Sự kiện - chuyên đề:

Lấy doanh nghiệp làm trung tâm cho sự phát triển

VHDN: Theo nhận định của giới chuyên môn, hiện nay việc đối thoại giữa doanh nghiệp với Chính phủ đã có thay đổi. Đến nay, DN chuyển từ kêu ca, phàn nàn sang hiến kế, kiến nghị giải pháp để cùng phát triển. Chính phủ chuyển từ tìm cách “cởi trói” sang kiến tạo, hậu thuẫn cho DN.

Từ “cởi trói” sang kiến tạo, hậu thuẫn doanh nghiệp

Tại Diễn dàn doanh nghiệp Việt Nam (VBF) giữa kỳ năm 2019, số lượng phản ánh bất cập về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính của doanh nghiệp (DN) đã giảm bớt so với những diễn đàn trước đó. Đại diện cho cộng đồng DN, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, cuộc đối thoại giữa DN với Chính phủ thay đổi. “Lần đầu tiên khi Thủ tướng đối thoại, có giọt nước mắt của DN khi phản ánh khó khăn. Đến nay, DN chuyển từ kêu ca, phàn nàn sang hiến kế, kiến nghị giải pháp để cùng phát triển. Chính phủ chuyển từ tìm cách cởi trói sang kiến tạo hậu thuẫn cho DN”, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch VCCI nhận xét.

Mặc dù đã cải thiện nhưng cộng đồng DN vẫn đề nghị, cơ quan chức năng tiếp tục cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính, giảm chi phí cho DN. Mặc dù cơ quan thuế áp dụng một số thủ tục được kê khai điện tử nhưng DN phải đối mặt với quá nhiều đợt kiểm toán, kiểm tra và thanh tra về thuế. Thậm chí, có đợt thanh tra, kiểm tra không phù hợp với luật thuế Việt Nam. Ngoài thủ tục thuế, các DN còn kiến nghị vướng mắc liên quan đến kiểm tra chuyên ngành…

Một trong những kiến nghị nhiều tại VBF giữa kỳ năm 2019 là việc tiếp tục cải cách pháp lý và duy trì sự ổn định cho nhà đầu tư. Theo đại diện Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ tại Việt Nam (Amcham), sự thay đổi thường xuyên quy định và chính sách khiến hoạt động kinh doanh của DN gặp khó khăn. Thậm chí, nhà đầu tư buộc phải “đóng cửa” DN khi có quy định mới. Từ thực tế này, AmCham kiến nghị, Luật Đầu tư sửa đổi nên ban hành các điều khoản bảo vệ hoạt động kinh doanh đã được cấp phép.

Cần cơ chế để “hút” vốn đầu tư vào cơ sở hạ tầng

Một trong những điểm nổi bật được cộng đồng DN, cơ quan chức năng kiến nghị tại VBF lần này là quy định liên quan chính sách của hình thức đối tác công-tư (PPP) trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng (CSHT). Theo nhóm công tác cơ sở hạ tầng (VBF), mức chi tiêu cho CSHT trên đầu người của Việt Nam khoảng 107 USD, chỉ cao hơn Campuchia và Philippines. Trong khi đó, quá trình công nghiệp hóa, đô thị hoá nhanh tạo sức ép ngày càng lớn lên CSHT. Ước tính, tổng nhu cầu vốn cho cơ sở hạ tầng giao thông vận tải Việt Nam tương đương khoảng 48 tỷ USD trong giai đoạn 2016 – 2020. Ngân hàng Thế giới dự báo con số lên tới 25 tỷ USD mỗi năm, cao hơn nhiều so với mức trung bình trong giai đoạn 2011-2015. Trong khi đó, nợ công của Việt Nam đã và đang chạm đến mức trần. Để phát triển bền vững CSHT, Việt Nam cần thêm nguồn vốn đầu tư tư nhân tài trợ cho các dự án.

Để thu hút vốn đầu tư tư nhân vào CSHT, các hiệp hội DN kiến nghị khung chính sách về hình thức đối tác công tư (PPP) cần thay đổi. Ông Nobufumi Miura Chủ tịch Hiệp hội DN Nhật Bản (JCCI) cho rằng, nhà đầu tư lại đang gặp phải những rủi ro cao trong mô hình PPP. Để khuyến khích DN nước ngoài tham gia vào các dự án PPP, Chính phủ cần chia sẻ rủi ro với DN. “Trong mô hình PPP, DN tư nhân thực hiện đầu tư và phát triển CSHT thay cho Chính phủ. Vì vậy, Chính phủ nên làm rõ sự chia sẻ rủi ro giữa Chính phủ và nhà đầu tư để họ có thể thu hồi vốn sau khi mạo hiểm thực hiện đầu tư”, ông Nobufumi Miura cho biết.

Đại diện Eurocham cũng cho rằng, để thu hút vốn đầu tư theo hình thức PPP hiệu quả, cơ quan chức năng cần minh bạch, dự án PPP là sự phối hợp giữa khu vực công và tư, không phải là dự án của Chính phủ. Vì vậy, các dự án này chủ yếu tuân theo các quy định pháp luật thông thường.

Phát biểu tại Diễn đàn, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định Chính phủ ghi nhận và đề cao vai trò của doanh nghiệp để phát triển nhanh và bền vững đất nước. “Việt Nam phải phát triển kinh tế nhanh để tránh tụt hậu, đồng thời phải duy trì tăng trưởng kinh tế bền vững, từng bước thực hiện tăng trưởng xanh, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo”. Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng tái khẳng định các nhóm giải pháp lớn mà Chính phủ Việt Nam tiếp tục quyết tâm triển khai trong thời gian tới. Trước hết, phải giữ vững môi trường vĩ mô, ổn định chính trị xã hội. Đây chính là một lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh thế giới biến động, khó lường. Thứ hai, phải tập trung tái cơ cấu nền kinh tế gắn với lựa chọn mô hình tăng trưởng hợp lý nhằm tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa các cải cách về tái cơ cấu nền kinh tế, cải cách khu vực doanh nghiệp Nhà nước, hệ thống tài chính ngân hàng, xử lý nợ xấu, kiểm soát thâm hụt ngân sách và nợ công, cải cách hệ thống thuế theo hướng hiệu quả trên tinh thần giảm gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, nâng cao phúc lợi và an sinh xã hội…Cùng với đó phải tập trung chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chủ yếu theo chiều rộng sang kết hợp hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu trên cơ sở sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, vốn đầu tư và các thành tựu khoa học, công nghệ, kỹ thuật để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của sản phẩm, của nền kinh tế Việt Nam.

Đặc biệt, Chính phủ khuyến khích tăng cường đầu tư mạnh mẽ cho giáo dục và khoa học công nghệ, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn và sáng tạo đổi mới trong kinh doanh. Việt Nam tiếp tục tập trung triển khai là phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, lấy doanh nghiệp làm trung tâm; tăng cường vai trò nghiên cứu của các trường đại học; tiếp tục đổi mới mạnh mẽ các chương trình khoa học trọng điểm, các nghiên cứu cấp bộ và hoạt động của các viện nghiên cứu Nhà nước; khuyến khích thành lập các viện nghiên cứu tư nhân, nhất là trong lĩnh vực khoa học, công nghệ.

Phan Đức

13:46:19 10-07-2019

VHDN: Theo nhận định của giới chuyên môn, hiện nay việc đối thoại giữa doanh nghiệp với Chính phủ đã có thay đổi. Đến nay, DN chuyển từ kêu ca, phàn nàn sang hiến kế, kiến nghị giải pháp để cùng phát triển. Chính phủ chuyển từ tìm cách “cởi trói” sang kiến tạo, hậu […]

Đối tác của chúng tôi