Sự kiện - chuyên đề:

Chùa Cảnh Yên: Cửa phật dày tâm phúc

VHDN: Theo truyền thuyết, chùa Cảnh Yên gắn liền với lịch sử, cửa chùa dày tâm phúc và đã cứu rỗi bao kiếp người thống khổ thời phong kiến về với tương lai, cập bến bờ hạnh phúc.

Huyện Thạch Thành là vùng cao của Thanh Hoá, có hơn 13 vạn dân sinh sống trên địa bàn. Đời sống văn hóa, tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc ở đây khá phong phú, đa dạng. Bên cạnh văn hoá tín ngưỡng của đồng bào thiểu số, người dân Thạch Thành từ lâu đã có tín ngưỡng thờ phật, thờ đạo, thờ mẫu. Đạo phật phát triển sâu rộng, có hàng trăm năm về trước và là huyện có nhiều chùa nhất các huyện vùng cao.

Tiếc rằng số chùa VH, lịch sử đã mai một nhiều, còn lại số ít chùa có di vật quý hiếm. Chùa Cảnh Yên bị tàn phá nặng nề, chỉ còn là phế tích. Nhưng mỗi khi nhắc đến, bà con trong toàn vùng vẫn thuộc lòng truyền thuyết độc đáo của ngôi chùa.

Chùa Cảnh Yên trước kia là chùa Thạch Thành, nằm trên đồi Sóc, thuộc địa phận 2 xã: Thành Kim và Thành Tân, cách thị trấn Kim Tân, huyện Thạch Thành chừng 5km về hướng Đông Bắc, cách thành phố Thanh Hoá 60km. Chùa được toạ lạc trên sườn đồi, địa thế vững trãi, với cảnh trí và quy mô bề thế. Đứng trên khuôn viên chùa, khách thập phương phóng tầm mắt đến núi Chiêng – Thạch Đồng, ngắm dòng sông Bưởi thơ mộng và khe son Khón Khống, nơi tụ thuỷ về sông Bưởi.

Theo truyền thuyết lưu truyền, chùa Cảnh Yên gắn liền với lịch sử, cửa chùa dày tâm phúc và đã cứu rỗi bao kiếp người thống khổ thời phong kiến về với tương lai, cập bến bờ hạnh phúc.

Sâu đậm hơn cả là chuyện nàng Phương Hoa, con gái của Ngự sử Trần Điện đem lòng yêu thương Cảnh Yên, con trai Thượng thư họ Trương, hai người đã đính ước hôn nhân. Tào Trung Uý, cậy thế được vua tin dùng, trơ trẽn đến dạm hỏi Phương Hoa làm vợ, nhưng bị từ chối. Y bèn lập kế giả mạo chiếu chỉ nhà vua khép cha Cảnh Yên là Trương Công vào tội phản quốc, làm cho khốc hại toàn gia nhằm cướp bằng được Phương Hoa. Anh em Cảnh Yên, Cảnh Tỉnh mở lối thoát bằng con đường đưa mẹ về giả làm tăng ni lánh nạn tại chùa Thạch Thành (sau này là chùa Cảnh Yên).

Thấm thoát ngày tháng qua nhanh, con trai Cảnh Tỉnh là Tiểu Thanh khôn lớn học tài, về kinh dự thi đại khoa. Phương Hoa tình cờ gặp Tiểu Thanh. Biết được tin tức gia đình họ Trương. Thương cảnh nghèo, Phương Hoa dành dụm tiền của sai đầy tớ gái Thị Liễu mang giúp gia đình Cảnh Yên. Trên đường đi không may bị kẻ gian thần là Hồ Nghi chặn đường cướp, giết.

Trần Ngụ – quan triều đình sai người truy tìm tung tích kẻ sát nhân. Cảnh Yên bị bắt trói giam cầm, nghi là hung thủ. Trương phu nhân quá đau sót mà qua đời. Phương Hoa đã thay Cảnh Yên lo hậu sự chu đáo cho Trương phu nhân rồi xin cha mẹ lên kinh đô bán hàng nhưng mục đích là học rèn thi làm quan để có cơ cứu nước, cứu nhà, cứu Cảnh Yên. Phương Hoa đêm ngày đèn sách ôn luyện và lấy tên Cảnh Yên dự thi Đại Khoa, đỗ Tiến Sĩ. Khi các tân khoa Tiến sĩ vào chầu Vua, Phương Hoa bỏ áo mũ cân đai, đem hết tình cảnh oan khuất của nhà họ Trương tấu trình vua soi xét.

Vua anh minh sáng suốt đã tước áo mũ quan Tào Trung Úy và khép tội hình tru di tam tộc, tên gian Hồ Nghi bị xử chém.

