Sự kiện - chuyên đề:

Người làm “nghiêng” cánh đồng Lắk

VHDN:Đến vương quốc Cà phê và Cao su, mà nói chuyện về cây lúa nước thì ai ai cũng biết “Vua lúa” họ Lã, người con của quê lúa Thái Bình.

Lã Như Kỹ sinh năm 1956  ở Đông Sơn – Đông Hưng – Thái Bình, trong gia đình có tới 10 anh chị em. Ruộng ít, con đông, nhà nghèo. Bố của Kỹ là du kích đánh Pháp, mình mẹ quần quật ruộng đồng, “Hết ruộng cạn, lại ruộng sâu, có bao giờ Gì ngẩng lên đâu. Mà sao Gì biết trên đầu có trăng”. Con cái nheo nhóc, đói khát… 13 tuổi học hết lớp 7, là con thứ 5 (trai lớn nhất trong nhà), Lã Như Kỹ phải bỏ học đi làm thuê. Vào mùa vụ lúa, Kỹ như con trâu lầm lũi tối ngày ngoài đồng để nhổ cỏ, gánh phân thuê, rồi chăn bò, chăn trâu… “Phải tìm mọi cách đổi đời”, Kỹ nung nấu quyết tâm này không rõ đã bao đêm… Nhưng “Đổi đời bằng cách nào ?”; “Vốn liếng lấy đâu ?”; “Liệu trọn đời cày ruộng trồng lúa, có thoát được nghèo không – hay cùng lắm chỉ đủ ăn?…”. Hiểu đứa con Lã Như Kỹ rất bản lĩnh – đã nói là làm và làm đến cùng, mẹ của Kỹ động viên ngắn gọn: “Ngàn đời nay, quê mình ai sinh ra, lớn lên, giàu hay nghèo mà không nhờ cây lúa. Bám ruộng mà sống con à. Ông Trời sẽ không phụ lòng đâu !”.

Lão nông Lã Như Kỹ.

Sau 1 năm tham gia quân ngũ, ra quân, năm 1978, 22 tuổi, Kỹ chuyển ngành sang đơn vị Thanh niên Xung phong tỉnh Thái Bình, vào vùng rừng núi hoang vu huyện Lắk (tỉnh Đắk Lắk) để khai hoang, xây dựng vùng kinh tế mới theo chủ trương của Nhà nước. Lúc này, trên vùng đất vừa có núi đồi, vừa có ruộng lúa nước của xã Yang Bung, huyện Lắk, đang có Nông trường 8/4 hết sức chật vật khai hoang trồng lúa, đậu, bắp. Đời sống bà con nông trường lay lắt bữa đói, bữa no…

Với con mắt nhà nông, chàng trai họ Lã phát hiện ra ngay: vùng đất xã Yang Bung (nay là 2 xã Buôn Tría và Buôn Triếk), nơi đầu nguồn của sông Krông Na, gần hồ Lắk trù phú là một “vựa lúa” đầy tiềm năng. Nông trường 8/4 làm ăn “leo lắt” là do cách thức quản lý yếu kém, kỹ thuật canh tác lạc hậu…

Năm 1994, Nông trường 8/4 giải thể. Năm 1995, chàng nông dân 39 tuổi Lã Như Kỹ đã bàn bạc cùng một anh bạn thân, quyết định “chơi canh bạc liều”. Vay mượn được hơn 40 triệu đồng, họ mua máy cày MTZ của Liên Xô và nhận vỡ hoang 13 ha ruộng lúa của Nông trường 8/4 để lại. Hơn nửa năm thót tim, “cầu trời khấn đất phù hộ”, Kỹ đã tính phương án nếu mùa màng thất bại, cả hai thằng cùng vào tù hoặc trốn nợ. Ai ngờ, vụ mùa đầu tiên làm ăn kiểu “sản xuất lớn, cơ giới hóa đồng ruộng với giống lúa thích hợp”, Lã Như Kỹ đã gặt hái gần 100 tấn lúa, quy thành tiền gần 90 triệu đồng. Trừ hết các khoản chi phí đầu tư, Kỹ và người bạn đã lãi không chiếc máy cày MTZ. Hai người chưa vội trả nợ, vay thêm tiền mua tiếp máy cày thứ hai…

Năm 1996, vụ mùa (Hè – Thu), lũ lụt ập về. Mười mấy ha lúa của Kỹ chìm sâu trong biển lũ những mấy tháng trời. Lã Như Kỹ đã vắt óc mất ngủ cũng chừng đó thời gian. Rồi anh loé lên hy vọng. Lúa ngập, thóc vẫn còn đầy đồng ruộng. Tại sao không tận dụng để chăn thả vịt bầy?… Hơn 3.000 con vịt được “kỹ sư chăn nuôi” họ Lã kịp thời thả ra đồng lúa, kết quả bán vịt được 10 cây vàng (khoảng 50 triệu đồng lúc đó). Tính ra, mỗi con vịt đẻ tiền mua giống 10.000đ/con, Kỹ bán dược 30.000đ/con – lãi gấp 2 lần chỉ trong vòng khoảng 2 tháng !

