Sự kiện - chuyên đề:

Du lịch Lang Chánh – Khi tiềm năng được đánh thức

VHDN: Đầu tháng 5/2021 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hànhQuyết định “Phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040. Theo đó, tổng diện tích dự án (DA) gồm 10.292 ha, thuộc địa bàn Ban Quản lý Rừng phòng hộ Lang Chánh.

Trong đó, diện tích các điểm du lịch sinh thái là 152 ha. Bao gồm: khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng Pù Rinh 48ha; Du lịch sinh thái thác Ma Hao 52 ha; du lịch chăm sóc sức khỏe Làng Thiền 25 ha; điểm du lịch Thung Bằng 12ha; Điểm du lịch sinh thái Đền Lê Lợi – Ghế đá Lê Lợi 15ha.

Đ/c Phạm Văn Tuấn phó chủ tịch UBND huyện bàn giao hồ sơ quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu du lịch sinh thái Thác Ma Hao , bản Năng Cát cho ủy ban nhân dân xã Trí Nang và công ty cổ phần đầu tư phát triển Ma Hao

Ngoài ra, còn có một số điểm du lịch, tham quan khác như thác Mây, thác 7 tầng; thác Xanh và thác Đá đen; thác Ông, thác Bà; thác Hón Lối; điểm du lịch tâm linh Đền Mẫu – Chúa Thượng ngàn …gần 60 ha. Ngoài ra, còn có các tuyến du lịch Pù Rinh; Thác xanh – Làng Thiền – Đền mẫu; Đền Tên Púa – thác Hón lối – Làng Húng; Làng Thiền – Pù ma mút …

Theo kế hoạch, DA được chia làm 2 giai đoạn, giai đoạn một từnăm 2021 -2025, giai đoạn 2 từ 2026 -2030. Tổng kinh phí thực hiện 1.115,5 tỷ đồng, bao gồm vốn ngân sách nhà nước, dự kiến 158, 3 tỷ đồng, vốn kêu gọi đầu tư 898 tỷ đồng, vốn huy động hợp pháp khác 59 tỷ đồng … mục tiêu, đến năm 2025 thu hút được ít nhất 50.000/du khách/năm trở lên. Trong đó có 5% khách quốc tế, khách lưu trú qua đêm từ 20% trở lên, doanh thu hàng năm đạt ít nhất 60 tỷ đồng. Tạo việc làm thường xuyên cho 1.150 lao động. Trong giai đoạn 1, tập trung đầu tư 2 điểm du lịch trọng điểm tại Pù Rinh, làng Thiền, bản Năng Cát và 9 điểm tham quan tại Đền Mẫu Chúa Thượng ngàn, thác Mây, thác 7 tầng, thác Xanh, thác Đá đen, núi Chí Linh, đỉnh Pù Rinh A, Pù Rinh B, Chùa Mèo …

Thác Ma Hao

Về tiềm năng du lịch, Lang Chánh là một huyện miền núi phíatây tỉnh Thanh Hóa, có Quốc lộ 45 nối liền với thành phố Thanh Hóa và các huyện bạn. Nơi đây  có những cánh rừng nguyên sinh, các dãy núi hiểm trở, cao hàng nghìn mét, nhiều thác nước đẹp bắt nguồn từ những dòng suối nhỏ len lách trong những cánh rừng già rồi hợp lưu thành thác lớn, ào ào tuôn chảy suốt ngày đêm… rất phù hợp với du lịch khám phá, mạo hiểm. Ngoài ra, Lang Chánh còn là nơi sinh sống của ba dân tộc anh em Thái, Kinh, Mường, có thiên nhiên hoang sơ, hùng vĩ cùng với những ngôi nhà sàn nguyên bản, với nhiều lễ hội mang đậm nét văn hóa truyền thống của đồng bào Thái, Mường với nhiều điệu múa, điệu xòe, các làn điệu dân ca, dân vũ độc đáo.

Ngoài cảnh quan thiên nhiên đẹp và nền văn hóa, ẩm thực độc đáo. Lang Chánh còn có cả “kho tàng” quý báu có thể khai thác để làm du lịch. Đó là những truyền thuyết, huyền thoại mang đậm tính tâm linh, mờ ảo, xuất phát từ cuộc khởi nghĩa Lam Sơn, do người “Anh hùng áo vải” Lê Lợi cầm đầu, đã có công đánh đuổi giặc Minh, giành lại độc lập cho đất nước.

Trước hết phải kể đến chùa Mèo, ngôi chùa được xây dựng từ thế kỷ XIII nổi tiếng linh thiêng. Chùa Mèo còn có tên là chùa Chu, theo truyền thuyết, trên đường hành quân, Lê Lợi và nghĩa quân đã dừng chân tại đây. Thấy cảnh chùa vắng vẻ, chỉ có mỗi một chú mèo, ông đã sai quân cho mèo ăn và đặt tên chùa là chùa Mèo. Trải bao thời gian mưa nắng, chùa vẫn được dân bản giữ gìn, tôn tạo và giữ nguyên tên do Lê Lợi đăt. Ngày nay, chùa đã được trùng tu, tôn tạo nhưng vẫn giữ được kiến trúc xưa, trở thành điểm du lịch tâm linh không thể bỏ qua với du khách gần xa mỗi khi về Lang Chánh.

Cùng với chùa Mèo. Trên địa bàn Lang Chánh còn có hai dòng suối Láu và suối Vớ. Truyền thuyết kể rằng, khi cùng quân sỹ dừng chân bên suối Láu, thủ lĩnh Lê Lợi  truyền lấy rượu khao thưởng ba quân. Nhưng còn mỗi một vò rượu cuối cùng, ông bèn cho người đổ rượu xuống suối, rồi lệnh cho mọi người cùng nhau múc uống “Hòa nước sông chén rượu ngọt ngào”để tỏ tình đoàn kết.

Du khách có cơ hội tham gia lễ hội khi đi du lịch tại Lang Chánh.

Cách suối Láu vài km là suối Vớ, nơi ra đời câu “sấm” từng được lan truyền khắp thiên hạ “Lê Lợi vi Vương, Lê Lai vi tướng, Nguyễn Trãi vi thần”. Theo lời kể của tiền nhân, Nguyễn Trãi đã bí mật cho người dùng mật viết những chữ trên lên lá cây bên bờ suối Vớ, kiến rừng ăn mật thủng lá cây, làm hiện ra dòng chữ, cho rằng đây là ý trời, quân sỹ càng thêm sỹ khí, hăng say đánh giặc.

Ngoài ra, còn có bản Năng Cát thuộc xã Trí Nang, cũng  do Lê Lợi đặt tên. Theo Truyền thuyết, đoàn nghĩa sỹ Lam Sơn đã hạ trại, nấu cơm tại đây. Do suối cạn, quân lính khi vo gạo đã đểcát suối lẫn vào. Khi ăn cơm, thấy có lẫn cát, Lê Lợi đã đặt tên bản nhỏ bên dòng suối là bản Năng Cát. Trải bao cơn dâu bể, bản Năng Cát ngày nay đã có nhiều thay đổi, trở thành điểm du lịch cộng đồng Năng cát – Trí Nang, được du khách ghé ngày càng nhiều. Nhưng do cơ sở hạ tầng yếu kém, loại hình du lịch đơn điệu, dịch vụ chưa phát triển, nên lượng khách du lịch đến Năng Cát nói riêng, Lang Chánh nói chung vẫn còn thưa thớt, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh vốn có. Đáng mừng là mới đây, sau khi UBND tỉnh ra quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư DA. Ngày 26/3/2021, UBND huyện Lang Chánh đã công bố quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu du lịch sinh thái Bản Năng Cát – thác Ma Hao, với tổng diện tích 17,4 ha, tổng mức  đầu tư khoảng hơn 113 tỷ đồng. Hiện tại, huyện đang phối hợp với nhà đầu tư (Công ty Cổ phần Đầu tư và phát triển thác Ma Hao), đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để tiến hànhkhởi công xây dựng DA trong thời gian tới.

Đến với khu du lịch Năng Cát – Thác Ma Hao và các điểm du lịch của Lang Chánh, du khách sẽ được hòa mình với thiên nhiên, cây cỏ, bản làng. Được ngắm nhìn những dòng thác nước tung trắng xóa, những đỉnh núi cao vời vợi, những cánh rừng già thâm u, rậm rạp … được sống trong những ngôi nhà sàn cổ độc đáo, lâu đời của người Thái đen, được thưởng thức những món ăn độc đáo như cá suối, măng rừng, cơm lam, rượu cần … tham gia những đêm hội trại dưới ánh đuốc lập lòe cùng những cô gái mang trang phục dân tộc rực rỡ.

Phát huy những lợi thế trên, những năm qua dù còn nhiều khó khăn, nhưng Lang Chánh đã huy động mọi nguồn lực, đầu tư cho phát triển du lịch. Tuy nhiên kết quả thu được vẫn rất nhỏ béso với tiềm năng. Do đó, “Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ Lang Chánh” vừa được UBND tỉnh phê duyệt, nếu được triển khai thực hiện đúng kế hoạch, có sự đầu tư của những doanh nghiệp có đủ “tâm” và “tầm”, sự tham gia, phối hợp nhiệt tình của các cấp, ngành và đông đảo đồng bào các dân tộc, nhất định du lịch Lang Chánh sẽ từng bước “cất cánh”, trở thành ngành kinh tế động lực của địa phương.

                                                                                            Phương Giang

18:12:29 12-10-2021

VHDN: Đầu tháng 5/2021 vừa qua, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hànhQuyết định “Phê duyệt Đề án Du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, giải trí trong rừng phòng hộ Ban Quản lý rừng phòng hộ Lang Chánh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2040”. Theo đó, tổng diện tích dự án (DA) gồm […]

Đối tác của chúng tôi