Sự kiện - chuyên đề:

Mùa xuân hoa ban-ước vọng

VHDN: Xuân Tây Bắc có một vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp của mùa sinh sôi, của những ngày hội. Cùng với hoa đào đỏ nhạt, hoa mơ e ấp nơi ngõ bản, hoa ban trắng rừng cũng là lúc trai Mường, gái bản hẹn nhau bước vào những ngày hội hoa ban. Ngày đầu tiên của mùa xuân người Thái, cả người Tày, người Mường lặn lội trong những khu rừng mờ sương nhìn ngắm những bông hoa sáng rực như chuỗi ngọc.. Họ hái hoa cài lên tóc, hái hoa đem về biếu bố mẹ, biếu những người thân. Những cành hoa ban đẹp được đặt nơi trang trọng trong nhà. Hoa Ban được yêu quý bởi là hoa của tình yêu, của tuổi trẻ, của hạnh phúc và khát vọng ấm no thịnh vượng trong năm.

Múa hoa ban trong Lễ hội Tuần văn hóa du lịch Mường Lò.

Hội hái hoa ban của người Thái

Hồi tưởng lại những năm mười tám, đôi mươi, Nghệ nhân Lò Văn Biến, 78 tuổi ở bản Can Nà, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái không khỏi bồi hồi, tiếc nuối. Thế hệ các chàng trai, cô giá 8X, 9X dân tộc Thái, Tày, Mường ở Tây Bắc bây giờ không ai còn được “sống” trong những không gian lễ hội xưa mỗi khi xuân về.

Trong quan niệm lâu đời của người Thái: Hoa Ban, thứ hoa tượng trưng của vùng Tây Bắc không chỉ tượng trưng cho tình yêu mà còn là biểu tượng cho lòng hiếu thảo, tri ân những người đã có công dưỡng dục, sinh thành và trách nhiệm của muôn đời con cháu phải có trách nhiệm với ông bà, cha mẹ. Từ sáng sớm tinh mơ, các bản, các Mường Thái đã tưng bừng nhộn nhịp tiếng trống, tiếng chiêng, tiếng chân người vang động. Trong các ngôi nhà sàn, các gia đình bày cỗ, đồ xôi, chuẩn bị rượu tiếp khách. Các cụ già và lớp trung niên hồng hào trong men rượu và ánh lửa, ngồi trò chuyện về mùa màng, thời tiết. Các chàng trai, cô gái đổ ra các cánh rừng trắng ngát hoa ban hay các triền sông, ngọn suối. Họ chọn những cành hoa ban đẹp nhất vùa hé nụ, để tặng mẹ cha và tặng người yêu.

Nghệ nhân Biến tâm sự, ông vẫn còn nhớ như in những gì trong lễ hội bởi vì thời xưa không có điện thoại, ti vi, xe máy, không bị tác động của xã hội bên ngoài, dân bản chỉ biết đi làm lên nương, lên dãy cả ngày và chỉ mong đầu năm được gặp nhau trong mùa lễ hội, nên lễ hội thời đó vui lắm, các chàng trai cô gái háo hức lắm có khi cả tháng trước lễ hội không ai ngủ được, cả đêm các chàng trai làm sáo, đẽo còn, các cô gái ngồi thêu váy làm quả còn để mặc để chơi trong lễ hội.

Nghệ nhân Biến kể, ngày xưa các lễ hội không biến tấu rút gọn như bây giờ. Ngày thứ nhất của Lễ hội Hoa ban là lễ hiến sinh (cúng thần). Đám rước xuất phát từ nhà của già bản để đến ngôi đình làng. Đi đầu là các cụ già trong trang phục tế lễ, gồm có: cờ, lọng, chiêng, trống… đi kèm. Tiếp đó đến dân bản trong những bộ quần áo lễ hội đủ màu thành kính bước theo sau. Lớp trai gái thanh niên đi tốp cuối cùng; những chàng trai mặc áo đỏ viền xanh, quần vàng, đội nón chóp sơn dầu, chân quần cuốn xà cạp đen, lưng đeo gươm hoặc vác giáo trên vai, dắt một chú trâu mộng để hiến sinh trong lễ tế thần. Chú trâu béo tròn được tắm rửa sạch sẽ, da căng bóng, đôi sừng được quấn giấy màu lấp lánh, trên trán và hai mông trâu được dán những bông hoa ban cắt bằng giấy trắng.

Lễ tế thần diễn ra trên bãi đất rộng trước đình làng. Chủ lễ là một vị Đảm già (thầy mo) sau khi khấn vái thần linh phù hộ cho bản mường có một năm mới hạnh phúc, bình yên, chú trâu mộng được dắt ra bãi cỏ. Người ta mổ thịt, làm tiệc cả bản cùng ăn.

Nghệ nhân Biến kể còn kể, Các buổi tối trong những ngày lễ hội là thời gian cho các cuộc vui xòe và hát dân ca. Nhưng đối với thanh niên nam nữ thì đêm hội cuối cùng, dành riêng cho các đôi nam nữ tự tình với nhau. Dưới ánh trăng non, hoa ban trắng bạc ánh lên một màu tinh khiết giữa màu xanh đậm đặc của núi rừng, các cô gái Thái trong chiếc áo cỏm bó gọn làm nổi bật thân thể mềm mại, trẻ trung lấp lánh hàng khuy bạc tuyệt vời mải mê hát giao duyên cùng những chàng trai. Những bài hát dân ca, cùng điệu xòe, múa nón, múa quạt, múa khăn…

Trong đêm hội lễ ngày thứ ba là đêm cuối của lễ hội vẫn còn được vui bất tận. Bên những dòng sông, những con thuyền độc mộc chở những lứa đôi trôi giữa tiếng sáo trúc và những câu dân ca Thái mênh mang. Các đôi uyên ương tặng nhau những tấm vải gối thêu công phu, những chiếc vòng đeo tay bằng bạc hay những chai rượu nếp đậm đà hương vị núi rừng.

Chuyện tình mùa xuân

Sau lễ hội, từng tốp nam nữ kéo vào hang trên núi để hò hẹn. Ở Tây Bắc có một quần thể hang động như: Thẩm Han, Thẩm Thoóng, Thẩm Bu… Nhưng Thẩm Lé vẫn được coi là hang động đẹp nhất. Sự kỳ thú của hang đến mức độ nào thì xin dành cho những chuyến hành hương du xuân của mọi người. Chỉ biết bà con các dân tộc nơi đây yêu quý hoa ban, đến với hoa ban và không bao giờ quên vào hang Thẩm Lé.

Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng ở thôn Đêu 2, xã Nghĩa An, thị xã Nghĩa Lộ, Yên Bái, 75 tuổi, kể: Thời còn trẻ bà cũng cùng trai làng, gái bản vào hang Thẩm Lé, ở đó, bà cũng có tình yêu đẹp, tuy không dẫn đến kết hôn nhưng bà vẫn nhớ mãi. Bà vẫn còn cảm giác khi đôi chân với bó đuốc trên tay, bước đi dò dẫm quanh co trong động ngắm nhìn những nhũ đá buông xuống với đủ hình thù và bất chợt những giọt nước trong veo từ trên cao rớt xuống cổ, xuống vai thì ai nấy đều cảm thấy mát rượi, tâm hồn nhẹ bẫng như trong mộng ảo. Ra khỏi hang, ngồi nghỉ trên thảm cỏ, họ nhìn nhau sung sướng hả hê. Các chàng trai, cô gái lại kể cho nhau nghe chuyện tình nàng Ban và chàng Khun, câu chuyện oan khiên, đau khổ nhưng đẹp đẽ từ một thuở xa xưa. Chuyện gắn với rừng ban tinh khiết quanh Thẩm Lé hùng vĩ này.

Câu chuyện này Nghệ nhân Xiêng vẫn hay kể cho con cháu mỗi khi xuân về bởi theo bà đó là kỷ niệm bà không muốn quên đi và cũng muốn con cháu biết đến.

Chuyện kể rằng: Ở một bản rất xa, tận dòng Nậm Na có chàng Khun và nàng Ban yêu nhau da diết. Chàng có sức khỏe, có tài săn bắn, lại giỏi làm nương, thổi khèn. Nàng xinh tươi khéo dệt vải và lại múa hát hay. Tình yêu của họ sáng như gương soi, đẹp tựa trăng rằm, nhưng cha mẹ nàng Ban tham giàu đã đem người con gái xinh đẹp của mình gả cho người con trai nhà Tạo vốn vừa lười vừa xấu. Nàng Ban nhiều lần van xin nhưng cha mẹ vẫn nhận đồ cưới nhà Tạo. Trước ngày cưới, nàng Ban tìm đến chàng Khun, nhưng chàng đã đi săn mãi tận rừng sâu núi thẳm. Chẳng còn cách nào khác, nàng Ban buộc chiếc khăn piêu của mình ở cầu thang nhà người yêu rồi chạy tìm chàng. Vừa đi, nàng vừa gọi : “Ải Khun ơi! Ải Khun ơi”. Tiếng nàng vang vọng vách núi truyền theo hướng chàng đi. Nhưng hỡi ôi, làm sao đến được với chàng vì chàng ở quá xa. Nàng Ban không chịu dừng lại, nàng mải miết lao vào rừng sâu. Nàng chạy tìm chàng đến khi đôi chân sưng tấy, giọng nàng khản đặc. Đến một đỉnh núi cao, gió lồng lộng thổi, nàng Ban đuối sức mới từ từ gục xuống. Ở nơi nàng ngã mọc lên một cây hoa trắng muốt như khuôn mặt nàng, như búp tay nàng, như thân thể nàng.

