Sự kiện - chuyên đề:

Lãnh đạo tỉnh Bình Định nói gì vụ hơn 4ha rừng trồng phòng hộ bị khai thác trái phép?

Ngày 6/10, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết, đã chỉ đạo điều tra xử lý vụ hơn 4ha rừng trồng phòng hộ bị khai thác trái phép tại xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ mà Báo Công lý đã phản ánh trước đó.

Đối với vụ việc phá, khai thác trái phép tại tiểu khu 119, xã Mỹ Châu, do Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ ký hợp đồng giao khoán bảo vệ rừng trồng phòng hộ với ông Nguyễn Thái Học (ở xã Mỹ Châu) trên diện tích 4,92ha, ông Nguyễn Tuấn Thanh cho hay, khu vực này trước đây là rừng phòng hộ do Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ quản lý và giao khoán cho hộ dân để bảo vệ.

Trên thực địa là rừng thưa, hộ dân được giao khoán đã tự cắt và bán đi, nhưng theo quản lý rừng phòng hộ muốn khai thác phải xin ý kiến, có kế hoạch, hồ sơ, khai thác gỗ xong phải đấu giá… mới đúng quy định.

pct-tt-thong-tin-binh-dinh-1.jpeg

Phó Chủ tịch Thường trực tỉnh Bình Định – Nguyễn Tuấn Thanh yêu cầu xử lý đúng quy định pháp luật các vụ phá rừng trái phép.

Sau khi khai thác, hộ giao khoán đã trồng lại rừng, cây keo được 3 năm tuổi và sinh trưởng tốt, nếu xét về phòng hộ thì tốt hơn trước rất nhiều. Tuy nhiên, theo ông Thanh đây là cái sai trong chuyện quản lý, chúng tôi đã chỉ đạo xác định thiệt hại và kiểm điểm trách nhiệm của Ban quản lý rừng phòng hộ, chủ rừng giao khoán. Huyện đã chỉ đạo các lực lượng chức năng điều tra, đánh giá để xử lý.

“Quan điểm của tỉnh là điều tra, xử lý nghiêm theo đúng quy định pháp luật, làm rõ trách nhiệm các cơ quan, cá nhân có liên quan, sai đâu xử lý đến đấy”, ông Thanh nói.

Ông Trần Văn Phúc – Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bình Định cho biết, Chi cục Kiểm lâm tỉnh vừa tổ chức kiểm điểm trách nhiệm đối với ông Trần Ngọc Hưng – Kiểm lâm thuộc Hạt kiểm lâm huyện Phù Mỹ, phụ trách địa bàn xã Mỹ Châu. Ông Hưng bị kiểm điểm phê bình nghiêm khắc và sẽ chịu hình thức kỷ luật tương xứng theo kết luận điều tra, xử lý của cơ quan chức năng.

Theo ông Phúc, trong quá trình xác minh đơn của công dân, bước đầu Chi cục kiểm lâm đã xác định ông Trần Ngọc Hưng là Kiểm lâm phụ trách địa bàn xã Mỹ Châu. Tại địa bàn mình phụ trách, ông Nguyễn Thái Học khai thác trắng, phát dọn thực bì và trồng lại rừng phòng hộ trên diện tích 4,92ha, nhưng ông Hưng không phát hiện để báo cáo UBND xã Mỹ Châu và Hạt Kiểm lâm Phù Mỹ xử lý, là chưa làm hết trách nhiệm được giao.

Trong khi đó, cũng tại tiểu khu 119, xã Mỹ Châu, khu vực Ban Quản lý rừng phòng hộ huyện Phù Mỹ giao khoán quản lý bảo vệ rừng trồng phòng hộ đối với ông Hồ Quang Thanh, tổng diện tích rừng bị khai thác trái phép, thiệt hại là 1,58ha tổng giá trị thiệt hại hơn 205 triệu đồng.

Riêng vụ việc tại xã Mỹ Lộc diện tích rừng bị khai thác có nguồn gốc từ năm 2013-2015, khi đấy người dân thấy đất trống nên vào xâm chiếm, trồng keo nhưng đây là đất quy hoạch rừng phòng hộ. Năm 2016, tỉnh Bình Định tăng cường việc quản lý rừng phòng hộ, thì phát hiện ra khu vực này bị người dân xâm chiếm và trồng cây.

UBND xã Mỹ Lộc ra thông báo tìm người trồng để giải quyết nhưng không có ai đứng ra nhận. Sau đó, huyện Phù Mỹ chỉ đạo Ban quản lý rừng phòng hộ, chính quyền xã phá bỏ diện tích trồng trái phép này.

Hiện nay, phần diện tích bị phá bỏ chồi nứt lên thành rừng thì những hộ dân trồng trước kia, đã tự ý vào khai thác thì bị phát hiện. “Việc khai thác rừng phòng hộ như thế là sai quy định, tỉnh giao cho UBND huyện chỉ đạo kiểm lâm, công an, các cơ quan tư pháp vào cuộc điều tra, xử lý nghiêm theo quy định”, ông Tuấn Thanh nói.

pct-tt-thong-tin-binh-dinh-2(1).jpg

Gốc cây còn lại tại tiểu khu 119 xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ.

Cũng theo ông Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Định, qua kiểm tra diện tích rừng phòng hộ này chưa được giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ. “Như vậy việc quản lý rừng phòng hộ lỏng lẻo. Đề nghị huyện phải sớm hoàn thành hồ sơ gửi tỉnh, đề nghị giao cho Ban quản lý rừng phòng hộ và giao khoán trực tiếp cho người dân chăm sóc, bảo vệ”, ông Tuấn Thanh yêu cầu.

Theo tìm hiểu PV, tại Khoảnh 3 Tiểu khu 119 xã Mỹ Châu, năm 2008 và 2012 hộ nhận khoán đã khai thác theo hồ sơ thiết kế lần lượt là 0,6ha và 0,97ha.

Như vậy cho thấy mặc dù biết trước khi thai thác phải có hồ sơ thiết kế và các thủ tục liên quan đầy đủ mới được phép khai thác rừng phòng hộ tại khu vực này. Tuy nhiên, lần này dù không có hồ sơ thiết kế nhưng hộ được giao khoán vẫn ngang nhiên đem phương tiện máy móc vào khai thác trắng cho thấy sự coi thường pháp luật của đối tượng.

Nguồn: Báo Công lý

14:34:07 07-10-2023

Ngày 6/10, ông Nguyễn Tuấn Thanh, Phó Chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định cho biết, đã chỉ đạo điều tra xử lý vụ hơn 4ha rừng trồng phòng hộ bị khai thác trái phép tại xã Mỹ Châu, huyện Phù Mỹ mà Báo Công lý đã phản ánh trước đó. Đối với vụ […]

Đối tác của chúng tôi