Sự kiện - chuyên đề:

Xuân về nhớ tết quê xưa

VHDN: Chiều 30 tết, mẹ ngồi gói bánh chưng, chúng tôi xúm xít xung quanh, xin mẹ vài cái lá con gói mấy cái bánh be bé rồi bỏ vào nồi, thích lắm. Mẹ sai chị đun một nồi nước cây mùi già để mấy chị em tắm tất niên. Trời rét căm, nhà tắm không có phải tắm ở vườn, cắm mấy cái cọc tre rồi quây lá chuối khô, gió lạnh thổi ù ù, vừa tắm vừa run lập cập.

Làng An Bảo, Hiệp Hòa, Vĩnh Bảo quê tôi hàng năm cứ vào khoảng đôi mươi tháng Chạp, cả làng bận rộn tát ao, không khí vui như trẩy hội. Vui nhất là lũ trẻ chúng tôi, thì thầm kháo nhau rồi chẳng hẹn cũng có mặt đông đủ trên bờ chờ hôi cá.… Cảm giác đứng trên bờ hồi hộp chờ nước ao cạn, nhìn từng đàn cá ,con to, con nhỏ, chen nhau chúi xuống vũng nước, thật thú vị. Người đứng trên bờ chỉ trỏ, hò hét, gọi nhau í ới, kẻ dưới ao nhoai người trong bùn vồ, chộp. Những tiếng cười sảng khoái, sung sướng. Ao nhà ông Cải nổi tiếng nhiều cá to, nhiều cá mè “cụ” đầu to bằng cái quạt mo. Vì thế, mỗi khi nhà ông Cải tát ao, cả làng trên xóm dưới kéo đến xem như hội. Vào những ngày cận Tết, nhiều gia đình tát ao sớm để kịp có cá bán trong ngày ông Táo về trời. Chợ Tết quê bán cá rất chạy, nhà nào cũng mua vài con về kho ăn dần, nhưng mẹ tôi thường cứ 27 Tết mới đi chợ mua cá về.

Tục lệ đụng lợn ở quê tôi có từ thời phong kiến (theo mẹ tôi kể lại thì có từ thời vua Tự Đức), nhưng làng vẫn giữ gìn được nét đẹp văn hóa này. Từ xưa làng còn nghèo, thực phẩm khan hiếm, mỗi khi tết đến, các thành viên trong dòng họ họp lại để quyết định chọn lợn đụng. Những người được chọn để mổ lợn nhất định phải là những thanh niên chưa vợ, khỏe mạnh, nhanh nhẹn. Khó nhất vẫn là công đoạn “pha” thịt lợn, chia đều cho các thành viên, gia đình nào cũng được phần mỡ, phần nạc, phần xương, phần bì, phần nội tạng. Riêng thủ lợn được đặt trang trọng trên chiếc mâm phủ vải điều, rước lên đình thờ Thành Hoàng làng, hoặc thờ tổ tiên trong nhà thờ. Ngày đụng lợn cả làng vui như ngày hội, vui nhất vẫn là đám trẻ con chúng tôi, dậy từ sáng sớm để dành nhau cái bong bóng, lấy cát và tro bếp sát sạch nhớt, đem phơi khô, lấy ống tre thổi căng rồi dùng dây chuối buộc lại làm bóng đá. Chiều 30 tết, mẹ ngồi gói bánh chưng, chúng tôi xúm xít xung quanh, xin mẹ vài cái lá con gói mấy cái bánh be bé rồi bỏ vào nồi, thích lắm. Mẹ sai chị đun một nồi nước cây mùi già để mấy chị em tắm tất niên. Trời rét căm, nhà tắm không có phải tắm ở vườn, cắm mấy cái cọc tre rồi quây lá chuối khô, gió lạnh thổi ù ù, vừa tắm vừa run lập cập.

Tết thật rồi. Từng tràng pháo nổ giòn giã, mùi thuốc pháo trộn với mùi hương trầm ngan ngát. Ngày Tết, thích nhất được chơi cây đu, cứ 1-2 xóm có một cây. Nam nữ thanh niên háo hức xếp hàng để đánh hết lượt nọ tới lượt kia, từ sáng đến chiều tối không lúc nào ngớt. Lễ hội Tết hồi ấy ngoài đánh đu còn có đấu vật, chơi pháo đất, chọi gà, đánh cờ người. Trò nào cũng vui, cũng hay cả, nhưng thích nhất vẫn là đấu vật. Thấm thoắt đã mấy chục năm, giờ về quê thì chẳng còn đâu cái không khí Tết ngày xưa, chẳng còn không khí sắm Tết như xưa, hàng hóa và dịch vụ giờ sẵn, đến bánh chưng mà nhiều nhà cũng mua luôn cho tiện.

Đa phần thanh niên trai tráng bỏ làng đi làm ăn xa, có khi mấy năm mới về Tết một lần. Ở làng giờ rặt người già với trẻ con. Đến 28-29, thậm chí tận 30 Tết, nhiều người mới về làng. Chẳng còn gốc đu, chẳng còn đấu vật. Hình như ai cũng quay cuồng bận rộn với cuộc mưu sinh. Ngày Tết, uống rượu xong là xúm vào chơi “tiến lên”, “tá lả” ăn tiền, trẻ con và phụ nữ thì giải trí qua chiếc ti vi. Sân kho hợp tác, dược mạ xưa là nơi tổ chức những trò chơi dân gian, giờ xuất hiện một đám “quay số trúng thưởng” ồn ào loa đài, mời mọc người ta quay số “một ăn mười”. Vào đêm giao thừa từng đôi nam thanh nữ tú kéo nhau đến chùa hái lộc, sáng ra cây cối trụi lủi, cành lá la liệt vương vãi khắp sân,…

Có một khoảng trời quê hương đang thu nhỏ lẩn khuất đâu đây, qua từng dấu chân tôi dẫm lên bãi cỏ đang bị xóa đi bởi những giọt mưa đầu xuân. Nhìn vào không khí Tết quê mà ngậm ngùi trống vắng, tôi như người mộng du đang tìm về quá khứ – cái Tết thời thơ ấu vẫn là nỗi nhớ khôn nguôi để tôi tìm về kỷ niệm bình dị và thân thương …

Nguyễn Văn Mạnh

 

11:14:26 01-02-2020

VHDN: Chiều 30 tết, mẹ ngồi gói bánh chưng, chúng tôi xúm xít xung quanh, xin mẹ vài cái lá con gói mấy cái bánh be bé rồi bỏ vào nồi, thích lắm. Mẹ sai chị đun một nồi nước cây mùi già để mấy chị em tắm tất niên. Trời rét căm, nhà tắm […]

Đối tác của chúng tôi