Đó là dự án xây dựng khu dân cư mới xã Vũ Phúc nằm ở ven đô TP Thái Bình, do Công ty CP Đầu tư XNK Thăng Long làm chủ đầu tư.

Được biết, dự án có tổng diện tích thu hồi là 31 ha, chủ yếu là đất nông nghiệp. Sau khi hoàn tất các thủ tục theo quy định như: thống kê, kiểm đếm tài sản xây dựng, cây cối hoa màu, niêm yết công khai dự thảo phương án bồi thường, hỗ trợ…, ngày 1/12/2016 và ngày 19/12/2018, UBND TP Thái Bình đã ban hành các quyết định thu hồi đất, phê duyệt phương án bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng thực hiện dự án đối với 303 hộ gia đình, cá nhân.

Từ đó đến nay, đã có 228 hộ gia đình, cá nhân đồng thuận về chủ trương xây dựng Khu dân cư mới xã Vũ Phúc, vui vẻ ký nhận tiền bồi thường, hỗ trợ và làm các thủ tục để bàn giao mặt bằng cho nhà đầu tư. Nhưng vẫn còn 75 hộ gia đình, cá nhân chưa thống nhất về mức bồi thường hỗ trợ của UBND TP Thái Bình.

Dự án 3 năm nay vẫn là bãi đất trống do vướng GPMB (ảnh ND)

Nguyên nhân là do người dân muốn được trực tiếp thỏa thuận mức đền bù với doanh nghiệp đầu tư dự án; hộ dân bị thu hồi từ 1.093 m2 trở lên phải được nhận một suất đất ở.

Về vấn đề này, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Thái Bình cho biết, nếu là dự án chuyển nhượng thì doanh nghiệp mới thỏa thuận với người dân, còn đây là dự án thu hồi thì nhà nước sẽ đứng ra đền bù, chi trả. Những kiến nghị của người dân về mức giá đền bù cũng như yêu cầu phải có thêm suất đất ở khi bị thu hồi đất nông nghiệp đã được UBND TP Thái Bình trả lời là không phù hợp với quy định hiện hành.

Ông Đinh Gia Dũng – Phó Chủ tịch UBND TP Thái Bình khẳng định, “Chúng tôi đã vận dụng tối đa mức bồi thường, hỗ trợ theo đúng quy định hiện hành. Giá đất thực hiện theo đơn giá đã được HĐND tỉnh thông qua hằng năm, không thể thay đổi, nếu vượt khung quy định tức là chúng tôi là người làm sai, làm quá thẩm quyền cho phép”.

Theo phương án bồi thường, hỗ trợ của UBND TP Thái Bình, các hộ gia đình, cá nhân ở Vũ Phúc được bồi thường đất nông nghiệp là 42 nghìn đồng/m2; được hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề và tìm kiếm việc làm với mức 63 nghìn đồng/m2. Hộ gia đình bị thu hồi từ 30% đến 70% hơn 2 triệu đồng/nhân khẩu. Đối với hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi hơn 70% diện tích được hỗ trợ trong thời gian 12 tháng với mức hỗ trợ một nhân khẩu là hơn 4,1 triệu đồng. Ngoài ra, các hộ bị ảnh hưởng của dự án còn được hưởng hỗ trợ khác theo quy định của UBND tỉnh Thái Bình để giải phóng mặt bằng đối với đất nông nghiệp tại địa giới hành chính xã với mức là 84 nghìn đồng/m2. Bên cạnh đó, còn được bồi thường, hỗ trợ tài sản xây dựng, cây cối hoa màu trên đất bị ảnh hưởng từ dự án.

Theo lý giải của Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Thái Bình, đây là dự án đầu tư theo hình thức BT (sử dụng ngân sách) nên nhà nước sẽ trực tiếp chi trả đền bù cho người dân, chứ không phải doanh nghiệp. Dự án thực hiện từ năm 2016 nên việc bồi thường, hỗ trợ áp dụng theo Nghị định số 47 ngày 15/5/2014 của Chính phủ và Quyết định số 08 ngày 30/6/2014 của UBND tỉnh Thái Bình về việc ban hành quy định một số chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Theo đó, không còn chính sách hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp và việc làm bằng hình thức giao đất ở hoặc đất sản xuất kinh doanh phi nông nghiệp.

Dự án kỳ vọng sẽ mở ra 1 một không gian sống lý tưởng cho cư dân đô thị Thái Bình nhưng hơn 3 năm nay, dự án vẫn đang là bãi đất trống vì vướng giải phóng mặt bằng, khiến doanh nghiệp bất động sản bị chôn vốn, không có quỹ đất, không thể triển khai dự án… Trong khi, theo thời gian, tiến độ thực hiện, từ năm 2016 – 2018 dự án sẽ được đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, từ năm 2019 – 2021 sẽ đầu tư xây dựng, kinh doanh nhà ở, công trình thương mại dịch vụ, công trình hạ tầng xã hội.

Theo enternews