Sự kiện - chuyên đề:

Diêm Điền vùng đất của bà chúa muối

VHDN: Nghe mấy ông bạn có chút đức tin vào tâm linh nói: Ngành muối Việt Nam đang có ý kêu gọi Nhật Bản giúp đỡ ta xây dựng một trạm điều dưỡng khoảng 200 giường bệnh cho người dân làm muối  – Diêm dân, đặt địa điểm ở Tam Đồng, vùng đất ven biển huyện Thụy Anh cũ, nay là Thái Thụy, Thái Bình. Các bạn tôi thích quá reo lên: Ôi, sao các ngài ấy tinh thế. Nơi đó là đất phong của bà Chúa Muối, nay còn có phủ thờ bà tại Tam Đồng đấy. Một người khác nói to: Hơn thế nữa, vùng đất ấy từ xa xưa đã có tên là đất muối – tiếng Hán là Diêm Điền. Nếu được thế thì nghề muối chắc sẽ được khôi phục và phát triển rồi. Thế là mấy người chúng tôi rủ nhau về thăm vùng đất có nghề cổ truyền làm muối ấy, với tâm niệm hết sức ủng hộ cho dự án tuyệt vời này.

Phủ Bà Chúa Muối.

Bà Chúa Muối

Còn nhớ rất rõ, cách nay hơn 50 năm, lúc chúng tôi là lớp học sinh cấp ba đầu tiên của huyện Thụy Anh cũ, thì con đường từ nhà lên trường vẫn phải đi qua bãi cát dài, trắng phau, mịn màng trải ra trong nắng, rộng hơn 5 km từ Vạn Xuân qua Tam Đồng tới Quang Lang đến tận thị trấn Diêm Điền. Những năm tháng đó chúng tôi còn được tắm biển thật thích thú, phơi mình trên bãi cát trắng phau phau. Ở ngoài bãi tắm Tam Đồng, lúc đó nổi lên trên vùng cát trắng có sóng biển vỗ bờ là một ngôi mộ cổ được xây cất bằng bức tường trình gio rất kiên cố. Ngôi mộ rộng tới mấy chục mét vuông ấy bị sóng biển đánh vào làm lộ rõ những lớp tường gạch cũ đổ vỡ. Vào những năm cuối thập kỷ 60 của thế kỷ trước, Ty Văn hóa Thái Bình đã tổ chức một đội khai quật khảo cổ ngôi mộ này. Và thật bất ngờ, người ta đã phát hiện ra một xác ướp của một phụ nữ quý tộc. Nhưng vì điều kiện lúc đó công tác khai quật khảo cổ chưa được chuẩn bị tốt nên xác ướp từ chỗ còn nguyên vẹn khi mới phát hiện, chỉ trong vài giờ đồng đồ đã khô quắt lại. Sau đó người ta đã chuyển toàn bộ hiện vật của ngôi mộ này về Trung tâm Giám định và Nghiên cứu. Những viên gạch màu đỏ như son, những lớp vật liệu ướp xác và cả xác ướp đã được chuyển đi. Ít người được biết kết quả của quá trình nghiên cứu ấy. Có tin đồn là xác ướp ấy có từ đời Trần. Có người lại cho là xác ướp vào thời Lê. Song, mọi người đều hiểu đó là xác ướp của một vị quý tộc thời phong kiến. Nhưng sau này nghe nói rằng đó chính là mộ của bà Chúa Muối. Bà tên là Nguyễn Thị Nguyệt Ánh, con gái của ông bà Nguyễn Hiền và Phùng Thị Mậu, một gia đình chuyên nghề làm muối ở vùng Tam Đồng. Vì sắc đẹp nghiêng nước nghiêng thành, lại gặp duyên kỳ ngộ, bà được tuyển làm cung phi của một vị vua nhà Trần. Nhưng vì nhớ cha mẹ, thương bà con diêm dân và yêu nghề làm muối, lại muốn tránh xa chốn cung cấm nhiều thị phi, bà đã xin với đức vua về quê mở mang nghề muối để cung cấp cho triều đình và nhân dân cả nước. Nhà vua đã đồng ý và cấp đất phong cho bà ở vùng này để bà khai khẩn vùng ven biển phát triển nghề làm muối. Bà được phong là “Bà Chúa Muối”.Và, khi bà chết đã được ướp xác và lập đền thờ ở đấy. Vì thế ở nơi đây có tên là Diêm Điền, vùng đất của bà Chúa Muối. Những tư liệu này cũng đã được ghi chép trong thần tích đền Bà Chúa Muối do quan học sĩ Nguyễn Bính và thư lại Nguyễn Hiền sao chép lại từ thời Lê Cảnh Hưng cách nay hơn 300 năm. Tam Đồng nằm ngay cạnh Diêm Điền thuộc xã Thụy Hải, trước kia thuộc trang Quang Lang. Đấy là một cánh đồng muối rộng lớn, là đất phong của bà Chúa Muối – Nguyễn Thị Nguyệt Ánh. Nghề làm muối ở đây do bà cai quản và giúp đỡ, sản xuất hàng ngàn tấn muối cung cấp cho mọi miền đất nước. Đất phong của bà được mang tên Diêm Điền, trở thành một vùng làng nghề cổ truyền từ lâu đời cho đến tận ngày nay. Bà Chúa Muối trở thành vị tổ nghề được diêm dân tôn sùng, lập đền thờ phụng.Người dân ở Tam Đồng cũng đã tìm thấy một ngôi miếu nhỏ ở trong làng, bên cánh đồng muối rất rộng và trù phú. Sau khi hết chiến tranh chống Mỹ, hòa bình lập lại, nhân dân ở đây đã xây dựng lại ngôi miếu này thành một phủ đệ để thờ bà Chúa Muối. Ngày nay ở vùng đất Tam Đồng còn có đền thờ bà, được gọi là Phủ Bà Chúa Muối. Đền tọa lạc ngay bên con đê biển có từ ngàn năm trước. Lễ hội rước thần vào ngày 14/4 hàng năm.

