Sự kiện - chuyên đề:

Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Bồ Đề Bạc Liêu

Doanh nghiệp tiên phong trong phát triển kinh tế hợp tác - hợp tác xã

VHDN: Với tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt của phát triển kinh tế hợp tác (KTHT), hợp tác xã (HTX) trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ năm 2002, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết số 13 về tiếp tục đổi mới, phát triển kinh tế tập thể (KTTT). Đặc biệt, trong tháng 3/2020, Thường trực Ban Bí thư đã ban hành Kết luận số 70 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả KTTT.

Bà Nguyễn Thị Hằng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Bồ Đề Bạc Liêu (người ngồi bên trái) ký kết hợp tác với Hội Nông dân tỉnh Bạc Liêu thực hiện Đề án “Chuyên nghiệp hóa người nông dân” với sự chứng kiến của lãnh đạo tỉnh.

Nhu cầu tất yếu

Theo đó, Kết luận số 70 cũng chỉ ra khu vực KTTT, HTX vẫn còn hạn chế, bất cập; tốc độ tăng trưởng còn thấp so với các khu vực kinh tế khác, tỷ lệ đóng góp vào GDP (tổng sản phẩm nội địa) chưa đáp ứng yêu cầu. Phần lớn tổ chức KTTT, HTX có quy mô nhỏ, phát triển không đồng đều giữa các vùng, miền, giữa khu vực nông nghiệp và phi nông nghiệp; số lượng HTX tuy tăng nhưng số lượng thành viên có xu hướng giảm. Bên cạnh đó, việc thực hiện chuyển đổi HTX theo Luật HTX năm 2012 còn nhiều vướng mắc. Sự liên kết, hợp tác giữa các tổ chức KTTT, HTX với nhau và với các loại hình kinh tế khác còn yếu. Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước về KTTT, HTX còn nhiều bất cập; sự phối hợp hoạt động giữa các cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức chính trị – xã hội, hội quần chúng trong phát triển KTTT, HTX còn thiếu chặt chẽ, chưa hiệu quả, đặc biệt là ở các cấp địa phương…

Trong tất cả các nguyên nhân dẫn đến hoạt động của KTHT, HTX yếu kém đã nêu, ngoài nguyên nhân khách quan thì phần lớn do thiếu nguồn lực đầu tư và mô hình tăng trưởng mới. Đặc biệt là thiếu sự liên kết với các tập đoàn, doanh nghiệp lớn trong xây dựng các mô hình sản xuất theo hình thức liên kết chuỗi. Bởi thực hiện mô hình này không chỉ giúp các HTX tăng thêm nguồn lực, đảm bảo phát huy hiệu quả trong sản xuất – kinh doanh, mà lợi ích mang lại nữa là thông qua việc liên kết hợp tác với các tập đoàn, doanh nghiệp để học tập kinh nghiệm cũng như chủ động hội nhập sâu rộng với nền kinh tế. Do vậy, việc các tổ hợp tác, HTX liên kết sản xuất với các doanh nghiệp, tập đoàn kinh tế là một trong những nhu cầu, giải pháp mang tính tất yếu để nâng cao năng lực cạnh tranh và hướng đến phát triển bền vững.

Bồ Đề tiên phong

Để góp phần phát triển KTHT, HTX, từ năm 2019, Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Bồ Đề Bạc Liêu (gọi tắt là Tập đoàn Bồ Đề) đã chủ động phối hợp với các tỉnh trong khu vực ĐBSCL xây dựng mô hình liên kết sản xuất với các HTX, đồng thời, gắn với việc thực hiện Đề án “Chuyên nghiệp hóa người nông dân”. Qua việc thực hiện Đề án nhằm thúc đẩy KTHT, HTX phát triển và góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết số 26 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa X) về nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Theo nông dân Trần Hoàng Bảy (xã Vĩnh Lộc, huyện Hồng Dân): “Kể từ khi tham gia Đề án “Chuyên nghiệp hóa người nông dân” và liên kết chuỗi của Tập đoàn Bồ Đề thì nông dân đã quan tâm hơn đến chất lượng tôm giống khi thả tôm nuôi. Bên cạnh đó, nhờ được Tập đoàn Bồ Đề hỗ trợ con giống chất lượng cao nên tôm nuôi của hầu hết các hộ tham gia Đề án đều phát triển nhanh và cho lợi nhuận cao”.

Bà Nguyễn Thị Hằng – Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tập đoàn thủy sản Bồ Đề Bạc Liêu hỗ trợ sản phẩm Bồ Đề cho nông dân tỉnh Bến Tre khôi phục sản xuất sau hạn mặn.
ảnh: Kiết Tường

Tập đoàn Bồ Đề đã ký kết hợp tác với các HTX nuôi trồng thủy sản của tỉnh áp dụng mô hình sản xuất lúa – tôm từ năm 2019, theo chuỗi giá trị khép kín. Trong đó, Tập đoàn Bồ Đề sẽ đầu tư toàn bộ quy trình từ khâu cung ứng con giống, vật tư thủy sản, trang bị kiến thức và tập huấn quy trình nuôi; đồng thời, thực hiện bao tiêu 100% sản phẩm cho nông dân theo giá thu mua cao hơn giá trị trường. Đặc biệt, trong quá trình sản xuất nếu gặp rủi ro, Tập đoàn Bồ Đề sẽ tái đầu tư và “xóa trắng” nợ cho nông dân, nhằm giúp nông dân có điều kiện khôi phục lại sản xuất, tránh tình trạng thua lỗ, nợ nần khi phải vay nóng bên ngoài với lãi suất cao để phục vụ cho tái sản xuất do bị thiệt hại. Với cách làm trên, đến thời điểm này, Tập đoàn Bồ Đề được xem là doanh nghiệp tiên phong duy nhất dám chia sẻ khó khăn và đồng hành cùng nông dân.

Tuy mới triển khai thực hiện mô hình sản xuất chuỗi giá trị khép kín nhưng Tập đoàn Bồ Đề đã tạo được tâm lý phấn khởi cho các HTX và hơn 5.000 hộ nông dân Bạc Liêu tham gia chuỗi liên kết. Ông Dương Văn Hào – Giám đốc HTX Quyết Tâm (xã Phước Long, huyện Phước Long) cho biết: “Từ khi liên kết hợp tác với Tập đoàn Bồ Đề, ý thức của các thành viên trong HTX và người nông dân nói chung đã được nâng lên rất nhiều. Từ tư duy sản xuất nhỏ lẻ, manh mún đã chuyển sang hợp tác, liên kết và xem khoa học – công nghệ là khâu đột phá. Với sự đầu tư và trang bị quy trình kỹ thuật cho HTX, phần lớn những hộ tham gia sản xuất và sử dụng sản phẩm Bồ Đề – Mother Water đều trúng tôm so với sản xuất bên ngoài HTX. Sự liên kết hợp tác này được coi là đột phá trong phát triển KTHT hiện nay và mô hình này cần được phát huy, nhân rộng”.

“Mô hình sản xuất liên kết chuỗi đã làm thay đổi căn bản nhận thức của người nông dân. Thông qua mô hình này, từ khâu đầu vào đến đầu ra đều được kiểm soát và quản lý tốt. Đây là thành công bước đầu của người nông dân và cũng là mô hình thắng lợi bước đầu của KTTT”, ông Trần Văn Liền – Giám đốc HTX Chiến Thắng (huyện Hồng Dân) khẳng định.

Với những lợi ích thiết thực mang lại từ việc liên kết sản xuất, đến nay Tập đoàn Bồ Đề đã thu hút hơn 30.000 hộ nông dân của 5 tỉnh khu vực ĐBSCL tham gia. Hiện nông dân của các tổ hợp tác, HTX sản xuất lúa – tôm và chuyên tôm theo mô hình công nghiệp trong, ngoài tỉnh đều mong muốn được hợp tác sản xuất với Tập đoàn Bồ Đề. Bởi trước những tác động cực đoan của biến đổi khí hậu, sản xuất nông nghiệp luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức; trong đó, nông dân là đối tượng chịu tác động nhiều nhất. Do vậy, người nông dân cần sự liên kết và hỗ trợ của doanh nghiệp trong việc đảm bảo sản xuất có lãi theo quy trình khép kín. Đây cũng là nhu cầu tất yếu từ các nước nhập khẩu thủy sản trong việc truy xuất nguồn gốc và quy trình tạo ra sản phẩm sạch đạt tiêu chuẩn quốc tế. Mặt khác, việc liên kết sản xuất còn là giải pháp quan trọng trong thực hiện thắng lợi mục tiêu tái cơ cấu sản xuất nông nghiệp theo hướng chủ động thích ứng và “sống chung” với biến đổi khí hậu, nhằm hướng đến xây dựng một nền nông nghiệp thông minh, chủ động hội nhập và phát triển bền vững.

Kiết Tường

Chia sẻ
10:42:39 06-07-2020

VHDN: Với tầm quan trọng và ý nghĩa đặc biệt của phát triển kinh tế hợp tác (KTHT), hợp tác xã (HTX) trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, từ năm 2002, Hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) đã ban hành Nghị quyết […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi