Sự kiện - chuyên đề:

Đại án Vạn Thịnh Phát-Trương Mỹ Lan: Những kỉ lục về xét xử và tính chất phạm tội

Vụ án Vạn Thịnh Phát – Trương Mỹ Lan đặc biệt nghiêm trọng, là điển hình về sai phạm trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng, dùng Ngân hàng SCB làm sân sau cho doanh nghiệp trong “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát. Vụ án chiếm kỉ lục về quy mô rộng lớn, tính chất vô cùng phức tạp, liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, ảnh hưởng lớn đến nguồn lực quốc gia, bởi độ dày của tội phạm diễn ra trong một thời gian dài. Đây là một vụ án chưa có trong tiền lệ…

 

Sau kết quả điều tra giai đoạn 1, cơ quan chức năng quyết định truy tố 86 bị can đưa ra xét xử, dự kiến kéo dài từ ngày 5/3 đến 29/4/2024 với nhiều tội danh: Tham ô tài sản; vi phạm hoạt động ngân hàng; đưa, nhận hối lộ; lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ; thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các đơn vị, tổ chức liên quan. Đây mới chỉ là xét xử sơ thẩm giai đoạn 1. Giai đoạn 2 còn đang điều tra với nhiều tội danh khác như tội rửa tiền, lũng đoạn chứng khoán, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua phát hành trái phiếu,v.v… Trong vụ án đang xét xử, có đến 4.200 đối tượng là tổ chức, đơn vị, cá nhân bị hại.

Đây là vụ án “khổng lồ”, tính chất đặc biệt bởi riêng hồ sơ đã nặng 6.000 kg, hơn 1 triệu bút lục. Vật chứng của vụ án là 1.166 tài sản. Lần đầu tiên truy cứu tội “tham ô tài sản” đối với lãnh đạo doanh nghiệp tư nhân thuộc nhóm tội phạm tham nhũng; hành vi của người có chức vụ, quyền hạn trong việc quản lí tài sản của cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp. Tội danh này, Bộ luật Hình sự 1999 chưa quy định nhưng Bộ luật Hình sự 2015 đặt ra tại khoản 6 Điều 353 nêu rõ “Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà tham ô tài sản thì bị xử lí…”. Như vậy, Bộ luật Hình sự năm 2015 mở rộng về phạm vi chủ thể của tội phạm, cụ thể Điều 353 quy định rõ về tội “tham ô tài sản” được mở rộng đến doanh nghiệp tư nhân.

Trương Mỹ Lan từng được mệnh danh là “người đàn bà quyền lực” và là “ngôi sao sáng” vùng Nam Bộ về “làm ăn” trong cơ chế thị trường, có “biệt tài” thao túng quyền lực, chiếm hữu 91,5% cổ phần của Ngân hàng SCB, tạo ra “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp “ma” là các công ty con, công ty thành viên trong và ngoài nước, với hàng trăm cá nhân được thuê đứng tên đại diện pháp luật, hoặc là người có quan hệ trong SCB để rút vốn, chiếm đoạt tài sản.

“Hệ sinh thái” Tập đoàn Vạn Thịnh Phát có 4 nhóm chính, có quan hệ chặt chẽ với nhau: Nhóm định chế tài chính tại Việt Nam do Ngân hàng SCB giữ vai trò trung tâm; nhóm các công ty kinh doanh ở trong nước, tập trung lĩnh vực bất động sản; nhóm các công ty “ma” trong nước lấy pháp nhân góp vốn đầu tư dự án, vay vốn ngân hàng và nhóm các doanh nghiệp ở nước ngoài, những nơi được mệnh danh là “thiên đường thuế”, có nhiệm vụ điều hành hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và quản lí tài sản của gia đình Trương Mỹ Lan ở nước ngoài. Trương Mỹ Lan tạo cho mình “đế chế” trong Tập đoàn, thống lĩnh, chi phối tuyệt đối trong ngân hàng SCB, biến nhà băng này trở thành công cụ tài chính của mình thông qua các chiêu trò gom cổ phần, đứng tên, nhờ người khác đứng tên hộ, huy động vốn cho hệ sinh thái Vạn Thịnh Phát với hơn 1.000 doanh nghiệp “ma”. Với tỉ lệ cổ phần tuyệt đối, Trương Mỹ Lan cài cắm nhân sự thân tín vào SCB, đặc biệt các vị trí chủ chốt, mặc dù không trong thành phần ban lãnh đạo SCB nhưng vẫn quyết định mọi hoạt động của ngân hàng này để chiếm đoạt tài sản.

Để điều hành dễ dàng, Trương Mỹ Lan trả lương cho đội ngũ cán bộ chủ chốt Vạn Thịnh Phát và nhất là Ngân hàng SCB từ 150 triệu đồng đến 500 triệu đồng/tháng. Điển hình như đối với Đinh Văn Thành, Bùi Anh Dũng, cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB, Trương Khánh Hoàng được trả lương 500 triệu đồng/tháng. Bùi Anh Dũng được thưởng riêng 100 tỉ đồng và 500.000 cổ phiếu (tương đương 5 tỉ đồng), Trương Khánh Hoàng được thưởng 10 triệu cổ phiếu, (tương đương 100 tỉ đồng), thưởng cho Dương Tấn Trước (Tổng giám đốc Công ty TNHH Thương mại và Sản xuất Tường Việt) 1.500 tỉ đồng, v.v…, Dùng khối lượng tiền khổng lồ chiếm đoạt được, Trương Mỹ Lan đầu tư chủ yếu vào bất động sản và chuyển ra nước ngoài. Hàng loạt toà nhà là “đất vàng”, “đất kim cương” ở TP Hồ Chí Minh và nhiều địa bàn khác trong nước lần lượt vào tay Trương Mỹ Lan.

Trong quá trình điều tra, khởi tố vụ án, khởi tố bị can, Cơ quan chức năng tiến hành kê biên, thu giữ 599 tỉ đồng, 15 triệu USD (tiền mặt), phong toả 43 tài khoản ngân hàng, tạm giữ 1.266 GCNQSDĐ, GCN công trình xây dựng, 143 sổ đỏ khu tái định cư KCN An Nhật Tân (Long An), 269 nhà đất cho thuê, 21 hợp đồng công chứng, 147 thoả thuận bồi thường các thửa đất ở dự án Phước Kiển, huyện Nhà Bè, Tp. Hồ Chi Minh. Riêng Trương Mỹ Lan đứng tên 1.237 sổ đỏ. Bất động sản lớn như nhà đất các số 19-21-23-25 Nguyễn Huệ (Q.1), 232 Trần Hưng Đạo (Q5), số 66 Phó Đức Chính (Q1) Tp. Hồ Chí Minh,v.v… Ngoài ra, Trương Mỹ Lan còn có 851 triệu cổ phần tại SCB, nhiều sổ tiết kiệm, 19 siêu xe, 1 du thuyền,v.v…

Chỉ trong 10 năm (2012 – 2022), với các thủ đoạn chi phối hoạt động ngân hàng, Trương Mỹ Lan sử dụng hơn 1.000 công ty “ma”, chỉ đạo 53 cán bộ cấp dưới, nhiều đối tượng là thành viên các công ty thẩm định giá để gom vốn, điều hành SCB giải ngân, cho vay 1.366 khách hàng (710 cá nhân, 656 tổ chức) riêng nhóm Trương Mỹ Lan có 2.500 khoản vay, tổng số 1.066.000 tỉ đồng, chiếm 93% số tiền SCB cho vay. Phần lớn các khoản nợ không có khả năng thu hồi, dẫn đến dư nợ hơn 677,286 tỉ đồng, trong khi đó tài sản có giá trị bảo đảm chỉ được 179.195 tỉ đồng. Thiệt hại sau khi trừ đi các tài sản bảo đảm có giá trị là 498.000 tỉ đồng (theo cáo trạng), còn theo đại diện Ngân hàng SCB tại phiên toà khẳng định Trương Mỹ Lan gây thiệt hại cho ngân hàng này khoảng 726.000 tỉ đồng, trong đó số tiền chiếm đoạt (tham ô tài sản) là 304.000 tỉ đồng. Trương Mỹ Lan chỉ đạo SCB giải ngân vào các công ty “ma” thuộc “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát rồi mới rút tiền mặt, cắt đứt dòng tiền, để hợp thức hoá rút tiền, tránh bị truy vết theo dòng tiền. Khi đến kì không trả được nợ, Trương Mỹ Lan vẽ ra các khoản vay khống, số tiền chiếm đoạt cứ thế tăng lên. Đặc biệt, trong 4 năm gần đây (2018 – 2022) Trương Mỹ Lan chỉ đạo vay khống 916 hồ sơ vay vốn, rút tiền, chiếm đoạt của SCB, ngoài 304.000 tỉ đồng còn gây thiệt hại số tiền phát sinh 129.000 tỉ đồng khác.

