Sự kiện - chuyên đề:

Nghệ sĩ Bảo Anh: Lãng tử và nợ đời

VHDN: Đẹp trai, lãng tử, có chút danh vọng với đời… tất cả những thứ đó làm người ta dễ liên tưởng đến sự mãn nguyện của một nghệ sĩ. Nhưng với Bảo Anh thì không vậy, đằng sau sự phóng khoáng ấy là gió bụi phong trần của một gã giang hồ phiêu bạt đang phủ dần lên mái tóc rất đẹp đã bắt đầu nhuốm màu sương khói của anh – kẻ đã bỏ làng ra đi trong một đêm mưa gió bão bùng cách đây gần 40 năm về trước.

Chân dung nghệ sĩ Bảo Anh.

Bảo Anh vẫn vậy, vẫn đẹp trai và đầy quyến rũ!

Sinh ra trong một gia đình có chín anh em ở tận miền U Minh Hạ – 8 người trong số đó không ai ca nổi một bài vọng cổ, duy có phụ thân của gã vốn là một giọng ca tài tử nổi tiếng từng làm nức lòng biết bao cô gái miền thôn dã.

Tuổi thơ của gã thời ly loạn là những chuỗi ngày buồn bã, khi vừa biết mặc quần đùi tắm sông cũng là lúc hắn dẫn đôi trâu ra đồng, tưởng tất cả sẽ trôi đi theo số phận, nhưng niềm đam mê ca hát với gã thì vẫn luôn là một ngọn lửa âm ỉ cháy trong lòng!

Năm 1974, gã chăn trâu đã bỏ lại cánh đồng, bỏ lại đôi trâu, bỏ lại xóm làng trốn vào rừng theo đoàn văn công của huyện, cuộc đời hắn bước sang một ngã rẽ khác và đó cũng là định mệnh đeo đẳng gã đến tận bây giờ.

Gã về Sài Gòn bắt đầu tiếp tục một cuộc đời lang bạt. Những năm đầu tiên của thập kỷ 80, khi mà sân khấu cải lương miền Nam đang thời kỳ hưng thịnh nhất, một số đoàn hát lớn như Trần Hữu Trang, Kim Cương, Sài Gòn 2… mời gã về làm kép chính. Những “Nhân danh công lý”, “Trà hoa nữ”, “Ngô Quyền”, “Chuyện tình Oanh – Ngọc”… của các sân khấu lớn đã đưa tên tuổi Bảo Anh đi vào lòng công chúng yêu mến nghệ thuật cải lương những năm 80. Hắn sống trong vinh quang của ánh đèn sân khấu, trong sự tung hô vạn tuế của đám quần thần, để rồi khi bức màn nhung khép lại, đối diện với sân khấu cuộc đời, gã mới thấm thía hết nỗi bơ vơ, lạc lõng khi lang bạt xứ người.

Khi sân khấu cải lương đang buổi thoái trào, gã đi đóng phim. Trên dưới 30 phim mà gã tham gia, thì cái đọng lại lớn nhất trong lòng công chúng vẫn là hình ảnh của những nhân vật có chiều sâu nội tâm, có tính cách hiền từ, có một cuộc đời bị xô đẩy… “Tôi diễn những vai này như diễn lại chính tôi” – gã nói vậy.

Làm điện ảnh, gã vẫn chứng tỏ năng khiếu trời cho (và đời cho) của mình, gã nhận vai nào là tròn vai ấy, gã cặm cụi làm việc, cần mẫn như một con ong, rồi gã lấy vợ, sinh con, đóng phim, mở nhà hàng (có lúc gã có tới hai nhà hàng thuộc vào loại lớn trong thành phố) và… phá sản. Tay gã lại trắng, trắng như chưa có gì, tưởng đâu gã sẽ buồn, thất vọng, oán than… như lẽ đời vẫn thường hay gặp, nhưng khi bạn bè đến chia sẻ, gã vẫn tỉnh queo:

– Hết sạch nữa rồi! Làm lại vậy.

Có chút tên tuổi với đời trong làng điện ảnh nhưng gã vẫn cứ canh cánh trong lòng một nỗi niềm đau đáu về sự thoái trào của sân khấu cải lương – mảnh đất đã từng cưu mang nuôi dưỡng gã trong buổi đầu đi làm nghệ thuật. Gã bảo rằng cải lương “chết” là do nghệ sĩ, hãy dũng cảm nhận trách nhiệm về mình đi rồi sau đó hãy nói đến cơ chế, đến đầu tư, đến… muôn vàn thứ khác. Hình ảnh ông bầu (vừa là tác giả, vừa là đạo diễn vừa quản lý) đã biến mất mà thay vào đó cái chức danh Trưởng đoàn xem ra khập khiễng làm sao? Một đạo diễn sân khấu tốt nghiệp ở trời Âu, mang những kiến thức của một nền nghệ thuật từ bên kia nửa vòng trái đất về Việt Nam dàn dựng một vở cải lương xem ra chẳng ổn tý nào?

Gã nghĩ vậy, nhưng không làm gì khác hơn được đành chép miệng thở dài:

– Thêm một món nợ đời mà có lẽ suốt đời này không trả được!

Nguyễn Dĩnh

 

Chia sẻ
09:50:07 10-03-2023

VHDN: Đẹp trai, lãng tử, có chút danh vọng với đời… tất cả những thứ đó làm người ta dễ liên tưởng đến sự mãn nguyện của một nghệ sĩ. Nhưng với Bảo Anh thì không vậy, đằng sau sự phóng khoáng ấy là gió bụi phong trần của một gã giang hồ phiêu bạt […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi