Sự kiện - chuyên đề:

Tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế và cơ cấu lại đội ngũ hưởng lương ngân sách cấp phó trong hệ thống chính trị ở nước ta

VHDN: Từ Đại hội VIII đến Đại hội XIII, trong Nghị quyết của Đảng đều chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, giảm cấp phó trong tổ chức hệ thống chính trị, đội ngũ hưởng lương ngân sách. Trên thực tế, hơn hai thập kỉ qua tổ chức bộ máy các cấp trong hệ thống chính trị vẫn cồng kềnh, nhiều chức năng, nhiệm vụ chồng chéo, đan xen. Hiệu lực, hiệu quả hoạt động từ Trung ương đến cơ sở còn không ít bất cập, yếu kém. Trong nhiều nguyên nhân có sự chi phối, ảnh hưởng đáng kể của người đứng đầu các cấp.

 

Người đứng đầu tổ chức là cá nhân, có vị trí cao nhất trong thứ bậc quyền lực mang tính pháp lí. Yêu cầu của thể chế đối với người đứng đầu là phải có sự vượt trội về năng lực, trí tuệ, uy tín, phẩm chất, đạo đức, tác phong, gương mẫu; đồng thời được hình thành bởi yếu tố nghĩa vụ, quyền lợi và trách nhiệm trước lịch sử, trước Nhân dân, trước tổ chức mình đứng đầu. Theo nguyên tắc của Đảng cầm quyền, người đứng đầu vừa là người lãnh đạo về mặt chính trị, vừa là người quản lí, điều hành bộ máy. Người đứng đầu phải là thành viên cấp uỷ đảng, giữ vai trò quản lí trong đơn vị hành chính và trong tổ chức chính trị – xã hội các cấp. Hai chức năng lãnh đạo và quản lí có quan hệ biện chứng, gắn bó chặt chẽ, toàn diện với nhau.

Ảnh minh họa.

Theo Tư tưởng Hồ Chí Minh, trong điều kiện Đảng cầm quyền chế độ làm việc tuân thủ nguyên tắc “tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách”, mở rộng dân chủ, bàn bạc, thảo luận, phát huy trí tuệ tập thể, đề ra chủ trương đúng, sáng tạo nhất; “Tập thể lãnh đạo và cá nhân phụ trách phải luôn luôn đi đôi với nhau”. Bác nhấn mạnh người đứng đầu phải “làm đầu tầu, phải gương mẫu, phải thực hiện tự phê bình và phê bình, làm gương cho mọi người”. Chính Bác là người đứng đầu vĩ đại nhất trong lịch sử Đảng, Nhà nước ta, tấm gương mẫu mực về đức tính khiêm tốn. Mấy tháng đầu sau khi giành được chính quyền, Người lãnh đạo, quản lí đất nước thắng to lớn nhưng rất khiêm nhường, Bác nói vô cùng thấm thía: “Chính phủ do tôi đứng đầu chưa làm được việc gì đáng kể cho dân…Tôi phải nói thật những thành công cũng là nhờ đồng bào cố gắng, khuyết điểm là lỗi do tôi”.

Về lãnh đạo và quản lí, người đứng đầu có thẩm quyền quyết định cao nhất, giữ vai trò chi phối giống như một “ông chủ” mà mọi người phải tuân theo. Quyết định của người đứng đầu là nhân tố tham gia vào quá trình hoạch định và thi hành các quyết sách chính trị nhằm đáp ứng nhiệm vụ ổn định, xây dựng và phát triển xã hội. Nếu người đứng đầu thiếu những phẩm chất cần có, không phát huy dân chủ, trí tuệ tập thể dễ hành động “quá hữu” hoặc “quả tả” dẫn đến hoặc là độc đoán, chuyên quyền, coi thường tập thể; hoặc là xuê xoa dựa dẫm vào tập thể, không quyết đoán, không dám chịu trách nhiệm.

Công cuộc đổi mới đạt nhiều thành tựu quan trọng nhưng cũng bộc lộ về thể chế chưa đồng bộ, pháp luật còn nhiều khoảng trống, khiến cho “một bộ phận không nhỏ” trong bộ máy cầm quyền lợi dụng, tha hoá. Có nhiều người đứng đầu tổ chức trong hệ thống chính trị bộc lộ cá nhân chủ nghĩa, lợi dụng quyền lực, bất chấp kỉ cương, “tự diễn biến, tự chuyển hoá”, vi phạm nguyên tắc lãnh đạo của Đảng, pháp luật Nhà nước, gục ngã thảm hại bởi lòng tham, vụ lợi trước sự cám dỗ của vật chất hoặc cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng. Tham nhũng, tiêu cực của người đứng đầu gây hệ lụy thường kéo theo cả một dây cấp dưới vi phạm theo, kìm hãm đất nước phát triển. Điểm danh trong mươi năm gần đây, không thể thống kê hết những người từ Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng, Thứ trưởng (các bộ Thông tin & Truyền thông, Y tế, Khoa học & Công nghệ, Ngoại giao, Công Thương…), Bí thư, Chủ tịch UBND hàng loạt tỉnh, thành phố (Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Lào Cai, Thái Nguyên, Hải Dương, Quảng Ninh, Bắc Ninh, Thanh Hoá, Đồng Nai, Bình Thuận, Phú Yên, Khánh Hoà, Bình Dương,v.v…), nhiều tướng lĩnh Quân đội, Công an. Có người đứng đầu man khai hồ sơ để được phong tặng Danh hiệu Anh hùng Lao động (cựu Bí thư Tỉnh uỷ Thừa Thiên Huế). Nhiều người đứng đầu tạo dựng doanh nghiệp sân sau, tạo lợi thế cho vợ, con, người thân trục lợi. Vậy mà, có người đứng đầu còn lớn tiểng: “Gia đình tôi, vợ, các con tôi không tư lợi, tham nhũng…” .