Vụ án cũng xét xử hàng chục quan chức ở các cơ quan bảo vệ pháp luật như 11/18 cựu cán bộ trong đoàn thanh tra, giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước nhận hối lộ, lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ, thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Điển hình như Đỗ Thị Nhàn, Cục trưởng cục Thanh tra, giám sát II Ngân hàng Nhà nước nhận hối lộ 5,25 triệu USD, dùng nhiều chuyến xe chở về quê cất giữ; 3 cựu cán bộ ở Thanh tra Chính phủ và 01 cựu cán bộ Kiểm toán Nhà nước,v.v…Số cựu cán bộ này đi thanh tra từ năm 2018 đã nhận hối lộ với tổng số tiền là 6 triệu USD.

Sự cảnh báo trong vụ án này bộc lộ công tác quản lí Nhà nước trong việc giám sát hoạt động ngân hàng SCB hoàn toàn bỏ ngỏ để Trương Mỹ Lan lũng đoạn. Các cơ quan chức năng buông lỏng quản lí, thanh tra, giám sát phát hiện ra nhưng bỏ qua (sửa kết luận thanh tra làm sai lệch hồ sơ) do những người thi hành công vụ đều nhận hối lộ nên bỏ qua tội phạm, thậm chí còn “vẽ đường cho hươu chạy” nên Trương Mỹ Lan và SCB trượt dài, triền miên trong vòng xoáy tội lỗi.

Những cán bộ thanh tra, giám sát đã không nghiêm túc thực hiện nhiệm vụ, bị cám dỗ, bị mua chuộc thảm hại. Tuy phát hiện ra sai phạm nhưng không có trách nhiệm và thái độ chấn chỉnh những sai phạm vô cùng nghiêm trọng trong hoạt động của Ngân hàng SCB, còn dung túng, tòng phạm với đối tượng bị thanh tra, cam tâm làm nô lệ của đồng tiền (nhận hối lộ), tiếp tục đẩy Vạn Thịnh Phát và Ngân hàng SCB lún sâu vào tội phạm, cuồng nhiệt trong vòng xoáy lao lí, có nguy cơ phá sản.

Với những tội đặc biệt nghiêm trọng xảy ra ở Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng SCB và các tổ chức, đơn vị liên quan thì trong số 86 bị cáo, ít nhất có 13 bị truy tố khung hình phạt từ 20 năm tù, chung thân đến tử hình. Có 7 bị cáo bỏ trốn, cơ quan chức năng đã phát lệnh truy nã: Nguyễn Thị Thu Sương, Đinh Văn Thành đều là cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng SCB; Chiêm Minh Dũng, cựu Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB; Trầm Thích Tồn, cựu thành viên HĐQT Ngân hàng SCB; Nguyễn Lâm Anh Vũ, cựu Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB, chi nhánh Bến Thành; Sun Henry Ka Ziang và Lee Geroge Lam, cựu thành viên HĐQT Ngân hàng SCB, không ra đầu thú sẽ bị xét xử vắng mặt.

 

Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 4/2024

(Kim Quốc Hoa)

08:55:16 08-04-2024

Vụ án Vạn Thịnh Phát – Trương Mỹ Lan đặc biệt nghiêm trọng, là điển hình về sai phạm trong lĩnh vực hoạt động ngân hàng, dùng Ngân hàng SCB làm sân sau cho doanh nghiệp trong “hệ sinh thái” Vạn Thịnh Phát. Vụ án chiếm kỉ lục về quy mô rộng lớn, tính chất […]

Đối tác của chúng tôi