Sự kiện - chuyên đề:

Nghịch lý từ phán quyết của Tòa án huyện Vân Đồn

VHDN: Trong hai ngày 31/3 và 01/4/2022, Toà án nhân dân huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh mở phiên toà xét xử vụ án:“Tranh chấp hợp đồng uỷ quyền, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn ông Phạm Thanh Dũng với bị đơn anh Phạm Gia Phú, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan anh Phạm Gia Phong, cán bộ UBND huyện Vân Đồn. Phán quyết của toà làm cho dư luận và người thương binh nặng Phạm Thanh Dũng vô cùng thất vọng.

Quang cảnh phiên toà.

Theo hồ sơ vụ án thì nguyên đơn- ông Phạm Thanh Dũng, sinh năm 1942, thương binh mất 81% sức khoẻ, cùng vợ là bà Đào Thị Thắng sinh năm 1947 không biết chữ. Năm 2016, sau khi được nhà nước cấp Giấy chứng nhận, số: BP 754300, số vào sổ cấp GCN: CH05079 do UBND huyện Vân Đồn cấp ngày 20/01/2016 thì được anh Phạm Gia Phong, cán bộ UBND huyện ngỏ lời “giúp đỡ” chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở. Tin anh Phong là cán bộ, gia đình ông bà thương binh này đã ra Văn phòng công chứng Hồng Quảng làm văn bản uỷ quyền, anh Phong giới thiệu cho ông bà Dũng uỷ quyền cho anh trai Phong là Phạm Gia Phú. Tại Văn phòng công chứng, anh Phong, anh Phú đưa ra bản hợp đồng uỷ quyền soạn sẵn với nội dung: Phạm vi uỷ quyền “Được quyền quản lý, sử dụng… được ký kết HĐ CNQSDĐ với bên thứ 3 sau khi chuyển mục đích sử dụng đất, cấp đổi lại Giấy CNQSDĐ; Nhận và quản lý giá trị chuyển nhượng, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ quyền sử dụng đất; Giao lại cho bên A đầy đủ giá trị chuyển nhượng từ quyền sử dụng đất; Sau khi ký kết hợp đồng CNQSDĐ với bên thứ 3, bên B nhận thông báo thuế, nộp các loại thuế, phí, lệ phí liên quan đến việc CNQSD…; được thế chấp và thế chấp bảo đảm nghĩa vụ cho người khác, thay mặt nhân danh bên A tham gia quá trình thế chấp; ký kết hợp đồng thế chấp, nhận khoản vay, trả nợ, nhận lại Giấy CNQSDĐ… Xoá thế chấp …”

Quyền và nghĩa vụ của bên uỷ quyền (bên A):

“..Yêu cầu bên B thông báo đầy đủ về việc thực hiện công việc uỷ quyền; được bồi thường thiệt hại, nếu bên B vi phạm các nghĩa vụ đã thoả thuận…”

Quyền và nghĩa vụ của bên nhận uỷ quyền (bên B):

“.. Thực hiện công việc uỷ quyền theo nội dung ủy quyền và báo cho bên A về việc thực hiện công việc đó…; Bồi thường thiệt hại do vi phạm các nghĩa vụ đã thoả thuận…”

Cam đoan của bên nhận uỷ quyền (bên B):

“.. Đồng ý nhận thực hiện các công việc uỷ quyền nêu tại điều 2 của HĐ này; Bên B chỉ nhân danh bên A thực hiện các công việc được bên A uỷ quyền tại điều 2 của HĐ này”.

Tuy nhiên, sau khi nhận uỷ quyền, bên B thực hiện việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng cây sang đất ở. Ngaỳ 03/01/2017, UBND huyện Vân Đồn đã cấp GCNQSDĐ mới cho ông bà Dũng Thắng là GCNQSDĐ số: CĐ760926, số vào sổ cấp GCN: CH 05427 cấp ngày 03/01/2017, nhưng bên nhận uỷ quyền không báo cho ông Dũng, bà Thắng biết. Cũng tại thời điểm đó con đường mới mở đi qua khu đất nhà ông Dũng, ông Dũng nhiều lần hỏi về kết quả của công việc uỷ quyền, anh Phạm Gia Phong và anh Phú đều trả lời “sắp xong ”. Gia đình ông Dũng tin tưởng nên không truy đến cùng.