Chúng tôi đến thăm đền vào những ngày cuối năm Đinh Dậu, đã được Bí thư Chi bộ thôn Tam Đồng và Hội trưởng Hội Phụ nữ, Trưởng ban Di tích lịch sử Phủ Bà Chúa Muối tiếp rất chu đáo. Ngôi đền rộng rãi và thoáng đạt, tọa lạc trên một khoảnh đất rộng ngay bên cánh đồng muối phía ngoài làng. Đường đi được thảm bê tông khá rộng và phẳng phiu. Xung quanh có tường bao lan can và vườn hoa. Phía trong cổng đền còn nhiều khu đất đang được xây dựng những công trình văn hóa phục vụ cho việc tham quan, du lịch khu di tích. Ngôi đền chính xây cất 3 gian, có hậu cung và những hương án bàn thờ, tượng thờ rất cổ kính, lộng lẫy. Những đồ thờ và vật dụng trong đền đều mang chút đặc thù của người dân làm muối như xe cút kít, gáo múc nước chạt, tang, cào muối trên sân phơi… Toàn khu di tích được gọi là Phủ Bà Chúa Muối này đang được tôn tạo và nâng cấp rất khang trang. Sau khi chiêm bái thần vị bà Chúa Muối, chúng tôi được hai vị cán bộ có trách nhiệm ở đây kể cho biết những chi tiết về ngôi đền và cuộc sống của người dân làm muối đang mầy mò tìm kiếm những phương thức canh tác để làm ra tiền của, phát triển cuộc sống đang còn nhiều khó khăn này. Các vị cũng cho biết tín ngưỡng rất riêng của dân diêm với bà Chúa Muối, và những mong mỏi vào tương lai của nghề muối cổ truyền ở đây như thế nào.

Đồng muối Diêm Điền

Đồng muối Diêm Điền là một vùng đất ven biển, có bãi cát dài trên 5 km, có những rặng phi lao reo vui trong gió và những ruộng muối trải dài bát ngát. Nơi ấy có tên là Diêm Điền từ mấy trăm năm trước kể từ thời Trần. Diêm Điền ngày nay là thị trấn của huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Diêm Điền cũng là tên của một cửa biển nổi tiếng, thời Trần có tên là cửa Đại Toàn, nay là cửa sông Diêm Hộ. Cửa Diêm Điền cùng với cửa biển Đại Bàng, một cửa biển rộng lớn của sông Hóa nhập với sông Thái Bình đổ ra biển, cách nay hơn 700 năm từng là một vùng chiến sự của quân dân nhà Trần trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên Mông xâm lược lần thứ ba, còn ghi dấu tích trận thủy chiến cửa biển Đại Bàng – cửa Thái Bình vào mùa xuân năm 1288. Trong cuốn Dư địa chí của Nguyễn Trãi cách nay gần 600 năm đã viết: Đất Thụy Anh có nghề làm muối nổi tiếng. Vùng muối này chạy dài ven biển tới gần 6 km từ xã Thụy Trường tới xã Thụy Hà, có thị trấn Diêm Điền ngày nay. Vì là vùng đất chuyên nghề làm muối và đánh cá ven biển nên được đặt tên là Diêm Điền – đất muối.

