Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1: Từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ.

Từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ.

Tăng tuổi hưu từ năm 2021

Theo Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Doãn Mậu Diệp, cơ quan soạn thảo Bộ luật Lao động sửa đổi cho biết, từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu sẽ được điều chỉnh theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi hưu.

Trên cơ sở 2 phương án đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu của cơ quan soạn thảo, Chính phủ đề xuất lựa chọn phương án 1: Từ 1/1/2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ.

Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Như vậy, đến năm 2028 thì nam đạt 62 tuổi và đến năm 2035 thì nữ đạt tuổi nghỉ hưu là 60 (sau 8 năm với nam và sau 10 năm với nữ).

Như vậy, so với phương án còn lại, Chính phủ đã lựa chọn phương án triển khai lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu chậm 5 năm. Lộ trình tăng tuổi hưu sẽ kéo dài 15 năm.

Theo Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp, Chính phủ lựa chọn phương án này vì có ưu điểm hơn, phòng tránh cao hơn các rủi ro khi điều chỉnh tuổi đối với thị trường lao động, tránh gây sốc thị trường lao động, giữ được ổn định xã hội và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Còn nhiều băn khoăn

Tuy nhiên, nhiều đại diện các ban, bộ ngành vẫn bày tỏ nỗi băn khoăn với các phương án tăng tuổi nghỉ hưu. Đại biểu Ngọ Duy Hiểu, Phó chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam – cho rằng thực tế tuổi người lao động càng già đi thì năng suất lao động càng giảm sút, người lao động cũng không mấy mặn mà với việc làm việc ở giai đoạn về cuối thời gian lao động.

“Chúng tôi rất băn khoăn với quy định tăng tuổi nghỉ hưu. Ở nhiều ngành nghề, tuổi tác có ảnh hưởng rất lớn tới khả năng, nhiệt huyết với công việc. Chúng tôi đã gặp nhiều giáo viên mầm non, khi hỏi về chuyện tăng tuổi hưu thì họ nói rằng giáo viên mầm non mới 40 tuổi mà múa hát cho các bé còn không nổi nữa thì 50-60 lấy sức đâu nữa mà nhảy, mà hát?”, ông Hiển nói.

Có cùng quan điểm, ông Nguyễn Hồng Chiến, Trưởng ban Tuyên giáo, Công đoàn Dệt May Việt Nam cũng cho biết không đồng tình với phương án tăng tuổi nghỉ hưu trong Dự thảo đối với lao động ngành dệt may.

“Tăng tuổi nghỉ hưu đồng nghĩa với lao động ngành dệt may phải kéo dài thời gian công tác. Trong khi đó, đặc thù công việc của ngành là phải dùng chân, tay, mắt rất nhiều, đến tầm 40-45 tuổi, lao động mắt đã mờ, chân tay chậm, sức khỏe không đảm bảo để đáp ứng được yêu cầu của công việc. Kéo dài tuổi nghỉ hưu đối với lao động ngành dệt may là không phù hợp”, ông Chiến nói.

Do đó, đại biểu đề nghị cần nghiên cứu, cân nhắc lại rất kỹ quy định này trong dự thảo để đảm bảo phù hợp. Ông Chiến kiến nghị nên giữ nguyên quy định như hiện nay. Đối với lao động trong ngành làm việc tại những khâu nặng nhọc, độc hại sau 15 năm công tác thì vẫn có thể nghỉ hưu sớm, vẫn đảm bảo các chế độ cho họ.

Chính phủ quy định nội dung tăng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo theo 2 phương án trình Quốc hội xem xét, cho ý kiến.

Phương án 1: “Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 4 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với nam và 4 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi”.

Phương án 2: “Kể từ ngày 1-1-2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 4 tháng đối với nam và đủ 55 tuổi 6 tháng đối với nữ. Sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 4 tháng đối với nam và 6 tháng đối với nữ cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi”.

Theo enternews