Sau khi có được GCNQSDĐ mới đã chuyển đổi mục đích sử dụng đất mang tên ông bà Phạm Thanh Dũng là GCNQSDĐ số: CĐ760926, số vào sổ cấp GCN: CH 05427 cấp ngày 03/01/2017 thì bên nhận uỷ quyền- anh Phạm Gia Phú đã lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng mảnh đất trên cho vợ mình là chị Nguyễn Thị Phương Thảo và vợ anh Phong là chị Vũ Thị Giang rồi đem GCNQSDĐ trên đi thế chấp ngân hàng, nhưng gia đình ông Dũng không được thông báo hay biết tin. Đến khoảng cuối năm 2019, đầu năm 2020, sau nhiều lần hỏi anh Phong không được, gia đình ông Dũng đã đưa ông Dũng đến Văn phòng công chứng Hồng Quảng để yêu cầu cung cấp bản hợp đồng uỷ quyền, nhưng Văn phòng công chứng không cung cấp. Ông Dũng đã làm đơn gửi đến Sở Tư pháp Quảng Ninh và UBND huyện Vân Đồn để được cung cấp thông tin về mảnh đất. Sau khi có được thông tin từ Văn phòng đăng ký Quyền sử dụng đất Vân Đồn, biết được mảnh đất của mình đã được sang tên cho vợ anh Phú và vợ anh Phong, đặc biệt là anh Phong đang là cán bộ quản lý đất đai của huyện Vân Đồn, ông Dũng- bà Thắng đã làm đơn tố cáo lên UBND huyện về hành vi của anh Phạm Gia Phong, nhưng không được giải quyết. Để đảm bảo quyền lợi cho mình theo đúng thời hiệu khởi kiện, ông bà Dũng- Thắng đã làm đơn khởi kiện “Tranh chấp hợp đồng uỷ quyền, tuyên hợp đồng CNQSDĐ vô hiệu..”.

Quá trình thụ lý xét xử, bị đơn anh Phong, anh Phú có yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập và cung cấp tài liệu, chứng cứ cho rằng “mảnh đất trên, anh Phong, anh Phú đã mua của ông bà Dũng- Thắng từ năm 2015 khi chưa có Giấy CNQSDĐ. Đến ngày 20/01/2016, gia đình ông Dũng được cấp Giấy CNQSDĐ, nhưng anh Phong, anh Phú chọn cách lập Hợp đồng uỷ quyền chứ không lập Hợp đồng chuyển nhượng… Hợp đồng uỷ quyền ngày 20/01/2016 và Hợp đồng CNQSDĐ ngày 31/3/2017 cho vợ anh ta chỉ là Hợp đồng giả cách để hợp thức hoá các Hợp đồng mua bán chuyển nhượng QSDĐ năm 2015 và Hợp đồng thanh lý bàn giao quyền sử dụng đất ngày 20/01/2016 ..”.

Tại phiên toà ngày 31/3/2022, bị đơn anh Phạm Gia Phú, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan- anh Phạm Gia Phong rút toàn bộ yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập, luật sư bảo vệ bị đơn cũng yêu cầu rút toàn bộ đơn yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập. Cũng tại phiên toà, các vấn đề được luật sư nguyên đơn đưa ra tranh luận “hợp đồng giả cách…” có giá trị pháp lý không? Tính pháp lý của các hợp đồng do bị đơn cung cấp tại hồ sơ, kết luận giám định của Viện khoa học hình sự, Bộ Công an ngày 16/12/2021 đã nói lên những khuất tất của phía bị đơn.

