Sự kiện - chuyên đề:

KS Phạm Đình Quý: Không dư dả tiền bạc nhưng giàu tình yêu, nghĩa khí và niềm tin

VHDN: 5 năm xây 136 điểm trường cho trẻ em vùng cao và sẽ còn nhiều hơn thế trong tương lai bởi đơn giản, Phạm Đình Quý bước đi với động lực chẳng bao giờ tắt. Đó là tình thương anh trao gửi cho núi non, cho đồng bào vùng cao và đặc biệt là cho những đứa trẻ. Ước muốn giàu có không biết đâu là điểm dừng nhưng cuối cùng lại nằm lại trên mái ngói đỏ tươi của những ngôi trường từ thiện hiện lên giữa núi đồi.

Nụ cười của các em nhỏ vùng cao là động lực lớn nhất giúp anh Quý luôn vững bước trên hành trình của mình.

Phá sản, một câu chuyện buồn của chàng kỹ sư Phạm Đình Quý nhiều năm trước. Nhưng cũng cảm ơn cuộc đời, nhờ thế anh có nhiều thời gian dành cho niềm vui bản thân, đó là làm từ thiện.

Người đàn ông ấy  chắc không có ý định rõ ràng sẽ đi vòng quanh thế giới trong 5 năm. Nhưng khi nhìn thấy những lớp học, điểm trường chỉ được dựng bằng tre nứa tạm bợ, mưa không che được dột, rét không ngăn được gió lùa, những hình ảnh ấy đã thôi thúc và là sự khởi đầu cho hành trình xây trường vùng cao cho các em nhỏ của anh.

Khi đó, ý nghĩ trong anh là phải có học thì tương lai mới thay đổi. Có chữ, có hiểu biết rồi các em sẽ biết cách kiến tạo ước mơ cho riêng mình và biến nó thành hiện thực. Bao nhiêu ước mơ đó cùng chung lại, chẳng phải sẽ xây dựng được một cuộc sống tốt đẹp hơn hay sao?.

Với những nỗ lực của mình để đưa những mái trường khang trang lên vùng cao nghèo khó, anh đã di chuyển 365.000km, tương đương 9 vòng Trái Đất. Để đổi lại, biến những bức mái trường tranh tre dột nát thành 105 điểm trường kiên cố cho trẻ em vùng cao.

Anh bảo, anh chỉ là người kết nối, còn thành công là phần lớn nhờ các nhà hảo tâm và cộng đồng giúp sức. Có người giúp tiền mặt, người đóng góp vài nghìn gạch, vài tấn ximăng, mái tôn hay hỗ trợ những chuyến xe vận tải miễn phí nguyên vật liệu từ dưới xuôi lên miền ngược…

Có những nơi xe không thể vào được, thì thầy, cô giáo, bộ đội biên phòng, người dân bản làng… cùng nhau cõng, gùi gạch, đá, ximăng, sắt thép… vượt núi, băng rừng đến các điểm xây dựng trường, như tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho anh.

Rất nhiều công trình sau khi hoàn thành, nhìn lại, ngay bản thân anh và các thầy, cô cũng không tin tại sao có thể vượt được qua những khó khăn, trắc trở về địa hình, thời tiết…

Trò chuyện với anh Quý, chúng tôi vẫn luôn tự hỏi niềm cảm hứng nào đưa anh “lạc lối” đến những miền núi cao, nơi xa xôi hẻo lánh nhất của đất nước? Anh Quý chỉ cười, đáp gọn lỏn.

“Đối với các tỉnh nghèo miền núi phía Bắc, việc xây trường cho các cháu rất nhân văn. Lũ trẻ không cần một ngôi trường có kiến trúc, quy mô đẹp, chúng chỉ cần có nơi để học. Mình nghĩ những người nào làm được ra tiền thì không có thời gian, còn những người có thời gian thì người ta không có tiền. Mình dùng toàn bộ sức lực tổng hợp những cái “tốt” lại để có một giá trị đích thực”.

Bao nhiêu điểm trường được xây nên là bấy nhiêu kỷ niệm đầy vương vấn. Anh Quý tự nhận mình là một con thoi đi lại giữa trùng điệp núi non. Cứ khoảng 1 – 2 ngày ở điểm trường này, anh lại di chuyển tới điểm trường khác

Trong câu chuyện mới đây, anh kể, ngay lần đầu tiên gặp anh Nguyễn Trung Vũ, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Cengroup, anh ấn tượng ngay với câu nói “Tớ có thể tặng được 1 vài ngôi trường cho các em học sinh vùng cao, nhưng tớ muốn tặng cậu cả 1 êkip để giúp sức, cùng lan tỏa những điều tốt đẹp mà xã hội mong muốn sẻ chia…”.

Tháng 1/2020, anh nhậm chức Giám đốc Quỹ Hành động vì nhân ái của Tập đoàn CenGroup. Vị trí mới giúp anh phát huy tối đa sở trường của mình là xây dựng những ngôi trường vùng cao, thực hiện hóa mục tiêu của quỹ đề ra với mũi nhọn là đầu tư dành cho giáo dục.

Ở tuổi 49, Phạm Đình Quý thường tự nhận mình là một người đàn ông quyền lực khi anh đi đến đâu, định xây ngôi trường nào thì chắc chắn ý tưởng ấy sẽ thành công tốt đep. Anh đi nhiều và dành 20/24h cho công việc. Những chuyến đi bất tận và chưa hẹn ngày sẽ dừng lại nhưng luôn hẹn trước sẽ tiếp tục cùng anh Quý phá vỡ nhiều kỷ lục cũ. Anh đã sống một cuộc đời không giàu tiền bạc nhưng rất giàu tình yêu, nghĩa khí và niềm tin.

Dương Thùy

13:31:48 10-09-2020

VHDN: 5 năm xây 136 điểm trường cho trẻ em vùng cao và sẽ còn nhiều hơn thế trong tương lai bởi đơn giản, Phạm Đình Quý bước đi với động lực chẳng bao giờ tắt. Đó là tình thương anh trao gửi cho núi non, cho đồng bào vùng cao và đặc biệt là […]

Đối tác của chúng tôi