các phân đoạn trong chuỗi giá trị ngành tôm như: Tôm bố mẹ, tôm giống, thức ăn tôm, nuôi tôm theo nhiều mô hình, chế biến tôm, các ngành công nghiệp bổ trợ; nghiên cứu, trình diễn chế phẩm sinh học,… Đến nay, Ủy ban nhân dân tỉnh đã tuyển chọn được 09 dự án của 09 doanh nghiệp vào đầu tư trình diễn trong Khu (trong đó 5 dự án về quy trình, công nghệ nuôi tôm; 2 dự án sản xuất giống tôm; 1 dự án chế phẩm sinh học và 1 dự án thức ăn tôm).

Bạc Liêu mong muốn được hợp tác với các nhà đầu tư trong, ngoài nước vào đầu tư, khai thác thế mạnh từ con tôm. Qua đó, góp phần đưa Bạc Liêu trở thành “Thủ phủ” ngành công tôm nghiệp của cả nước và cùng doanh nghiệp phát triển từ con tôm.

ThS. PHẠM HOÀNG MINH

Giám đốc BQL Khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao phát triển tôm

13:58:41 04-01-2023

VHDN: Phải khẳng định rằng, với điều kiện sinh thái đặc thù cùng 56 km bờ biển và hệ thống kênh rạch trực tiếp thông ra biển đã tạo điều kiện rất thuận lợi cho Bạc Liêu phát triển mạnh nghề nuôi trồng thủy sản. Với tổng diện tích hơn 140.140 ha nuôi tôm/144.057 ha […]

Đối tác của chúng tôi