Sự kiện - chuyên đề:

Quản lý bằng văn hóa doanh nghiệp: Văn hóa doanh nghiệp công cụ triển khai chiến lược

VHDN: Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là một nguồn tài sản quý giá của doanh nghiệp (DN) mà còn là một phương pháp và công cụ quản lý hữu hiệu, không thể thiếu trong quản lý điều hành doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thể quản lý, điều hành tốt mà không sử dụng công cụ văn hóa. 

Trong bối cảnh thị trường toàn cầu, quản lý bằng văn hóa doanh nghiệp (VHDN) ngày càng thu hút sự chú ý của giới khoa học lẫn các nhà quản trị. Quản lý bằng văn hoá doanh nghiệp là sử dụng, lồng ghép các nội dung của văn hoá doanh nghiệp trong việc quản lý và điều hành các hoạt động của  doanh nghiệp, góp phần nâng cao hiệu quả quản lý doanh nghiệp. Khi đề cập đến “Quản lý bằng văn hóa doanh nghiệp” sẽ không thể không đề cập đến các vấn đề sau đây: 1/Văn hóa doanh nghiệp – Công cụ triển khai chiến lược; 2/Sử dụng văn hóa DN trong tuyển dụng, thu hút và giữ chân nhân viên giỏi; 3/Lồng ghép các giá trị cốt lõi vào các quy trình quản trị; 4/Sử dụng văn hóa DN để nâng tầm thương hiệu DN…

Trong khuôn khổ bài 1, chúng ta sẽ tập trung vào “Văn hóa doanh nghiệp – Công cụ triển khai chiến lược”.

Quản trị chiến lược trước hết là nhiệm vụ xây dựng và phê duyệt chiến lược tổng thể phát triển của doanh nghiệp trong vòng 10-20 năm tới. Trong những bối cảnh khách quan và xu thế vận động của các nhân tố ngoại cảnh nhất định, mỗi tổ chức đều phải xây dựng những kế hoạch chiến lược để xác định “lộ trình” và những chương trình hành động để tiến tới tương lai và hoàn thành sứ mệnh của tổ chức. Bất kỳ doanh nghiệp nào muốn phát triển cần thiết phải xây dựng chiến lược hoạt động tương lai, xây dựng định hướng kinh doanh cần thực hiện, chỉ rõ thị trường mục tiêu của doanh nghiệp gồm: lĩnh vực hoạt động chủ yếu, khách hàng mục tiêu,… và định hướng hoạt động sản xuất như sản phẩm sản xuất, chất lượng, giá cả, dịch vụ. Nền tảng tư tưởng, tinh thần và cơ sở lý luận của nó trong quá trình xây dựng và quản trị thực hiện chính là các nội dung thiết yếu của văn hóa doanh nghiệp, đã được doanh nghiệp đó ban hành, như: tầm nhìn, sứ mệnh, triết lý, các giá trị cốt lõi. Có thể khẳng định, văn hóa doanh nghiệp chính là bệ đỡ nội dung, là la bàn định hướng cho chiến lược của doanh nghiệp. Văn hoá doanh nghiệp luôn được thể hiện trong hoạch định chiến lược kinh doanh và chiến lược kinh doanh cũng là bản kế hoạch lớn để triển khai văn hoá doanh nghiệp.

Sau khi xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp thì mục tiêu kế hoạch có đạt được hay không phụ thuộc vào hiệu quả triển khai thực hiện chiến lược như thế nào. Trên thực tế nhiều doanh nghiệp không thành công trong triển khai chiến lược do không tập hợp thống nhất được thành viên trong tổ chức. Chiến lược được thực hiện bởi tất cả mọi thành viên của doanh nghiệp, tuy nhiên mỗi người tham gia vào một tổ chức với nhiệm vụ riêng, cương vị khác nhau và sở hữu những kỹ năng hành động không giống nhau, họ là những mắt xích khác nhau trong một cỗ máy, nhưng để cỗ máy hoạt động theo hướng đã định thì buộc các mắt xích này phải phối hợp và thống nhất với nhau. Điều đó chỉ có thể đạt được nếu có những quy tắc hành động thống nhất để hướng dẫn, chi phối việc ra quyết định và hành động của mọi thành viên trong tổ chức, và đó không thể là gì khác ngoài yếu tố văn hóa.

