Sự kiện - chuyên đề:

Hà Nam: Tạo môi trường đầu tư thông thoáng,minh bạch để thu hút và giữ chân doanh nghiệp

VHDN: Sau 21 năm tái lập, từ một tỉnh nghèo nhưng với ý chí quyết tâm, đoàn kết, sáng tạo, khai thác có hiệu quả tiềm năng – lợi thế, với bước đi phù hợp, Hà Nam đã bứt phá vươn lên trở thành một tỉnh phát triển năng động. Nhân dịp đón năm mới, Văn hóa Doanh nghiệp Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Nguyễn Đình Khang – UVTƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam xung quanh vấn đề này.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Nguyễn Đình Khang.

Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam Nguyễn Đình Khang.

Hà Nam là tỉnh có tiềm năng và lợi thế về vị trí chiến lược, về tài nguyên và nguồn nhân lực để phát triển nhanh và bền vững. Ông có thể giới thiệu một số nét về tỉnh  Hà Nam?

Ông Nguyễn Đình Khang: Hà Nam là tỉnh vùng Đồng bằng châu thổ Sông Hồng; nằm tiếp giáp với thủ đô Hà Nội và các tỉnh Nam Định, Ninh Bình, Hòa Bình, phía Đông có sông Hồng là ranh giới tự nhiên với tỉnh Hưng Yên và Thái Bình. Tỉnh Hà Nam có tiềm năng – lợi thế về vị trí chiến lược, về nguồn tài nguyên thiên nhiên và nguồn nhân lực. Nằm trên trục đường sắt Bắc – Nam, quốc lộ 1A, đường 21A, quốc lộ 38, tuyến đường mới Phủ Lý – Mỹ Lộc, đường nối hai cao tốc, cầu Thái Hà vượt sông Hồng, tuyến tránh thành phố Phủ Lý, thị trấn Hòa Mạc và các tuyến giao thông tỉnh lộ… giúp Hà Nam kết nối, giao thương kinh tế thuận lợi với các tỉnh Nam Định, Thái Bình và các tỉnh trong vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ… Hà Nam có nguồn tài nguyên khoáng sản đa dạng, phong phú với các dãy núi đá vôi có trữ lượng 7,4 tỷ mét khối nguyên liệu cho sản xuất xi măng, vôi, bột nhẹ, vật liệu xây dựng.

Sau 21 năm tái lập, từ một tỉnh nghèo nhưng với ý chí quyết tâm, đoàn kết, sáng tạo, khai thác có hiệu quả tiềm năng – lợi thế, với bước đi phù hợp, Hà Nam đã bứt phá vươn lên trở thành một tỉnh phát triển năng động. Kinh tế có bước tăng trưởng khá. Tổng sản phẩm trong tỉnh (GRDP) tăng bình quân 12% trên năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch mạnh theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp, xây dựng, thương mại và dịch vụ. Nông nghiệp phát triển khá toàn diện, nhiều dự án nông nghiệp công nghệ cao, mô hình tổ chức sản xuất, liên kết chuỗi giá trị được triển khai có hiệu quả. Ngành công nghiệp từng bước được tái cơ cấu theo hướng tăng tỉ trọng công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ trong tổng giá trị sản xuất công nghiệp.

Năm 2017, GRDP bình quân đầu người ước đạt 48,6 triệu đồng; Giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 78.613 tỉ đồng, tăng 14,3% so với năm 2016; Thu ngân sách ước đạt 6.150 tỉ đồng, tăng 31% so với năm 2016. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội ước đạt 29.400 tỉ đồng; tăng 25,1% so với năm 2016… Toàn tỉnh có 8 Khu công nghiệp tập trung được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận với diện tích 1.773 ha. Đến hết tháng 11 năm 2017, toàn tỉnh có 721 dự án đầu tư còn hiệu lực (trong đó có 201 dự án FDI) với vốn đăng ký 2.236 triệu USD và trên 93.000 tỉ đồng… Thương mại – dịch vụ có bước phát triển; nhiều công trình, dự án đã và đang được triển khai xây dựng như: Khu du lịch Tam Chúc, Bệnh viện Việt Đức (cơ sở 2), Bệnh viện Bạch Mai (cơ sở 2), Tổ hợp dịch vụ thương mại Vincom, Khách sạn 5 sao Mường Thanh, Khu Đại học Nam Cao… Đến năm 2020, Hà Nam phấn đấu trở thành Trung tâm dịch vụ chất lượng cao cấp vùng về y tế, giáo dục – đào tạo và dịch vụ – thương mại.

Hà Nam đã làm gì để thu hút, giữ chân các doanh nghiệp, nhà đầu tư kinh doanh và phát triển?

Ông Nguyễn Đình Khang: Năm 2017, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tiếp tục chỉ đạo các cấp, các ngành trong tỉnh triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Chính phủ về phát triển doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh. Triển khai điều chỉnh quy hoạch các Khu công nghiệp tỉnh và điều chỉnh quy hoạch phát triển công nghiệp, thương mại-dịch vụ; Đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, đầu tư hạ tầng khu công nghiệp, cụm công nghiệp: Đồng Văn II mở rộng, Đồng Văn III, Đồng Văn IV, khu công nghiệp Hòa Mạc, Châu Sơn, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư. Tập trung kêu gọi đầu tư cảng ICD, Khu công nghiệp Thái Hà. Coi trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, chế biến, chế tạo, tiết kiệm tài nguyên và nhân lực. Đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính. Theo công bố năm 2017, chỉ số cải cách hành chính  Hà Nam đứng thứ 23/63 toàn quốc, tăng 28 bậc; Tập trung chỉ đạo vận hành hiệu quả Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh và các huyện; Tạo môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, minh bạch để thu hút đầu tư, giữ chân doanh nghiệp. Thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” trong giải quyết thủ tục hành chính về lĩnh vực thành lập doanh nghiệp, thuế, hải quan, đất đai, khoáng sản và nhiều lĩnh vực khác. Lãnh đạo tỉnh tăng cường gặp gỡ, đối thoại, nắm tình hình, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp, thực hiện nghiêm 10 cam kết của tỉnh với các nhà đầu tư.

Hà Nam luôn mở rộng cửa mời gọi các nhà đầu tư, doanh nghiệp trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư, tỉnh luôn quan tâm ưu tiên cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc, các nước Châu Âu, Bắc Mỹ, các doanh nghiệp nông nghiệp công nghệ cao, các nhà đầu tư trong nước đem lại hiệu quả kinh tế cao, tiết kiệm tài nguyên, nguồn nhân lực và thân thiện với môi trường.

Trân trọng cảm ơn ông !

Vũ Nguyên Đán

10:44:34 22-01-2018

VHDN: Sau 21 năm tái lập, từ một tỉnh nghèo nhưng với ý chí quyết tâm, đoàn kết, sáng tạo, khai thác có hiệu quả tiềm năng – lợi thế, với bước đi phù hợp, Hà Nam đã bứt phá vươn lên trở thành một tỉnh phát triển năng động. Nhân dịp đón năm mới, […]

Đối tác của chúng tôi