Sự kiện - chuyên đề:

Thực hiện Bảo hiểm xã hội thực tiễn từ cơ quan quản lý và doanh nghiệp

VHDN: Tình trạng trốn đóng BHXH vẫn diễn ra phổ biến nhưng các giải pháp khắc phục chưa đạt hiệu quả hữu hiệu. Một trong những nguyên nhân chính là sự thiếu ý thức và trách nhiệm xã hội của một số chủ doanh nghiệp, chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế trước mắt mà không quan tâm đến quyền lợi của người lao động. Bên cạnh đó, một số chính sách mới chưa được hướng dẫn kịp thời cũng đã gây không ít lúng túng trong việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH.

Tại Hội thảo “Đối thoại và cập nhật những chính sách mới của Luật BHXH năm 2018” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Chi nhánh Nghệ An phối hợp với Vụ BHXH – Bộ Lao động Thương binh và Xã hội tổ chức mới đây (31/8) tại TP Vinh, tỉnh Nghệ An, ông Nguyễn Duy Cường – Phó Vụ trưởng Vụ BHXH, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho biết: Tính đến đến thời điểm hiện tại, tổng số người tham gia BHXH trên cả nước là khoảng hơn 14 triệu, trong đó số người tham gia BHXH bắt buộc là gần 14 triệu và khoảng 250.000 người tham gia BHXH tự nguyện. Tỷ lệ tham gia BHXH đến hiện tại vẫn chỉ chiếm dưới 30% lực lượng lao động. Để đạt mục tiêu Nghị quyết số 21 của Bộ Chính trị đặt ra là đến năm 2020 phải bảo đảm 50% lực lượng lao động tham gia BHXH vẫn là một thách thức lớn. “Để mở rộng diện bao phủ BHXH, cần tính tới cả các giải pháp đồng bộ, toàn diện. Trong đó, cần tiếp tục sửa đổi pháp luật về BHXH theo hướng linh hoạt hơn nữa, tạo cơ hội cho mọi người dân khi hết tuổi lao động đều được hưởng lương hưu”, ông Nguyễn Duy Cường nhấn mạnh.

Các đơn vị chủ trì, phối hợp tại Hội thảo về BHXH ngày 31/8- Ảnh: Vương Duyên

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), Chi nhánh Nghệ An, số lượng doanh nghiệp mới được thành lập tại Nghệ An đều tăng hàng năm, năm 2017 tăng 1.777 doanh nghiệp, năm 2018 dự kiến còn tăng hơn nữa. Tuy nhiên, với gần 14,000 doanh nghiệp đang hoạt động, tổng số người tham gia BHXH tính đến hết năm 2017 là gần 240.000 người, chiếm tỷ lệ hơn 13% lực lượng lao động của tỉnh vẫn là một con số rất thấp. Sau hơn 2 năm triển khai thực hiện Luật BHXH 2014 (có hiệu lực từ ngày 1/1/2016), dù đã đạt được những kết quả nhất định nhưng việc thực hiện chính sách BHXH của doanh nghiệp trong thời gian qua đã gặp nhiều khó khăn và hạn chế: chính sách về BHXH có nhiều thay đổi, các quy định, văn bản pháp luật về BHXH còn thiếu tính đồng bộ, dẫn đến những vướng mắc trong việc giải quyết khiếu nại của người tham gia BHXH và cơ quan sử dụng lao động.

Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp tại Nghệ An gặp không ít khó khăn trong việc đóng BHXH cho người lao động. Theo ghi nhận của VCCI Nghệ An, ngoài việc một số chính sách BHXH, đặc biệt là BHXH tự nguyện chưa đủ sức hấp dẫn, không khiến người lao động mặn mà còn là bởi sự lúng túng trong quá trình triển khai thi hành luật. Việc duy trì một tỷ lệ cao trong đóng BHXH và các khoản đóng góp khác liên quan đến người lao động như hiện nay thực sự là “một gánh nặng” không hề nhỏ; không ít doanh nghiệp thu hẹp quy mô sản xuất, kinh doanh hoặc phải giải thể cũng ảnh hưởng tới việc thực hiện đóng BHXH theo quy định. Những năm gần đây, số doanh nghiệp thành lập mới tại Nghệ An, dù có tăng nhưng phần lớn là doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ, thậm chí siêu nhỏ nên sử dụng lao động ít, bấp bênh và đầy biến động.