Nhờ văn hóa doanh nghiệp mà nhà quản lý có thể triển khai chiến lược kế hoạch, công việc nhanh chóng và dễ dàng hơn. Văn hoá phù hợp với chiến lược sẽ tác động đến hiệu quả kinh doanh. Tính phù hợp càng cao, hiệu quả càng lớn và ngược lại. Một khi công ty có một văn hóa mạnh và phù hợp với mục tiêu và chiến lược dài hạn mà doanh nghiệp đã đề ra thì tạo ra niềm tự hào của nhân viên về doanh nghiệp, từ đó mọi người luôn sống, phấn đấu và chiến đấu hết mình vì mục tiêu chung của doanh nghiệp một cách tự nguyện, giúp cho lãnh đạo dễ dàng hơn trong công việc quản lý công ty, giúp cho nhân viên thoải mái và chủ động hơn trong việc định hướng cách nghĩ và cách làm của mình, tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp. Một DN có nền văn hoá mạnh sẽ tăng thêm sự quyết tâm của các thành viên, phấn đấu vì giá trị và chiến lược chung của doanh nghiệp; kích thích sự tham gia của họ, khuyến khích họ thực hiện tốt các chiến lược. Ngược lại, một nền văn hoá kém dẫn tới tình trạng mơ hồ, quyết tâm và nhiệt tình của nhân viên giảm sút, mâu thuẫn, mất phương hướng. Một chiến lược trái ngược với văn hóa của công ty sẽ bị hủy diệt. Nếu các công ty có văn hóa và chiến lược không phù hợp với nhau sẽ khó tạo nên liên kết hoạt động bền vững. Việc phát triển một cách có chủ đích và chu đáo nền văn hóa phù hợp để đạt được các mục tiêu chiến lược cũng quan trọng như các kế hoạch bán hàng, ngân sách và hoạt động quan trọng khác của DN.

Đích đến quan trọng nhất đối với doanh nghiệp chính là lợi nhuận và thương hiệu. Để đạt được mục đích này, mỗi doanh nghiệp đều phải có chiến lược riêng, nhưng điểm chung của tất cả doanh nghiệp là phải dùng văn hóa để hiện thực hóa chiến lược đó. Những nhà lãnh đạo có tầm luôn luôn chú trọng tạo ra cho doanh nghiệp mình một nền văn hóa riêng để hiện thực hóa mọi chiến lược của mình. Và một khi doanh nghiệp đưa ra được một chiến lược tốt và một văn hóa mạnh để con người phát huy năng lực thì sẽ có lợi nhuận và phát triển bền vững. Một văn hóa bản sắc phát huy được hiệu quả sẽ giúp gắn kết các nhân viên, từ đó thúc đẩy việc thực thi chiến lược của tổ chức. Với bất cứ một nhà lãnh đạo nào, hai công việc quan trọng nhất và tốn nhiều thời gian, tâm trí, sức lực nhất chính là chiến lược và văn hóa. Theo tổ chức tư vấn và đào tạo hàng đầu của Mỹ – Franklin Covey: “Nếu chiến lược là hạt, thì văn hóa là đất. Nếu đất tốt thì hạt sẽ nở hoa, dù hạt có tốt đến mấy nhưng đất (văn hóa) không tốt thì chiến lược cũng khó có thể thành công…”. Thời nào cũng vậy, văn hóa luôn là yếu tố dẫn dắt thành công của chiến lược và phản ánh các giá trị của chiến lược đó một cách lâu dài. Chiến lược là chọn đi đường nào, còn văn hóa là để thực thi chiến lược. Chiến lược được vạch ra trên giấy, nhưng văn hóa của một công ty – yếu tố con người – là cách nó được thực hiện. Mặc dù chiến lược cung cấp hướng dẫn, nhưng văn hóa là yếu tố thúc đẩy mọi người trong công ty của bạn có cùng mục đích thúc đẩy doanh nghiệp phát triển. Và nhờ có chiến lược đúng đắn, năng lực và hiệu quả lãnh đạo của doanh nghiệp được nâng cao và duy trì.