Muối là một sản vật không thể thiếu đối với con người. Không có muối, người ta sẽ bị phù nề mà chết. Do đó muối là gia vị không thể thiếu trong đời sống con người. Mặc dù ngày nay sản xuất muối trên thế giới đã tiến bộ rất nhiều, muối mỏ cũng có trữ lượng rất lớn, nghề muối chắt lên từ nước biển cũng mở rộng, nhưng nghề làm muối nước ta nói chung, vùng Diêm Điền nói riêng, vẫn còn nhiều vấn đề cần củng cố và phát triển. Ngày nay phía ngoài biển kia, tỉnh Thái Bình và huyện Thái Thụy đã tổ chức quai đê lấn biển, đắp một con đê mới bao quanh vùng biển cũ dài cả chục ki lô mét, mở mang hàng ngàn héc ta đất canh tác và nuôi trồng thủy sản. Vùng đất muối xưa kia nay đã lùi vào phía trong đồng. Người ta phải khơi kênh dẫn nước biển vào đồng cho ngập hết các ruộng muối được rải cát sạch. Nước mặn thấm qua cát được lọc kỹ rồi chảy vào các con hào rào xung quanh ruộng có kè chắn bằng tấm tre đan. Nước mặn này được gọi là nước chạt, dồn vào một bể chứa lớn. Từ đó nước chạt được múc ra phơi, đổ lênh láng trên sân xi măng được xây rất đẹp, láng bóng. Mỗi sân rộng khoảng 50 đến 100m2, nằm liền nhau thành từng dẫy dài, có bờ xây chắn kiên cố, nổi bật lên dưới nắng, trông rất đẹp mắt. Nước chạt phơi nắng cả ngày, hơi nước bay đi còn lại là một sân muối trắng đã kết tinh, rất đày, rất đẹp. Khi ấy người dân diêm mới dùng cào, tang dồn đống lại, chuyển vào các kho chứa. Các công đọan làm muối thủ công ấy đã tồn tại hàng ngàn năm nay. Người dân làm muối vẫn còn khá vất vả. Khi nắng đã vậy, còn khi mưa thì coi như bỏ hết. Công việc làm ăn luôn thất thường như thế, khiến thu nhập luôn bấp bênh. Hơn nữa giá muối lại rẻ, nên người dân làm muối cũng nản. Ngày nay tuy có những kỹ thuật mới, có nhiều cải tiến, song nghề muối vẫn còn gặp không ít khó khăn, nhất là phương tiện sản xuất, rất cần được khuyến khích và giúp đỡ.

Lễ hội rước thần vị bà Chúa Muối ở Tam Đồng.

Dự án nhà điều dưỡng cho diêm dân

Khi biết ngành muối có ý định xây dựng viện điều dưỡng ở đây và họ đã về khảo sát thực tế, mọi người dân đều rất vui mừng và hy vọng. Họ mong mỏi điều đó sẽ trở thành hiện thực. Dự án xây dựng nhà điều dưỡng từ 200 đến 300 giường ở Tam Đồng nếu được phê duyệt sẽ làm cho nhân dân địa phương thêm phấn khởi, sẽ khuyến khích diêm dân yêu nghề, yêu vùng đất của mình hơn, hăng hái với nghề làm muối cổ truyền đã có từ ngàn xưa ở nơi đây. Chúng tôi đã rất đồng cảm với mong ước của dân diêm về một dự án môi sinh và chăm sóc sức khỏe của người làng nghề làm muối cổ truyền ở đây. Đó thật là những mong mỏi chính đáng.

Với một vùng đất vừa mang tên nghề muối – Diêm Điền, vừa mang chất tâm linh làng nghề với đền thờ bà tổ nghề – Bà Chúa Muối, đây quả là một vùng làng nghề cổ truyền làm ra mặt hàng tối quan trọng đối với cuộc sống con người. Dù cho năm tháng qua đi, “bể dâu đắp đổi vũng lên đồi”, gió mưa dập vùi, cuộc sống cũng nhiều biến đổi và các thời đại có thể khác đi, vùng đất đồng muối ven biển này dù có nhiều biến đổi, nhưng nghề muối cổ truyền vẫn tiếp diễn hằng ngày cho đến tận mai sau. Tuy công việc còn thủ công, lao động còn cực nhọc, sản phẩm còn rất rẻ, nhưng ở nơi đây con người vẫn cần cù chịu khó, chắt chiu giọt nắng để làm ra hạt muối trắng, kết tinh sức người và nước biển lấy từ nguồn sống thiên nhiên tạo thành một sản vật tinh túy, quý báu cho nhân loại. Đất nước ta có chiều dài đường biển rộng lớn, nhiều nơi làm muối, có nhiều vùng nổi tiếng, nhưng không ở đâu như ở nơi đây: Diêm Điền, “rừng phi lao gió mát” lại hội tụ đủ những yếu tố đặc biệt về nghề muối, cả về tâm linh, tên đất, tên người bà Chúa Muối như ở nơi này. Thật xứng đáng là cái nôi của một vùng làng nghề độc đáo. Nếu Viện điều dưỡng được mở ra ở đây sẽ khuyến khích người dân làm muối quên đi khó nhọc để phát huy nghề nghiệp cổ truyền. Sẽ mở ra cơ hội được đầu tư phát triển nghề muối thời hiện đại, sẽ động viên diêm dân yêu nghề hơn, tập trung hơn, mở mang lại nghề muối ở một vùng ven biển trù phú này. Đó cũng là niềm tin, hy vọng và mơ ước của người làm muối ở nơi đang có những dự án phát triển và cơ hội làm ăn kinh tế ven biển này. Mong rằng dự án nêu trên sẽ trở thành hiện thực.

Sỹ Chân

16:20:51 12-04-2018

VHDN: Nghe mấy ông bạn có chút đức tin vào tâm linh nói: Ngành muối Việt Nam đang có ý kêu gọi Nhật Bản giúp đỡ ta xây dựng một trạm điều dưỡng khoảng 200 giường bệnh cho người dân làm muối  – Diêm dân, đặt địa điểm ở Tam Đồng, vùng đất ven biển […]

Đối tác của chúng tôi