Trong hệ thống chính trị đang tồn tại một thực trạng là bộ máy cồng kềnh, nhiều trung gian, nhiều cấp phó. Thời kì 1981-1992, Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ) nhiệm kì 1982 – 1987 có tới 10 Phó Chủ tịch HĐBT (Phó Thủ tướng). Các nhiệm kì sau giảm dần. Tuy nhiên, các nhiệm kì 2007 – 2011 và 2012 – 2016 số Phó Thủ tướng lại tăng lên 5 người, Phó Chủ tịch Quốc hội cũng tăng lên 4. Hiện nay, Chính phủ và Quốc hội đều có 4 cấp phó. Trong số 22 bộ và một số cơ quan ngang bộ, thực hiện theo quy định có số Thứ trưởng bình quân khoảng 4,5 cấp phó. Có thời điểm hai bộ Quốc phòng, Công an có 8 – 9 Thứ trưởng. Nước ta có thời kì hơn 50 Tổng cục, nay còn hơn 30 Tổng cục, mỗi Tổng cục có 3 – 4 cấp phó. Ở 63 tỉnh, thành phố, hầu hết UBND có 4 phó Chủ tịch, (một số tỉnh như Bắc Kạn, Kon Tum, Đắk Nông, Bình Phước có 3 Phó Chủ tịch); Tp Hà Nội, Tp Hồ Chí Minh có 5 Phó Chủ tịch. Cả nước có khoảng 125 – 130 Thứ trưởng, cấp tỉnh có khoảng 250 Phó Chủ tịch UBND. Cấp cục, vụ ở Trung ương, cấp sở ở địa phương cũng thường có 3 – 4 cấp phó. Có thời kì chỉ tiêu cấp phó đã bố trí đủ ghế, người đứng đầu bổ nhiệm cấp hàm mặc dù luật không quy định (hàm vụ trưởng, cục trưởng, hàm phó cục trưởng, phó vụ trưởng). Các cơ quan của Đảng cũng nhiều cấp phó trong bộ máy từ Trung ương đến địa phương.

Nhiều cấp phó có mặt thuận lợi công việc, thay nhau đi họp, đi nước ngoài, thể hiện lãnh đạo tập thể hỗ trợ người đứng đầu. Tuy nhiên, đến thời điểm này khi trình độ cán bộ được nâng lên, công nghệ thông tin phát triển, phương tiện giao thông thuận lợi,v.v…thì nhiều cấp phó không còn phù hợp, thậm chí xảy ra sự đùn đẩy, dựa dẫm nhau, nhiều nơi mất đoàn kết, Nhà nước gia tăng đầu tư phương tiện (xe cộ, máy móc, phòng làm việc, người công vụ, chi phí tiền lương tốn kém), thậm chí hạn chế hiệu lực, hiệu quả lãnh đạo, quản lí, điều hành.

Có thể tham khảo và học tập mội số nước phát triển từ nhiều thập kỉ qua về tổ chức bộ máy tinh gọn, bố trí cấp phó, điển hình như Hoa Kỳ, Chính phủ chỉ có 15 bộ, Nhật Bản chỉ có 11 bộ, Hàn Quốc chỉ có 18 bộ. Cả ba siêu cường này mỗi bộ chỉ có một Thứ trưởng, Hàn Quốc có hai Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng 2 bộ (Bộ KH&ĐT và Bộ Giáo dục). Nước Nhật Bản không có Phó Thủ tướng. Cả Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc ở các bộ đều không có đơn vị hành chính là Tổng cục mà chỉ có các cục chức năng làm tham mưu chiến lược cho Chính phủ và người đứng đầu quốc gia….

Theo Tạp chí in VHDNVN tháng 12/2023
(Kim Quốc Hoa)

08:40:07 08-12-2023

VHDN: Từ Đại hội VIII đến Đại hội XIII, trong Nghị quyết của Đảng đều chủ trương tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, giảm cấp phó trong tổ chức hệ thống chính trị, đội ngũ hưởng lương ngân sách. Trên thực tế, hơn hai thập kỉ qua tổ chức bộ máy các cấp […]

Đối tác của chúng tôi