Chàng Khun trở về nhà, thấy khăn piêu của nàng biết có chuyện chẳng lành, chàng bổ đi tìm. Đi mãi, đi mãi mà chàng vẫn không thấy người yêu đâu. Mỗi bước chân của chàng đi thật kỳ lạ lại mọc lên một cây hoa trắng muốt như cây hoa trên đỉnh núi cô đơn kia. Cứ thế chàng Khun đi hết sông Nậm Na, qua Mường Tấc đến đỉnh dốc Bồ Hòn thuộc đất Mường Lò. Lúc này sức chàng đã kiệt, tay chân chàng chảy máu. Chàng cố lết quanh chân núi Thẩm Lé, yếu ớt gọi nàng Ban. Cuối cùng chang Khun dừng lại trước cửa hang, chàng nằm xuống. Hồn phách của chàng bay vút lên cao biến thành con chim hót lẻ bạn suốt mùa hoa nở. Chim đó gọi là “Nộc Khun”. Còn quanh Thẩm Lé bao nhiêu bước chân của chàng là bấy nhiêu cây hoa nở. Hoa đó là hoa Ban, nhưng có điều đài và nhụy đỏ hơn hoa ban nơi khác.

Hoa ban nở khắp cánh rừng Tây Bắc.

Nghệ nhân Điêu Thị Xiêng tâm sự, Hội xuân hang Thẩm Lé, ngắm hoa nghe chim hót phải chăng lúc đầu xuất phát từ câu chuyện tình trên. Chưa một ai dám khẳng định nhưng từ đó qua bao thế hệ, qua bao thăng trầm biến đổi của thiên nhiên, cộng đồng người Thái, người Mường, người Tày xưa ở Tây Bắc luôn mong muốn được đi hội hái hoa, chơi hang Thẩm Lé vào những ngày xuân. Nhiều trai làng, gái bản xưa đã trở nên đôi bạn tình, trăm năm chung thủy như :“Hoa ban nở, hoa ban tàn/Tình ta đẹp như hoa ban/Còn dài lâu như hoa nào/Hỡi người ta yêu ?”…

Trong dòng chảy thời gian và nhịp sống thời đại, những lễ hội xưa của đồng bào các dân tộc Tây Bắc đã mất dần. Các chàng trai, cô gái không còn háo hức đi trảy Hội Hoa Ban, hội chơi xuân hang Thẩm Lé nữa. Những nghệ nhân già như ông Biến, bà Xiêng cũng không còn nhiều, lễ hội mùa xuân chỉ còn sống trong ký ức và những đêm dài trăn trở họ lại ngồi viết sách kể lại những văn hóa, tập tục, lễ hội tốt đẹp xưa của cha ông, mong muốn một ngày nào đó, một thời gian nào đó chính quyền các địa phương ở Tây Bắc sẽ khôi phục lại các lễ hội, tuy nằm trong sách vở và phục dựng trên sân khấu nhưng những di sản ông cha để lại sẽ không mất đi. Mỗi khi mùa xuân về hoa ban lại nở trắng rừng, tình yêu lại nảy nở, trai gái lại thành đôi và lòng hiếu thảo, tri ân những người đã có công dưỡng dục, sinh thành và trách nhiệm của muôn đời con cháu với ông bà, cha mẹ. Đây cũng là giải pháp giữ gìn bảo tồn và phát huy về những giá truyền thống văn hóa của các dân tộc Tây Bắc.

Nguyễn Nhật Thanh

22:03:15 09-03-2019

VHDN: Xuân Tây Bắc có một vẻ đẹp riêng, vẻ đẹp của mùa sinh sôi, của những ngày hội. Cùng với hoa đào đỏ nhạt, hoa mơ e ấp nơi ngõ bản, hoa ban trắng rừng cũng là lúc trai Mường, gái bản hẹn nhau bước vào những ngày hội hoa ban. Ngày đầu tiên […]

Đối tác của chúng tôi