Sự kiện - chuyên đề:

Lộc Giời

VHDN: Tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm (âm lịch) đã trở thành dấu ấn thời gian đối với làng tôi suốt hàng trăm năm qua. Cứ đến những ngày này cả làng tôi lại được lộc của thiên nhiên ban tặng – Mùa rươi thứ đặc sản mà không phải nhiều nơi có được.

Quê tôi (làng Gọc, Thụy Việt) nằm trên một vùng chiêm trũng cách biển vài ki lô mét. Làng tôi nghèo lắm, ruộng đất lại ít nên cái nghèo đeo bám từ xa xưa. Tôi không biết con rươi ở quê tôi có từ bao giờ? Chỉ biết rằng từ khi còn nhỏ xíu tôi đã “phải” ăn rươi nhiều hơn cơm trong những ngày có rươi. Lớn hơn một chút, học lớp 2, lớp 3, những ngày có rươi là tôi với cái vợt may bằng vải màn cùng cái chậu men rửa mặt đi vớt rươi, có khi còn nghỉ cả buổi học (những ngày này lớp tôi vắng hoe chỉ còn vài bạn nữ).

Vùng đất có rươi quê tôi là bãi triều ven con sông Hóa, tiếp giáp với làng Cổ Am, Vĩnh Bảo, Hải Phòng. Diện tích vùng đất có rươi chỉ khoảng 47 ha. Chủ yếu là bãi đất phù sa do con sông Hóa hàng trăm năm bồi đắp.Rươi sống dưới lòng đất, cách mặt đất chừng hai mười đến ba mươi phân. Đến nay kể cả những người cao tuổi nhất ở quê tôi cũng chưa biết nó sinh ra thế nào, phát triển ra sao…? Chỉ biết rằng cứ đến mùa rươi (tháng 9 ngày 20, tháng mười ngày mùng 5 âm lịch) là rươi từ kẽ đất ngoi lên mặt nước để mọi người đi vớt. Những khi be bờ, khơi nước trong thời kỳ chưa đến mùa rươi. Đào sâu xuống mặt ruộng 2 đến 3 mươi phân đất thì vẫn thấy những con rươi to bằng sợi gai, dài đến một mét có màu đỏ tím.Đến mùa rươi, khi thủy triều dâng lên tràn vào ruộng đúng lúc nước đứng, không dâng nên nữa là rươi bắt đầu ngôi lên mặt nước.

Đợi đến lúc nước rút ra, người ta đón ở chỗ đã mở sẵn của bờ be để đóng săm rươi hoặc vớt rươi bằng vợt.Con rươi lúc nổi lên chỉ dài 3 đến 5 phân nhưng đã căng mình bởi thứ dung dịch màu trắng đặc như sữa.Rươi quê tôi chế biến nhiều món để ăn từ nấu, kho om trấu nồi đất, rán chả, làm mắm rươi. Gia vị chế biến rươi dứt khoát không thể thiếu măng tươi, vỏ quýt, khế chua, lá lốt, lá gừng… Trong ba làng của xã tôi gần nhau là vậy nhưng mắm rươi làng tôi có hương vị khác hẳn bởi cách làm vô cùng cầu kỳ. Rươi để làm mắm được thấm khô bằng vải màn sạch, muối để làm mắm rươi mua từ đồng muối tổng Quang Lang, Thụy Hải từ đầu năm để riêng trong hũ đậy kín đến mùa rươi cuối năm mới đem ra làm. Trộn muối và rươi theo tỷ lệ nhất định, dùng đũa tre chuyên dùng đánh nhuyễn, bịt vải màn lên miệng hũ đem phơi trời nắng. Liên tục đánh nhuyễn và đem phơi trong khoảng một tuần thì mới niêm phong để cho mắm ngấu.

Mắm rươi quê tôi có hương vị đặc biệt còn ở cách chưng mắm để ăn. Tết đến quê tôi nhà nào cũng có nồi mắm rươi chưng chấm thịt hoặc dưa hành. Để chưng được một nồi mắm rươi ăn tết vô cùng cầu kỳ và mất thời gian. Mắm đã ngấu được múc ra trong nồi nhôm đúc dày, cho đủ gia vị đưa lên bếp củi nhưng thật nhỏ lửa, dùng đũa tre đánh nhuyễn không được ngừng tay cho đến khi mắm rươi cô lại tròn xoe thành khối trong nồi thì mới xong. Để có nồi mắm rươi ăn tết từ lúc cho lên bếp chưng đến khi xong mất chừng từ 2-3 tiếng đồng hồ.Mất một khoảng thời gian dài rươi quê tôi ít đi bởi người dân chưa thật sự quan tâm đến môi trường con rươi sinh sống và cũng bởi các chất hóa học bón ruộng để tăng năng suất lúa. Chưa ai nghiên cứu để biết rằng môi trường rươi sống vô cùng sạch sẽ. Có chỗ thí điểm thấy rằng chỉ cần một bãi phân trâu vương xuống thì toàn bộ khu vực đó không hề còn con rươi nào sống sót.

Những năm gần đây, nắm bắt được giá trị của nguồn đặc sản quý hiếm này, xã tôi đã chia phần ruộng có rươi cho các hộ dân canh tác, các hộ nhận ruộng đều cấy lúa nhưng đã không sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu, năng suất lúa tuy rất thấp nhưng bù lại gấp nhiều lần về giá trị của con rươi trên mỗi sào Bắc Bộ. Chỉ tính riêng vụ rươi cuối năm 2018 trên 47 ha đất bãi ven sông đã thu hoạch gần 8 tấn rươi, giá bán tại ruộng 400.000đ/kg cho thương lái. Với hơn 3 tỷ đồng của hơn 40 ha đất bãi quả là trời phú cho quê tôi mảnh đất để có một hướng đi thoát nghèo bền vững.

Con rươi là đặc sản ẩm thực quý giá của nước Nam đã nổi tiếng từ lâu. Nhưng cũng không hẳn hầu hết người nước Nam ai cũng đã nhìn thấy và thưởng thức nó? Nói như vậy bởi những năm trước kia, con rươi chưa phải là hàng hóa mà hầu hết là tự sản, tự tiêu. Đã từ lâu lắm rồi quê tôi lan truyền câu đố:

“ Con gì nó bé tí ti

Mình đi dưới đất

Bóng đi trên trời

Một năm mấy bận đi chơi

Đi thì lở đất, long trời mới yên.”

Nghiên cứu khoa học, quảng bá hỉnh ảnh con rươi một cách rộng rãi qua giá trị ẩm thực và kinh tế về nó đến nay còn quá ít?Để giống hải trùng quý giá được nhiều người chiêm ngưỡng và thưởng thức cần lắm câu đố này đến được các nhà khoa học và nhiều nơi trên mọi miền Tổ quốc. Việc gìn giữ và phát triển nguồn đặc sản quý giá này là mong muốn của mỗi người dân quê tôi.

Công Thoàng

15:03:02 22-01-2019

VHDN: Tháng chín đôi mươi, tháng mười mồng năm (âm lịch) đã trở thành dấu ấn thời gian đối với làng tôi suốt hàng trăm năm qua. Cứ đến những ngày này cả làng tôi lại được lộc của thiên nhiên ban tặng – Mùa rươi thứ đặc sản mà không phải nhiều nơi có […]

Đối tác của chúng tôi