Nghịch lý có liên quan đến cán bộ huyện

Tại toà sau khi tranh luận, luật sư bị đơn, bị đơn, luật sư của người có quyền lợi liên quan từ chối trả lời các câu hỏi của luật sư liên quan đến Hợp đồng uỷ quyền công chứng vượt quá phạm vi uỷ quyền, vi phạm điều cấm, Hợp đồng CNQSDĐ vô hiệu do thực hiện trên cơ sở hợp đồng uỷ quyền thực hiện vượt quá phạm vi uỷ quyền, vi phạm điều cấm.. Các giấy tờ liên quan đến mua bán đất năm 2015, thanh lý mua bán ngày 20/01/2016 của bị đơn cung cấp có dấu liệu làm giả, không có giá trị pháp lý cả về hình thức và nội dung và đồng thời bị đơn rút toàn bộ yêu cầu phản tố, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan rút toàn bộ yêu cầu độc lập, nhưng Hội đồng xét xử lại căn cứ vào 03 tài liệu do bị đơn cung cấp theo yêu cầu phản tố, tài liệu người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có yêu

cầu độc lập, đã được giám định và có kết quả “tại các trang đánh máy khổ giấy A4 đã bị sửa chữa, khoảng cách lề trái, phải, trên dưới giữa các trang với nhau không được in cùng 1 file ..” nghi là văn bản do anh Phong, anh Phú làm giả trên nền chữ ký tại một trang cuối là chữ ký của ông bà Thắng- Dũng do anh Phong, anh Phú cung cấp khi có yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập nhưng nay đã rút toàn bộ yêu cầu phản tố, yêu cầu độc lập để nhận định giữa “Nguyên đơn và anh Phong (người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan), anh Phú bị đơn đã có thỏa thuận chuyển nhượng quyền sử dụng đất từ 2015, việc xác lập giao dịch hoàn toàn tự nguyện. Các bên có năng lực hành vi dân sự khi giao kết hợp đồng, giao dịch không vi phạm điều cấm của pháp luật. Trong khi có kết quả giám định tại các hợp đồng chuyển nhượng năm 2015 và ngày 20/01/2016 trên có dấu hiệu giả mạo, bị xóa, viết đè chữ, không được in ra từ 1 file… Nội dung của các bản hợp đồng này thì mâu thuẫn như tại hợp đồng thanh lý – chuyển giao quyền sử dụng đất nhưng lại có thoả thuận phạt cọc, thoả thuận bồi thường…”. Còn nữa, ngày 20/01/2016 các bên đã lập hợp đồng thanh lý và chuyển giao QSDĐ như bị đơn khai thì sao lại phải lập hợp đồng công chứng uỷ quyền, trong khi bản chất là đã mua đứt bán đoạn? khi các bên đủ điều kiện để chuyển nhượng QSDĐ nhưng không lập hợp đồng CNQSDĐ tại Văn phòng công chứng. Rõ ràng lời khai của ông bà Dũng- Thắng khai “Vợ chồng tôi già yếu, là thương binh mất 81% sức khoẻ, thuộc đối tượng được trợ giúp pháp lý … tin tưởng anh Phong là cán bộ UBND huyện nên nhờ chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất vườn sang đất ở..” là có căn cứ. Mặt khác, anh Phong là cán bộ UBND hiểu biết pháp luật thì không thể mua bán đất mà không thực hiện đúng quy định về hình thức và nội dung để bảo vệ quyền lợi cho mình. Không có việc mua bán lại lập hợp đồng uỷ quyền để thực hiện vượt quá phạm vi uỷ quyền và lập uỷ quyền để nhằm trốn tránh giao dịch dân sự giả mạo khác.

Toà án công nhận các giao dịch trái pháp luật?

“Hợp đồng uỷ quyền công chứng ngày 20/01/2016 giữa ông Pham Thanh Dũng, bà Đào Thị Thắng với anh Phạm Gia Phú thực chất là chuyển giao của hợp đồng mua bán năm 2015, hợp đồng thanh lý mua bán đất và chuyển giao QSDĐ ngày 20/01/2016.”

Toà án công nhận hiệu lực của Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất tháng 10 năm 2015 và Hợp đồng thanh lý mua bán đất và chuyển giao quyền sử dụng đất ngày 20/01/2016; “… việc ký kết hợp đồng ủy quyền ngày 20/01/2016 là sự kiện tiếp nối để anh Phong, anh Phú thực hiện quyền của mình…”; đồng thời Toà án còn nhận định căn cứ vào các hợp đồng có dấu hiệu làm giả, không có giá trị pháp lý cả về hình thức lẫn nội dung “anh Phú thực hiện đúng cam kết, không thực hiện vượt quá phạm vi ủy quyền, khi thực hiện công việc ủy quyền bản thân anh Phú không bị giới hạn bởi việc xin ý kiến của ông Dũng, bà Thắng mà anh Phú có quyền của chủ sở hữu đã được chuyển giao bằng Hợp đồng ủy quyền và về bản chất việc ký kết Hợp đồng ủy quyền là để ông Phú thực hiện quyền của chủ sử dụng đối với thửa đất đã nhận chuyển nhượng của ông Dũng, bà Thắng; Việc anh Phú chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho chị Giang, chị Thảo là đúng pháp luật, do đó Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp cho chị Giang và chị Thảo là đúng quy định pháp luật.”

Như vậy, Toà án đương nhiên công nhận các hợp đồng giả tạo kia trong khi các hợp đồng đó ngay từ đầu đã không có giá trị pháp lý, bị đơn đã có đơn yêu cầu toà công nhận hiệu lực của các hợp đồng này và toà án thụ lý theo quy định. Tại toà bị đơn đã rút yêu cầu phản tố được toà đương nhiên chấp nhận cho rút yêu cầu đó, đồng thời chấp nhận hợp đồng công chứng uỷ quyền khi người nhận uỷ quyền thực hiện vượt quá phạm vi uỷ quyền, chuyển nhượng quyền sử dụng đất cho rằng anh Phú không thực hiện vượt quá phạm vi ủy quyền, khi thực hiện công việc ủy quyền bản thân anh Phú không bị giới hạn bởi việc xin ý kiến của ông Dũng- bà Thắng mà anh Phú có quyền của chủ sở hữu đã được chuyển giao bằng hợp đồng ủy quyền và về bản chất việc ký kết Hợp đồng ủy quyền là để anh Phú thực hiện quyền của chủ sử dụng đối với thửa đất đã nhận chuyển nhượng của ông Dũng bà Thắng “ bằng hợp đồng chuyển nhượng đã được giám định là tại các trang, khoảng cách lề trên lề dưới, lề trái, lề phải.. không cùng một file ..”.

Việc nhận định bản án, ra bản án có dấu hiệu trái pháp luật, chấp nhận hợp đồng mua bán giả mạo, sau đó lập hợp đồng uỷ quyền công chứng nhằm che đậy giao dịch dân sự giả mạo, chấp nhận cho hợp đồng chuyển nhượng do thực hiện giao dịch dân sự với chính mình là có dấu hiệu cố tình ra bản án trái pháp luật. Đề nghị các cơ quan bảo vệ pháp luật vào cuộc làm rõ, bảo vệ quyền và lợi ích cho người dân, đặc biệt là người thương binh mất 81% sức khoẻ trên để pháp luật được thượng tôn.

Văn hoá Doanh nghiệp Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin tới bạn đọc!

Nhóm PV

 

Chia sẻ
16:45:24 08-04-2022

VHDN: Trong hai ngày 31/3 và 01/4/2022, Toà án nhân dân huyện Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh mở phiên toà xét xử vụ án:“Tranh chấp hợp đồng uỷ quyền, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất, huỷ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất” giữa nguyên đơn ông Phạm Thanh Dũng với bị đơn […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi