Sự kiện - chuyên đề:

Thủ tướng: Không siết tín dụng bất động sản bất hợp lý, chấn chỉnh ‘thổi giá’ nhà đất

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế – dân sự.

Kiểm soát huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành vừa ký Chỉ thị 13/CT-TTg ngày 29/8/2022 của Thủ tướng Chính phủ về một số giải pháp thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.

Đáng chú ý tại Chỉ thị này, Thủ tướng yêu cầu không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý nhưng cơ quan quản lý sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát.

Mặt khác, lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh, không hình sự hóa các quan hệ kinh tế – dân sự; chủ động phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm những hành vi sai phạm theo đúng quy định của pháp luật, chú ý các hành vi trốn thuế trong kinh doanh bất động sản, không để đổ vỡ, bảo vệ những người làm đúng, bảo vệ, hài hòa lợi ích nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững (Ảnh: Hoàng Hà)

“Kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ, thực hiện chính sách tiền tệ linh hoạt, an toàn, thận trọng, chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, tập trung bảo đảm hiệu quả, quản lý chặt chẽ giá cả, thị trường; không điều hành chính sách “giật cục”, không chuyển trạng thái đột ngột từ “nới lỏng” sang kiểm soát chặt chẽ, hoặc ngược lại”, Chỉ thị nêu rõ.

Ngoài ra, Thủ tướng cũng yêu cầu kiểm soát huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản trên thị trường chứng khoán, tránh đầu cơ, thao túng. Trong đó, Bộ Tài chính phải khẩn trương sửa đổi Nghị định số 153/2020 về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước, và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.

Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam kiểm tra, giám sát việc tuân thủ pháp luật về phát hành, đầu tư và cung cấp dịch vụ về trái phiếu doanh nghiệp, nhất là phát hành trái phiếu riêng lẻ của các doanh nghiệp bất động sản, của tổ chức tín dụng có liên quan đến doanh nghiệp bất động sản, các doanh nghiệp có khối lượng phát hành lớn, lãi suất cao, các doanh nghiệp có kết quả kinh doanh thua lỗ, các doanh nghiệp phát hành không có tài sản bảo đảm…

Cùng với đó, nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế phù hợp với thực tế đối với bất động sản nhằm góp phần khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả, góp phần hạn chế đầu cơ nhà, đất, đảm bảo động viên nguồn thu hợp lý, ổn định cho ngân sách nhà nước, phù hợp với điều kiện kinh tế – xã hội của Việt Nam và thông lệ quốc tế.

Chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, “thổi giá” nhà đất

Để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển ổn định, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có biện pháp quản lý, ngăn chặn việc chia tách, “phân lô, bán nền” tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng.

Tăng cường kiểm soát hoạt động của các sàn giao dịch bất động sản, các tổ chức, cá nhân hành nghề môi giới bất động sản; chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường bất động sản.

Ngăn chặn việc chia tách, phân lô, bán nền tại các khu vực chưa được phép đầu tư, thiếu hệ thống hạ tầng, chấn chỉnh hành vi mua bán trao tay, “thổi giá” gây nhiễu loạn thông tin thị trường

Thủ tướng cũng yêu cầu rà soát các dự án có sử dụng đất nhưng chậm triển khai, để hoang hóa, sử dụng sai mục đích, lãng phí đất đai; trên cơ sở đó phối hợp với cơ quan liên quan xem xét, hướng dẫn xử lý theo thẩm quyền và quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật khác liên quan để đưa quỹ đất vào sử dụng hiệu quả, định hướng phát triển phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội.

Bên cạnh đó, thực hiện công khai minh bạch thông tin quy hoạch xây dựng, danh mục, tiến độ triển khai các dự án phát triển cơ sở hạ tầng, các dự án bất động sản đặc biệt là các dự án lớn và việc sáp nhập, thành lập, nâng cấp đơn vị hành chính tại địa phương, ngăn chặn hiện tượng tung tin đồn thổi, đầu cơ nhằm đẩy giá để trục lợi bất hợp pháp.

Chính phủ cũng giao Bộ Xây dựng sớm hướng dẫn địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch và bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân theo hướng dành quỹ đất 20% trong các dự án nhà ở, khu đô thị để phát triển sản phẩm này.

UBND các địa phương rà soát lập danh mục các dự án nhà ở, bất động sản và tháo gỡ vướng mắc pháp lý, thủ tục chuẩn bị đầu tư các dự án nhà ở để tăng cung cho thị trường.

Số liệu thống kê của Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam (VBMA) trong 6 tháng đầu năm cho thấy, nhóm bất động sản đứng vị trí thứ hai về giá trị phát hành trái phiếu với 42.583 tỷ đồng, chỉ sau ngành ngân hàng. So với cùng kỳ năm ngoái, tổng giá trị trái phiếu phát hành của nhóm này giảm hơn 31%, nhưng vẫn chiếm 26% tỷ trọng toàn thị trường trái phiếu doanh nghiệp.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, Đến tháng 6/2022, tổng dư nợ tín dụng đối với lĩnh vực bất động sản đạt hơn 2,36 triệu tỷ đồng, tăng 14,07% so với cuối năm 2021, chiếm 20,74% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống (cùng kỳ năm 2021 tăng 8,2%, chiếm 19,9%); trong đó tín dụng đối với bất động sản kinh doanh tăng 8,19%, chiếm 33%; tín dụng bất động sản phục vụ mục đích tự sử dụng tăng 17,2%, chiếm 67% dư nợ tín dụng lĩnh vực bất động sản. Nợ xấu lĩnh vực bất động sản khoảng 36,4 nghìn tỷ đồng, tăng 5% so với 31/12/2021, tỷ lệ nợ xấu là 1,54% (năm 2021 là 1,67%).

Theo vietnamnet

Chia sẻ
09:48:41 30-08-2022

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu không siết chặt tín dụng một cách bất hợp lý nhưng tăng cường kiểm tra, giám sát, không buông lỏng quản lý nhà nước; không hình sự hóa các quan hệ kinh tế – dân sự. Kiểm soát huy động vốn của các doanh nghiệp bất động sản Phó […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi