Ngày Sách Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả xã hội.

Ngày Sách Việt Nam là sự kiện văn hóa quan trọng đối với những người yêu sách và cả xã hội.

“Bây giờ nhiều người nói về công nghệ thông tin, cách mạng công nghiệp lần thứ tư nhưng loài người nói chung, dân tộc ta nói riêng muốn vươn lên thì nhất định phải nâng cao dân trí, tăng cường phổ biến tri thức, phải học nhiều hơn, đọc nhiều hơn…Dù hình thức có những thay đổi nhưng đọc và sách sẽ vẫn là điều vô cùng quan trọng để đất nước, dân tộc có thể đi lên”.

Đó là phát biểu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 5 năm thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Sách Việt Nam, vừa diễn ra mới đây.

Thực tế không thể phủ nhận là việc đọc sách ngày càng có xu hướng giảm mạnh, nhất là ở giới trẻ. Internet ra đời với tiện ích của nó đã trợ giúp và tạo ra phương thức đọc mới là phương thức đọc hiện đại đó là từ văn hóa đọc chuyển dịch sang văn hóa nghe nhìn. Cộng với quỹ thời gian eo hẹp nên ngày nay tình trạng đọc nhanh, đọc ngắn, đọc sách mỏng là một trong những tiêu chí được người đọc trẻ hướng đến và lựa chọn.

Số liệu từ Cục Xuất bản Việt Nam trong 3 năm gần đây cho thấy, bình quân mỗi năm Việt Nam xuất bản chưa tới 400 triệu bản sách. Điều đáng nói là 75% trong số đó đã là sách giáo khoa, giáo trình. Như vậy, chỉ còn chừng 100 triệu bản sách chia trên 90 triệu dân, con số quá hạn hẹp. Không cần đi đâu xa, chỉ cần làm phép so sánh với Malaysia đã thấy được độ vênh trong văn hóa đọc vì mỗi năm, một người dân ở quốc gia này đọc tầm 12 cuốn sách.

Theo đó, một vấn đề đặt ra ở đây là: Có phải giới trẻ không muốn đọc, lười đọc sách hay không biết chọn sách phù hợp nên chán đọc? Có phải giới trẻ khó cưỡng lại ma lực của cuộc sống số hay họ mơ hồ về giá trị các cuốn sách đủ loại và đủ lĩnh vực đời sống?

Nhiều chuyên gia cho rằng, sở dĩ văn hóa đọc của người Việt còn thấp là vì nhiều người chưa coi trọng để hình thành thói quen đọc sách từ khi còn nhỏ. Trong giai đoạn công nghệ phát triển mạnh mẽ với sự cạnh tranh ngày càng khốc liệt của các loại hình giải trí như hiện nay, nhiều ý kiến cho rằng, quá trình hình thành thói quen đọc sách cho người dân là không hề đơn giản.

Thế nhưng, khó mấy, muộn mấy cũng phải làm. Nói như Nhà văn Nguyễn Nhật Ánh thì: “Nếu không thường xuyên thấy sách, nghe nói về lợi ích của sách thì đừng hy vọng một đứa trẻ tự tìm đến sách. Trước tiên chúng ta phải làm sao để đông đảo trẻ em, thanh thiếu niên nhìn thấy sách, làm quen với sách. Từ đó các em mới thích và yêu sách được. Rồi sẽ có “cuộc hôn nhân” giữa trẻ em với sách. Điều đó là quá tốt. Như chúng ta đã biết việc hình thành thói quen đọc sách của trẻ em, thanh thiếu niên được tác động từ 3 phía là xã hội, gia đình và nhà trường”.

Mặt khác, nói về văn hóa đọc thì có thể nhiều người chưa tỏ tường khi công việc viết lách, dịch thuật, biên tập và hiệu đính sách trên thực tế là không dễ, rất mất thời gian, công sức và tâm trí. Chẳng hạn, để biên dịch một tác phẩm kinh điển của phương Tây sang tiếng Việt, như cuốn Nền đạo đức Tin lành và tinh thần của Chủ nghĩa tư bản (dịch giả Trần Hữu Quang và Bùi Văn Nam Sơn) có thể phải mất cả năm, nhưng khi đưa ra thị trường, giỏi lắm cũng chỉ tiêu thụ được 1000 – 2000 cuốn.

Trong khi thị trường Việt Nam thời gian qua dường như vẫn chưa có nhiều sự quan tâm và hứng thú để sẵn sàng đón nhận những dòng sách kinh điển, lý luận… Những thể loại ngôn tình mùi mẫm hay tản văn, tự truyện của các ngôi sao, những người nổi tiếng… xem ra có thể dễ dàng được đón nhận hơn.

Hơn nữa, nói đến văn hóa đọc thì chúng ta không thể không nói đến người Nhật. Người Việt Nam hôm nay vẫn chưa có được tinh thần cầu học, niềm yêu thích và văn hóa đọc sách như họ, đặc biệt là nước Nhật cuối thế kỷ 19, thời Minh Trị Duy Tân, cách chúng ta hơn 150 năm.

Thời đó, nước Nhật từ trên xuống dưới (Thiên Hoàng và thần dân) đều phát cuồng vì sức mạnh cơ khí khoa học và sự tiến bộ của nền văn minh cùng các học thuyết tư tưởng của phương Tây, họ cử người sang các nước để tìm bằng được những cái hay cái lạ có thể mang về để phục vụ sự phát triển của nước Nhật.

Khi người phương Tây có phát minh, phát kiến gì hay là người Nhật phải ngay lập tức truy tìm, dịch sang tiếng Nhật để phổ biến cho đại chúng. Thậm chí, năm 1919, Nhật Bản cũng là nước đầu tiên trên thế giới xuất bản tuyển tập Karl Marx và Engel, chứ không phải Nga và Đức – nơi phong trào xã hội chủ nghĩa được cổ vũ mạnh mẽ nhất có tuyển tập này.

Muốn xây dựng đất nước hùng mạnh, người Việt Nam cũng cần trở nên ham học giống như người Nhật. Phải trở nên khát khao muốn biết và muốn học để xây dựng nên một nền văn hóa lớn, một xã hội phú cường, nơi mọi người đều bình đẳng, có quyền được học như nhau, có quyền ước mơ và thăng tiến.

Hãy học hỏi văn hoá đọc sách độc đáo và óc tò mò sáng tạo phục vụ Tổ Quốc của người Nhật, thay vì chỉ dừng lại ở mục đích tầm thường – điều dễ gây nên sự tự mãn và an phận.

Chính vì vậy, đọc sách chẳng nhưng giúp chúng ta thư giãn, tích tụ tri thức và mở rộng tư duy. Đọc  sách còn để hiểu cuộc sống, hiểu mình, hiểu người và để biết sống đúng, sống đẹp.

Quan trọng hơn, như Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nói “dân tộc ta muốn vươn lên thì nhất định phải nâng cao dân trí, tăng cường phổ biến tri thức, phải học nhiều hơn, đọc nhiều hơn”.

Theo enternews