Cảnh Yên được minh oan, vua đặc cách cho đậu Tiến sĩ. Cảnh Yên – Phương Hoa được kết duyên vợ chồng tại Hoàng cung và cùng về quê, về chùa Thạch Thành vinh quy bái tổ.

Cảnh Yên và Phương Hoa đã dốc lòng lo việc nước, góp nhiều công sức dựng xây chùa Thạch Thành, làm giàu cho quê hương.

Cảnh Yên ra đi nhưng bà con các dân tộc trong vùng, trong huyện Thạch Thành vẫn không nguôi, khắc mãi trong tim người con yêu dấu Cảnh Yên – Phương Hoa.

Các tăng ni, phật tử Thạch Thành đặt tên chùa Cảnh Yên để khắc sâu cốt truyện về kiếp người nhục vinh và khẳng định cửa chùa mới là ngọn nguồn của tâm phúc.

Chùa Cảnh Yên đã đi vào thi ca, khắc trong lòng dân.

Tìm lên đến huyện Thạch Thành xa khơi

Tình cờ thấy có một nơi

Non xanh nước biếc khác vời trần gian

Hàng thông dãy quế chang chang

Ao sen suối chảy, đá bàn tường xây

Trúc mai lan huệ xum vầy

Đào đâm phố Thắm, liễu tây khoe vàng

Trên thì tiền điện tiền đường

Dưới tam quan có chữ vàng uy linh

Thấy nơi phong cảnh hữu tình

Bảo nhau rằng chốn nương mình đâu hơn

Ở đây phong cảnh Kì Sơn

Nhân dân dễ biết nguồn cơn lạ gì

Giả danh là kẻ tăng ni

Xuất gia ta sẽ lựa bề mở mang

Chuyên cần tụng niệm đèn hương

Xã dân đâu đó cũng nhường đến tin.

Những năm gần đây, thể theo nguyện vọng của đông đảo bà con các dân tộc huyện Thạch Thành và nhiều vùng lân cận, UBND huyện Thạch Thành đã đề nghị ngành Văn hoá, đề nghị UBND tỉnh cho khôi phục lại chùa Cảnh Yên và đã được UBND tỉnh Thanh Hoá chấp thuận tại Quyết định số: 1833/QĐ-UB (3/6/2013). Diện tích đất được cấp gần 15.000m2 tại địa điểm giáp ranh 2 xã Thành Tân và Thành Kim.

Huyện Thạch Thành đã từng bước chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc và chỉ đạo các tổ chức quần chúng vận động đông đảo bà con, vận động các phật tử và doanh nghiệp, trường học tham gia góp công sức xây dựng chùa.

UBND huyện Thạch Thành đã phối hợp chặt chẽ cùng các cấp MTTQ tỉnh, huyện, phối hợp Ban Trị sự Hội phật giáo tỉnh quyết định thành lập Ban Trị sự Hội Phật giáo huyện Thạch Thành do Ni sư thích nữ Đàm Hoà, Phó trưởng Ban Trị sự Phật giáo tỉnh, trụ trì chùa Tường Vân (chùa Giáng – Vĩnh Lộc) chuyển về làm Trưởng ban, đồng thời trụ trì chùa Cảnh Yên, lấy chùa Cảnh Yên làm trụ sở Giáo hội Phật giáo Việt Nam huyện Thạch Thành.

Vừa qua (4/11/2017), lễ động thổ xây dựng chùa Cảnh Yên đã được tổ chức với sự có mặt chỉ đạo của các ngành, các đoàn thể cấp tỉnh, cấp huyện và đại diện các huyện lân cận: Cẩm Thuỷ, Ngọc Lặc, Bỉm Sơn. Chứng minh buổi lễ có sự hiện diện của Đại đức Thích Tâm Đức, uỷ viên – HĐTS GHPGVN, Phó ban Pháp chế GHPGVN, Trưởng ban T.S tỉnh Thanh Hoá cùng các chư tôn đức TT BTS Phật giáo tỉnh, các huyện, thành phố, trụ trì các chùa trong tỉnh.

Hàng ngàn bà con các dân tộc, các phật tử gần xa trong huyện, trong vùng cũng đã nô nức về dự lễ động thổ, đóng góp công của xây dựng chùa Cảnh Yên thân nghiêm với tất cả tâm linh, thành kính để chùa trở thành nơi hành hương cho nhân dân gần xa đến thắp hương cầu niệm cho Quốc thái dân an.

Tổ Phóng viên

10:25:11 26-01-2018

VHDN: Theo truyền thuyết, chùa Cảnh Yên gắn liền với lịch sử, cửa chùa dày tâm phúc và đã cứu rỗi bao kiếp người thống khổ thời phong kiến về với tương lai, cập bến bờ hạnh phúc. Huyện Thạch Thành là vùng cao của Thanh Hoá, có hơn 13 vạn dân sinh sống trên […]

Đối tác của chúng tôi