Qua nghiên cứu thực tế cấu tạo đất, địa hình đồng ruộng huyện Lắk, với sự chỉ dẫn của một số kỹ sư nông nghiệp, ông Kỹ quyết định thôi sử dụng máy gặt đập liên hợp, sau một thời gian mua máy này về ít có hiệu quả. Loại máy của Việt Nam sản xuất thì không gặt đập được lúa bị đổ. Còn máy do Trung Quốc làm ra thì gặt đập lúa đứng bị rơi rụng khá nhiều. Riêng các loại máy cày to lớn kềnh càng của Liên Xô, vừa khá hao dầu nhớt, lại vừa không phù hợp với ruộng đồng trũng ở Buôn Tría, Buôn Triếk. Cũng từ bài toán thực tế đặt ra, ông Kỹ nhận thấy các loại máy bơm đứng thông dụng bấy giờ, vào mùa lũ lụt là “bó tay”. Bỏ ra 100 triệu, ông Kỹ ra tận Hải Dương mua về 5 máy bơm nằm, xây dựng thành 3 trạm bơm, đủ sức bơm quanh năm cho ruộng của mình và gần 100 ha ruộng của bà con lân cận (có thu tiền lãi ở mức vừa phải). Khi Nhà nước chưa đủ sức đầu tư, lão nông họ Lã từ năm 2004 đã tự móc tiền túi gần 1 tỷ đồng, xây dựng đường dây và trạm biến áp điện lưới Quốc gia (dài khoảng 3km). Gần 80 hộ nông dân trong thôn ông Kỹ, cũng nhờ đường điện này mà đổi đời, làm ăn ngày càng khấm khá. Tiền điện khi tính với bà con nông dân, ông Kỹ tính ở mức vừa phải…

Gặt lúa trên cánh đồng Lắk.

Đã thành triệu phú, hai vợ chồng ông Kỹ vẫn bám ruộng hằng ngày từ 12 – 14 tiếng, làm quần quật. Lúc nào họ cũng nơm nớp lo mất mùa, lo trả nợ, lo sâu bệnh bùng phát thành dịch, lo giá lương thực bấp bênh… Tích lũy được bao nhiêu, ông Kỹ lại mua thêm ruộng. Lúc cao điểm, ông đã tậu được gần 40 ha ruộng – thành “ông chủ” lớn nhất Tây Nguyên về trồng lúa nước.

“Ly Nông, bất ly hương“. Ông Kỹ tâm sự với tôi, rồi dẫn tôi đi xem hàng loạt công trình sinh lãi khá lớn từ nghề trồng lúa. Nào là nhà máy xay xát (chà gạo); nào là 2 ao nuôi cá hơn 3.000m2; nào là đại lý kinh doanh phân bón và thuốc trừ sâu; nào là xưởng cơ khí máy nông nghiệp. Chưa kể, từ hàng ngàn tấn lúa – gạo – tấm – cám, còn là nguồn thức ăn quý để ông Kỹ phát triển nghề nuôi gà – vịt – bò – trâu – heo. Tận dụng lợi thế nhà sát bờ sông Krông Na lắm phù sa, ông Kỹ mở thêm dịch vụ khai thác cát xây dựng, đóng thuyền vận tải hàng hóa ngược xuôi… Ngoài lúa (tính riêng 2 vụ Đông Xuân và Hè Thu năm 2008, với 15 ha lúa còn lại, ông Kỹ đã thu về khoảng 130 tấn lúa, lãi gần 600 triệu đồng). Bình quân mỗi năm gia đình ông Kỹ còn thu lời trên trăm triệu đồng từ các nghề dịch vụ kể trên.

Chủ yếu, lão nông họ Lã sử dụng giống lúa bắp thơm và lR64, giống lúa mang từ Thái Bình vào và sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật do Công ty Syngenta cung cấp…

Đến nhà ông Kỹ, theo bờ ruộng Buôn Tría sình lầy mấp mô đầy cỏ dại, chưa đầy 2 cây số mà tôi vừa căng mắt điều khiển xe, vừa nghĩ ông Kỹ đang sát hạch tay lái mình đây. Đã mua và xây được 3 nhà lầu ở thành phố Buôn Ma Thuật, ông Kỹ còn đự kiến mua thêm cái biệt thự nữa ở Đà Lạt để “về già nghỉ mát cho khỏe”. Bốn đứa con của tỷ phú Lã Như Kỹ, phải xa nhà từ nhỏ lên Buôn Ma Thuật trọ học, nhưng chúng đều sống bình dị, chăm học hành, không ỷ lại cha mẹ. Riêng một cậu con trai đi bộ đội về, thấy nhà quá vắng vẻ, bố mẹ và ông nội (hơn 86 tuổi) đã già yếu, bèn ở lại gia đình, quyết tâm dần dần thay cha làm chủ cơ ngơi và 15 ha lúa còn lại. Anh cũng đang nuôi ý định theo học lớp ĐH Nông nghiệp tại chức…

Có 4 đứa con (1 gái út) đã trưởng thành – trong đó 2 đứa đã tốt nghiệp ĐH, còn cô con gái út sắp tốt nghiệp ĐH Công nghệ Sài Gòn, nhưng ông Kỹ và vợ vẫn ngày đêm miệt mài với đồng ruộng Buôn Tría, buôn Triếk đã đưa ông cùng cả gia đình thành tỷ phú.

Chia tay Lã Như Kỹ, chia tay cánh đồng Lắk, nhìn thảm lúa đang thì con gái, tôi tự hào về quê hương Thái Bình đã nuôi dưỡng những người con, có nghị lực phi thường, dám nghĩ, dàm làm. Và trong từng  cái nhìn, nếp nghĩ của người dân bên dòng sông Krông Na xinh đẹp, có thể nói ông là người làm “nghiêng” cánh đồng Lắk.

Đức Viên

08:56:30 11-11-2017

VHDN:Đến vương quốc Cà phê và Cao su, mà nói chuyện về cây lúa nước thì ai ai cũng biết “Vua lúa” họ Lã, người con của quê lúa Thái Bình. Lã Như Kỹ sinh năm 1956  ở Đông Sơn – Đông Hưng – Thái Bình, trong gia đình có tới 10 anh chị em. […]

Đối tác của chúng tôi