Sự kiện - chuyên đề:

Văn hóa doanh nghiệp việt nam trong nền kinh tế tri thức

VHDN: Văn hóa doanh nghiệp hướng đến sự tôn trọng trí tuệ, tôn trọng sở hữu trí tuệ và tạo điều kiện cho trí tuệ phát triển, được xem là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp phát triển trong nền kinh tế tri thức.

Văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng với rất nhiều cách hiểu khác nhau, liên quan đến mọi mặt đời sống vật chất và tinh thần của con người. Từ tương ứng với văn hóa theo ngôn ngữ của phương Tây có nguồn gốc từ các dạng của động từ Latin colere là colocoluicultus với hai nghĩa: (1) giữ gìn, chăm sóc, tạo dựng trong trồng trọt; (2) cầu cúng. Từ văn hóa trong tiếng Việt là từ gốc Nhật, người Nhật dùng từ này để định nghĩa cách gọi văn hóa theo phương Tây. Một cách hiểu thông thường khác: văn hóa là cách sống bao gồm phong cách ẩm thực, trang phục, cư xử và cả đức tin, tri thức được tiếp nhận…

Có thể hiểu ngắn gọn hơn, văn hóa là sự thống nhất về tư tưởng của một cộng đồng, trong một giai đoạn. Nó tạo ra sự thống nhất định hướng các thành viên trong cộng đồng đó cùng xây dựng, giữ gìn, chăm sóc để cùng đạt mục tiêu phát triển mà cộng đồng đã đề ra.

Văn hóa của mỗi doanh nghiệp sẽ là những định hướng ứng xử tại doanh nghiệp đó, đồng thời nó cũng tạo ra những nét đặc trưng để phân biệt doanh nghiệp này và doanh nghiệp khác. Sự ổn định trong văn hóa của doanh nghiệp sẽ có sức hút và tạo niềm tin cho các thành viên trong doanh nghiệp cũng như cách mà các khách hàng quan tâm đến sản phẩm, dịch vụ của doanh nghiệp đó.

Ảnh minh họa ( nguồn internet)

Để tạo nên chiều sâu văn hóa, chúng ta cần giới hạn các phạm vi, đồng thời phải phân tích được những đặc điểm và lợi thế của mỗi phạm vi, từ đó xem xét sự phù hợp với sản phẩm dịch vụ mà doanh nghiệp đang cung cấp để khai thác, tạo ra những đặc trưng văn hóa.

Đặc trưng của nền kinh tế tri thức

Nền kinh tế tri thức là một nền kinh tế mà giá trị chất xám đóng vai trò chủ đạo, mỗi sản phẩm đều phải gắn với sự sáng tạo của con người, sự sáng tạo càng nhiều thì giá trị sản phẩm càng cao. Sự sáng tạo đó có thể được chuyển hóa thành các công nghệ và được sử dụng cho những sản phẩm khác nhau.

Sự sáng tạo đòi hỏi một kiến thức phong phú và động lực mạnh để thúc đẩy. Vì vậy, để tham gia vào nền kinh tế tri thức, mỗi doanh nghiệp cần tạo môi trường thúc đẩy sự phát triển kiến thức và tạo động lực sáng tạo cho mỗi cá nhân. Việc dùng các áp lực từ bên ngoài không thể tạo ra hiệu quả tối ưu cho hoạt động sáng tạo, mà sự công bằng, tính minh bạch, sự tôn trọng đối với sở hữu trí tuệ của các cá nhân là những đòi hỏi thiết yếu để tạo dựng niềm tin trong mỗi doanh nghiệp, từ đó nó sẽ kích thích sự phát triển tư duy sáng tạo.

Do đòi hỏi ngày càng cao của nền kinh tế tri thức, hàm lượng chất xám trong mỗi đơn vị sản phẩm phải nhiều hơn, nó sẽ không còn mang tính chất sáng tạo của mỗi cá nhân mà phải là một tập thể sáng tạo. Khả năng liên kết theo nhóm nhằm thực hiện hoạt động sáng tạo để phát triển mỗi sản phẩm, đòi hỏi phải hình thành văn hóa làm việc để phát triển cộng đồng đoàn kết, tôn trọng, hỗ trợ cùng phát triển.

Văn hóa doanh nghiệp hướng đến sự tôn trọng trí tuệ, tôn trọng sở hữu trí tuệ và tạo điều kiện cho trí tuệ phát triển, được xem là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp phát triển trong nền kinh tế tri thức.

Đặc trưng văn hóa của dân tộc Việt

Tất nhiên mỗi doanh nghiệp có thể có những định hướng phát triển văn hóa riêng dựa trên nhu cầu thu hút nguồn lực và đối tượng khách hàng mà họ hướng tới. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi bàn riêng về việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp dựa trên đặc trưng văn hóa của dân tộc Việt để tạo sức hút và môi trường phát triển cho nguồn nhân lực Việt Nam đang rất dồi dào và tiềm năng sáng tạo phong phú. Có 2 đặc trưng văn hóa nổi bật tạo ra thế mạnh của dân tộc Việt, đó là ngôn ngữ tiếng Việt và nền văn minh lúa nước.

Tiếng Việt, còn gọi tiếng Việt Nam hay Việt ngữ, là ngôn ngữ của người Việt (người Kinh) và là ngôn ngữ chính thức tại Việt Nam. Đây là tiếng mẹ đẻ của khoảng 85% dân cư Việt Nam, cùng với hơn bốn triệu người Việt hải ngoại. Tiếng Việt còn là ngôn ngữ thứ hai của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam. Tiếng Việt là ngôn ngữ dùng trong sinh hoạt giao tiếp của người dân từ khi lập quốc. Chữ Quốc ngữ là chữ ghi âm, chỉ sử dụng 27 ký tự Latin và 6 dấu thanh, đơn giản, tiện lợi và có tính khoa học cao, dễ học, dễ nhớ, thông dụng; thay thế hoàn toàn tiếng Pháp và tiếng Hán vốn khó đọc, khó nhớ, không thông dụng với người Việt [[ii]]. Sử dụng tiếng Việt giúp việc truyền đạt thông tin dễ dàng và tác động tính tự tôn dân tộc. Với gốc Latinh, tiếng Việt trở nên gần gũi hơn với các thuật ngữ khoa học kỹ thuật giúp người Việt dễ dàng tiếp cận và ứng dụng các khoa học hiện đại. Đây là một lợi thế đáng kể để người Việt tiếp cận và phát triển trong nền kinh tế tri thức.

Việc sử dụng tiếng Việt ngắn gọn, dễ đọc, dễ nhớ để đặt tên hay phương châm hoạt động của doanh nghiệp, từng sản phẩm hay nhóm sản phẩm sau khi cân nhắc, lựa chọn các yếu tố cụ thể để xây dựng nét đặc trưng văn hóa, giúp việc truyền thông trở nên dễ dàng hơn.

Nói đến nền văn minh lúa nước có nhiều ý kiến cho rằng đây là một nền tảng xã hội chậm phát triển và lạc hậu. Thật ra đây là một nền văn minh đặc sắc với những tính chất đặc biệt phù hợp với một xã hội phát triển. Lối sống định canh định cư, tập trung thành làng xã tương tự như việc phát triển các khu đô thị. Trong một diện tích giới hạn, mọi người phải đoàn kết tạo nên sức mạnh để cùng giải quyết các vấn đề nảy sinh từ thực tế để phát triển, cùng chống lại muông thú và sự thù địch bên ngoài. Nền văn minh lúa nước tạo ra tinh thần sáng tạo và ý chí quật cường của dân tộc Việt, vì vậy phải hiểu biết các quy luật của thiên nhiên để chung sống với nó và chế ngự nó.

Chúng ta có thể thấy, văn hóa Việt có một số đặc điểm quan trọng tương đồng với nền kinh tế tri thức và đã được bồi đắp hơn 4000 năm lịch sử. Nếu biết tận dụng tốt những đặc trưng này, người Việt có thể có những bước tiến dài trong nền kinh tế tri thức. Hơn nữa, việc xây dựng nền tảng văn hóa không phải là việc dễ dàng. Nếu chúng ta sử dụng nền tảng văn hóa vay mượn, chúng ta sẽ gặp nhiều khó khăn trong qua trình xây dựng, thích nghi và để nó đạt đến tầm cao.

Điểm cốt lõi trong việc xây dựng văn hóa doanh nghiệp trong nền kinh tế tri thức, chính là việc làm sao cho bên trong thì mọi người có thể tự hào, từ đó mà phấn đấu, đóng góp tài năng, trí tuệ của mình để tạo ra những sản phẩm chất lượng, có hàm lượng chất xám cao; bên ngoài nhìn vào ngưỡng mộ, từ đó tạo ra sự cuốn hút để các sản phẩm dịch vụ cung cấp được đón nhận tích cực, đồng thời tạo ra hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp.

Văn hóa doanh nghiệp được xây dựng dựa trên sự kết hợp hài hòa giữa những đòi hỏi của nền kinh tế tri thức và nền văn hóa truyền thống dân tộc, giúp mỗi doanh nghiệp tạo dựng được những vị thế cho riêng mình và tích cực đóng góp vào việc bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng hiệu quả vì sự phát triển cường thịnh của đất nước.

Ngọc Minh

Chia sẻ
15:53:36 11-10-2017

VHDN: Văn hóa doanh nghiệp hướng đến sự tôn trọng trí tuệ, tôn trọng sở hữu trí tuệ và tạo điều kiện cho trí tuệ phát triển, được xem là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp phát triển trong nền kinh tế tri thức. Văn hóa là khái niệm mang nội hàm rộng với rất nhiều cách […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi