Sự kiện - chuyên đề:

Cựu chiến binh Hà Nam Sơn: Ngày nào còn sống ngày đó tôi còn cống hiến

VHDN: Với người cựu chiến binh này, ngày nào còn sống, ngày đó anh còn cống hiến. Bởi trong tâm niệm của anh, còn sống đã là may mắn, vậy phải sống sao cho không hổ thẹn với những người đồng đội đã hy sinh, sống sao cho sự hy sinh đó không phải là vô nghĩa.

Anh bộ đội cụ Hồ

Tháng 4-1971, vào giai đoạn cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước khốc liệt nhất, người thanh niên Hà Nam Sơn (Vũ Phong – Vũ Thư – Thái Bình) lên đường nhập ngũ. Anh được biên chế về đơn vị Lữ đoàn Thông tin 596 thuộc Bộ Tư lệnh Thông tin. Cuối năm 1971, đơn vị anh vào chiến trường miền Nam các tỉnh như: Tây Ninh, Sông Bé trực tiếp chiến đấu. Xác định có thể không có ngày về, nhưng với tinh thần “xanh cỏ, đỏ ngực”, anh vượt lên tất cả để sẵn sàng hy sinh chiến đấu. Dấu chân người lính đặt trên khắp những chiến trường từ Đồng Xoài, Lộc Ninh đến Phú Thứ, Bàu Vàn, Bình Long,… với bao chiến tích góp phần vào chiến thắng của quân đội ta.

Sau Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, năm 1978 anh lại là người lính tiên phong trên mặt trận phía Tây Nam Tổ quốc, tiếp tục gắn bó với màu áo lính. Tổ quốc ghi nhận những chiến công của người lính Hà Nam Sơn với nhiều bằng khen, giấy khen, đặc biệt là Huy chương Chiến công hạng 3. Tháng 5/1981, anh chuyển ngành về Công ty mía đường La Ngà (huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai). Năm 2004, anh nghỉ hưu.

Người cha mẫu mực

Đi qua chiến tranh với những ảnh hưởng của đạn bom, người cựu chiến binh lại đối diện, chiến đấu với những khó khăn trong cuộc sống. Nhưng với nghị lực bản thân, cựu chiến binh Hà Nam Sơn quyết tâm vươn lên chiến thắng đói nghèo, bệnh tật bằng chính đôi tay và khối óc của mình.Ngoài công việc ở Công ty mía đường La Ngà, nơi mà anh công tác cho đến khi nghỉ hưu, anh bươn chải với mọi công việc để giúp gia đình phát triển kinh tế, tạo điều kiện cho con cái ăn học, từ làm nông, như: trồng cây, trồng tràm, đến chăn nuôi, thả cá. Hoàn cảnh gia đình khó khăn, thiếu thốn, cộng với những năm tháng ở rừng trong chiến tranh mỗi khi trái nắng trở trời, sức khỏe của anh suy giảm có lúc đến mức trầm trọng. Nhưng chất lính đã giúp anh và gia đình xây dựng được một ngôi nhà cấp 4 rộng rãi, hơn một mẫu vườn trồng mía, tràm, trang trại hàng trăm con cá sấu, hơn 3 ha nuôi cá đặc sản các loại. Kinh tế gia đình ổn định và 3 người con thành đạt. Anh cũng có con đang nối tiếp bước mình phục vụ trong lực lượng vũ trang – đó là người con trai thứ 2 đang học tại Học viện Cảnh sát nhân dân.

Nói về anh, nhân dân và đồng đội đều nhắc đến một anh Bộ đội Cụ Hồ gần gũi, đáng quý, không ngại vất vả, hy sinh. Một cựu chiến binh, vừa là hàng xóm, vừa là bạn lâu năm của anh Hà Nam Sơn cho hay: “Ông Sơn luôn xứng đáng là anh Bộ đội Cụ Hồ. Trong đời thường, ông là cán bộ về hưu giản dị, chất phác, được bà con quý mến. Hiện tại, dù tuổi đã cao, ông vẫn hăng say lao động sản xuất theo mô hình vườn, ao, chuồng… Hình ảnh cựu chiến binh Hà Nam Sơn thực sự là biểu tượng, là tấm gương mẫu mực cho con cháu trong gia đình.”

