Sự kiện - chuyên đề:

Thừa Thiên Huế: Phấn đấu để trở thành một nơi đáng sống

VHDN:Nằm ở khu vực Bắc miền Trung, tỉnh Thừa Thiên Huế có vị trí địa lý khá đặc biệt (vùng núi, đồng bằng, biển và đầm phá), với ý chí quyết tâm, đoàn kết, sáng tạo, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế cùng với những bước đi phù hợp, hiện nay, Thừa Thiên Huế đã bứt phá vươn lên và đang nỗ lực phấn đấu để trở thành một nơi đáng sống.

Vào những ngày đầu xuân Mậu Tuất 2018, trên những chuyến xe đi kiểm tra tình hình đời sống và sản xuất kinh doanh của nhân dân và doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao hồ hởi nói: Sau 43 năm quê hương được giải phóng (26/3/1975 – 26/3/2018), nhất  là, sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, vùng đất Cố đô Huế đã thay đổi và có nhiều khởi sắc. Đặc biệt, vùng đất Cố đô với nhiều di sản lịch sử, văn hóa không những được giữ gìn, bảo tồn mà những giá trị của di sản đã phục vụ tốt cho sự phát triển kinh tế – xã hội, đặc biệt là cho phát triển du lịch – dịch vụ.

Năm 2017, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, nhất là bị ảnh hưởng liên tiếp các đợt thiên tai bão lũ trong những tháng cuối năm, nhưng kinh tế – xã hội của tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn phát triển toàn diện, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, đạt 7,76% (cao hơn bình quân chung cả nước và xếp thứ 5/12 khu vực miền Trung). Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: dịch vụ chiếm 57%, công nghiệp chiếm 32,5%, nông nghiệp giảm còn 10,5%. Kết cấu hạ tầng đầu tư đồng bộ, gắn kết giữa văn hóa với du lịch, giữa bảo tồn và phát triển, từng bước khẳng định là đô thị du lịch văn minh, thân thiện, xanh, sạch. Thế mạnh là Du lịch – Dịch vụ đã được tỉnh tập trung đầu tư, hướng vào khai thác các lợi thế của vùng đất giàu truyền thống văn hóa, lịch sử.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao cho hay, mặc dù đạt được những thành tựu quan trọng, nhưng kinh tế-xã hội của tỉnh phát triển còn chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh, đây là những trăn trở rất lớn của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV, nhiệm kỳ 2015-2020 nhằm đưa tỉnh phát triển nhanh, bền vững. Một niềm vui lớn đến với Đảng bộ và nhân dân tỉnh Thừa Thiên Huế là ngay đầu năm 2018, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm và gợi mở cho tỉnh nhiều hướng đi phát triển. Thủ tướng Chính phủ cho rằng, Huế là vùng đất văn hóa, lịch sử, có truyền thống hiếu học, là Cố đô của Việt Nam, có rất nhiều di sản văn hóa, lịch sử, di sản thiên nhiên nằm trong khu vực miền Trung. Vì vậy, con đường phát triển thịnh vượng, đi lên của tỉnh Thừa Thiên Huế là dịch vụ hóa nền kinh tế, lấy du lịch làm nền tảng và động lực thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội; phương hướng phát triển phải mang tính đặc thù, khác biệt với các đô thị, thành phố khác trong cả nước; phát huy vai trò, đóng góp của Đại học Huế, Bệnh viện Trung ương Huế vào phát triển kinh tế – xã hội của địa phương…

Thành phố Huế được công nhận danh hiệu “Thành phố Du lịch sạch ASEAN 2018-2020”.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Văn Cao cho biết, không chỉ tìm các giải pháp thực hiện định hướng phát triển mà Thủ tướng Chỉnh phủ đã chỉ ra, lãnh đạo tỉnh còn tăng cường đi cơ sở để kiểm tra, đôn đốc thực hiện cũng như giải quyết kịp thời những vướng mắc cho địa phương, doanh nghiệp. Với phương châm “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, hiệu quả”, tỉnh sẽ tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, như: Tiếp tục thực hiện đề án phát triển doanh nghiệp và đề án phát triển kinh tế tư nhân; khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, doanh nghiệp đổi mới sáng tạo; hỗ trợ xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp; thí điểm khuyến khích đầu tư cơ sở hạ tầng theo hướng xã hội hóa, đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án BT. Xây dựng đề án phát triển công nghiệp nông thôn tỉnh Thừa Thiên Huế đến năm 2025; đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách tổ chức bộ máy các cơ quan hành chính nhà nước…

Một trong những nhiệm vụ Thủ tướng yêu cầu đã được tỉnh triển khai ngay, như: rà soát, xem xét để nâng cao chất lượng công tác lập quy hoạch cũng như thực hiện tốt các quy hoạch được phê duyệt; khắc phục hạn chế và cải thiện các chỉ số còn thấp, như: chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), chỉ số hiệu quả quản trị hành chính công (PAPI) thông qua đẩy mạnh hoạt động cung cấp dịch vụ hành chính công, xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, xúc tiến, quảng bá và mời gọi nhà đầu tư, doanh nghiệp đến nghiên cứu đầu tư. Cùng với đó, tập trung thu hút nguồn lực để đẩy mạnh đầu tư hạ tầng đồng bộ, phát triển giao thông, nhất là cảng biển và sân bay phục vụ phát triển du lịch; phát triển giáo dục, y tế, văn hóa, công nghiệp sạch, nông nghiệp công nghệ cao…

Năm 2018, là năm bản lề thực hiện kế hoạch kinh tế – xã hội 5 năm 2016 – 2020, mục tiêu phát triển của tỉnh Thừa Thiên Huế là tập trung đẩy mạnh phát triển du lịch – dịch vụ, khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ thông tin, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển doanh nghiệp. Gắn phát triển kinh tế với bảo đảm an sinh xã hội và bảo vệ môi trường. Đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả gắn với đẩy mạnh cải cách hành chính; phòng, chống tham nhũng, lãng phí; giữ vững an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội trong mọi tình huống.

Phấn đấu, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 7,5% – 8%, tổng sản phẩm trong tỉnh bình quân đầu người (GRDP) 1.750 USD; tập trung các nguồn lực để phát triển du lịch, dịch vụ thành ngành kinh tế mũi nhọn. Duy trì tốc độ tăng trưởng cao của ngành công nghiệp-TTCN với giá trị sản xuất (theo giá so sánh 2010) đạt 30.000 tỷ đồng, tăng 10%; phấn đấu tăng 15% doanh nghiệp thành lập mới so với năm 2017 và đạt khoảng 6.800 doanh nghiệp đang hoạt động vào cuối năm 2018.

Phạm Văn Hướng

10:18:44 10-03-2018

VHDN:Nằm ở khu vực Bắc miền Trung, tỉnh Thừa Thiên Huế có vị trí địa lý khá đặc biệt (vùng núi, đồng bằng, biển và đầm phá), với ý chí quyết tâm, đoàn kết, sáng tạo, khai thác có hiệu quả tiềm năng, lợi thế cùng với những bước đi phù hợp, hiện nay, Thừa […]

Đối tác của chúng tôi