Sự kiện - chuyên đề:

Lan tỏa công nghệ 4.0 vào quản lý, điều hành doanh nghiệp

VHDN: Đó là tiêu đề Hội thảo do Chi nhánh VCCI Nghệ An phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An và Microsoft Việt Nam tổ chức mới đây tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An.

Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Vĩnh Trường- Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp (Sở KH&ĐT tỉnh Nghệ An) cho biết, Nghệ An hiện có gần 13.000 doanh nghiệp đang hoạt động, việc doanh nghiệp quan tâm đầu tư, ứng dụng những công nghệ mới, đặc biệt là công nghệ cốt lõi của công nghiệp 4.0 vào điều hành và quản lý doanh nghiệp là chưa nhiều. Cuộc Cách mạng Công nghiệp (CMCN) 4.0 đã và đang diễn ra ở mọi lĩnh vực, mọi nơi và đang tạo ra sự đột phá cho doanh nghiệp. Vậy nên, doanh nghiệp Nghệ An cần chủ động hơn nữa nắm bắt cơ hội, nếu không sẽ bị tụt hậu trong hội nhập quốc tế.


Ông Hoàng Vĩnh Trường- GĐ Trung tâm hỗ trợ phát triển DN, Sở KH&ĐT phát biểu-Ảnh: Duy Hùng

Đại diện Chi nhánh VCCI Nghệ An, bà Nguyễn Hương Giang khẳng định, cuộc CMCN sẽ là cách ngắn nhất đưa nhân loại đi lên con đường hiện đại và thịnh vượng, tác động sâu rộng đến mọi mặt của đời sống kinh tế – xã hội tại các quốc gia, trong đó có cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. “Để doanh nghiệp tiếp cận với CMCN lần thứ tư này cần phải có sự hỗ trợ, tiếp sức từ phía chính quyền bằng những chính sách, lộ trình cụ thể nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp ứng dụng, đổi mới công nghệ, nâng cao năng lực cạnh và hội nhập quốc tế”, bà Giang nhấn mạnh.

Microsoft Việt Nam – người tiên phong

Với nhiều giải pháp mang tính đột phá và tiên phong trong định hướng công nghệ, là những diễn giả chính tại Hội thảo, các chuyên gia Microsoft đã cung cấp nhiều thông tin thú vị. Thuyết trình về vấn đề “Lan tỏa Công nghệ 4.0 qua các khái niệm tiếp cận số, nền tảng số và văn hóa số”, ông Đỗ Khắc Cương – Giám đốc phụ trách Khối Doanh nghiệp vừa và nhỏ, Microsoft Việt Nam cho biết, nếu cuộc CMCN 3.0 về máy tính và Internet đã thực sự thay đổi thế giới thì Cách mạng 4.0 lại là cuộc Cách mạng về Kỹ thuật số (Digital) mà những yếu tố cốt lõi của nó chính là: Trí tuệ nhân tạo (Artificial Intelligence), Vạn vật kết nối – Internet of Things (IoT) và Dữ liệu lớn (Big Data). Với các công cụ của Microsoft, “văn phòng” làm việc giờ đây nằm trọn trong chính chiếc điện thoại smart phone vừa lọt thỏm trong lòng bàn tay, và nhân viên sẽ không cần thiết phải có mặt tại văn phòng mới có thể xử lý được công việc của mình, tiết kiệm được thời gian đáng kể. Ngoài ra, các doanh nghiệp tham dự Hội thảo cũng được giới thiệu những giải pháp do các đối tác của Microsoft xây dựng và phát triển trên nền tảng công nghệ của Microsoft với mục đích giúp doanh nghiệp cải thiện quy trình làm việc số; phân tích và đánh giá các chỉ số kinh doanh thời gian thực và nâng cao hiệu suất bán hàng. Ông Bùi Đức Sơn – Chuyên gia của Microsoft đã phổ cập những ứng dụng tiện ích của Công nghệ 4.0 trong điều hành kinh doanh, con đường đi đến thành công trong Kỷ nguyên số.
Cuộc CMCN 4.0 tác động làm thay đổi mạnh mẽ thế giới – Ảnh: Minh họa

Nỗ lực từ chính quyền và sở, ngành: thành công và thách thức .Bà Cao Thị Tuyết Nhung – Đại diện Cục Thuế tỉnh Nghệ An đã cung cấp cho Hội thảo những thông tin cần thiết về tác động của CMCN 4.0 đối với ngành thuế. Bà cho biết, thực hiện chủ trương đẩy mạnh phát triển, ứng dụng CNTT và chủ động thích ứng với CMCN 4.0 là một trong những trọng tâm ưu tiên của ngành. Bộ Tài Chính, Tổng cục Thuế đã kịp thời ban hành nhiều chương trình, kế hoạch triển khai các chủ trương, định hướng của Chính phủ về CMCN lần thứ 4 trong lĩnh vực thuế. Hiệu quả to lớn của việc ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) trong công tác quản lý và cải cách TTHC thuế đã được ghi nhận, tiết kiệm chi phí cho người nộp thuế và cơ quan thuế, giảm tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người nộp thuế. Cụ thể: từ năm 2010, Cục Thuế đã triển khai dịch vụ khai và nộp thuế điện tử trên địa bàn tỉnh. Đến nay đã có hơn 10.000/13.000 doanh nghiệp đăng ký và thực hiện khai thuế, nộp thuế vào NSNN bằng hình thức này. Từ năm 2017, đã có 489 người nộp thuế được hoàn thuế điện tử. Bên cạnh đó, Cục Thuế đã triển khai diện rộng dịch vụ hóa đơn điện tử cho các doanh nghiệp, đơn vị trên địa bàn và đến nay, đã có 415 đơn vị, doanh nghiệp phát hành và sử dụng hóa đơn này. “Trong thời gian tới, Cục Thuế Nghệ An sẽ triển khai thực hiện các kế hoạch, giải pháp quản lý thuế trong điều kiện CMCN 4.0, ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực thuế theo tinh thần chỉ đạo của Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính”, bà Nhung cho biết thêm.
Doanh nhân Phạm Thị Hồng Thái- nguyên Chủ tịch Hội DN nhỏ& vừa Nghệ An trao đổi tại hội thảo

