Sự kiện - chuyên đề:

Luật hóa tố tụng thân thiện, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp người chưa thành niên

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, nếu không có hình phạt và tố tụng thân thiện, sẽ không hình thành được luật Tư pháp người chưa thành niên theo đúng quy định của Đảng và Hiến pháp.

 

Phát biểu tiếp thu giải trình tại phiên họp thứ 32 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH), cho ý kiến về dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên diễn ra sáng 17/4, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cảm ơn các ý kiến góp ý.

tn2.jpeg
Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình phát biểu tiếp thu, giải trình dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên

Trong đó, UBTVQH cơ bản đánh giá cao việc chuẩn bị hồ sơ dự án luật, thống nhất với sự cần thiết xây dựng và ban hành luật, đánh giá cao chất lượng nội dung luật, tuân thủ các quy trình xây dựng pháp luật. Đặc biệt là thống nhất việc hồ sơ dự án luật đã đầy đủ, có thể trình Quốc hội.

“Thực tế, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Ủy ban Tư pháp đã cùng đồng hành với cơ quan soạn thảo trong quá trình xây dựng luật, từ việc lấy ý kiến chuyên gia, nhà khoa học, khảo sát thực tế tại các địa phương. Các ý kiến phát biểu tại phiên họp đã gợi mở nhiều nội dung, cơ quan soạn thảo sẽ tiếp thu các ý kiến góp ý”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Vì sao phải tách vụ án hình sự với người chưa thành niên?

Về một số nội dung đại biểu quan tâm, liên quan đến quy định tách vụ án hình sự, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, các ý kiến cơ bản thống nhất với phương án 1.

Theo đó, các ý kiến ở phương án thứ nhất cho rằng, “phải tách vụ án hình sự có người phạm tội là người chưa thành niên và người đã thành niên để giải quyết độc lập”.

Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình khẳng định, nếu không tách vụ án hình sự, các cháu sẽ phải xét xử trong phòng xét xử không thân thiện và phải tiếp cận với toàn bộ nội dung vụ án.

tn3.jpeg
Toàn cảnh phiên họp.

“Nếu phải tiếp cận phương thức, thủ đoạn của các đối tượng là người lớn phạm tội sẽ có tác động ngược chiều, không có tác dụng tốt với các cháu. Ấn tượng tham gia phiên tòa như vậy sẽ nặng nề hơn việc tổ chức phiên tòa thân thiện. Mặt khác, những phiên tòa như vậy, sẽ do các Thẩm phán không hiểu nhiều về tâm lý trẻ em nên không đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các cháu. Do vậy việc tách vụ án hình sự là cần thiết” – Chánh án Nguyễn Hòa Bình phân tích.

Nhân văn trong quy định “xử lý chuyển hướng thay thế quy trình tố tụng hình sự”

Về thẩm quyền quyết định xử lý chuyển hướng: Theo dự án luật, loại ý kiến thứ nhất cho rằng, “quy định người chưa thành niên được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng thay thế quy trình tố tụng hình sự. Trường hợp vi phạm nghĩa vụ có thể bị áp dụng biện pháp giáo dục tại trường giáo dưỡng mà không bị tiếp tục điều tra, truy tố, xét xử, trừ trường hợp phạm tội mới”.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, có những vụ án không cần thiết phải mở phiên tòa, có thể xử lý ngay từ giai đoạn điều tra. Chánh án nêu ví dụ: “Có những biện pháp xử khác như chỉ cần xin lỗi bạn hay nói bố mẹ bồi thường cho bạn gãy tay…. Những việc như thế có thể xử lý ngay từ giai đoạn điều tra. Hay các cháu phạm tội trộm cắp tài sản, cơ quan điều tra có thể cấm các cháu đến siêu thị…”.

Xây dựng dự án luật hoàn thiện, trọn vẹn

Đối với phạm vi điều chỉnh của dự án luật, Chánh án Nguyễn Hòa Bình ghi nhận các ý kiến phát biểu có sức thuyết phục, “thậm chí có nội dung còn thuyết phục hơn tờ trình của ban soạn thảo”.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, nếu không có hình phạt và tố tụng thân thiện, sẽ không hình thành được luật Tư pháp người chưa thành niên theo đúng quy định của Đảng và Hiến pháp. Đây cũng là kinh nghiệm của thế giới.

tn1.jpeg
Dự án luật Tư pháp người chưa thành niên được kỳ vọng là thành tựu và bước tiến của nền tư pháp, Quốc hội nước ta

Dẫn phát biểu của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định về việc “coi dự án luật Tư pháp người chưa thành niên là thành tựu và bước tiến của nền tư pháp và Quốc hội nước ta”, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị xây dựng dự án luật theo hướng hoàn thiện, trọn vẹn theo đúng quy định của Đảng và Hiến pháp.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết, đối với các quy định “hiện hành về tư pháp thân thiện đã có nhưng chưa đủ và còn tản mạn”, do vậy cần được quy định đầy đủ trong dự án Luật Tư pháp người chưa thành niên để khắc phục những bất cập.

 

Nguồn: Báo Công lý

16:11:33 17-04-2024

Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh, nếu không có hình phạt và tố tụng thân thiện, sẽ không hình thành được luật Tư pháp người chưa thành niên theo đúng quy định của Đảng và Hiến pháp.   Phát biểu tiếp thu giải […]

Đối tác của chúng tôi