Các doanh nghiệp, chủ sử dụng lao động phát biểu tại hội thảo- Ảnh: V.D

Theo ông Nguyễn Văn Thành, đại diện Công ty CP Xây dựng Đại Thành, Công ty hiện đang khá lúng túng trong việc nộp BHXH cho người lao động. “Do tính chất công việc, việc thuê công nhân là rất khó khăn và thất thường, chủ yếu theo mùa vụ, có khi từ 1 đến 3 tháng, có khi chỉ vài tuần là họ lại xin nghỉ việc hoặc sang làm việc khác trong khi Công ty cũng không có việc làm ổn định, thường xuyên”. Trong khi đó, bà Nguyễn Thị Nguyệt, đại diện Công ty TNHH Phú Lộc lại dẫn chứng những khó khăn của doanh nghiệp theo một khía cạnh khác. Theo bà, Công ty không phải là không muốn thực hiện các quy định về BHXH cho người lao động, nhưng có một số lao động đã có tuổi, có người trên 45, thậm chí gần 50 tuổi không hứng thú việc đóng BHXH mà yêu cầu trả hết vào lương cho họ, còn BHYT họ đã đóng ở gia đình. Vậy nên khi các cơ quan chức năng kiểm tra, chắc chắn Công ty sẽ vi phạm Luật BHXH, đặc biệt là những chính sách mới được áp dụng từ đầu năm 2018.

Ngoài việc ý thức tuân thủ pháp luật của không ít người sử dụng lao động còn chưa tốt, thì phải nói rằng, các cơ quan chức năng vẫn còn lúng túng, thiếu chế tài xử phạt nghiêm minh và tồn tại nhiều bất cập. Sự kết nối giữa các cơ quan chức năng, trong đó có BHXH tỉnh với VCCI và các Hiệp hội Doanh nghiệp tại địa phương trong việc phổ biến, tuyên truyền các chính sách về BHXH cho người sử dụng lao động còn chưa thực sự có hiệu quả. Ông Lê Viết Thức – Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh Nghệ An thừa nhận rằng, bên cạnh việc BHXH tỉnh đã thực hiện tốt chức năng thanh tra chuyên ngành tại các đơn vị vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT trên địa bàn nhằm phòng, chống các hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH và kiểm soát chi phí khám chữa bệnh BHYT gắn với việc đảm bảo quyền lợi của người tham gia,… thì công tác kê khai và thực hiện đóng BHXH cho người lao động; quản lý nguồn quỹ BHXH, BHYT và công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật BHXH, BHYT còn nhiều lúng túng. Để khắc phục những khó khăn này, trong thời gian tới ngành BHXH cần chủ động hơn nữa, tập trung thực hiện một số giải pháp như: Phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành, nhất là cơ quan quản lý Nhà nước để tiếp tục tăng cường, đẩy mạnh công tác tuyên truyền phổ biến chính sách pháp luật về BHXH, BHYT và quy định của Bộ luật Hình sự về tội danh trong lĩnh vực BHXH, BHYT, qua đó giúp cho doanh nghiệp hiểu rõ và thực hiện tốt các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT; tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, hiện đại hóa hệ thống quản lý BHXH, BHYT; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT tại các đơn vị sử dụng lao động. “VCCI Nghệ An cần phối hợp hơn nữa với BHXH tỉnh và các cơ quan liên quan tăng cường công tác tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thực hiện nghiêm chỉnh pháp luật, nâng cao trách nhiệm xã hội, trong đó chú trọng thực hiện nghiêm quy định của pháp luật BHXH, BHYT. Tổ chức nhiều hơn các diễn đàn hoặc đối thoại với doanh nghiệp, doanh nhân về chính sách BHXH, BHYT để kịp thời trao đổi, tuyên truyền và giải quyết các vướng mắc liên quan chính sách BHXH, BHYT, bảo hiểm thất nghiệp; phản ánh các khó khăn, vướng mắc và nguyện vọng chính đáng của doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách pháp luật BHXH để kịp thời xem xét giải quyết hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét”, ông Lê Viết Thức đề xuất.

Kể từ năm 2018, chính sách BHXH có nhiều điểm mới, như: mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, điều chỉnh chế độ hưu trí, xử lý hình sự chủ doanh nghiệp trốn đóng BHXH, quy định về tiền lương tháng đóng BHXH, người tham gia BHXH tự nguyện được Nhà nước hỗ trợ mức đóng, tăng mức trợ cấp thai sản. Đặc biệt là Nghị quyết 28-NQ/TW về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội đã được Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành ngày 23/5/2018. Nghị quyết này thể hiện rất nhiều điểm mới của chính sách BHXH có thể sẽ được thực hiện trong thời gian tới: Giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp cho người lao động; tăng quyền lợi nếu bảo lưu thời gian tham gia BHXH để hưởng chế độ hưu trí, giảm quyền lợi nếu hưởng bảo hiểm xã hội một lần. Từ năm 2021, mở rộng đối tượng tham gia BHXH là các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt.

Phan Hùng

19:30:20 12-09-2018

VHDN: Tình trạng trốn đóng BHXH vẫn diễn ra phổ biến nhưng các giải pháp khắc phục chưa đạt hiệu quả hữu hiệu. Một trong những nguyên nhân chính là sự thiếu ý thức và trách nhiệm xã hội của một số chủ doanh nghiệp, chỉ quan tâm đến lợi ích kinh tế trước mắt […]

Đối tác của chúng tôi