Việc tổ chức triển khai ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ và phương pháp quản lý Hải quan hiện đại vào hoạt động của Cục Hải quan Nghệ An đã và đang diễn ra mạnh mẽ, những nội hàm của CMCN 4.0 đã lan tỏa, thẩm thấu vào các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ của ngành Hải quan. Ông Trần Đình Sỹ – Phó Trưởng phòng Nghiệp vụ – Cục Hải quan Nghệ An cùng chung quan điểm cho rằng, mục tiêu phát triển dựa vào ứng dụng CNTT của ngành rất phù hợp với CMCN 4.0, đặc biệt việc thực hiện Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS do Chính phủ Nhật Bản tài trợ từ ngày 1/4/2014 đã mang lại nhiều lợi ích to lớn cho cộng đồng doanh nghiệp, nhất là tạo thuận lợi trong khai báo, thông quan hàng hóa, qua đó giúp giảm thời gian, chi phí cho doanh nghiệp… Tuy nhiên, ông thừa nhận một thực tế là việc hạn chế nguồn lực tài chính; hạ tầng CNTT phía doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp kinh doanh kho, bãi, cảng chưa chú trọng đầu tư ngang tầm phát triển; mức độ am hiểu pháp luật, khả năng ứng dụng công nghệ của nhân viên làm thủ tục XNK còn nhiều hạn chế; dịch vụ Logistics trên địa bàn chưa phát triển; địa bàn hoạt động của Cục Hải quan Nghệ An rộng, hạ tầng CNTT nhiều nơi chưa ổn định nên việc thực hiện các TTHC, dịch vụ công trực tuyến gặp không ít khó khăn.

Với cách tiếp cận đa chiều, các đại biểu là doanh nghiệp tham dự cũng đã có nhiều ý kiến đóng góp, phản biện quý báu, nêu bật được những cơ hội cũng như thách thức và khó khăn trong quá trình hội nhập, tiếp cận và ứng dụng CMCN cũng như Công nghệ 4.0 vào quản lý và điều hành doanh nghiệp trong thực tiễn của đại phương.

Đề xuất, kiến nghị và giải pháp

Bế mạc Hội thảo, ông Phan Duy Hùng- Phụ trách công tác Truyền thông và Đối ngoại VCCI Nghệ An đánh giá cao những ý kiến và tham luận của các đại biểu, đặc biệt là các chuyên gia Microsoft đã đem đến cho Hội thảo nhiều thông tin có giá trị, những kiến thức thực tiễn và các ứng dụng của Microsoft về Công nghệ 4.0. Về giải pháp, ông cho rằng, ngoài việc các doanh nghiệp Nghệ An phải tự đổi mới công nghệ, cập nhật kiến thức CNTT, tích hợp các nội dung của cuộc CMCN 4.0 để chuẩn bị một lực lượng nhân sự có chất lượng cao trong tương lai gần thì lãnh đạo tỉnh và các sở, ban ngành trong tỉnh cũng cần nâng cao nhận thức về cuộc Cách mạng; địa phương cần quan tâm hơn nữa cộng đồng doanh nghiệp để có các động thái kịp thời đáp ứng các yêu cầu cấp bách của doanh nghiệp về cuộc Cách mạng trong phát triển doanh nghiệp.

Đặc biệt chính quyền cần có tầm nhìn chiến lược về phát triển công nghệ cũng như các lộ trình cụ thể, cơ chế, chính sách phù hợp khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp tại địa phương nói chung và các ngành công nghiệp, doanh nghiệp nổi trội có ứng dụng, đổi mới công nghệ nói riêng.

HÙNG PHAN

Chia sẻ
10:14:50 09-11-2018

VHDN: Đó là tiêu đề Hội thảo do Chi nhánh VCCI Nghệ An phối hợp với Trung tâm Hỗ trợ phát triển doanh nghiệp tỉnh Nghệ An và Microsoft Việt Nam tổ chức mới đây tại TP. Vinh, tỉnh Nghệ An. Phát biểu tại Hội thảo, ông Hoàng Vĩnh Trường- Giám đốc Trung tâm Hỗ […]

Chia sẻ

Đối tác của chúng tôi