Sự kiện - chuyên đề:

Tản văn: Thiêng liêng đêm trầm hương

VHDN: Có sự nhầm lẫn đáng yêu chăng, mà nếu nhầm, cũng không cần sửa sai hay đính chính, có người gọi đêm cuối năm là đêm giao thừa, cũng có người gọi là đêm trừ tịch.

Thực ra, giao thừa là thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, thời khắc cực kỳ thiêng liêng, trời đất giao hòa, âm dương hợp quyện, vạn vật bừng lên sức sống tươi mới và mãnh liệt. Đêm trừ tịch là khoảng thời gian trước nửa đêm đến thời khắc giao thừa, là khoảng thời gian đặc biệt nhất của năm khi mọi nhà quây quần bên nhau chuẩn bị đón giao thừa, tiễn năm cũ và đón một năm mới đến với niềm tin về những điều tốt lành sẽ đến.

Được hưởng vẹn nguyên giờ phút thiêng liêng ấy với cảm giác của sự trầm mặc, u tịch, thanh tịnh, thánh thiện dưới bóng trầm hương quyện với tiếng chuông khuya mà rưng rức bồi hồi về một ngày mai gắn với bao trông mong và hy vọng.

Có người gọi đêm giao thừa là đêm trầm hương. Phải chăng mọi nhà đều dâng hương đốt trầm cúng trời cúng đất, tưởng nhớ ông bà tổ tiên mà thành ra tên vậy! (Theo phong tục của dân tộc Việt Nam từ cổ xưa, giao thừa nhà nhà đều cúng lễ ngoài trời và cúng lễ trong nhà vào thời điểm bắt đầu lúc 0 giờ 0 phút 0 giây ngày mồng 1 tháng Giêng. Một mâm cúng gia tiên tại bàn thờ ở trong nhà và một mâm cúng trời đất ở khoảng sân trước nhà).

Đêm trầm hương, có thể đó là cách gọi ước lệ của những tâm hồn nghệ sĩ, nhưng ngẫm ra đó là sự ước lệ gần gũi và chân thực. Trầm hương thì thơm thoảng nhưng vọng nhớ, nhẹ bay nhưng nặng lòng, bảng lảng nhưng lắng sâu.

Đêm giao thừa là đêm thơm thảo nhất của con cháu đối với tiền nhân, dẫu chẳng phải là ngày giỗ chạp, chỉ là vọng nhớ, biết ơn, là mong được gần gũi thân tình với người đã khuất, biểu hiện của lòng yêu thương và niềm tôn kính.

Đêm giao thừa thoang thoảng mùi trầm hương nhẹ bay, cái “mùi tết”, mùi sum họp đoàn viên không lẫn vào đâu được! Ai đi xa không về kịp nhà đón giao thừa, chỉ cần thoảng qua gió đâu đó mùi trầm hương đủ cảm thấy nặng lòng xót xa chực khóc.

Đứng trước bàn thờ gia tiên đêm giao thừa nhìn trầm hương bảng lảng nhưng lòng lại lắng sâu đến tận cùng trầm tích không gian thời gian, cõi linh thiêng hiện về mang tín hiệu của an yên phúc hạnh và tin yêu.

Có những cụ già mà trầm hương giao thừa đã nhuộm trắng tóc vẫn hồi hộp lắng lòng chờ đợi. Họ đã trải qua thời khắc mà ở đó, tiếng chuông chùa vọng buông những âm thanh siêu thoát, năm tháng bềnh bồng đang tìm bến đỗ, đêm sâu vô thường, gió khuya trăn trở, trời đất chuyển mình, cõi linh thiêng lay động và mình nhận ra mình đang tồn tại trên cõi đời này, để rồi tất cả tạo nên sự hoài niệm tĩnh lặng, gần mà xa, hư mà thực.

Tuổi trẻ có cách nhìn, cách hưởng thụ, cách đón giao thừa kỹ thuật hơn, số hóa đêm cuối năm bằng tín hiệu phát ra từ cuộc sống hiện đại. Cà phê phố, ly rượu mừng, nụ hôn muộn, tin nhắn yêu, lời chúc đã lập trình… và cả những cuộc rong đêm. Nhưng hãy nhìn sâu vào đôi mắt của họ, dễ dàng nhận ra bên trong lớp vỏ cách kiểu mới mẻ tưởng như vô tâm vô thức đó, vẫn là trái tim đang hòa nhịp cùng hơi thở của đất trời và mùi trầm hương thiêng liêng đêm giao thừa vẫn lan tỏa nồng thơm trong giấc mơ tuổi trẻ tràn đầy năng lượng và sự cống hiến.

Không thể phủ nhận cuộc sống số đã và đang làm phai nhạt những nét xưa vốn cổ nhưng đêm trầm hương giao thừa thiêng liêng vẫn mãi mãi trường tồn trong mỗi chúng ta khi trời đất còn tồn tại.

                                  Đêm trầm hương nhẹ lòng nhau

                           Tiếng chuông khuya vọng đêm sâu vô thường

                                  Thắp lòng một nén tâm hương

                           Thế nhân hữu hạnh thập phương thái hòa.

Nguyễn Bá Hòa

10:26:07 23-01-2018

VHDN: Có sự nhầm lẫn đáng yêu chăng, mà nếu nhầm, cũng không cần sửa sai hay đính chính, có người gọi đêm cuối năm là đêm giao thừa, cũng có người gọi là đêm trừ tịch. Thực ra, giao thừa là thời khắc chuyển giao năm cũ sang năm mới, thời khắc cực kỳ […]

Đối tác của chúng tôi