Chia sẻ tại Diễn đàn Kinh tế Tư nhân Việt Nam 2019, từ kinh nghiệm thực tế của doanh nghiệp, ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup, phụ trách VinFast đề xuất kiến nghị nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân.

Nhiều ý kiến cho rằng Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lại đang bị trói buộc và hạn chế bởi nhiều thể chế, chính sách và quy định đặc thù.

Nhiều ý kiến cho rằng doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lại đang bị trói buộc và hạn chế bởi nhiều thể chế, chính sách và quy định đặc thù.

Theo đó, khu vực kinh tế tư nhân tại Việt Nam đang ngày càng phát triển, đóng góp tới 40% tổng GDP. Tuy nhiên, đây là mức đóng góp được xem là chưa phù hợp trong cấu trúc nền kinh tế. Chất lượng phát triển của khu vực kinh tế tư nhân vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại. Doanh nghiệp tư nhân chính thức trong nước chỉ đóng góp dưới 10% GDP, 20% thuộc về FDI và 30% GDP là các hộ kinh doanh cá thể – khu vực không chính thức.

Trong số 700.000 doanh nghiệp đăng ký chính thức đang hoạt động, doanh nghiệp lớn chỉ chiếm 0,65%, doanh nghiệp vừa 5,85% còn lại 93,5% là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ. Các doanh nghiệp Việt chưa bứt phá được như kỳ vọng trong suốt tiến trình cải cách những năm qua.

Doanh nghiệp quy mô nhỏ, không có được lợi thế về quy mô, nên chúng ta chưa có được một cộng đồng doanh nghiệp mạnh. Doanh nghiệp tư nhân Việt Nam lại đang bị trói buộc và hạn chế bởi nhiều thể chế, chính sách và quy định đặc thù. Đây là một cơ cấu kinh tế có vấn đề nghiêm trọngPGS.TS Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam nhấn mạnh.

Khu vực kinh tế tư nhân cần được tạo điều kiện, hỗ trợ hơn nữa để phát triển thành “rường cột” của nền kinh tế. Các doanh nghiệp tư nhân có thể đóng góp hơn nữa cho GDP và tạo ra nhiều việc làm nếu sẵn sàng đổi mới sáng tạo và được hỗ trợ về cơ chế, chính sách để đầu tư vào những lĩnh vực kinh tế mũi nhọn, mức độ lan tỏa lớn và áp dụng phương thức sản xuất hiện đại, ông Huệ nhấn mạnh.

Vingroup cũng đang thay đổi toàn diện với định hướng trở thành tập đoàn trong lĩnh vực công nghệ – công nghiệp – thương mại và dịch vụ.

“Bước đi đầu tiên là xây dựng tổ hợp sản xuất ôtô, xe máy điện VinFast tại Hải Phòng ứng dụng công nghệ 4.0. Với  thời gian 21 tháng từ lúc khởi công và đi vào hoạt động, VinFast được kỳ vọng sẽ đưa thương hiệu Việt ra thế giới”, phụ trách VinFast nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, VinFast cũng đầu tư mạnh mẽ cho quá trình R&D để có thể rút ngắn thời gian và nhanh chóng ngang hàng với các quốc gia phát triển trong một số lĩnh vực như xe điện, điện tử, công nghệ thông minh… Vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực chất lượng cũng được chú trọng bằng việc thành lập trung tâm đào tạo VinFast, thu hút các chuyên gia trong và ngoài nước về làm việc, ông Huệ nói.

Từ kinh nghiệm thực tiễn, đại diệnTập đoàn Vingroup đề xuất ý kiến nhằm thúc đẩy khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam phát triển:

Thứ nhất, nên có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến.

Thứ hai, đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo đại học, đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu về số lượng và chất lượng nhân sự cho phát triển kinh tế tư nhân.

Thứ ba, nên tiếp tục tạo điều kiện cho các chương trình kết nối mạng lưới đổi mới sáng tạo, tiếp tục phát huy,  thu hút chất xám của đội ngũ Việt Kiều.

Thứ tư, Chính phủ nên tiếp tục có những chính sách để thúc đẩy công nghiệp phụ trợ phát triển, bởi lĩnh vực này đóng vai trò rất lớn cho ngành công nghiệp ôtô phát triển và sẽ tạo ra nhiều việc làm cho xã hội.

Thứ năm, cần tạo điều kiện cho việc thu hút đầu tư nước ngoài vào các lĩnh vực công nghiệp phụ trợ.

Theo enternews