Một tấm gương sáng

Nhưng đó chưa phải là điều đặc biệt nhất về người cựu chiến binh Hà Nam Sơn, tấm gương sáng của ấp 2, xã Phú Ngọc, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai. Về hưu vào thời kỳ kinh tế của ấp, xã còn khó khăn, cũng trong giai đoạn này, cả nước bắt đầu chung tay xây dựng nông thôn mới. Với quan điểm rõ ràng: Cán bộ là đầy tớ của dân; phải tiên phong, gương mẫu; phải trực tiếp đi vận động nhân dân, được sự ủng hộ của Chi bộ, Đảng ủy, chính quyền xã, anh tích cực xung kích trên “mặt trận” mới tiêu biểu như: Năm 2000 khởi công làm đường đất sang đường nhựa, anh là người đầu tiên gương mẫu, trực tiếp giải thích, động viên nhân dân đóng góp. Đó là con đường đầu tiên của xã mở ra theo phương châm Nhà nước và nhân dân cùng làm, tạo đà cho nông thôn mới phát triển. Ngoài ra, những con đường chưa được đầu tư xây dựng ngày hôm nay đều ghi dấu công sức không nhỏ của người lính năm nào.

Không chỉ vận động nhân dân tích cực tự nguyện góp kinh phí, hiến đất, bản thân anh còn trực tiếp đóng góp sức người, sức của. Năm 2013, anh đóng góp 20 triệu, ngoài ra hàng năm vẫn bỏ ra từ 5 đến 10 triệu đồng trong công cuộc xóa đói giảm nghèo. Anh là người tiêu biểu trong phong trào này. Chỉ tính riêng năm 2018, anh đã đóng góp tiền, thuê xe xúc, đổ đất, đổ đá lên đến hàng 100 triệu đồng làm đường đi cho bà con vào nơi sản xuất, khi chưa có những con đường được Nhà nước đầu tư như khu tổ 12, tổ 13 (khu nghĩa địa).Những nỗ lực của người lính Hà Nam Sơn đã góp phần không nhỏ cho địa phương nơi bởi anh coi Phú Ngọc như quê hương thứ 2. Chia sẻ với chúng tôi, anh cho rằng, kinh nghiệm lớn nhất là phải có sự tin tưởng của nhân dân, nói là làm, chí công vô tư, giữ sự trong sạch, gương mẫu; chỉ khi nào nhân dân tin tưởng thì họ mới làm theo. Khi tiếp xúc với anh, chúng tôi luôn cảm nhận được sự rắn rỏi, ngời sáng tự hào, vững tin vào sự nghiệp cách mạng cả trong thời chiến hay thời bình; luôn giữ vững lập trường cách mạng và phấn đấu noi gương Chủ tịch Hồ Chí Minh. Với người cựu chiến binh này, ngày nào còn sống, ngày đó anh còn cống hiến. Bởi trong tâm niệm của anh, còn sống đã là may mắn, vậy phải sống sao cho không hổ thẹn với những người đồng đội đã hy sinh, sống sao cho sự hy sinh đó không phải là vô nghĩa. Điều tâm huyết nhất, anh muốn gửi tới các thế hệ cháu con là: Cần giữ gìn lòng nhiệt huyết, phát huy truyền thống lịch sử của ông cha, góp phần xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh. Đến nay, người cựu chiến binh Hà Nam Sơn vẫn chưa được toại nguyện vì anh vẫn còn đau đáu với cách làm việc của một số không nhỏ cán bộ, công chức tại địa phương vì những lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà làm lu mờ đi lí tưởng cao cả của Đảng, của Bác Hồ và của Tổ quốc linh thiêng.

Bài và ảnh – NGUYỄN XUÂN HẠNH

19:55:14 18-01-2019

VHDN: Với người cựu chiến binh này, ngày nào còn sống, ngày đó anh còn cống hiến. Bởi trong tâm niệm của anh, còn sống đã là may mắn, vậy phải sống sao cho không hổ thẹn với những người đồng đội đã hy sinh, sống sao cho sự hy sinh đó không phải là […]

Đối tác của chúng tôi