Sự kiện - chuyên đề:

Lễ hội truyền thống Phủ Thượng Đoạn

VHDN: Hàng năm, theo truyền thống, cứ vào tháng 3 âm lịch, người dân địa phương lại long trọng tổ chức lễ hội truyền thống Phủ Thượng Đoạn, dâng hương tưởng niệm Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh – hiện thân của người mẹ Việt Nam.

Chào mừng kỉ niệm 64 năm Ngày giải phóng Hải Phòng, từ ngày 6 – 8/5/2019 Đảng ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQVN phường Đông Hải 1, Ban khánh tiết di tích Phủ Thượng Đoạn và nhân dân địa phương lại long trọng tổ chức Lễ hội truyền thống Phủ Thượng Đoạn năm 2019 và Lễ dâng hương tưởng niệm 441 năm ngày thành hóa Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh Công Chúa với ước nguyện cầu cho quốc thái, dân an, mưa thuận gió hòa, nhân dân có cuộc sống âm no hạnh phúc; khơi dậy trong mọi người niềm tự hào dân tộc, phát huy các giá trị truyền thống trong đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân… Hàng năm vào dịp tháng 3 âm lịch, Phủ Thượng Đoạn tưng bừng mở hội với các hoạt động tế, lễ và đặc biệt trong lễ hội có nghi thức rước kinh sách từ chùa Vẽ về Phủ để phối thờ.

Tương truyền, cả 3 lần hạ giới của Công chúa Liễu Hạnh là cả ba lần Đức Thánh Mẫu cứu giúp người nghèo, giúp dân khai hoang lập đất, làm ăn sinh sống. Đặc biệt, trong một lần Đức Thánh Mẫu du thuyền thăm xứ biển Đông đến vùng biển Hải Phòng, thấy nơi đây có một cồn cát cảnh đẹp mê hồn, giữa chốn mây trời bao la, bèn dừng chân lên thưởng ngoạn. Tại đây, người khai ân cứu giúp dân lành, dạy dân biết làm ăn sinh sống và được nhân dân vô cùng kính trọng, mến mộ. Nơi mà Đức Thánh Mẫu đặt chân đến chính là vùng đất Đông Hải ngày nay. Để tưởng nhớ công ơn của người, dân làng Đông Hải xưa cùng nhau lập nên ngôi đền để sớm tối thờ phụng. Ngôi đền được dựng trên một khu đất cao, thoáng đãng, trông về hướng Tây Nam, ngày nay có tên Phủ Thượng Đoạn. Phủ trông về hướng Nam trong tư cách “thánh nhân nam diện nhi thính thiên hạ”, có nghĩa bậc thánh nhân ngồi quay hướng Nam mà nghe thiên hạ tâu bày; trước mặt phủ có hồ nước là điểm tụ thuỷ, tạo nên thế phong thuỷ đảm bảo sự hài hoà âm dương và nhằm tích phúc cho thế đất nơi đây.

Theo truyền ngôn, phủ được xây dựng khoảng thế kỷ 16 và đã qua nhiều lần tu sửa, tôn tạo. Phủ Thượng Đoạn là một công trình kiến trúc cổ tương đối quy mô và bề thế. Kiến trúc phủ bố cục theo lối “tiền nhất – hậu đinh”, gồm có 3 lớp: tam quan, bái đường và hậu cung. Toà ngoài 5 gian là nơi tập trung chỉnh thể nghệ thuật kiến trúc tại di tích đặc biệt là kiến trúc gỗ với các mảng chạm khắc đã đạt đến trình độ nghệ thuật cao tạo nên một bức tranh hết sức sinh động, hoành tráng cho công trình kiến trúc. Đặc biệt, với 23 bản sắc phong được lưu giữ tại di tích có niên đại 1846 – 1924 phong cho Liễu Hạnh công chúa Thượng đẳng thần và được phụng thờ tại xã Thượng Đoạn,… Ở phủ Thượng Đoạn, Mẫu không chỉ có một mà gồm cả một hệ thống đầy đủ: Tam toà thánh mẫu: là hệ thống sáng tạo tượng trưng cho sức mạnh của tự nhiên. Ngũ vị tôn ông là 5 quan lớn cai quản và thực hiện ý đồ của mẫu ở 5 phương. Tứ phủ quan hoàng, tứ phủ thánh cô, tứ phủ thánh cậu: là những người phụ tá giúp việc của Mẫu. Hậu cung, cạnh ban Tam toà thánh mẫu đặt ban thờ Thánh phụ, Thánh mẫu. Với những giá trị và ý nghĩa đó, ngày 21/1/1992 Di tích phủ Thượng Đoạn đã được Bộ Văn hoá Thông tin xếp hạng Di tích Kiến trúc nghệ thuật theo Quyết định số 97/QĐ và trở thành một trong “tứ linh từ” thiêng liêng của huyện cổ An Dương.

Ông Đỗ Văn Thuấn – Chủ tịch UBND phường Đông Hải 1 cho biết: “Trong tâm thức của người dân địa phương, Mẫu Liễu Hạnh cùng với Phù Đổng Thiên Vương, Tản Viên Sơn Thần và Chử Đồng Tử là những bậc thánh thần đạo cao, đức trọng, có công lao to lớn với nước, với dân, mãi mãi trường tồn trong đời sống tinh thần cũng như tâm linh của dân tộc. Hàng năm, theo truyền thống, cứ vào tháng 3 âm lịch, người dân địa phương lại long trọng tổ chức lễ hội truyền thống Phủ Thượng Đoạn, dâng hương tưởng niệm Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh – hiện thân của người mẹ Việt Nam. Đây là dịp để giới thiệu sâu rộng trong nhân dân về giá trị văn hóa, ý nghĩa lịch sử của di tích, đồng thời giữ gìn và phát huy những giá trị văn hóa vật thể, phi vật thể đã tồn tại nhiều đời nay, từ đó nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm trong việc quản lý, giữ gìn, bảo tồn và phát huy giá trị của di tích, phát huy truyền thống văn hóa tốt đẹp của địa phương, góp phần xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời đáp ứng nhu cầu văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân”.

Trần Tuyết

13:28:02 13-05-2019

VHDN: Hàng năm, theo truyền thống, cứ vào tháng 3 âm lịch, người dân địa phương lại long trọng tổ chức lễ hội truyền thống Phủ Thượng Đoạn, dâng hương tưởng niệm Đức Thánh Mẫu Liễu Hạnh – hiện thân của người mẹ Việt Nam. Chào mừng kỉ niệm 64 năm Ngày giải phóng Hải […]

Đối tác của chúng tôi