Văn hoá doanh nghiệp là công cụ thống nhất mọi người về nhận thức, ý thức và cách thức hành động trong quá trình triển khai các chương trình hành động. Văn hoá doanh nghiệp có ảnh hưởng mạnh tới hiệu quả thực hiện chiến lược của doanh nghiệp. Bởi vì một văn hoá mạnh, tức là tạo được một sự thống nhất và tuân thủ cao đối với giá trị, niềm tin của tổ chức sẽ là cơ sở quan trọng để thực hiện thành công chiến lược của tổ chức. Một văn hóa doanh nghiệp hiệu quả sẽ làm nên chiến lược kinh doanh hiệu quả. ‘ Peter Drucker, nhà tư vấn hàng đầu có nhận định “Culture eats strategy for breakfast” (tạm dịch: văn hóa nuốt chửng chiến lược như một bữa sáng” hay “văn hóa đánh bại chiến lược”). Câu nói này ngụ ý rằng chiến lược có được xây dựng tốt thế nào, nhưng những người thực hiện nó không hoạt động trong khuôn khổ của một nền văn hóa mạnh mẽ thì việc thực thi sẽ đi đến thất bại. Theo nghiên cứu của Trường Kinh tế học London (London School of Economics), văn hóa có ảnh hưởng đến các yếu tố tạo nên sự thành công của chiến lược kinh doanh gấp 8 lần so với bản thân chiến lược kinh doanh. Khảo sát của hai Trường đại học Duke và Columbia (Mỹ) đối với 1.348 chủ doanh nghiệp hoạt động tại miền Bắc nước này đưa tới kết luận rằng “một doanh nghiệp tuy có chiến lược kinh doanh yếu nhưng văn hoá mạnh vẫn đạt được kết quả kinh doanh khả hơn những công ty mạnh về chiến lược nhưng yếu về văn hoá”. Nói một cách khác, những quyết định chưa hay, chưa hoàn hảo của công ty có thể được bù đắp bằng việc nhân viên đồng lòng cùng hướng tới mục đích chung của tổ chức (văn hóa).  Rất khó để thực hiện một chiến lược hiệu quả nếu văn hóa của DN không ủng hộ điều này và chống lại sự thay đổi. Ví dụ: nếu một phần trong chiến lược của DN liên quan đến việc cải thiện xếp hạng mức độ hài lòng của khách hàng, nhưng nhân viên của DN lại cảm thấy không có quyền và không được hỗ trợ, thì rất có thể đây sẽ là một chiến lược khó thực hiện.

Rõ ràng, một chiến lược hay thì cần một nền văn hóa tốt, văn hóa dẫn dắt chiến lược và chiến lược thực hiện trên nền tảng văn hóa doanh nghiệp, văn hóa doanh nghiệp là một nhân tố quan trọng trong việc triển khai chiến lược. Do đó cần gắn chặt chiến lược sản xuất, kinh doanh với chiến lược xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp, cần coi văn hóa doanh nghiệp như là một phần quan trọng của kế hoạch chiến lược để phát huy mạnh mẽ vai trò của văn hóa, vai trò nhân tố con người, phát huy sức mạnh nội sinh, đảm bảo cho doanh nghiệp phát triển nhanh và bền vững.

PGS.TS DƯƠNG THỊ LIỄU

Viện trưởng Viện Văn hóa kinh doanh

 

Chia sẻ
10:28:19 14-09-2022

VHDN: Văn hóa doanh nghiệp không chỉ là một nguồn tài sản quý giá của doanh nghiệp (DN) mà còn là một phương pháp và công cụ quản lý hữu hiệu, không thể thiếu trong quản lý điều hành doanh nghiệp. Doanh nghiệp không thể quản lý, điều hành tốt mà không sử dụng công […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi