Sự kiện - chuyên đề:

VHDN: Đền quán thánh

VHDN: Đền Quán Thánh còn có tên đền Trấn Vũ, là một trong tứ trấn của Kinh thành Thăng Long. Đền thờ Huyền Thiên Trấn Vũ – Vị thần trấn giữ phía Bắc của Thăng Long xưa. Đến Quán Thánh nằm trên ngã tư đường Thanh Niên và đường Quán Thánh thuộc phường Quán Thánh, quận Ba Đình, Hà Nội.

Theo truyền thuyết dân gian, thần Huyền Thiên Trấn Vũ có rất nhiều công lao với dân vùng Giao Chỉ trước đây và Thành Thăng Long nên được coi là thành hoàng phía Bắc của thành. Huyền Thiên Trấn Vũ là thần đã ba lần đánh đuổi giặc ngoại xâm muốn thôn tính nước Việt. Lần thứ nhất vào đời Hùng Vương thứ 6 quân giặc hung dữ từ ngoài biển tràn vào đánh phá giành giật đất đai. Tướng lĩnh nước ta khó lòng chống cự nổi. Thần Huyền Thiên Trấn Vũ hóa thân vào chiếc gậy đá của một gia đình ông bà già ở Tiên Lạc, rồi hóa thành cậu bé bảy tuổi thông minh, nhanh nhẹn. Nghe tin vua cần người tài đánh giặc, cậu bé một mình xông ra trận tuyến đánh tan lũ giặc, sau đó lên núi Phượng Hoàng hóa bay về trời.

Lần thứ 2 đời vua Hùng Vương thứ 7, giặc Ân sang xâm lược nước ta. Tướng Lý Công Đạt mang quân đến núi Tam Tùng chống giữ bị thua phải rút quân về Thăng Long. Huyền Thiên Trấn Vũ đầu thai vào một bà mẹ ở làng Nghĩa Vị, tổng Vũ Ninh. Cậu bé sinh ra mới 3 tuổi đã lớn nhanh như thổi, vua cho sứ giả đi cầu người tài chống giặc giữ nước. Cậu bé nói với sứ giả xin vua cho con ngựa sắt một nghìn cân, chiếc roi sắt nặng trăm cân. Thần cùng 3 tướng dẫn 3 vạn quân đuổi đánh giết 4 tướng giặc. Quân giặc sợ hãi tháo chạy về nước. Thần đến núi Vệ Linh hóa, bay về trời. Dân làng ở nơi thần sinh ra khắc vào bia đá 7 chữ: Đổng Thiên Vương, Thánh Mẫu cô trạch.

Như vậy Huyền Thiên Trấn Vũ cũng chính là Thánh Gióng nhân dân thờ cúng thần có công giúp dân Việt Nam đánh đuổi giặc Ân xâm lược. Huyền Thiên Trấn Vũ còn giúp dân trừ tà ma yêu quái phá hoại đời sống nhân dân xung quanh Thăng Long. Khi vua An Dương Vương xây thành Thăng Long có con gà tinh lông trắng ở núi Thất Diện hiện ra quấy nhiễu phá thành. Theo lời cầu khẩn của vua, Huyền Thiên Trấn Vũ đã hiện lên giúp An Dương Vương trừ tà ma xây lên thành cổ loa vững chắc. Vua lập đền thờ thần phía Bắc thành Cổ Loa huyện Đông Anh.

Đời Vua Lê Đại Hành, thần hóa thành nguyên soái Thiên Bồng hạ giới xuống làng Lỗ Lâm (nay là xã Định Công) diệt trừ quỷ dữ. Khi hai tướng nhà Tống: Hán Nhân Bảo và Tôn Toàn Hưng sang đánh nước ta, thần Huyền Thiên Trấn Vũ hóa phép một trận cuồng phong khiến nước sông sóng to như biển cả. Thần hiện thành một vị thiên tướng cao 10 trượng, áo chiến bào màu vàng, tay cầm ngọn giáo màu vàng. Quân Tống trông thấy khiếp sợ rút chạy. Đây là lần thứ 3 thần giúp dân ta chống giặc ngoại xâm. Đến đời vua Trần nhiều quỷ dữ xuất hiện ở Châu Yên Phú (Bắc Giang), thần Huyền Thiên Trấn Vũ lại xuất hiện đánh đuổi quỷ dữ rồi bay lên trời.

Đời vua Lê Nhân Tông, Lê Thánh Tông, các vua thường đến đây cầu khấn xin thần Huyền Thiên Trấn Vũ ban cho những cơn mưa mát lành chống thiên tai hạn hán. Huyền Thiên Trấn Vũ là một biểu tượng sức mạnh chống thiên tai và ngoại xâm của dân tộc đã được thần linh hóa. Thần Huyền Thiên Trấn Vũ thực sự là vị phúc thần thành hoàng của Kinh thành Thăng Long.

Đền Quán Thánh là ngôi đền lập nên từ khi Lý Thái Tổ dời đô ra Thăng Long (1010). Đây là ngôi đền cổ có quy mô to lớn và đẹp bậc nhất của Kinh thành Thăng Long xưa.

Ngôi đền đã được nhiều lần trùng tu qua các năm: 1618, 1677, 1768, 1836, 1843, 1941. Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ trước đây bằng gỗ đã bị mối mọt, triều đình cho đúc lại bằng đồng đen, tượng cao 3,48m, nặng 3,986kg, chu vi 8m.

Tượng Huyền Thiên Trấn Vũ đầu để trần, mắt tròn mở to, nhìn thẳng mũi to, cằm nhọn miệng khép, môi dày. Cả pho tượng tỏa ra một dáng dấp uy nghiêm. Hai chân Thần buông xuống, tay trái bắt quyết, tay phải chống gươm có rắn quân và chống lên lưng một con rùa.

Thời Thực dân Pháp xâm lược chúng định phá hủy tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ để lấy đồng đen, nhân dân phản kháng quyết liệt, lũ lính giặc định phá hủy bức tường nhiều đứa ốm nặng, có đứa bị chết, đều phải bỏ chạy.

Có lần cán bộ Việt Minh bị giặc truy lùng, đã đến ngôi đền ẩn nấp dưới bức tượng thần Huyền Thiên Trấn Vũ. Giặc sục sạo trong đền nửa ngày không sao tìm được.

Đền Quán Thánh là nơi sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng nổi tiếng của nhân dân từ xưa đến nay. Nơi lưu giữ một giá trị nghệ thuật văn hóa hàng ngàn năm. Đền Quán Thánh là một trong những điểm du lịch tâm linh ấn tượng nhất Hà Nội. Vào mùa xuân, đông đảo dân chúng khắp nơi đã kéo về đây dự lễ dâng hương cầu xin một năm mới an khang thịnh vượng, hạnh phúc, ấm no.

Chia sẻ
08:46:17 13-03-2018

VHDN: Đền Quán Thánh còn có tên đền Trấn Vũ, là một trong tứ trấn của Kinh thành Thăng Long. Đền thờ Huyền Thiên Trấn Vũ – Vị thần trấn giữ phía Bắc của Thăng Long xưa. Đến Quán Thánh nằm trên ngã tư đường Thanh Niên và đường Quán Thánh thuộc phường Quán Thánh, […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi